Sản xuất công nghiệp trong tháng 11 vừa qua tiếp tục khởi sắc khi tăng trưởng 5,5% so với tháng 10 và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,4%, cũng đồng nghĩa với việc ngành sản xuất thang máy đang phục hồi tăng trưởng trở lại.
Việt Nam mới chính thức đưa sản phẩm thang máy vào danh mục các mặt hàng sản xuất được trong nước kể từ tháng 11/2014. Bởi vậy, thang máy là lĩnh vực còn khá non trẻ trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tốc độ tăng trưởng của ngành thang máy cũng gắn liền với sự phát triển của ngành công nghiệp xây dựng. Thống kê cho thấy, tỷ trọng giá trị thang máy chiếm 10% toàn ngành xây dựng.
Nếu như năm 2019 thị trường xây dựng bị chững lại chủ yếu do yếu tố pháp lý thì bước sang năm 2020, khó khăn chủ yếu đến từ những gián đoạn, bất ổn do dịch bệnh. Biến động về giá nguyên vật liệu sản xuất, yếu tố thời tiết ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của 58,3% doanh nghiệp xây dựng. Thêm nữa, những giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh cũng ảnh hưởng rất lớn đến lực lượng lao động và tâm lý của người lao động, khiến tình hình càng trở nên khó khăn hơn.
Năm 2020 ngành xây dựng tăng trưởng 6,7%, giảm đáng kể so với mức tăng trưởng trong giai đoạn 2015-2019. Trong nửa đầu năm 2021, mức tăng trưởng của ngành xây dựng vẫn chỉ dưới 6%.
Thực tế này đã kéo theo tốc độ tăng trưởng của ngành thang máy chậm lại.
Kịch bản kinh tế được dự báo trong năm 2022 của các nhà hoạch định chính sách cho thấy nền kinh tế sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm và diễn ra không đồng đều. Sẽ có 5 nhóm ngành chủ lực, “dẫn đường” cho nền kinh tế Việt Nam. Một trong số đó, vừa là trọng tâm, vừa là “vốn mồi” kích thích kinh tế tư nhân phát triển chính là xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhóm ngành này đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Cùng với đó, sự ra đời Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 đã và đang tạo cơ hội để ngành xây dựng bứt phá trong năm 2022 được cho là rất khả thi.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong năm 2022 sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu công nghiệp và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Một khi chính sách được cởi trói thì có thể thấy những tín hiệu lạc quan, sáng sủa về ngành sản xuất thang máy trong năm 2022.
Theo nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm thang máy có trên thị trường Việt Nam cơ bản được chia thành hai loại: Thang máy nhập khẩu và thang máy liên doanh.
Thang máy nhập khẩu là sản phẩm được nhập khẩu nguyên chiếc, cung cấp bởi các thương hiệu nổi tiếng như Otis, Schindler, Gamalift,… đạt các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng và an toàn thang máy của thế giới.
Thang máy liên doanh từ trước đến nay vẫn được hiểu là sản phẩm sản xuất trong nước, được cấu thành bởi một số linh kiện nhập khẩu và phần còn lại chế tạo tại Việt Nam. Sản phẩm này bắt buộc phải tuân thủ các Quy chuẩn và Tiêu chuẩn kỹ thuật trong nước trước khi được đưa vào phân phối và sử dụng.
Trên thực tế, hiện tại Việt Nam chưa đủ khả năng sản xuất tất cả các linh kiện của thang máy. Bởi vậy, thang máy liên doanh và thang máy nội địa đang bị đánh tráo khái niệm, dẫn tới việc gây nhiễu thông tin cho người tiêu dùng.
Việt Nam đã có nhiều đại lý phân phối sản phẩm chính hãng của các thương hiệu tên tuổi trên thế giới. Điều này tạo ra sự bình đẳng về cán cân thương mại giữa các nền kinh tế, giúp người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận với những sản phẩm chất lượng phù hợp. Nhưng ngay bản thân các doanh nghiệp phân phối thang nhập khẩu chính hãng cũng phải thừa nhận một thực tế rằng: thị trường trong nước đang chịu một mức giá khá “chat”, lợi nhuận tư bản chảy ngược ra nước ngoài, trong khi đó chuyển giao công nghệ gần như là con số không. Bên cạnh đó, tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như Hàn Quốc thì mặt hàng thang máy nhập khẩu cũng cần phải được đưa qua các phòng Lab kiểm nghiệm, nếu đạt yêu cầu mới cấp phép nhập khẩu. Đây là điều mà Việt Nam chưa có và trong thời gian tới Hiệp hội Thang máy Việt Nam, Viện ứng dụng kỹ thuật thang máy sẽ tham mưu với các cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng chính sách liên quan tới lĩnh vực còn bỏ ngỏ này. Điều đó không chỉ nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn sản phẩm nhập khẩu mà còn góp phần tạo điều kiện cho sản xuất thang máy trong nước có cơ hội tốt hơn khi cạnh tranh ngay trên chính sân nhà.
Trong khi đó, đi tìm hiểu những sản phẩm thang máy liên doanh đang có mặt trên thị trường mới thấy còn nhiều bất cập.
Công ty X, một doanh nghiệp tại Hà Nội tự quảng cáo là có đủ mọi sản phẩm thang máy phù hợp với yêu cầu về kích cỡ và giá thành của khách hàng. Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn lắp đặt thang máy gia đình với kích thước tiêu chuẩn 1.600mm x 1.500mm, trọng tải 350kg, 5 điểm dừng, đại diện công ty đã báo giá 290 triệu đồng. Tiếp tục mặc cả để được giảm giá tốt nhất có thể, nhân viên tên S đã tư vấn sẽ sử dụng loại inox chế tạo cabin có dày chỉ 0,8mm (giảm bớt 5 triệu đồng). Hay sử dụng động cơ cũ Mitsubishi loại có hộp số, sẽ giảm thêm được 10 triệu đồng, mặc dù loại này có nhiều nhược điểm như tốc độ truyền tải chậm, giật, tốn điện và phức tạp hơn trong quy trình bảo trì, sửa chữa.
Công ty thang máy Y, có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh sau khi nghe yêu cầu tư vấn từ phía chúng tôi đã chốt luôn giá cho một sản phẩm thang máy liên doanh mà họ đang cung cấp là 300 triệu đồng. Các phần gia công trong nước (khung, vách cabin, vách cửa thang máy…) sẽ được công ty đặt hàng gia công hoàn thiện, còn phần động cơ sẽ sử dụng của Trung Quốc như Torin. Khi được hỏi kỹ hơn về phần Tủ điện điều khiển thang máy, chủ doanh nghiệp này mới khai thật là với giá đó thì chỉ có thể dùng “Tủ dựng”, loại tủ sử dụng các linh kiện chắp vá không rõ nguồn gốc và không có CO/CQ.
Khi chúng tôi băn khoăn lo ngại về việc lắp ráp thiếu tính đồng bộ sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và trải nghiệm trong quá trình sử dụng thì chủ doanh nghiệp trấn an với giọng chắc nịch: Yên tâm, kiểm định vẫn đạt và chạy ổn!
Tiếp tục tìm hiểu sâu hơn mới thấy thực trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chắp vá của không ít doanh nghiệp sản xuất “thang máy liên doanh” trong nước. Nhưng trong bài viết này chúng tôi sẽ không đề cập sâu đến vấn đề đó mà chỉ muốn gợi mở ra về định hướng thiết chế nào sẽ thúc đẩy ngành sản xuất thang máy trong nước phát triển trong những năm tới.
Các số liệu thống kê cho thấy, từ đầu thế kỷ XXI đến nay thì nhu cầu thang máy tăng bình quân 5,9%/năm. Năm 2020, tổng giá trị các sản phẩm thang máy được sản xuất mới và đưa vào sử dụng trên toàn thế giới đạt mức 128 tỷ USD (khoảng 3 triệu tỷ đồng).
Dự đoán của các chuyên gia, từ nay đến năm 2027, quy mô thị trường thang máy thế giới sẽ không ngừng được mở rộng với hơn 1 triệu sản phẩm mới/năm, đưa số thang máy được sử dụng trên thoàn thế giới lên con số 24 triệu chiếc và đem lại nguồn doanh thu khổng lồ cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, lắp đặt và các dịch vụ bảo trì.
Với lợi thế thuộc khu vực có nền kinh tế phát triển năng động ASEAN, ngành sản xuất thang máy Việt Nam có tốc độ tăng trưởng từ 10-20%/năm và chúng ta hoàn toàn có thể bắt kịp chuyến tàu tương lai của ngành sản xuất thang máy thế giới.
Tuy nhiên, thống kê chưa đầy đủ cho thấy trong tổng số 35.000 thang máy được lắp đặt mỗi năm tại Việt Nam thì số thang sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng 20%. Câu hỏi đặt ra là phải chăng người tiêu dùng nội địa còn hoài nghi về chất lượng sản phẩm được sản xuất trong nước hay còn có những nguyên nhân nào khác(?!)
Theo ông Nguyễn Huy Tiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam, có những vấn đề cơ bản cần sớm được giải quyết.
Thứ nhất, phải nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật trong quy trình sản xuất thang máy nội địa, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm. Các quy chuẩn và tiêu chuẩn sản phẩm thang máy nội địa một khi tiệm cận với tiêu chuẩn tại những thị trường khắt khe như Mỹ, châu Âu thì sản phẩm Việt sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt. Bên cạnh đó, yếu tố “xanh” về phát triển bền vững cũng cần quan tâm và dần trở thành một trong những tiêu chí bắt buộc. Sản phẩm nội địa phải đảm bảo “thắng trên sân nhà” trước khi hướng đến mục tiêu vươn tầm cạnh tranh trên trên thế giới phẳng.
Thứ hai, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đây được coi là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành sản xuất thang máy trong nước. Công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ tạo ra đa dạng các loại linh phụ kiện cấu thành ngay từ trong nước, giảm kim ngạch nhập khẩu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa hàm lượng chất xám trong sản phẩm.
Thứ ba, hiện nay chưa có bất kỳ một tổ chức nào đứng ra xây dựng tiêu chuẩn chung về đào tạo nhân lực phục vụ cho ngành thang máy. Các doanh nghiệp vẫn hoạt động theo tiêu chí “mạnh ai nấy làm”, dẫn tới tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính đồng bộ và bổ trợ lẫn nhau. Do vậy, việc thống nhất một quy chuẩn đào tạo nghề, vừa mang tính chất đào tạo chuyên môn kỹ thuật, vừa định hướng nghề nghiệp, sát hạch chuẩn đầu ra là việc làm cấp thiết và có tính chiến lược lâu dài, không chỉ đối với ngành sản xuất thang máy mà còn quan trọng đối với cả ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trên tay tôi là một cuốn sách nhỏ có tựa đề: Chơi lớn (Play Bigger). Ngay phần bìa sách có đoạn viết: “Sáng tạo một sản phẩm mới đã là rất khó nhưng để bảo vệ được những quyền lợi và vị trí xứng đáng từ sản phẩm ấy còn khó hơn gấp vạn lần. Có lẽ đã đến lúc phải bắt đầu Chơi lớn”.
Thiết nghĩ, Ngành sản xuất thang máy nội địa cũng vậy: Chơi lớn./
Thái Sơn
Thông tin mới cập nhật