TCTM – Không ít ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam, vẫn còn xuất hiện anh chàng Xuân Tóc Đỏ chẳng cần đào tạo cũng có thể làm “thầy dạy tennis” cho cô Tuyết như trong “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng, thời 1930. Liệu bối cảnh hiện nay có còn đất cho Xuân Tóc Đỏ tồn tại?
Năm 1936, ngòi bút xuất chúng của nhà văn Vũ Trọng Phụng nở rộ, chỉ trong vòng một năm, bốn cuốn tiểu thuyết “Giông tố”, “Số đỏ”, “Vỡ đê” và “Làm đĩ” lần lượt xuất hiện trên các báo, thu hút sự chú ý của công chúng. Trong đó “Số đỏ” xuất sắc hơn cả, được xem như tác phẩm lớn nhất của nhà văn gốc Hưng Yên, một vài nhân vật, câu nói trong “Số đỏ” đã đi vào ngôn ngữ đời sống hằng ngày.
Đối trọng: Này ông bạn già, càng đọc Vũ Trọng Phụng, càng thấy sự thâm thúy của nhà văn, nhà báo họ Vũ, ông ấy xây dựng nhân vật Xuân Tóc Đỏ để đời. Bao năm sau ngẫm vẫn thấy, xung quanh chúng ta vẫn còn, vẫn có nhiều Xuân Tóc Xanh, Xuân Tóc Vàng…
Cabin: Chính xác. Chả hề biết mô tê gì về món này, nhưng Xuân Tóc Đỏ vẫn tình nguyện đi dạy tennis cho cô Tuyết để thâm nhập vào giới thượng lưu, lấy lòng mẹ nàng – bà Phó Đoan. Nó phản ánh hiện thực cuộc sống đô thị của Việt Nam, cảnh báo những bất cập của xã hội bấy giờ. Xuân Tóc Đỏ là hình mẫu của những người sẵn sàng đánh đổi đạo đức và giá trị bản thân để tìm kiếm sự nổi tiếng, tiền bạc và địa vị.
Đối trọng: Phải chăng thông điệp mà cụ Vũ Trọng Phụng muốn gửi gắm chúng ta là giá trị làm người, đề cao sự chân thành, đồng thời phê phán những thực trạng xã hội đầy rẫy sự giả tạo và tham lam?
Cabin: Ông nói chí phải. Ban đầu cứ tưởng chả cần học hành, tu rèn gì sất chỉ cần kỹ năng thích nghi và thay đổi trước hoàn cảnh là Xuân Tóc Đỏ có thể làm nên cơm cháo. Nhưng thức tế, cuối cùng Xuân Tóc Đỏ lại rơi vào cảnh tay trắng, phải sống trong sự bế tắc, không còn chỗ đứng trong xã hội mà anh từng cố gắng để hòa nhập.
Đối trọng: Ngẫm sâu mới thấy cụ Vũ Trọng Phụng tài tình, không phải chỉ với môn tennis, mấy ông nhặt bóng, quen chân, khéo miệng dẻo tán là có thể cầm vợt xưng danh coach (thầy dạy), nhiều lĩnh vực khác, ngành nghề khác cũng vậy.
Cabin: Thực tình thì nếu chịu khó quan sát, học hỏi thì chúng ta có thể mày mò, tự học. Nhưng muốn phát triển cá nhân và lớn hơn, phát triển lĩnh vực đó thì không thể không qua đào tạo, cổ nhân nói “không thầy, đố mầy làm nên” đâu có sai. Nhất là những lĩnh vực đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao như công nghệ thông tin, cơ khí, thang máy… liên quan đến an toàn, tính mạng con người.
Đối trọng: Nói đến thang máy, đến giờ chúng ta có hơn 400 công ty thang máy, 1.700 lao động trong lĩnh vực này, mỗi năm có khoảng 30.000 – 35.000 thang máy, thang cuốn được lắp đặt. Liệu có tình trạng Xuân Tóc Đỏ không?
Cabin: (Cười) Điều 35 Luật Việc làm 2013 có quy định về những công việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khoẻ của cá nhân người lao động hoặc cộng đồng. Điều 28 Nghị định 31/2015/NĐ-CP, nhóm công việc này được chia thành 02 loại: Công việc thuộc danh mục công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Công việc khi người lao động thực hiện công việc đó có ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của cộng đồng hoặc sức khỏe của người khác.
Thang máy là các thiết bị công nghệ phức tạp, đòi hỏi mức độ an toàn cao nên cần thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp thang máy bắt buộc sử dụng lao động qua đào tạo để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và của chính lao động lắp đặt, bảo trì thang máy. Lý thuyết thì không có Xuân Tóc Đỏ, nhưng thực tế lại không như thế, đó là thực trạng đáng báo động.
Đối trọng: “Thực tế lại không như thế” là sao hả ông?
Cabin: Nói tới lại buồn. Lâu nay các doanh nghiệp thang máy đều phải tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp những chuyên ngành như điện, điện tử, điều khiển tự động, cơ khí, xây dựng, động cơ… ở trường đại học, cao đẳng kỹ thuật rồi đào tạo thêm kiến thức chuyên sâu, cả lý thuyết và thực hành về thang máy,
Tuy nhiên, các khóa ngắn hạn này chỉ thực hiện tại công ty trong phạm vi tương đối hẹp và quan trọng nhất là chưa có sự chuẩn hóa, không có sự thống nhất giáo trình, thiếu điều kiện thực hành.
Mà nói ông nghe, nếu truy cho đến cùng thì rất nhiều người làm thang máy không có đào tạo, bằng cấp gì. Chỉ có kiểu thằng nọ chỉ thằng kia rồi quay ra làm “ầm ầm”. Vậy nên là nhiều khi khách hàng không may vớ phải mấy ông thợ tay ngang, thang lắp xong rồi mà chạy không được, lỗi liên tục đấy!
Đối trọng: Ông nói làm tôi sợ quá! Lớ ngớ gặp phải mấy ông thợ “cỏ” khéo khi “lợn lành chữa thành lợn què” mà thang máy “què quặt” rồi lại còn chẳng biết què chỗ nào mà sửa. Tới cuối cùng chỉ có khách hàng là thiệt thôi!
Cabin: Nhưng mà ông yên tâm, từ năm 2025 mọi việc đã khác rồi. Mới hồi tháng 3 vừa qua, Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) đã phối hợp với Đại học Thang máy Hàn Quốc (KLC – Korea Lift College, trường đại học đầu tiên và duy nhất trên thế giới chuyên đào tạo ngành thang máy) chính thức ra mắt Trung tâm Đào tạo Thang máy, thuộc Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy (VILEA) rồi đấy!
Không chỉ tuyển sinh Khóa Đào tạo Kỹ thuật viên Lắp đặt, Bảo trì Thang máy, Trung tâm của VNEA còn đào tạo cả Khóa Quản lý Vận hành Thang máy. Trung tâm đã khai giảng các khóa học đầu tiên rồi, từ nay chúng ta sẽ có những lứa kỹ thuật viên được chuẩn hóa tay nghề bằng thi sát hạch chuẩn đầu ra, cấp chứng chỉ được Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác công nhận.
Giai đoạn đầu thì VNEA mới mở ở Trung tâm Đào tạo Thang máy đặt tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội làm trọng tâm cho khu vực phía Bắc, nhưng thời gian sắp tới sẽ triển khai cả ở miền Trung – miền Nam nữa.
Trung tâm Đào tạo Thang máy của VNEA là cơ sở đào tạo đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam chuyên đào tạo, sát hạch và cấp chứng chỉ cho nhân lực ngành thang máy, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình chuyên nghiệp hóa lĩnh vực này.
Đối trọng: Thế là Xuân Tóc Đỏ chắc cũng sắp hết thời ở nước ta rồi! Giờ đây khách hàng có thể lựa chọn những kỹ thuật viên được chuẩn hóa bằng đào tạo, thi sát hạch nghiêm ngặt rồi! Không biết các quốc gia khác, liệu có tay ngang Xuân Tóc Đỏ trong lao động ngành thang máy không ông nhỉ?
Cabin: Nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng hệ thống đào tạo và quản lý chất lượng nhân lực thang máy chặt chẽ, toàn diện. Chẳng hạn như tại Hàn Quốc, hoạt động đào tạo và quản lý nhân lực kỹ thuật thang máy được quản lý chặt chẽ bởi Bộ Hành chính và An ninh (Bộ HC&AN) và được điều chỉnh bởi một bộ luật riêng – Luật Thang máy Hàn Quốc.
Không chỉ đào tạo nghề thông qua các cơ sở giáo dục đào tạo như Đại học Thang máy Hàn Quốc, người lao động hành nghề kỹ thuật thang máy tại quốc gia này phải trải qua các khóa đào tạo nghiệp vụ kỹ thuật hoặc nghiệp vụ an toàn thang máy tùy theo công việc mà họ thực hiện.
Hiện nay, đào tạo nghiệp vụ kỹ thuật thang máy do 2 cơ sở đào tạo được chỉ định thực hiện là Cơ quan Quản lý an toàn thang máy Hàn Quốc (KoELSA) và Hiệp hội Thang máy Hàn Quốc (KoLA). Còn đào tạo nghiệp vụ quản lý an toàn thang máy chỉ được thực hiện bởi KoELSA.
Còn tại Mỹ, để trở thành kỹ thuật viên lắp đặt/sửa chữa thang máy tại Mỹ, người lao động cần phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương. Đồng thời, vượt qua bài Kiểm tra Năng khiếu Thang máy, sau đó hoàn thành khóa học nghề thang máy kéo dài 4 năm nằm trong Chương trình giáo dục công nghiệp thang máy quốc gia (NEIPE).
Đối trọng: Thông tin của cụ hay quá, đã đến lúc chúng ta phải siết lại vấn đề này rồi, không thể thả nổi.
Theo quy định của Luật Đầu tư 2020, có 227 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó có 23 ngành nghề yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề. Theo tôi, quy định Chứng chỉ hành nghề đối với nhân lực ngành thang máy không chỉ đơn thuần là việc đánh giá, xác nhận về trình độ chuyên môn, mà nó còn mang ý nghĩa rất lớn trong việc quản lý và phát triển ngành. Quy định về chứng chỉ hành nghề đối với lao động ngành thang máy sẽ tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng để Nhà nước, xã hội phân định được nhân viên kỹ thuật chính danh với bộ phận lao động trôi nổi, thiếu kinh nghiệm kiểu Xuân Tóc Đỏ.
An Thanh
Thông tin mới cập nhật