Thế giới phải mất hàng trăm năm thiết kế sản xuất nhưng dân phố chỉ cần vài năm là được tiếp cận sử dụng những thành quả tiên tiến nhất. Giờ đã có khá nhiều người bình thường ở phố tự lắp đặt những chiếc thang máy cho ngôi nhà riêng của mình. Người nghèo hơn muốn biết sử dụng thang máy chỉ cần hẹn đến chơi bạn bè ở chung cư là mãn nguyện!
Chiếc thang máy đầu tiên có mặt trên dải đất Việt Nam là của gia đình Chú Hỏa ở Sài Gòn vào thập kỷ 20 thế kỷ trước. Thực ra thì khi xây dựng ngôi nhà có chiếc thang máy đầu tiên này, nhà tư sản Hứa Bổn Hòa (Chú Hỏa) đã qua đời gần 30 năm rồi. Con cháu ông muốn thực hiện ý nguyện của ông xây một tòa nhà lớn để quây quần tụ họp sinh sống mà thôi.
Ở Hà Nội thời Pháp thuộc không có ngôi nhà nào cao đến mức cần có thang máy. Mãi sau này khi chiến tranh chống Mỹ nổ ra vẫn chưa có chiếc thang máy nào dù rằng người ta đã xây dựng những khu nhà tập thể cao đến 4 hoặc 5 tầng. Khái niệm về chiếc thang máy ở Hà Nội vì thế chỉ dừng lại nơi những chiếc thang nâng hàng ở vài hàng ăn, quán phở mậu dịch. Gọi là “máy” nhưng thực chất là “quay tay”.
Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử Hà Nội trong tranh của hoạ sĩ Đỗ Phấn.
Nhân viên tầng trên ngoái đầu xuống quầy bán hàng tầng dưới gọi phở và cầm tay quay kéo phở lên. Như thế cũng là hiện đại lắm rồi. Nó như một trò chơi rất cuốn hút lũ trẻ ở phố những năm 60 thế kỷ trước. Tất nhiên đó là chiếc “thang máy” tự chế của cửa hàng làm thủ công và vận hành cũng thế. Chỉ sơ ý một chút thôi là nhân viên sẽ làm cho toàn bộ khay phở về lại nơi sản xuất dưới dạng mảnh vỡ lẫn lộn với bánh phở!
Những chiếc thang máy đầu tiên có mặt ở Hà Nội chỉ chừng chưa đến hai chục năm nay. Nó xuất hiện bởi nhu cầu của những ngôi nhà và chung cư cao tầng. Nó liên tục được cải tiến để trở nên thông minh như bây giờ là những cố gắng không ngừng nghỉ của nhà sản xuất nhằm đáp ứng một loại khách hàng mới mẻ chưa hề có kinh nghiệm sử dụng. Càng ở những nơi có mặt bằng dân trí thấp thì chiếc thang máy lại càng phải có độ thông minh cao hơn để giữ an toàn.
Những ngày đầu làm quen với thang máy không khỏi làm cho dân phố bỡ ngỡ. Nhưng phần lớn dân ở chung cư được hướng dẫn một vài buổi là thành thạo. Khách đến chơi thì không hẳn như vậy. Các tòa nhà công cộng và chung cư không phải tất cả đều được lắp đặt những thang máy giống nhau về cách thức vận hành. Thế cho nên trong buồng thang đang đi xuống bỗng cửa mở có người hớt hải bước vào.
Khi cửa đóng lại và thang chạy mới biết hướng đi không giống với ý định của mình. Người nhũn nhặn đành chép miệng đi xuống tận hầm rồi ngược lên. Người nóng tính hét váng. Các nhà sản xuất vẫn còn một việc cuối cùng nữa phải cải tiến. Đó là những chiếc thang có thể đọc được ý định lên, xuống của hành khách.
Khách khứa đến chơi nhà nhau ở chung cư dĩ nhiên đều phải đi thang máy. Chẳng có ai được ở những tầng thấp chỉ dùng vào dịch vụ công cộng. Vài tầng dưới cùng thường là siêu thị lưu thông bằng những thang cuốn. Cũng là một loại thang máy nhưng dễ sử dụng hơn. Chỉ cần nhìn bằng mắt thường đã có thể biết nó lên hay xuống. Thế nhưng trẻ con rời mắt người lớn ra vẫn hay gặp tai nạn ở loại thang này.
Họa sĩ Đỗ Phấn vẫn lưu giữ những kí ức đầy cảm xúc của thời gian qua những nét vẽ và cả những dòng tản mạn đầy cảm xúc.
Chung cư thường khách khứa rất hay vào nhầm buồng thang trong cái mênh mông tầng hầm gửi xe. Chỉ khi lên đến tầng mình muốn không tìm ra số căn hộ mới biết là nhầm. Hành trình tiếp theo dĩ nhiên là quay lại nơi xuất phát.
Những khu chung cư cao cấp an ninh chặt chẽ, nhà có khách phần lớn gia chủ vẫn phải xuống tận sảnh đón lên. Dù có đi thang máy quen thuộc đến thế nào chăng nữa vẫn cần phải có thẻ quẹt mới bấm được số tầng. Giống như ở vài khách sạn cũng cần có thẻ khóa từ phòng mình mới có thể bấm số tầng. Điều này tưởng như hiển nhiên nhưng cũng gây không ít phiền toái với người lạ. Chẳng biết có phải vì thế mà những người sống ở chung cư cao cấp thường chỉ có khách trong ít ngày đầu tiên mừng nhà mới. Sau đó thì hình như ai cũng ngại phải đến một nơi như thế.
Thang máy chung cư là một vật dụng tuyệt vời với người già. Đã có nhiều cụ khi còn ở trong phố dù chỉ sống trên gác 2 thôi cũng nhiều năm không xuống đất bởi cái đầu gối thoái hóa của mình. Con cháu chiều ý cụ chuyển nhà xuống chung cư dù ở tầng 16 cũng dễ dàng xuống sân giao lưu thơ phú tổ hưu. Cuộc sống lại muôn phần tươi đẹp. Hóa ra đôi khi người ta chuyển nhà không phải chỉ vì chính căn nhà đó mà lại là vì cái thang máy không thuộc quyền sở hữu của mình.
Thế nhưng thang máy chung cư không chỉ phục vụ những văn minh đi lại. Vài cô ô sin bế trẻ nhỏ vào buồng thang dỗ dành bón bột, xi tè là chuyện thường. Vài cô nàng đỏng đảnh vào buồng thang cũng tranh thủ lôi đồ nghề make-up ra tuốt lại nhan sắc đến quên cả bước ra khi cửa mở. Kinh nhất là mấy anh chàng biến thái trong thang máy giờ đã trở nên chuyện phổ biến khắp ba miền. Người bị phạt 200 nghìn, người bị khởi tố vì tội quấy rối trẻ em. Các anh ấy mới chỉ văn minh một nửa nên không biết rằng phần lớn thang máy bây giờ đều có lắp camera theo dõi. Hành động quấy quả của các anh có bằng chứng bằng hình ảnh rõ ràng khó cãi.
Nhưng kể ra thì dân phố chưa từng làm quen với thứ gì nhanh bằng thang máy. Thế giới phải mất hàng trăm năm thiết kế sản xuất nhưng dân phố chỉ cần vài năm là được tiếp cận sử dụng những thành quả tiên tiến nhất. Giờ đã có khá nhiều người bình thường ở phố tự lắp đặt những chiếc thang máy cho ngôi nhà riêng của mình. Người nghèo hơn muốn biết sử dụng thang máy chỉ cần hẹn đến chơi bạn bè ở chung cư là mãn nguyện!
Nhà văn Đỗ Phấn
Thông tin mới cập nhật