TCTM – Mới đây, cơ quan điều tra của Bộ Công an phát hiện trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã bán 573 nhãn hiệu sữa giả các loại ra thị trường, mang lại doanh thu khoảng 500 tỷ đồng, 8 người đã bị bắt, vụ án đang dấy lên tiếng chuông báo động. Chuyên đề Café Lạc Long Quân (trụ sở Tạp chí Thang máy) do nhà báo An Thanh (Báo Kinh tế và Đô thị) phụ trách, sẽ bàn sâu hơn về vấn đề này.
Chuyên đề Café Lạc Long Quân sẽ bàn những vấn đề nóng của cuộc sống đô thị, dưới góc nhìn khác, nhẹ nhàng và có chiều sâu.
Đối trọng: Này ông, có gì mà sáng ra, cái ông nhà văn kiêm nhà báo họ Văn – Văn Công Hùng – đã kêu rầm trời: Kinh khủng, hết sức kinh khủng/Độc ác, hết sức độc ác, hết sức táng tận lương tâm.
Cabin: À, không oan, không oan. Thế này nhé, từ tháng 8/2021, nhóm đối tượng do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà chủ mưu cầm đầu thành lập doanh nghiệp Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group để trực tiếp tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả.
Bị can Hồ Sỹ Ý (trái), Đặng Trung Kiên và tang vật là sữa bột giả bị công an thu giữ
Đối trọng: Thế thì kinh khủng là đúng rồi nhỉ?
Cabin: Cái “rất kinh khủng” lại nằm ở chỗ khác. Các loại sữa của hai công ty nói trên dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai với các thành phần công bố trên sản phẩm như: Chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó… nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Ngoài 2 công ty nói trên được lập để tổ chức sản xuất các sản phẩm sữa bột giả, các đối tượng còn liên doanh, liên kết bằng hình thức góp cổ phần với nhiều đối tượng khác thành lập ra 9 công ty với mục đích để đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm (nhãn thương hiệu sản phẩm) và trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại Nhà máy của Công ty Hacofood và Công ty Rance Pharma.
Các sản phẩm này được quảng cáo là “đạt chuẩn chất lượng quốc tế” và được phân phối rộng rãi tại nhiều địa phương trên toàn quốc. Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng. Mà diễn ra lâu thế, từ năm 2021 tới nay mới bị phát hiện.
Một số loại sữa trong tổng số gần 600 nhãn hiệu sữa giả do các công ty trên sản xuất và phân phối
Đối trọng: Này, đúng là “chuyện thật như đùa” vì ông biết, chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay, có 3 Bộ chính quản lý: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp. Khó thế mà bọn chúng vẫn lọt được, kinh thật?
Cabin: Bọn nó đúng là “ba đầu, sáu tay” biết nghiên cứu để tìm cách lách Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Nghị định 15 được triển khai theo cơ chế tương đối thông thoáng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm, thủ tục cũng chuyển dần từ đăng ký sản phẩm sang tự công bố sản phẩm.
Theo quy định tại Nghị định 15/2018, đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn (ngoại trừ thực phẩm dinh dưỡng y học, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi…), doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm thay vì phải đăng ký công bố để cơ quan quản lý thẩm định. Ngay sau khi tự công bố, doanh nghiệp được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm về an toàn của sản phẩm đó.
Cơ chế này ra đời nhằm giảm gánh nặng thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, mặt trái là nếu thiếu hậu kiểm nghiêm túc, nó có thể trở thành “lỗ hổng” để hàng giả, hàng nhái len lỏi, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Mô tả chiêu trò của đường dây sản xuất, phân phối sữa giả vừa bị công an phát hiện, bóc gỡ
Đối trọng: Nghe ông phân tích vụ sữa giả mà tôi thấy bất an quá. Họ lợi dụng kẽ hở trong quy định về “tự công bố”, thiếu xót trong hậu kiểm và quản lý chồng chéo để làm bậy. Tôi lại nghĩ tới chuyện thang máy nơi tôi và ông đang công tác. Lĩnh vực này cũng phức tạp, liệu có cái kiểu “doanh nghiệp tự công bố” như bên sữa không ông? Nhỡ họ cũng công bố một đằng, lắp đặt một nẻo thì nguy?
Cabin: Đầu tiên, ông phải biết quy chuẩn và tiêu chuẩn là cái gì đã nhé. Quy chuẩn là cái bắt buộc phải tuân thủ, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và kiểm soát. Còn tiêu chuẩn là tự nguyện áp dụng, do các tổ chức, hiệp hội, hoặc chính doanh nghiệp xây dựng và công bố để nâng cao chất lượng, tính năng.
Tiêu chuẩn có thể có các tiêu chí rộng và cao hơn so với quy chuẩn. Nhưng quy chuẩn là điều bắt buộc phải thực hiện theo quy định của pháp luật, còn tiêu chuẩn là các khuyến khích thực hiện.
Đối trọng: Rắc rối phết, còn gì nữa không ông bạn?
Cabin: Dựa trên các quy chuẩn và tiêu chuẩn đó, doanh nghiệp phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy (bắt buộc theo quy chuẩn) và có thể công bố hợp chuẩn (tự nguyện theo tiêu chuẩn). Cái thang máy muốn được lưu thông trên thị trường thì bắt buộc phải đạt chứng nhận hợp quy nhé!
Việc chứng nhận hợp quy này không phải doanh nghiệp muốn nói sao cũng được, mà phải do các tổ chức chứng nhận được nhà nước chỉ định thực hiện. Đối với thang máy sản xuất trong nước, việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo hai phương thức:
Sản xuất hàng loạt: Chứng nhận theo Phương thức 5 – Thử nghiệm mẫu điển hình, đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.
Sản xuất đơn chiếc: Chứng nhận theo Phương thức 8 – Thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm.
Rắc rối phết đấy!
Nhiều trường hợp doanh nghiệp cố tình “ngó lơ” các quy định về chứng nhận và công bố hợp quy thang máy, sẵn sàng cung cấp các thang máy chưa được hợp quy hoặc không thể hợp quy dẫn tới nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng.
Đối trọng: Đối với mấy ông bạn thang máy nhập khẩu thì sao?
Cabin: Đối với thang máy nhập khẩu, việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo hai phương thức:
Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa nếu chúng được nhập khẩu hàng loạt.
Hoặc chứng nhận hợp quy theo phương thức 8: Thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm hàng hóa.
Đối trọng: Nghe cũng nhiều vấn đề đấy nhỉ! Thế túm lại là ông với tôi cần phải có những điều kiện gì để thành cái thang máy “sống thọ, sống khỏe”?
Cabin: Nói thì dài, ông chỉ cần nhớ để “sống thọ, sống khỏe” thì trước khi được lắp đặt, ông phải yêu cầu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, lý lịch thang máy bản gốc để kiểm tra.
Đấy là trách nhiệm của họ! Dù là thang máy nhập khẩu hay sản xuất trong nước cũng cần phải rà soát lại yếu tố hợp quy thang máy.
Trong trường hợp là thang máy nhập khẩu, cần lưu ý thêm tới các giấy tờ như Chứng nhận CO (Certificate of Origin), Chứng nhận CQ (Certificate of Quality and Quantity), Vận đơn B/L (Bill of Lading), Phiếu đóng gói hàng hóa Packing List,…
Theo yêu cầu tại TCCS 01:2023/VNEA mỗi thang máy, thang cuốn đều phải được gắn mã định danh dưới dạng dãy số và mã QRcode, được gắn trực tiếp tại các vị trí dễ thấy theo quy định. Thông qua mã định danh, người sử dụng có thể truy xuất các thông tin liên quan tới thang máy như hồ sơ lý lịch, lịch sử bảo trì, thông tin hợp quy, kiểm định,…
Còn khi đã lắp đặt xong và chuẩn bị đưa vào sử dụng thì công ty lắp đặt thang máy bắt buộc phải kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy trước khi bàn giao cho khách. Thang máy đạt chuẩn mới được dán tem kiểm định và được đưa vào sử dụng nhé! Nếu không kiểm định mà dùng luôn khéo khi “bay” ngay 75 triệu tiền phạt đấy!
Đối trọng: Có khi còn “bay luôn cả người” ấy chứ! Cám ơn ông bạn đã chỉ giáo tận tình!
An Thanh
Thông tin mới cập nhật