Khái niệm BIM xuất hiện từ những năm 1970 và đến nay đã được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Chính phủ một số nước đã nhận thức được sự cần thiết của việc ứng dụng BIM và đã áp dụng bắt buộc cho các dự án tòa nhà lớn và công cộng. Ở một số nước không bắt buộc thì tỉ lệ áp dụng cũng được tăng đều.
BIM (Building Information Modeling) – Mô hình thông tin công trình là một xu hướng tất yếu của quá trình chuyển đổi số. Hiểu đơn giản thì đây là quá trình số hóa dữ liệu bằng việc tạo và quản lí thông tin cho một tòa nhà. Dựa trên nền tảng đám mây tích hợp với cấu trúc dữ liệu, mô hình BIM tạo ra bản kỹ thuật số của một tài sản trong suốt vòng đời của nó kể từ khi lập kế hoạch, thiết kế, xây dựng, vận hành. Quan trọng như vậy nhưng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc ứng dụng thí điểm tại một số tòa nhà.
Một số rào cản trong việc ứng dụng BIM tại Việt Nam là khá rõ. Đó là việc các hành lang pháp lý chưa hoàn thiện dẫn tới việc chưa hỗ trợ đầy đủ chính sách về mặt tài chính. BIM cũng khá xa lạ ở Việt Nam bởi thiếu nhân lực, thiếu các chương trình đào tạo cụ thể.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất nhưng lại cũng chính là điểm mạnh nhất của BIM, đó là minh bạch thông tin và đó là điều mà chúng ta cần quan tâm.
BIM cung cấp cho chủ đầu tư nguồn thông tin đầy đủ nhờ tích hợp trong mô hình để chủ đầu tư lựa chọn phương án thiết kế, lên kế hoạch vốn tối ưu. BIM còn giúp giảm thiểu chi phí phát sinh bằng cách chủ động xử lý lỗi thiết kế, qua đó góp phần tiết kiệm chi phí cho dự án. Nhờ BIM, thiết kế luôn chính xác và chặt chẽ. Cơ sở dữ liệu thông tin BIM được sử dụng rất hiệu quả trong việc xây dựng báo cáo vận hành, phân tích và báo cáo việc sử dụng không gian, tối ưu hóa chi phí vận hành. Để cung cấp được những lợi ích này, thông tin trên BIM phải vô cùng chi tiết. Khi các thông tin thiết kế được hiển thị trực quan, công khai thì các bộ phận đều nắm được thông tin thay đổi của các bộ phận khác.
Công tác đo lường và lập dự toán chi phí của công trình được thực hiện một cách nhanh chóng và chính xác: việc sử dụng mô hình thông tin công trình ở định dạng 3D, kèm theo tích hợp phần mềm đo đạc nên việc bóc tách công trình được thực hiện một cách tự động. Từ đó, việc xác định chi phí xây dựng công trình sẽ được tự động hóa và công khai.
Các quy trình được chuẩn hóa dễ được kiểm soát xuyên suốt nhờ ứng dụng chặt chẽ các tiến bộ công nghệ. Nhờ đó các Ban quản lý dự án sẽ theo dõi, giám sát việc thực hiện thiết kế, thi công thuận lợi hơn, chính xác hơn, giúp giảm thiểu lãng phí và tăng hiệu quả thực thi. BIM cũng cung cấp các thông tin như tiến độ thi công, biểu đồ nhân công, biểu đồ phát triển giá thành công trình. Điều này giúp cho ban quản lý thực hiện công việc một cách dễ dàng và dễ kiểm soát nhân công và các chi phí thực hiện. Mô hình thông tin công trình hoàn thiện có khả năng cung cấp thông tin về các loại vật liệu ngay tại giai đoạn thiết kế như khối lượng, thông số kỹ thuật và thuộc tính. Những thông tin đó có thể được sử dụng cho việc mua bán vật liệu từ các nhà cung cấp và nhà thầu phụ.
Từ lâu tham nhũng đã trở thành căn bệnh nan y, dai dẳng trong ngành xây dựng. Tiêu cực trong đầu tư xây dựng cơ bản xảy ra ở hầu hết các khâu, từ lập dự án, khảo sát, thiết kế, đầu tư đến thi công, nghiệm thu, quyết toán công trình, diễn biến rất phức tạp và ngày càng nghiêm trọng. Các mánh móc ngoặc bán thầu, làm dự toán khống, ăn bớt vật tư công trình,… xảy ra ở nhiều dự án công trình.
Theo The Construction Wiki, rất khó xác định chính xác giá trị thiệt hại do tham nhũng, nhưng các ước tính về con số có biên độ dao động trong khoảng 10 – 30%. Kinh nghiệm của chương trình Tính minh bạch trong lĩnh vực xây dựng (Construction Sector Transparency – CoST) cho thấy, một lượng kinh phí khá lớn cũng có thể bị mất do quản lý yếu kém. Điều này có nghĩa là vào năm 2030, trừ khi các biện pháp được áp dụng để cải thiện hiệu quả tình trạng này, gần 6 nghìn tỷ USD có thể bị mất hàng năm do thất thoát, quản lý kém hiệu quả trên thế giới. Đây là một con số khổng lồ.
Lượng thời gian và chi phí thất thoát dựa trên 145 dự án xây dựng ở tám quốc gia – Nguồn: Construction Sector Transparency – CoST
Theo Trung tâm Chống Tham nhũng Cơ sở Hạ tầng Toàn cầu đã xác định 13 đặc điểm khiến hoạt động xây dựng dễ xảy ra tham nhũng, trong đó bao gồm:
– Tính đặc thù: Không có hai dự án xây dựng nào giống nhau, khiến việc so sánh trở nên khó khăn và tạo cơ hội để tăng chi phí và che giấu hối lộ.
– Chuỗi giao dịch phức tạp: Công việc liên quan đến nhiều ban bệ và nhiều mối quan hệ hợp đồng khiến các biện pháp kiểm soát khó được thực hiện.
– Công việc và sản phẩm không minh bạch: Những ví dụ về hành vi “rút ruột” công trình đã quá quen thuộc trên các mặt báo, như việc nhà thầu rút bớt số thép và cố tình kéo giãn khoảng cách vỉ sắt ra xa để “ăn sắt” trong một dự án thi công hệ thống mương; nhà thầu “bớt xén” số lượng thép trong bộ dầm móng bê tông cốt thép,…
– Bộ máy hành chính nhà nước: cần có nhiều sự phê duyệt của các ban bệ dưới dạng giấy phép và giấy phép ở các giai đoạn khác, mỗi giai đoạn tạo cơ hội cho nạn hối lộ.
– Quy mô đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, khiến việc che giấu hối lộ và nạn làm dự toán khống càng trở nên dễ dàng hơn.
Nếu BIM được thông qua ở cấp quốc gia và chịu trách nhiệm về tất cả các tương tác, trao đổi thông tin giữa mọi người, thì môi trường dữ liệu chung trong BIM sẽ là nguồn dữ liệu trung thực giúp tăng thêm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, cũng như kiểm soát xã hội đối với toàn bộ quá trình xây dựng.
Để hiểu hơn về việc ứng dụng BIM trong lĩnh vực thang máy, mời quý độc giả theo dõi tại: Ảnh hưởng của BIM đến ngành thang máy
Hà My
Thông tin mới cập nhật