TCTM – Với đặc thù là một công trình bệnh viện cùng các yêu cầu chức năng riêng biệt của từng loại thang máy đòi hỏi một cách tiếp cận thiết kế riêng biệt trong kích thước, tải trọng thay vì một giải pháp chung, thông số kỹ thuật chung cho toàn bộ công trình.
Đối với các thang máy được thiết kế để tải giường bệnh có thể tham khảo thông số kỹ thuật của thang máy Loại III theo Tiêu chuẩn ISO 8100-30 được đề cập trong bài “Sự khác biệt khi thiết kế thang máy bệnh viện theo TCVN và ISO 8100-30”.
Bài viết này tập trung đưa ra thông số và lưu ý chi tiết hơn cho các loại thang máy trong một tòa nhà bệnh viện như đã đề cập trong bài “Thiết kế Thang máy trong Bệnh viện: Phân loại thang máy và kích thước, tải trọng tiêu chuẩn”. Nội dung được thực hiện dựa trên Chỉ dẫn Kỹ thuật Thang máy cho cơ sở chăm sóc sức khỏe của Cơ quan Dịch vụ Y tế Anh. Cụ thể như sau:
Những thang máy này vận chuyển hành khách nói chung, bao gồm hành khách đi bộ, hành khách đi bộ sử dụng thiết bị hỗ trợ di chuyển và người sử dụng xe lăn.
Kích thước khuyến nghị cho thang máy chở khách chung là loại có tải trọng định mức 1.275 kg (tối đa 17 người), diện tích sàn cabin rộng 2.000 mm x sâu 1.400 mm và chiều rộng cửa mở thông thủy 1.100 mm. Thang máy này đảm bảo khả năng tiếp cận đầy đủ cho người sử dụng xe lăn thủ công/điện, đồng thời cấp đủ không gian để quay đầu xe lăn trong cabin thang máy (Hình 1).
Hình 1: Thang máy chở khách có tải trọng định mức 1.275 kg
Đối với các công trình y tế có lưu lượng thấp hơn (chẳng hạn như phòng khám, trung tâm y tế,…), thang máy chở khách có thể cân nhắc điều chỉnh tải trọng định mức xuống 1.000 kg (tối đa 13 người), diện tích sàn cabin rộng 1.600 mm x sâu 1.400 mm và chiều rộng cửa mở thông thủy 1.100 mm. Thang máy này có thể chứa một xe lăn thủ công và một người đi kèm (Hình 2).
Hình 2: Thang máy chở khách có tải trọng định mức 1.000 kg
Đối với các công trình y tế có công suất đặc biệt rất nhỏ, thang máy có tải trọng định mức 630 kg hoặc 800 kg có thể được lắp đặt với điều kiện bắt buộc duy trì chiều rộng cửa mở thông thủy 900 mm. Thang máy 630kg có diện tích sàn cabin rộng 1.100 mm x sâu 1.400 mm. Thang máy 800 kg có diện tích sàn cabin rộng 1.350 mm x sâu 1.400 mm. Dù vậy, kích thước này không được khuyến nghị nhằm đảm bảo người di chuyển bằng xe lăn có thể thoải mái đi cùng một người hỗ trợ khác.
Hình 3: Thang máy chở khách có tải trọng định mức 630kg
Lưu ý:
a) Tất cả thang máy chở khách dành cho giao thông chung của tòa nhà phải tuân thủ các yêu cầu EN 81-70: Khả năng tiếp cận thang máy của người kể cả người khuyết tật; và EN 81-73: Trạng thái của thang máy trong trường hợp có cháy. Tại những nơi không có giám sát, nơi có thể xảy ra hành vi phá hoại, thang máy có thể cân nhắc tuân thủ theo EN 81-71: Thang máy chống phá hoại khi sử dụng.
b) Khi tính chọn thang máy chở khách chung có tính đến trường hợp để sử dụng chở giường đẩy/băng ca/cáng, hay giường ICU,… thì sẽ lựa chọn thông số dựa theo các mục 5.2 và 5.3. Đối với trường hợp cơ sở y tế/bệnh viện thường xuyên hoạt động với lưu lượng người/bệnh nhân lớn cũng cần cân nhắc tới số lượng thang và tải trọng thang máy để đảm bảo hoạt động của bệnh viện không bị gián đoạn.
Thang máy này được thiết kế để vận chuyển bệnh nhân trên giường đẩy (có kích thước 800 mm x 2.375 mm) hoặc bệnh nhân trên cáng cùng với nhân viên y tế và thiết bị cần thiết. Thang máy này cũng có thể chứa được một giường bệnh viện kích thước lớn hơn (rộng 1000 – 1050 mm x sâu 2370 mm) trong trường hợp không có bệnh nhân, thiết bị đi kèm.
Một thang máy chở giường đẩy/cáng cần có tải trọng định mức tối thiểu 1.600 kg với diện tích sàn cabin thông thủy rộng 1.400 mm x sâu 2.400 mm và cửa mở thông thủy rộng 1.400 mm. Nếu thang máy này được sử dụng như thang máy chở khách chung (tại phần 1), thì tay vịn lắp đặt bên trong cabin không được làm giảm không gian thông thủy của cabin (Hình 4).
Hình 4: Thang máy chở giường đẩy/tải cáng có tải trọng 1.600 kg
Lưu ý:
Thang máy chở giường đẩy/cáng phải tuân thủ EN 81-70: Khả năng tiếp cận thang máy của người kể cả người khuyết tật, trừ khi có yêu cầu lâm sàng đặc biệt khiến việc tuân thủ này không khả thi (ví dụ như trường hợp tay vịn thang máy như trên. Để đảm bảo đủ khoảng trống, tay vịn có thể cần được lắp âm vào vách cabin, hoặc vách cabin có thể cần được thiết kế lùi vào).
Để giảm thiểu rủi ro cho bệnh nhân, đặc biệt là những người đang được vận chuyển trên giường đẩy, tay vịn trong thang máy chỉ nên được lắp đặt ở một bên tường. Việc này giúp tránh tình trạng bệnh nhân bị vướng vào phần dưới của tay vịn hoặc bị va chạm với tay vịn gây bất tiện hoặc nguy hiểm.
Kích thước sảnh thang máy tối thiểu dành cho thang máy chở giường đẩy/tải cáng
Thang máy chở giường bệnh được thiết kế dành riêng cho việc vận chuyển bệnh nhân trên giường bệnh tiêu chuẩn, giường ICU cùng với nhân viên y tế và thiết bị cần thiết, đòi hỏi kích thước cabin lớn hơn đáng kể.
Thang máy này yêu cầu tải trọng định mức 2.500 kg với kích thước sàn cabin thông thủy rộng 1.800 mm x sâu 2.700 mm và kích thước mở cửa thông thủy 1.400 mm (Hình 5).
Để phân tách lưu lượng giao thông và lý do vận hành, kiểm soát nhiễm khuẩn, không khuyến nghị sử dụng thang máy chở giường bệnh cho lưu lượng hành khách chung của bệnh viện.
Khi thang máy chở giường bệnh cũng được sử dụng cho lưu lượng hành khách chung, cabin thang máy sẽ cần có tay vịn. Để giảm thiểu rủi ro cho bệnh nhân, tay vịn trong thang máy chỉ nên được lắp đặt ở một bên vách cabin.
Hình 5: Thang máy chở giường bệnh có tải trọng 2.500 kg
Lưu ý:
Thang máy chở giường bệnh phải tuân thủ EN 81-70: Khả năng tiếp cận thang máy của người kể cả người khuyết tật, trừ khi có yêu cầu lâm sàng đặc biệt khiến việc tuân thủ này không khả thi.
Kích thước sảnh thang máy tối thiểu dành cho thang máy chở giường bệnh
Những thang máy này được thiết kế để vận chuyển hàng hóa thông thường và các vật phẩm bẩn (ví dụ: đồ nội thất, thiết bị, vật liệu xây dựng, vật tư bảo trì thiết bị, chất thải, v.v.). Khi thiết kế, cần xem xét lắp đặt thang máy chở hàng có chở người, thay vì chuyên chở hàng.
Tải trọng định mức khuyến nghị cho thang máy chở hàng là 2.500 kg, với diện tích sàn cabin thông thủy rộng 1.800 mm x sâu 2.700 mm và chiều rộng cửa mở thông thủy 1.800 mm (lưu ý rằng chiều rộng cửa mở bằng với chiều rộng sàn cabin – tức là không có phần tường cabin lùi vào).
Trong các tòa nhà chăm sóc sức khỏe nhỏ hơn (chẳng hạn như phòng khám, trung tâm y tế,…), tải trọng định mức có thể giảm xuống 1.600 kg với diện tích sàn cabin rộng 1.400 mm x sâu 2.400 mm và chiều rộng cửa mở thông thủy 1.400 mm.
Trong các tòa nhà chăm sóc sức khỏe, bệnh viện có hệ thống thiết bị lớn, được vận chuyển thường xuyên, có thể cân nhắc thang máy chở hàng có tải trọng định mức lên đến 5.000 kg với diện tích sàn cabin rộng 2.500 mm x sâu 3.500 mm và chiều rộng cửa mở thông thủy 2.500 mm.
Lưu ý:
Thang máy chở hàng/đồ bẩn phải tuân thủ EN 81-70: Khả năng tiếp cận thang máy của người kể cả người khuyết tật, trừ khi có yêu cầu lâm sàng đặc biệt khiến việc tuân thủ này không khả thi.
Loại thang này không được thiết kế để chở hành khách, thang tải hàng nhỏ – dumbwaiter chuyên dụng để vận chuyển hàng hóa có tải trọng, kích thước nhỏ, vật dụng giữa các tầng. Việc lắp đặt loại thang này sẽ dựa vào nhu cầu thực tế của công trình bệnh viện.
Loại thang này được lắp đặt cố định trong các khu vực hạn chế và/hoặc chỉ được sử dụng bởi những người được ủy quyền. Trong trường hợp có lắp đặt loại thang này thì có thể sử dụng tải trọng tối thiểu 300 kg và tốc độ định mức không vượt quá 1m/s.
Thang máy tải hàng dạng dumbwaiter trong bệnh viện được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như phân phối thuốc, chất gây ô nhiễm,… mà không cần người đi kèm
Những thang máy này được thiết kế để vận chuyển các vật phẩm sạch như vật tư y tế; thiết bị vô trùng, được khử khuẩn; thực phẩm, văn phòng phẩm,…
Tải trọng định mức khuyến nghị là 1.600 kg, với diện tích sàn cabin thông thoáng rộng 1.400 mm x sâu 2.400 mm và chiều rộng cửa mở thông thủy 1.400 mm. Thang máy này có thể chứa hai xe đẩy phục vụ ăn uống loại 30 khay và nhân viên đi kèm.
Lưu ý chung: Đối với các công trình có tần suất sử dụng cao, có nguy cơ hư hỏng do va chạm,… cần xem xét các yêu cầu tại Tiêu chuẩn EN 81-71 về thang máy Loại 1 để bảo vệ thang máy khỏi các hành vi cố ý phá hoại ở mức độ trung bình. Ở những nơi có mức độ sử dụng rất cao hoặc có nguy cơ cao hư hỏng do va chạm,… cần xem xét các yêu cầu tại Tiêu chuẩn EN 81-71 về thang máy Loại 2 để bảo vệ thang máy khỏi các hành vi phá hoại.
Bài viết này không đề cập tới các thang máy phục vụ trong trường hợp khẩn cấp gồm thang máy chữa cháy, thang máy sơ tán. Nhóm thang này sẽ được đề cập chi tiết hơn trong bài: Yêu cầu kích thước, tải trọng thang máy chữa cháy, thang máy sơ tán cho bệnh viện.
Thông tin mới cập nhật