Thang máy đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện đại của con người, đặc biệt tại các tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc tai nạn nghiêm trọng và các sự cố liên quan đến thang máy khiến dư luận bất an. Năm 2020 là năm kinh hoàng với gần chục vụ tai nạn thang máy nghiêm trọng xảy ra trên khắp cả nước. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành, đa phần các sự cố đều do yếu tố chủ quan của con người từ chất lượng sản phẩm đến các khâu lắp đặt, vận hành, bảo trì,… dẫn tới những sự việc không mong muốn. Trong khi những bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy trình kỹ thuật đã cơ bản đầy đủ thì việc triển khai trên thực tế để kiểm soát rủi ro còn nhiều vấn đề cần phải lưu tâm.
Dù không mong muốn nhưng chúng ta cũng cần điểm lại những sự cố nghiêm trọng liên quan đến thang máy đã xảy ra. Tháng 2/2020, vụ rơi thang chở hàng xảy ra tại hộ kinh doanh trên đường Nguyễn Văn Vịnh, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP. HCM làm chết 1 người, 2 người bị thương. Tháng 5/2020, thang nâng hàng tại Trường Mầm non Kim Đồng, TP. HCM bị kẹt khiến 1 người tử vong.
Tháng 9/2020, vụ tai nạn lao động khi đang thực hiện bảo trì thang máy điện xảy ra tại Tòa nhà Valentina Court số 124 Điện Biên Phủ, phường Đa Kao, Quận 1, TP. HCM làm 1 công nhân thiệt mạng. Tháng 11/2020, cabin thang máy trôi mất kiểm soát tại chung cư B10A Nam Trung Yên, Hà Nội khiến 1 người bị thương nặng, 10 người bị mắc kẹt. Thống kê cho thấy, 0,00000015% là tỷ lệ tử vong nên thang máy được coi là phương tiện vận chuyển an toàn nhất. Tuy nhiên vẫn xảy ra những sự việc nghiêm trọng. Nguyên nhân do đâu?
Theo những chuyên gia trong ngành, hiện các tai nạn có liên quan đến thang máy xảy ra phần lớn do các yếu tố chủ quan của con người. Mặc dù, các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật do nhà nước ban hành được cho là khá đầy đủ và tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế nhưng việc áp dụng chúng ra sao lại là vấn đề cần xem xét. Điều này có thể đã dẫn tới các sự việc đáng tiếc nêu trên.
Thực tế, ở các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đặc biệt số ít là nhà phân phối cho các hãng thang máy nổi tiếng thế giới tại Việt Nam thì họ buộc phải tuân thủ theo những quy định rất nghiêm ngặt từ phía đối tác. Một trong những điều kiện tiên quyết là nhân sự công ty đó phải tham gia các khóa đào tạo và sau khi học viên đạt yêu cầu mới đủ điều kiện thực hiện công tác thi công, lắp đặt. Những tiêu chuẩn khắt khe sẽ tạo ra một bộ lọc để đánh giá năng lực và bổ sung những kiến thức quan trọng cần thiết. Điều này hạn chế tối đa những rủi ro cũng như có thể khắc phục sửa chữa ngay từ những bước đầu tiên.
Nhân lực ngành thang máy hiện nay vẫn chưa được đào tạo chính quy mà chủ yếu do các doanh nghiệp tự đào tạo
Ngược lại, một số doanh nghiệp khác lại hoạt động theo mô hình nhỏ lẻ, manh mún. Thiết bị được lắp ráp thiếu sự đồng bộ, chắp vá, không đạt tiêu chuẩn. Khi sản phẩm được bán ra thị trường thì đơn vị được thuê thi công cũng không có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ về thang máy…Việc sử dụng thang máy như thế nào cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng đảm bảo độ bền và tính năng an toàn của thiết bị. Của bền tại người là câu nói chưa bao giờ sai.
Cộng những yếu tố đó lại thì việc sản phẩm thang máy gặp trục trặc trong khi thi công, vận hành hay nghiêm trọng hơn là để xảy ra tai nạn trong các giai đoạn là điều không khó để dự báo. Phân tích cho thấy, nguyên nhân chủ quan dẫn tới tai nạn thang máy hoàn toàn có thể khắc phục được. Điều cần thiết là chúng ta phải có chế tài chặt chẽ hơn khi yêu cầu các đơn vị thi công, bảo trì, vận hành, cứu hộ phải được đào tạo bài bản và đạt yêu cầu được cấp chứng chỉ nghiệp vụ.
Các chuyên gia trong lĩnh vực thang máy cho biết, có năm yếu tố cơ bản để đánh giá chất lượng và mức độ an toàn của thang máy.
Chất lượng thiết bị thang máy đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố phải kể đến đầu tiên bởi liên quan trực tiếp tới tính mạng, tài sản của người sử dụng. Chất lượng sẽ phụ thuộc vào thương hiệu, giấy chứng nhận an toàn với bộ tiêu chuẩn kỹ thuật đi kèm, là phản hồi của khách hàng sau trải nghiệm hay dịch vụ hậu mãi…
Thiết bị có được kiểm định hoặc kiểm định lại để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng hay không cũng là vấn đề cần nghiêm túc nhìn nhận. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy, (ký hiệu QCVN 02:2019/BLĐTBXH) ban hành theo thông tư số 42/2019/TT-BLĐTBXH ngày 20/12/2019 của BLĐ, TB&XH, thang máy được đưa vào danh mục các loại thiết bị, máy móc, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, bắt buộc phải kiểm định để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. Nếu khâu kiểm định lỏng lẻo sẽ dẫn tới những hậu quả đáng tiếc, thậm chí là thảm khốc.
Năng lực của đơn vị thi công lắp đặt, bảo hành, bảo trì thiết bị thang máy cũng rất quan trọng. Để lắp đặt cho một hệ thống thang máy đảm bảo an toàn vận hành tốt trong mọi trường hợp thì chủ thầu/đơn vị thi công phải có sự hiểu biết rộng và nhiều kinh nghiệm để đảm bảo việc thi công xây lắp được thực hiện đúng hồ sơ thiết kế, phát hiện và xử lý kịp thời các sai sót. Công tác bảo dưỡng, sửa chữa thang máy cũng cần đội ngũ được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm. Bên cạnh đó, những yếu tố chủ quan khác như điện áp, thiết kế, thiên tai,… sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thang máy. Tuy nhiên, đây là yếu tố không tác động nhiều như các nguyên nhân phía trên. Việt Nam có trên 200 doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ về thang máy nhưng không đồng nhất về khung năng lực. Để đồng bộ hóa, nâng cao tiêu chuẩn ngành thang máy nước nhà , cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho thị trường là vấn đề mà Hiệp hội Thang máy Việt Nam đang rất quan tâm và sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp.
Theo số liệu do Cục An toàn lao động cung cấp, 250.000 là số thang máy đang được vận hành tại Việt Nam. Mỗi năm, có 40.000 thang được kiểm định, trong đó có 10.000 thang mới và 30.000 thang đang được vận hành. Trong khi đó, con số kiểm định viên hiện tại của cả nước trên dưới 1.000 người. Tính tỷ lệ, mỗi kiểm định viên sẽ kiểm định được 40 thang máy/năm, một con số hoàn toàn khả thi về mặt cơ học. Hiện tại đã có 130 tổ chức được cấp phép hoạt động kiểm định chất lượng thang máy (bởi Cục An toàn Lao động, Bộ LĐ-TB&XH) và Cục An toàn Lao động cũng kiểm tra định kỳ 40 đơn vị mỗi năm. Các khóa đào tạo kiểm định viên cũng được tổ chức liên tục và thường xuyên để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường thang máy. Chứng chỉ nghiệp vụ sẽ chỉ có giá trị trong 5 năm và sẽ sát hạch để đánh giá lại sau khi hết thời hạn.
Đối với các thang máy mới được lắp đặt, bắt buộc phải được kiểm định và dán tem kiểm định đảm bảo an toàn trước khi đưa vào sử dụng. Còn đối với các thang máy đã vận hành thì việc có kiểm định lại hay không thì lại phụ thuộc nhiều vào ý thức chủ quan của chủ đầu tư. Thực tế trên được chia sẻ bởi một chuyên gia trong ngành xây dựng khi ông nhận thấy khá nhiều công trình có thang máy dù đã sử dụng cả chục năm nhưng chưa hề được kiểm định lại. Nếu như công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), cảnh sát PCCC sẽ đến nghiệm thu xem thiết bị có đủ tiêu chuẩn hay không, định kỳ sẽ kiểm tra lại xem các bình này còn hoạt động được không, thì thang máy lại chưa rõ cơ quan nào sẽ kiểm tra, vị chuyên gia nêu câu hỏi.
Chế tài trong việc kiểm soát an toàn thang máy liệu đã đủ hay chưa? Cần bổ sung những điều kiện nào để nâng cao tỷ lệ an toàn thang máy? Chúng ta cần một giải pháp khả thi trong thực tiễn.
Mới hội nhập thị trường Việt Nam trong khoảng mười lăm năm trở lại đây, thang máy là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ và đang có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Một trong những vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là việc xây dựng bổ sung các chế tài kiểm soát an toàn thang máy như thế nào để thực sự đây là phương tiện vận chuyển an toàn nhất. Cần có một bàn tay kết nối các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thang máy để thống nhất các đề xuất, tham mưu cho các cơ quan nhà nước trong việc ban hành văn bản, thực hiện kiểm soát hiệu quả về mức độ an toàn. Chính từ đó, thúc đẩy lĩnh vực thang máy ngày một phát triển, không chỉ chinh phục thị trường nội địa mà sẽ vươn tầm ra những thị trường quốc tế khó tính.
Hải Nguyên
Thông tin mới cập nhật