Ngày 28/4/2022 tại Hà Nội, Hội đồng Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã tổ chức đối thoại định kỳ 2022 với đại diện người sử dụng lao động, người lao động. Vấn đề về an toàn thang máy đã thu hút sự quan tâm của diễn đàn.
Khai mạc đối thoại, ông Lê Văn Thanh – Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH), Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quốc gia về ATVSLĐ đề nghị các thành viên cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực ATVSLĐ. Đồng thời, đưa ra sáng kiến cải tiến góp phần xây dựng cơ chế chính sách ngày càng hoàn thiện hơn…
Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Lê Văn Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quốc gia
về ATVSLĐ khai mạc đối thoại
Trong các nội dung đối thoại, đáng chú ý, các nội dung về quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, đặc biệt là các vấn đề về thang máy đã được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận.
Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) Nguyễn Hải Đức nhấn mạnh, vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thang máy với tính chất cũng như hậu quả nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân gây tai nạn đến từ lỗi của các nhân viên kỹ thuật thang máy.
Do đó, cần lập lại trật tự trong việc quản lý đào đạo, sát hạch chứng chỉ nghề thang máy để nâng cao chất lượng công tác bảo trì, sửa chữa, kiểm định, đảm bảo quyền lợi, sự an toàn của người lao động và người dân. Chủ tịch VNEA nêu sáng kiến “số hóa” lý lịch nhân viên kỹ thuật thang máy bao gồm thông tin nhân thân, quá trình, chuyên ngành đào tạo, chứng chỉ…. Những thông tin này được mã hóa bằng QR code để người tiêu dùng có thể dễ dàng tra cứu bằng cách quét bằng điện thoại di động…
Chủ tịch VNEA Nguyễn Hải Đức nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào đạo,
sát hạch kỹ thuật thang máy
Cùng với đó có các chế tài, văn bản hướng dẫn cụ thể, thích hợp để thực hiện giám sát, yêu cầu doanh nghiệp, người lao động chấp hành. Lãnh đạo VNEA cũng cho biết, Hiệp hội đang xây dựng, chuẩn hóa chương trình đào tạo, tích cực hợp tác với các cơ sở đào tạo trên cả nước để nâng cao chất lượng nhân lực ngành thang máy. Việc phối hợp nhiều bên là hết sức quan trọng. Đó là cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và đặc biệt là người tiêu dùng. Việc phối hợp chặt chẽ sẽ giảm sức nặng cho cơ quan quản lý, giúp người lao động có môi trường làm việc tốt hơn, người tiêu dùng lựa chọn chính xác nhà cung cấp dịch vụ…
Dự kiến trong tháng 6/2022, VNEA sẽ tổ chức hội thảo quốc gia bàn giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực ngành thang máy…
Học viên thang máy
Việc đối thoại định kỳ về chính sách nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các cơ quan quản lý Nhà nước.
Được biết, sau 5 lần tổ chức đối thoại từ năm 2017 đến năm 2021, ở cấp quốc gia nhiều nội dung chính sách vướng mắc đã được sửa đổi, bổ sung nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ở cấp tỉnh đã có nhiều thông tin được chia sẻ, giải đáp. Gần đây nhất, sau đối thoại năm 2021, các thành viên Hội đồng tích cực tư vấn cho Chính phủ, Bộ, ngành ban hành nhiều chính sách mới.
Qua đó đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người lao động. Đây cũng là một hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày thế giới về an toàn, vệ sinh lao động (ngày 28/4) và là một trong những điểm nhấn trong Tháng hành động quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.
Toàn bộ kiến nghị và kết quả đối thoại sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Lê Hùng
Thông tin mới cập nhật
N.H
Có tầm nhìn!