TCTM – Để giúp doanh nghiệp có thể định giá bảo trì thang máy chính xác và có căn cứ, đơn vị quản lý vận hành có thể phân bổ ngân sách hiệu quả hơn, Hiệp hội Thang máy Việt Nam mới đây đã đưa ra Biểu Dự toán Chi phí Bảo trì Thang máy được lập dựa trên TCCS 02:2024/VNEA về Định mức lao động và Thông tư số 11/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Nhằm bảo đảm, duy trì tuổi thọ, an toàn công trình trong quá trình khai thác sử dụng theo quy định, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 11/2021/TT-BXD về việc hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng. Thang máy là một hạng mục quan trọng trong công trình xây dựng, do đó, chi phí bảo trì thang máy cũng cần được xác định theo các nguyên tắc của Thông tư 11/2021/TT-BXD.
Theo Thông tư 11/2021/TT-BXD Hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, dự toán chi phí xây dựng bao gồm: Chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp, thu nhập chịu thuế tính trước và thuế giá trị gia tăng.
Dù vậy, để lập dự toán giá bảo trì thang máy chính xác, cần có định mức lao động rõ ràng. Thời gian qua, do sự thiếu hụt tài liệu hướng dẫn về định mức lao động chuyên biệt cho ngành thang máy, các đơn vị quản lý thang máy cũng như cơ quan quản lý nhà nước đều gặp khó khăn trong việc xây dựng và phê duyệt định mức kinh phí cho công tác bảo trì và sửa chữa thiết bị thang máy.
Trong khi đó, giá bảo trì thang máy giữa các doanh nghiệp lại có sự khác biệt lớn từ vài trăm ngàn đồng cho mỗi lần bảo trì, cho đến hàng triệu.
Để có căn cứ trong việc định giá bảo trì và lập dự toán, TCCS 02:2024/VNEA về Định mức lao động trong bảo trì và sửa chữa thang máy đã đưa ra định mức cụ thể cho từng công việc, thời gian và tiêu chuẩn nhân sự trong bảo trì và sửa chữa thang máy.
Bài viết này sẽ cụ thể hóa phương pháp xác định chi phí bảo trì dựa trên TCCS 02:2024/VNEA và Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/08/2021 Hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. cụ thể hóa như sau:
1. Chi phí trực tiếp, bao gồm:
– Chi phí nhân công cần thiết để trực tiếp thực hiện các hạng mục công việc bảo trì, như kiểm tra định kỳ, sửa chữa thường xuyên và trực dự phòng cứu hộ khẩn cấp;
– Chi phí vật tư tiêu hao để thực hiện các công việc đó;
– Chi phí khấu hao máy móc phục vụ công tác bảo trì.
2. Chi phí gián tiếp là khoản chi phí phát sinh trong quá trình thi công, quản lý dự án và các khoản chi phí khác liên quan đến đầu tư hay còn gọi là chi phí chung. Nội dung chi phí chung, bao gồm:
– Chi phí quản lý doanh nghiệp được phân bổ cho công trình;
– Chi phí điều hành, sản xuất tại công trường là toàn bộ chi phí của doanh nghiệp tại công trình bảo trì;
– Chi phí người sử dụng lao động phải nộp cho người lao động theo quy định (như các loại bảo hiểm, kinh phí công đoàn…)
Theo hướng dẫn của Thông tư số 11/2021/TT-BXD, định mức chi phí chung đối với bảo trì các công trình dân dụng = 7,3% chi phí trực tiếp.
3. Thu nhập chịu thuế tính trước, tức phần chênh lệch giá trị giữa hàng hóa, sản phẩm bán ra so với giá trị hàng hóa đó.Trong đó, giá trị hàng hóa là phần chi phí để tạo ra hàng hóa, sản phẩm đó. Thu nhập chịu thuế tính trước được xác định bằng định mức tỷ lệ phần trăm (%) trên chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp.
Theo hướng dẫn của Thông tư số 11/2021/TT-BXD, thu nhập chịu thuế tính trước = 5,5% tổng giá trị chi phí trực tiếp đã xây dựng trong quyết toán hay còn được gọi là lãi định mức.
4. Thuế giá trị gia tăng: Theo Nghị quyết 174/2024/QH15, thuế giá trị gia tăng sẽ tiếp tục giảm 2% trong 6 tháng đầu năm 2025.
Như vậy, dựa trên Thông tư số 11/2021/TT-BXD Hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng, kinh phí bảo trì được hướng dẫn tính theo chi phí trực tiếp. Cụ thể:
– Phần lớn chi phí dịch vụ bảo trì thang máy được dùng để trả lương cho nhân công, hay còn gọi là chi phí nhân công. Theo TCCS 02:2024/TCCS Định mức lao động trong bảo trì và sử chữa thang máy, có thể tính được định mức chi phí nhân công cho việc bảo trì từng công trình, chi phí này thay đổi theo số tầng phục vụ của thang máy được bảo trì.
– Một phần quan trọng trong chi phí bảo trì thang máy là chi phí vật tư tiêu hao, hiện nay chưa có định mức cho hạng mục này, bởi vậy trong biểu tính này chúng tôi xác định từ thực tiễn của một số doanh nghiệp. Tính trung bình, chi phí vật liệu = 9,9 % định mức chi phí nhân công;
– Tương tự, định mức chi phí máy móc phục vụ bảo trì, theo thống kê từ thực tiễn các doanh nghiệp = 3,9% định mức chi phí nhân công.
Từ các phân tích trên, có thể tham khảo biểu sau để tính chi phí bảo trì thang máy. Biểu này không chỉ giúp các đơn vị chuyên môn về bảo trì thang máy tính đơn giá bảo trì, tổ chức bộ máy vận hành dịch vụ mà còn đặc biệt hữu ích cho các đơn vị sử dung thang máy trong việc xây dựng, cấp kinh phí cho việc bảo trì thang máy thuộc quyền quản lý của mình.
Lưu ý:
– Áp dụng công trình thực hiện bảo trì định kỳ 01 tháng/lần, với chi tiết nội dung, thời gian và tiêu chuẩn nhân sự bảo trì thực hiện theo Khoản 6.1 và 6.2, Điều 6 Phần định mức lao động của TCCS 02:2024/VNEA Định mức lao động trong bảo trì và sửa chữa thang máy.
– Biểu phí trên chưa bao gồm chi phí thay thế vật tư, linh kiện thực tế sửa chữa hỏng hóc, hao mòn.
– Danh mục các khoản mục chi phí, tỷ lệ chi phí chung, tỷ lệ thu nhập chịu thuế tính trước thực hiện theo Phụ lục III. Phương pháp xác định chi phí xây dựng, ban hành kèm theo Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Tham khảo TCCS 02:2024/VNEA. Định mức lao động trong bảo trì và sửa chữa thang máy tại đây
Hoàng Quân
Thông tin mới cập nhật