TCTM – Hẳn nhiều người biết câu chuyện về bọ chét. Khả năng nhảy cao của sinh vật này vào khoảng 18 cm, gấp 200 lần chiều dài của chúng. Nhưng khi thử nghiệm “hiệu ứng trần kính” để dạy cho nhà vô địch biết rằng nó đang gặp vật cản giới hạn thì nó sẽ không bao giờ cố gắng để nhảy lên nữa. Đó là bất lực tập nhiễm.
Hai nhà tâm lý học Martin Seligman và Steven Maier đã thực hiện thí nghiệm kinh điển vào những năm 60 của thế kỷ trước.
Các chú chó sẽ được đặt vào một cái hộp với hai buồng bị chia cắt bởi một hàng rào thấp. Trong đó, một buồng có sàn nhiễm điện. Khi hai nhà nghiên cứu đặt các chú chó vào buồng nhiễm điện và bật công tắc, họ để ý thấy một vài con không cố gắng để nhảy qua hàng rào thấp tới phòng an toàn bên cạnh. Đó là những con trước đó nhận sốc điện mà không có cách nào chạy thoát. Những con nhảy sang thì thường không phải chịu đựng sốc điện trước đó.
Thí nghiệm hiện tượng bất lực tập nhiễm trên động vật.
Để tiến xa hơn, các nhà nghiên cứu tập hợp một đợt chó mới và chia thành 3 nhóm:
Nhóm 1, không hề bị sốc điện. Nhóm 2, bị sốc điện nhưng có thể thoát bằng cách lấy mũi nhấn vào bảng điều khiển. Nhóm 3, bị nhốt, bị sốc điện và không có cách nào trốn thoát.
Những con chó này sau đó bị nhốt trong một chiếc hộp cửa chớp. Chó trong nhóm 1 và 2 nhanh chóng học được cách nhảy qua hàng rào nhỏ để không bị sốc điện. Còn chó nhóm 3 lại không có mảy may nỗ lực cố gắng thoát khỏi cú sốc. Đó là do trải nghiệm học được trước đó, chúng đã hình thành một mong đợi về mặt nhận thức rằng chúng không thể làm được gì để ngăn ngừa hoặc loại bỏ các cú sốc điện lên mình.
Hiện tượng chấp nhận chịu trận mà không cố gắng thoát ra được gọi là bất lực tập nhiễm.
Người ta làm thí nghiệm khác về bể cá. Bể được ngăn ra làm hai bởi một tấm kính trong suốt, một bên người ta thả một con cá vàng, một bên là mồi. Mỗi lần con cá lao về phía miếng mồi đều bị va vào tấm kính, dần dần nó không còn dám lao vào đó nữa. Sau đó, người ta bỏ tấm kính đó ra nhưng một biên giới vô hình vẫn trở thành rào cản mặc định và con cá đã chết đói bên thức ăn.
Qua nghiên cứu, hiện tượng này không chỉ xảy ra đối với loài vật mà ngay cả con người cũng bị như vậy. Sẽ rất khó thay đổi nếu trạng thái tiêu cực này đã bị kích hoạt.
Sự bất lực do tập nhiễm này khiến nhiều người thiếu lòng tin vào xung quanh về khả năng có thể giải quyết vấn đề khó khăn hay nỗ lực để đạt đến những thành công trong cuộc sống. Họ chấp nhận tất cả những khó khăn hiện tại một cách bất lực.
Những câu chuyện thành công của các công ty hay các nhà khoa học thường được kể lại một cách oai hùng và tạo cho mọi người sự thán phục đầy cảm hứng. Nhưng thực tế cuộc sống nó không phải oanh liệt như vậy. Người ta đã tổng kết những thành công với khoa học, công nghệ, chính trị,… đều trải qua một quy luật Ba lần cửa tử. Chúng ta cùng trải nghiệm qua những câu chuyện điển hình minh chứng cho điều này.
Thuốc gốc statin làm giảm lượng cholesterol xấu (LDL), làm giảm trụy tim và đột quỵ ở con người trước khi được khẳng định là một trong những đột phá y học vĩ đại nhất thế kỷ 20 đã trải qua ba cửa tử.
Bác sĩ Akira Endo người Nhật trong quá trình nghiên cứu những cây nấm đã phát hiện và chiết xuất được phân tử có thể tiêu diệt cholesterol. ML-236B là tên ông đặt cho phân tử này và nó là thành phần chính của thuốc mevastatin. Không lâu sau đó, giới khoa học đã viện dẫn kiến thức về sinh học thường thức để kiến giải cho những sai lầm về nhận định của họ: “Bất kỳ thuốc nào làm giảm cholesterol sẽ phá vỡ hoạt động bình thường của phân tử. Chúng nguy hiểm”. Điều này tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ và nhấn chìm ý tưởng của Endo. Đó là Cửa tử thứ nhất.
Endo vẫn không nản lòng, ông quyết định tiến hành thử nghiệm ML-236B trên động vật sống. Đây là thử nghiệm mang tính then chốt. Lượng cholesterol không hề giảm. Ông đã thất bại lần nữa. Đó là Cửa tử thứ hai.
Endo vẫn chưa từ bỏ. Thử nghiệm được ông tiến hành trên những con gà mái. Kết quả thật phi thường, mevastatin làm giảm gần một nửa lượng cholesterol và không kèm theo tác dụng nguy hại nào. Sau đó, những thử nghiệm chính thức trên người rất khả quan khi làm giảm đến 30% lượng cholesterol. Nhưng rồi, một nghiên cứu sai lầm nữa của giới khoa học đã được công bố: Mevastatin liều cao gây ra ung thư ở loài chó! Lập tức, những dự án nghiên cứu phát triển loại thuốc này đã bị dừng lại. Endo đã phải chứng kiến dự án của mình sụp đổ. Đây là Cửa tử thứ ba.
Tưởng như đó sẽ là một thất bại thì những chia sẻ trước đó về kết quả nghiên cứu của Endo đã giúp Tập đoàn dược phẩm Merck đảo chiều dư luận. Họ đã chứng minh rằng những nghiên cứu của Endo hoàn toàn chính xác. Phát minh của Endo đã tạo ra đột phá y học thuộc hàng xuất sắc nhất thế kỷ 20.
Và còn những Henry Ford, Thomas Edison,… và bao nhiêu tên tuổi lỗi lạc khác của nhân loại trước khi đến được với thành công thì họ cũng đã phải trải qua bao cửa tử.
Điều đó cho thấy, để đến được thành công phải trải qua ít nhất Ba lần cửa tử là có lý do như vậy.
Không nỗ lực vượt nghịch cảnh, chúng ta sẽ không biết giá trị được tạo ra sẽ thế nào.
Lỗ Tấn có câu “Đường vốn dĩ làm gì có, đi mãi thì thành đường thế thôi”. Như vậy để có đường thì chúng ta phải là người khai phá, tiên phong. Quả ngọt, hào quang sẽ đến, nhưng sẽ ra sao nếu không vượt qua được Ba lần cửa tử.
Khi tiếp xúc với mọi người, họ đều yêu cầu ta phải bứt phá, phải dẫn đầu nhưng khi trình bày kế hoạch thì lại hỏi “Đã có ai làm chưa?”. Nếu chưa thì ngay lập tức dự án bị dừng lại. Còn nếu đưa ra dẫn chứng các nước trên thế giới đã làm thì cũng khó thuyết phục để thông qua ý tưởng vì nó xa quá. Nếu lấy ví dụ chứng minh các nước trong khu vực, tương tự Việt Nam thì ý tưởng có thể được chấp nhận một cách dè dặt, thăm dò.
Như câu chuyện về “Khoán 10 đi vào Nghị quyết 10” của Bộ Chính trị năm 1988, nó đã phải mất tới hơn hai thập kỷ với rất nhiều hoài nghi và phán xét về tư tưởng xa rời chủ nghĩa xã hội và tư hữu hóa nông nghiệp. Năm 1965, Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc thử nghiệm hình thức Khoán hộ (Khoán 10 sau này) tại các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc. Đây là hình thức giao khoán cho mỗi hộ một số diện tích ruộng, xã viên nộp mức khoán sản phẩm theo diện tích được chia cho hợp tác xã, phần dư thừa nông dân được hưởng. Đây chính là hướng đi tiên phong, chưa từng có tiền lệ đã tạo bệ phóng để người dân ai cũng có cơm ăn, để Việt Nam trở thành cường quốc số 1 thế giới về xuất khẩu gạo.
Hay như Vinfast “liều lĩnh” đưa sản phẩm xe điện của mình đến đánh chiếm thị trường tại những cái nôi của ngành công nghiệp ô tô thế giới như Mỹ, Đức đã tạo ra nhiều niềm tự hào và cảm hứng cho người Việt, doanh nhân Việt.
Vậy thành công sẽ ở đâu nếu những con người đó sợ thất bại, nếu nhiễm phải hội chứng bất lực tự nhiễm hay không chấp nhận thất bại để rồi đứng lên sau Ba lần cửa tử?
Lịch sử tiến hóa của loài người cho thấy, chúng ta học được các hành vi qua việc tương tác và nhận lại phản hồi. Do đó, khi cố gắng để thay đổi tình huống nhưng vấp phải thất bại nhiều lần, con người sẽ cho rằng mình không thể và không còn muốn nỗ lực.
Điều này có thể diễn ra trong các mối quan hệ của cá nhân với cá nhân, cá nhân với tổ chức doanh nghiệp hoặc thậm chí ở góc độ rộng hơn là giữa doanh nghiệp với chính phủ.
Sớm nhận ra và giải quyết phát sinh nội tại trước khi những quân domino cùng đổ tạo ra hiệu ứng bất lực tập nhiễm.
Góc độ quan hệ cá nhân với cá nhân, có thể nguyên nhân bắt đầu từ thiếu sự thấu hiểu, phương pháp hợp tác, cái tôi cá nhân lớn,… nên chừng mực nào đó nó gây ra bất lực tập nhiễm trong các mối quan hệ khi điều này diễn ra trong thời gian dài. Nó dẫn tới quy trình phối hợp thiếu hiệu quả, công việc chung bị trì trệ, giảm năng suất. Một kế toán chậm xử lý công việc một ngày đã kéo theo hậu quả là doanh nghiệp bị thiệt hại hàng trăm triệu do phạt chậm hợp đồng.
Giải quyết được mâu thuẫn nội tại bằng nỗ lực chân thành, thẳng thắn và cương quyết ngay từ đầu thì sẽ loại bỏ những mâu thuẫn không đáng có, loại trừ hiệu ứng domino tiêu cực.
Góc độ cá nhân với tổ chức doanh nghiệp, nếu bất lực tập nhiễm xảy ra thì nó sẽ hình thành nên những tư tưởng bất mãn, chống đối, đi ngược lại định hướng của tổ chức. Điều này tạo ra những ảnh hưởng xấu đến văn hóa doanh nghiệp, tạo ra những rào cản cho sự phát triển.
Để giải quyết vấn đề, mỗi cá nhân nên suy nghĩ lại về vòng tròn năng lực. Đó là những kỹ năng, kiến thức sở trường trong phạm vi chức năng công việc của mình. Việc này có thể thực hiện bằng phương pháp SWOT (Strengths – Thế mạnh; Weaknesses – Điểm yếu; Opportunities – Cơ hội và Threats – Thách thức). Rồi dựa vào vòng tròn năng lực đó, tập trung phát huy thế mạnh, đem lại hiệu quả trong chuyên môn, đóng góp cho tổ chức.
Góc độ doanh nghiệp với chính phủ, có những doanh nghiệp sau những thất bại đã không thể gượng dậy nổi. Họ đổ lỗi cho chính sách, do những đường lối từ hoạch định kinh tế vĩ mô đã tạo ra những chiếc đinh bên dưới thảm đỏ. Phần nào đó, các chính sách vẫn còn những khiếm khuyết, những phần chưa hoàn thiện. Nhưng nếu đổ lỗi như thế đã không công bằng. Luật công bằng đôi khi không phải là cái đúng, sai một cách tuyệt đối mà là biết chấp nhận cuộc chơi và đủ khả năng thích nghi.
Vì thế, tư duy người đứng đầu các tổ chức cần yếu tố bền bỉ, đổi mới, khác biệt. Nó phải trở thành văn hóa xuyên suốt từ trên xuống dưới trong mỗi doanh nghiệp, là một phần động lực để tổ chức có thể đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã và dấn thân cho những mục tiêu, hoài bão mới.
Đừng để căn bệnh bất lực tập nhiễm giết chết người Việt chúng ta./.
An Tuệ
Thông tin mới cập nhật