TCTM – Các chính sách đang tạo ra những hành lang mở cho nền kinh tế phát triển. Nhưng doanh nghiệp sẽ soi lại mình ra sao để đảm bảo đủ khả năng và an toàn trước khi “cho xe lên cao tốc”?
Trong quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam, Luật Doanh nghiệp 2005 ra đời là một dấu mốc đặc biệt quan trọng. Đó là vì hành lang pháp lý này đã cho phép tạo ra đột phá về cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn nhiều quy trình từng rất nhiêu khê khi doanh nghiệp muốn bước chân vào thương trường.
Những quy định ràng buộc trước đây bị dỡ bỏ như phải chứng minh vốn khi thành lập công ty, hợp đồng thuê trụ sở, các giấy tờ tùy thân đều cần phải sao y chứng thực,… Những tư duy thay đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với doanh nghiệp đã bước đầu được luật hóa, làm cơ sở pháp lý như thế.
10 năm sau đó, Chính phủ và các bộ, ngành đã hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong nỗ lực nhằm tạo ra môi trường đầu tư hiệu quả và kinh doanh thông thoáng. Bằng chứng là hàng nghìn “giấy phép con” đã được bãi bỏ.
Ở đây, hiểu nôm na thì điều kiện kinh doanh chính là “tiền kiểm”, là việc nhà nước cấp phép, chứng nhận cho doanh nghiệp hoạt động. Những thứ từng là gánh nặng của các doanh nghiệp.
Hay đối với hàng hóa nhập khẩu, trước đây, chứng từ của sản phẩm phải được kiểm tra trước khi thông quan. Phương thức này tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Khi đất nước ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thì cách làm này cũng ngày càng trở nên lạc hậu, không hiệu quả. Thay vào đó, phần lớn hàng hóa chưa phải kiểm tra hoặc chỉ kiểm tra sơ bộ để thông quan nhanh, đưa ngay vào sản xuất, lưu thông, giảm hầu hết thời gian lưu hàng tại cảng, tiền lưu kho, bãi…
Từ tiền kiểm sang hậu kiểm, việc thông quan đã “giải phóng” cho các doanh nghiệp
Chúng ta vẫn đang nỗ lực giảm tiền kiểm để chuyển sang cơ chế hậu kiểm với những lợi ích mang lại. Với phương thức này, các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn được xây dựng với sự rõ ràng, minh bạch để từ đó doanh nghiệp thực hiện. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ song hành, giám sát việc thực hiện này. Và như thế, doanh nghiệp chỉ cần đảm bảo đạt các quy chuẩn, tiêu chuẩn là có thể tham gia cuộc chơi. Các giấy tờ, phép tắc, quyền “hành” từ bộ máy công quyền tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh sẽ bị giảm, bỏ. Bên cạnh đó, nó cũng thúc đẩy trách nhiệm của các doanh nghiệp cao hơn nữa trong việc tăng năng lực, chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Hậu kiểm là cách thức quản lý nhà nước theo cơ chế rủi ro và mức độ tuân thủ của doanh nghiệp, tương tự cơ chế luồng xanh, luồng đỏ với kiểm tra hải quan. Nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp luồng đỏ, còn lại sẽ mở rộng dư địa để các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật, tối giản mọi thủ tục hành chính. Quản lý nhà nước sẽ đóng vai trò chủ đạo là cảnh báo sớm, thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ, thay vì tìm cách bắt lỗi để xử phạt. Nhưng hiện nay, việc thực thi những nội dung này ở cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp vẫn còn có nhiều hạn chế, bất cập.
“Tiền đăng, hậu kiểm” không chỉ là sự thay đổi với môi trường kinh doanh mà còn là cách thay đổi tư duy điều hành và phát triển với nền kinh tế đặc thù như Việt Nam. Thay vì làm những điều mà pháp luật cho phép thì doanh nghiệp được làm những điều mà pháp luật không cấm. “Vòng kim cô” là cách thức mà nhà nước quản lý doanh nghiệp đã nới rộng ra rất nhiều theo cách như vậy. Nhưng lợi dụng điều này, không ít doanh nghiệp đã trục lợi, làm ăn bất chính.
Trong năm 2022, FLC Faros “thổi” vốn điều lệ từ 1,5 lên tới 4.000 tỷ đồng, tương ứng 430 triệu cổ phiếu. Rồi khi Faros niêm yết trên sàn, ông chủ của nó đã bán để chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Toàn bộ quá trình tăng vốn khi doanh nghiệp chưa phải là công ty đại chúng là một cách lách luật. Những doanh nghiệp như FLC Faros đã lợi dụng kẽ hở của luật pháp và sự nới lỏng chính sách kinh doanh để trục lợi.
Hay vấn đề thời sự gần đây nhất, đang nổi cộm, thu hút sự quan tâm của dư luận chính là bất cập trong đăng kiểm xe cơ giới. Kể từ sau năm 2019, các chính sách đã tạo cơ chế xã hội hóa mô hình đăng kiểm xe cơ giới, thu hút rất nhiều doanh nghiệp tham gia. Con số 280 trung tâm trên cả nước đã nói lên điều này.
Như nấm mọc sau mưa, tốc độ phát triển ồ ạt các trung tâm đăng kiểm đã dẫn tới nhiều tiêu cực. Từ “tham nhũng vặt” đến nhận hối lộ có hệ thống số tiền bôi trơn của các chủ phương tiện không đủ điều kiện vận hành hoặc không đảm bảo khí thải ô nhiễm môi trường như chúng ta đã biết.
Điều này cho thấy, khi giảm tiền kiểm chúng ta đã tạo ra cơ chế thông thoáng, nhưng cũng bộc lộ ra các “khoảng trống”. Điều đó đặt ra các vấn đề mà chúng ta cần phải nhìn nhận lại. Những ngành nghề, lĩnh vực nào nên tiền kiểm, nên hậu kiểm? Giai đoạn nào thì phù hợp? Đối tượng là các doanh nghiệp mới chập chững vào thị trường có cần được “dìu dắt” vừa để nâng cao ý thức và thượng tôn pháp luật trong kinh doanh?
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần xây dựng cơ chế hậu kiểm minh bạch, khắt khe, chặt chẽ và hiệu quả hơn. Và khi đó, tinh thần của hậu kiểm mới thực sự phát huy và chuyển thành hành động đúng đắn: Làm nhiệm vụ cảnh báo để thúc đẩy sự tự giác tuân thủ những quy định thay vì trừng phạt.
Nếu thiếu sự quan tâm tới các thực tiễn cốt lõi nói trên và giải pháp triệt để thì không khác nào chúng ta đang mở ra những đường cao tốc và mất kiểm soát với những chiếc xe không phanh!
“Cao tốc” sẽ ngày một rộng và nhanh hơn. Nhưng những chiếc xe “doanh nghiệp” liệu có đảm bảo để vận hành một cách an toàn trên đó?
Sau tất cả những vụ việc lãnh đạo của những tập đoàn, doanh nghiệp “ngã ngựa” thì không khó để nhận ra rằng họ đã thiếu đạo đức kinh doanh và hiểu biết pháp luật. Vì thế, kinh doanh tử tế không phải mang tính giáo điều mà chính là cách mà mỗi doanh nghiệp cần hết sức lưu tâm để bảo vệ “nồi cơm” của chính họ.
Chúng ta biết một doanh nghiệp có ba loại trách nhiệm: đạo đức, xã hội và pháp lý.
Những doanh nghiệp làm ăn gian dối sẽ bị pháp luật sờ gáy và xử lý nhưng cao hơn là trách nhiệm với xã hội khi gây tai họa cho cộng đồng chỉ vì lợi nhuận, bất chấp sức khỏe và sự tồn vong của người khác. Và sau cùng trách nhiệm về mặt đạo đức.
Chúng ta hiểu làm kinh doanh, ai cũng mong muốn có nhiều lợi nhuận, cũng là tự đặt mình vào những thách thức lớn. Đặc biệt trong xã hội đầy tính cạnh tranh ngày nay, người làm kinh doanh càng cần phải biết giữ một cái đầu lạnh và một trái tim nóng, nghĩa là làm giàu mà không hổ thẹn với lương tâm.
Kinh tế hiện đại cũng chỉ ra nguyên tắc căn bản: Win – Win. Nghĩa là cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đều phải cùng có lợi ích. Từ hai phía đều phải cảm thấy giá trị mang lại cho nhau là thiết thực.
Kinh doanh cũng cho thấy ứng nghiệm với thuyết nhân quả. Nếu doanh nghiệp coi những sản phẩm, dịch vụ do mình cung ứng là nhân thì chỉ có nhân lành mới cho ra quả ngọt. Điều ngược lại hẳn cũng đã rõ.
Trở lại với vấn đề hậu kiểm đang thay cho tiền kiểm để thấy: cơ chế, chính sách đang ngày càng hỗ trợ hơn cho môi trường kinh doanh để các doanh nghiệp nỗ lực hơn trong việc “chuẩn hóa” lại mình. Điều đó thực hiện được bằng việc đảm bảo ở các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo pháp luật quy định và sự tử tế chủ động của các doanh nghiệp.
Điều đó tạo ra những giá trị tốt đẹp hơn cho xã hội./.
Đăng Khoa
Thông tin mới cập nhật