TCTM – Nếu thang máy chữa cháy tại bệnh viện có tính đến việc sơ tán người trong trường hợp khẩn cấp, phải cân nhắc lựa chọn thang máy có thể sơ tán bệnh nhân nằm trên giường ICU cùng thiết bị và nhân viên y tế đi kèm.
1. Tiêu chuẩn thang máy chữa cháy, thang máy sơ tán tại Việt Nam và quốc tế
Trong các công trình được thiết kế nhằm đảm bảo an toàn PCCC, thang máy đóng vai trò không thể thiếu. Có hai loại thang máy chính thường được sử dụng trong trường hợp xảy ra cháy gồm:
Thang máy sơ tán (Escape/Evacuation Lifts): Loại thang máy này được thiết kế để hỗ trợ sơ tán người dân, đặc biệt là những người có khả năng di chuyển hạn chế, thoát khỏi khu vực nguy hiểm một cách an toàn.
Các tiêu chuẩn riêng cho thang máy sơ tán: CEN/TS 81-76, ISO/TS 18870, ASME A17.1, và Dự thảo CEN prEN 81-76. Tại Việt Nam, hiện chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng về thang máy sơ tán.
Việt Nam hiện chưa có tiêu chuẩn cho thang máy sơ tán, thang máy chữa cháy ngoài chức năng phục vụ lực lượng cứu hỏa thì có thể sử dụng để hỗ trợ việc sơ tán người.
Thang máy chữa cháy (Firefighter Lifts): Đây là loại thang máy chuyên dụng dành riêng cho lực lượng cứu hỏa, giúp nhanh chóng tiếp cận khu vực cháy và thực hiện công tác cứu hỏa, cứu nạn. Trong một số trường hợp, thang máy chữa cháy cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ việc sơ tán người.
Tại Việt Nam, “thang máy chữa cháy” được thiết kế để đáp ứng đồng thời cả nhu cầu của lực lượng cứu hỏa và khả năng hỗ trợ sơ tán người.
Các yêu cầu kỹ thuật chi tiết cho thang máy chữa cháy tại Việt Nam được quy định trong QCVN 06:2021/BXD, QCVN 13/2018/BXD, TCVN 6396-72:2010 “Phần 72: Thang máy chữa cháy” (tương đương Tiêu chuẩn EN 81-72), TCVN 6396-73:2010 “Phần 73: Trạng thái của thang máy trong trường hợp có cháy” (tương đương Tiêu chuẩn EN 81-73).
2. Thang máy sơ tán/thoát hiểm (Escape/Evacuation Lifts)
Thang máy sơ tán, hay còn gọi là thang máy thoát hiểm, ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Chúng được thiết kế để sơ tán người khuyết tật và những người bị hạn chế khả năng di chuyển trong các tòa nhà cao tầng khi xảy ra tình huống khẩn cấp như hỏa hoạn, dưới sự chỉ đạo của nhân viên quản lý, vận hành hoặc lực lượng cứu hỏa.
Loại thang máy này thường được thiết kế để duy trì hoạt động trong một khoảng thời gian đáng kể khi xảy ra hỏa hoạn, thường lên đến 120 phút. Khi không phục vụ mục đích khẩn cấp, thang máy sơ tán có thể được sử dụng như thang máy chở khách thông thường.
Cháy tại Bệnh viện Phụ sản Bristol (Anh) vào đầu năm 2025.
Theo Chỉ dẫn Kỹ thuật Thang máy cho cơ sở chăm sóc sức khỏe của Cơ quan Dịch vụ Y tế Anh, các thang máy sơ tán có thể có kích thước nhỏ, nhưng phải đủ để phục vụ người dùng xe lăn.
Tuy nhiên, tại các tòa nhà y tế, bệnh viện, cần phải tính tới trường hợp sơ tán bệnh nhân nội trú, phụ thuộc cao tại khu điều trị đặc biệt, cấp cứu hồi sức,… Trong trường hợp này, kích thước sàn cabin của thang máy sơ tán cần phải tuân thủ kích thước của một thang máy chuyên chở giường bệnh tiêu chuẩn.
Kích thước thang máy và sảnh thang máy sơ tán dành cho thang máy chở giường bệnh cùng thiết bị y tế, nhân viên y tế đi cùng. Yêu cầu có tải trọng tối thiểu 2.500 kg với kích thước cabin rộng 1.800 mm x sâu 2.700 mm, cửa mở thông thủy 1.400 mm.
Như đã đề cập trong “Thiết kế Thang máy Bệnh viện: Lựa chọn kích thước, tải trọng thang máy theo từng loại thang”, thang máy chở giường bệnh (bed lifts) được thiết kế dành riêng để vận chuyển bệnh nhân trên giường bệnh tiêu chuẩn, giường ICU cùng với nhân viên y tế và thiết bị cần thiết sẽ cần có tải trọng định mức 2.500 kg với kích thước sàn cabin thông thủy rộng 1.800 mm x sâu 2.700 mm và kích thước mở cửa thông thủy 1.400 mm.
Đặc biệt, tại các khoa hoặc khu vực chăm sóc và điều trị bệnh nhân phụ thuộc rất cao, bất động (như khu vực phẫu thuật, hồi sức cấp cứu, bệnh nhân phụ thuộc máy móc) hoặc bệnh nhân béo phì, cần phải có ít nhất hai thang máy sơ tán.
Các thang máy này cần được đặt cách xa nhau để đảm bảo rằng, trong trường hợp hỏa hoạn, luôn có ít nhất một thang máy có thể hoạt động.
3. Thang máy chữa cháy dành cho bệnh viện (Firefighter lifts)
Thang máy chữa cháy là thang máy được lắp đặt chủ yếu để phục vụ hành khách với sự bảo vệ bổ sung, các thiết bị điều khiển và tín hiệu được điều khiển trực tiếp bởi đội chữa cháy. Trong tình huống có cháy lực lượng chữa cháy có thể sử dụng để đưa lực lượng, phương tiện chữa cháy tiếp cận đến tầng xảy ra cháy và thực hiện công tác chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ.
Khi không sử dụng cho các hoạt động chữa cháy, thang máy chữa cháy có thể được sử dụng như một thang máy chở khách chung của tòa nhà. Đôi khi, thang máy chữa cháy được bố trí như một phần của nhóm thang máy chở khách, trong những trường hợp này thang máy có thể được trang bị hai cửa ra vào, một cửa dẫn đến sảnh hành khách và cửa còn lại dẫn đến hành lang phòng cháy.
Nguồn điện cung cấp cho thang máy chữa cháy cần phải được tách biệt hoàn toàn với các nguồn điện khác trong tòa nhà. Điều này đảm bảo rằng thang máy chữa cháy luôn có nguồn điện sẵn sàng trong tình huống khẩn cấp.
Các yêu cầu kỹ thuật của thang máy chữa cháy được quy định tại QCVN 06:2021/BXD, QCVN 13/2018/BXD, TCVN 6396-72:2010 “Phần 72: Thang máy chữa cháy”, TCVN 6396-73:2010 “Phần 73: Trạng thái của thang máy trong trường hợp có cháy”. Các quy định, yêu cầu kỹ thuật liên quan tới thang máy phòng cháy có thể tham khảo thêm tại: Quy định về phòng cháy chữa cháy liên quan đến thang máy.
Trong trường hợp thang máy chữa cháy được tính đến sơ tán người khỏi đám cháy và có sử dụng băng ca hoặc giường cần phải lưu ý khi lựa chọn kích thước, tải trọng phù hợp.
Theo yêu cầu tại TCVN 6396-72:2010 (hoàn toàn tương đương EN 81-72:2003) về kích thước của thang máy chữa cháy: Kích thước của thang máy chữa cháy phải được ưu tiên lựa chọn từ TCVN 7628-1 (ISO 4190-1).
Trong bất cứ trường hợp nào, kích thước chiều rộng không được nhỏ hơn 1.100mm, kích thước chiều sâu không được nhỏ hơn 1.400mm và tải trọng định mức không được nhỏ hơn 630kg như đã quy định trong TCVN 7628-1 (ISO 4190-1).
Khi thang máy chữa cháy được sử dụng có tính đến sơ tán người khỏi đám cháy và có sử dụng băng ca hoặc giường hoặc được thiết kế như một thang máy chữa cháy có hai lối vào thì tải trọng danh định nhỏ nhất phải là 1.000 kg và kích thước chiều rộng của cabin phải là 1.100mm và chiều sâu của cabin phải là 2.100 mm như đã quy định trong TCVN 7628-1 (ISO 4190-1).
Tuy nhiên, trên thực tế, với các công trình bệnh viện, khi không có thang máy sơ tán chuyên dụng, việc áp dụng các tiêu chuẩn kích thước và tải trọng tối thiểu nêu trên của thang máy chữa cháy hiện hành có thể gây hạn chế lớn trong việc sơ tán bệnh nhân nằm giường bệnh hoặc hạn chế khả năng di chuyển.
Do đó, các chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng cần cân nhắc bổ sung thang máy sơ tán hoặc điều chỉnh thông số tải trọng, kích thước của thang máy chữa cháy để đáp ứng tốt hơn chức năng sơ tán bệnh nhân nằm trên giường bệnh khi có cháy.
4. Lưu ý khi thiết kế thang máy chữa cháy bệnh viện có phục vụ sơ tán có sử dụng băng ca hoặc giường
Thiết kế hệ thống thang máy chữa cháy trong bệnh viện không chỉ là để phục vụ lực lượng cứu hỏa mà còn phải ưu tiên khả năng sơ tán bệnh nhân phụ thuộc cao, đặc biệt là những người nằm trên giường ICU cùng thiết bị hỗ trợ sự sống.
Việc áp dụng TCVN hiện hành, với tải trọng tối thiểu 1.000 kg và cabin 1.1m x 2.1m cho thang máy sơ tán bằng giường/cáng, có thể gây hạn chế lớn trong quá trình sơ tán khẩn cấp. Các kích thước này không đủ lớn để vận chuyển bệnh nhân phụ thuộc cao trên giường ICU cùng thiết bị hỗ trợ sự sống và nhân viên y tế một cách an toàn và hiệu quả.
\
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả tối ưu trong việc sơ tán bệnh nhân đặc biệt, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe hơn về tải trọng và kích thước cho thang máy chữa cháy có tích hợp chức năng sơ tán bệnh nhân trong bệnh viện là hết sức cần thiết. Cụ thể:
– Tải trọng tối thiểu: Theo ISO 8100-30 và Chỉ dẫn Kỹ thuật Thang máy của Cơ quan Dịch vụ Y tế Anh, thang máy dùng để chở bệnh nhân trên giường bệnh tiêu chuẩn hoặc giường ICU, kèm theo nhân viên y tế và thiết bị, cần có tải trọng tối thiểu là 2.500 kg.
– Kích thước cabin: Đối với thang máy tải trọng 2.500 kg như trên, ISO 8100-30 quy định chiều rộng cabin 1.800 mm x chiều sâu 2.700 mm, với chiều rộng cửa mở thông thủy là 1.300 mm hoặc 1.400 mm. Cơ quan Dịch vụ Y tế Anh cũng đưa ra yêu cầu tương tự: rộng 1.800 mm x sâu 2.700 mm và chiều rộng cửa mở thông thủy 1.400 mm.
Nội dung tham khảo từ tài liệu “Chỉ dẫn thiết kế thang máy” của Viện Kỹ thuật ứng dụng Thang máy
Cẩm nang thang máy bệnh viện: Lựa chọn kích thước, tải trọng thang máy theo từng loại thang máy
Thông tin mới cập nhật