TCTM – Sẽ không có gì thay đổi nếu bạn vẫn tiếp tục theo cách làm cũ, thậm chí kết quả còn tệ hơn. Muốn tiên phong nhưng lại chờ “Đã có ai làm chưa?”
Không phải là câu chuyện của nước hoa, mà là câu chuyện về cái vỏ chứa nước hoa.
Những lọ nước hoa cổ xưa nhất được tìm thấy ở Ai Cập. Tuy nhiên, từ Ai Cập cổ đại tới Hy Lạp cổ đại, nước hoa đã đi một hành trình dài từ chất đốt, thuốc mỡ có mùi thơm cho tới một thứ dầu hỗn hợp sền sệt của các loại thảo dược. Và dù vậy, loại nước hoa cổ vẫn hoàn toàn khác xa với nước hoa ngày nay. Hành trình của những chiếc lọ đựng nước hoa cũng vậy.
Từ những chiếc hũ gốm đựng nước hoa thô sơ từ thời Ai Cập cổ đại, đến những chiếc lọ hoa gốm được có hoa văn bắt mắt hơn của vùng Đông Địa Trung Hải khoảng 599 đến 400 Trước Công Nguyên, và rồi những chiếc lọ thủy tinh ra đời nhằm mục đích dễ dàng sản xuất được càng nhiều càng tốt của nhà Baccarat đầu thế kỷ XIX. Có lẽ đây là một hành trình hợp lý?
Nhưng Réne Lalique – nhà kim hoàn đã đạt được thành công rực rỡ với những thiết kế trang sức tại các hãng kim hoàn nổi tiếng như Cartier, Boucheron lại không nghĩ như vậy. Cũng là chất liệu thủy tinh, cũng là để đựng thức nước thơm nhưng nhà kim hoàn nổi tiếng bậc nhất này sau cuộc gặp gỡ với Francois Coty – một nhà sản xuất nước hoa có tham vọng về marketing nước hoa qua “cái vỏ”, Réne Lalique đã xoay chuyển toàn bộ hướng đi sự nghiệp của mình.
Chuyển hướng tập trung của mình đối với trang sức sang đồ thủy tinh, ông đưa con mắt thẩm mỹ của một nhà chế tác trang sức vào việc sản xuất những lọ nước hoa và cho ra đời những chai nước hoa quý tộc, những lọ nước hoa xinh đẹp và đắt giá hơn nhiều so với trước đây.
Những mẫu thiết kế bằng thủy tinh không chứa chì mà sử dụng chất liệu bán pha lê mang màu trắng đục đã trở thành dấu hiệu nhận diện thương hiệu của Réne Lalique
Nếu không có những người như Réne Lalique, Francois Coty, có lẽ chúng ta sẽ không tưởng tượng được một bộ môn nghệ thuật với những tác phẩm gây choáng ngợp từ thị giác đến khứu giác và cả những bộ sưu tập tỷ đô như ngày nay.
Và đó chỉ là một câu chuyện mẫu cho những hướng đi điên rồ ngoài sức tưởng tượng. Nếu ai cũng thấy chiếc điện thoại bàn nghe gọi đủ tốt rồi thì ta sẽ không có Apple với những sản phẩm cảm ứng thông minh.
Và bạn có từng nghĩ rằng chúng ta thật sự cần một chiếc túi Sandwich Bag từ Louis Vuitton với giá gần 80 triệu đồng? Một thiết kế chẳng khác gì mẫu túi đựng đồ ăn nhanh nhưng lại được người người săn đón.
Trong lịch sử tiến hóa của loài người, những thứ mới thường tiềm ẩn hiểm nguy, thậm chí là liên quan đến vấn đề sống còn. Có thể nói, sâu trong bộ não con người luôn tồn tại nỗi sợ hãi ban đầu. Chúng ta sợ cái mới, chỉ cảm thấy an toàn với sự quen thuộc.
Không có gì đắt đỏ hơn việc bỏ lỡ cơ hội, ý tưởng sẽ mãi mãi chỉ là những giả thuyết trong tưởng tượng nếu chúng ta không thử sức với nó và tìm ra những giá trị thực. Cứ đinh ninh rằng “rừng vàng, biển bạc” nhưng không ai cầm dao đi phát rẫy, không ai dong thuyền ra biển khơi thì vàng bạc đều không tồn tại.
“Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi.” Ấy là Lỗ Tấn nói, còn Robert Frost viết: “Trong rừng có nhiều lối đi, và tôi chọn lối đi không có dấu chân người.”
Sự cố chấp của đám đông liệu có luôn đúng đắn?
“Phải đập vỡ quả trứng thì mới làm được món trứng tráng”. Thách thức những sợ hãi và yếu đuối, thành quả sẽ tốt đẹp hơn nhiều.
Một người đàn ông tên Shoji Morimoto, 37 tuổi, đã trở nên nổi tiếng tại Nhật Bản với tên gọi “The Man Who Does Nothing” – cung cấp dịch vụ không làm gì ngoài việc gặp gỡ những người lạ, cùng ăn uống hoặc cùng đi dạo, lắng nghe câu chuyện của họ hoặc chỉ đơn giản là bên cạnh khách hàng.
Nghe tưởng như vô lý khi Morimoto chỉ yêu cầu khách hàng chi trả cho chi phí di chuyển và ăn uống của anh trong thời gian gặp gỡ khách hàng, anh chỉ đơn giản là muốn không phải làm gì nhưng vẫn duy trì được cuộc sống. Nhưng thực tế là ý tưởng độc đáo của Morimoto đã nhanh chóng nổi tiếng và rất nhiều khách hàng của anh muốn trả thêm tiền cho dịch vụ “không làm gì” này.
Một ý tưởng điên rồ, một ý tưởng táo bạo, một ý tưởng nghe chừng bất khả thi – liệu bạn có dám trở thành người đầu tiên thực hiện?
Dám làm điều mới mẻ với những rủi ro cao hay mãi đứng trong vòng an toàn? Thách thức đầu tiên có lẽ là dám mạo hiểm, gia tăng “khẩu vị rủi ro” rồi mới là dám bắt tay vào làm những điều chưa ai làm.
Lưu Hiền Minh
Thông tin mới cập nhật