TCTM – Chiếc cầu thang hình xoắn ốc, không có cột trụ trung tâm để đỡ sức nặng, không sử dụng một loại keo dán hay một cây đinh nào, chỉ có các chốt gỗ. Tồn tại đã hơn 170 năm, cho tới nay chưa có bất cứ lời giải thích hợp nào về phương pháp xây dựng, vật liệu cấu thành chiếc thang và ngay cả danh tính người thợ mộc cũng là bí ẩn không có lời giải!
Nhà thờ Loretto ở địa chỉ số 207 Old Santa Fe Trail bang New Mexico thuộc miền tây nam nước Mỹ, là điểm đến thu hút hàng triệu lượt khách du lịch. Điểm nhấn của nhà thờ là chiếc cầu thang xoắn ốc kỳ diệu không dùng đinh hay keo gắn nhưng lại có kết cấu chịu lực một cách phi thường.
Được xây dựng vào năm 1878 với các nguyên vật liệu nhập từ Pháp, nhà thờ được thiết kế theo phong cách Gothic Revival (còn được gọi là Gothic thời Victoria, tân Gothic, hoặc Gothick), là tác phẩm của kiến trúc sư người Pháp Antoine Mouly. Mặc dù có quy mô nhỏ hơn, nhưng Loretto vẫn mang một số nét kiến trúc đặc trưng giống Nhà thờ Đức Bà Paris.
Nhà thờ Loretto, nơi có chiếc thang bí ẩn
Khi nhà thờ được xây xong, nhóm thợ xây phát hiện tình trạng không thể nào leo từ gian giữa của giáo đường lên chỗ ngồi của ca đoàn ở tầng hai. Tức là bản thiết kế ban đầu đã bị lỗi khi không thiết kế cầu thang này. Tình hình càng khó khăn hơn khi kiến trúc sư Antonio Mouly đã qua đời. Việc xây dựng một chiếc cầu thang truyền thống cũng khó khả thi vì nhà thờ quá nhỏ không đủ chỗ. Cuối cùng, phía nhà xây dựng khuyên nên phá bỏ gác đàn của ca đoàn. Những người chủ nhà thờ đã đi xin lời khuyên từ các thợ mộc địa phương, nhưng không ai có thể cung cấp một giải pháp khả thi.
Theo giai thoại, trong thời gian những người chủ nhà thờ đang loay hoay tìm phương án khắc phục bản vẽ kiến trúc bị lỗi, một người đàn ông đến và đề nghị thực hiện công việc xây dựng chiếc thang lên ca đàn tầng 2. Có điều lạ là người này yêu cầu được ở một mình trong nhà nguyện 3 tháng, và chỉ với các công cụ đơn giản bao gồm cưa, eke và búa.
Trong suốt 3 tháng, người lạ mặt nhốt mình bên trong nhà nguyện và không ai biết ông ta đã làm gì, làm thế nào để hoàn thành chiếc thang gỗ. Ngay sau khi cầu thang hoàn thành, người thợ mộc bí ẩn đã nhanh chóng biến mất mà không màng đến thù lao. Các nữ tu đã cố gắng tìm anh ta nhưng không thể. Không ai biết danh tính người thợ mộc và anh ta lấy gỗ từ đâu.
Chiếc thang gỗ trong nhà thờ
Chuyện kể lại, khi các nữ tu liên lạc với những nhà mua bán gỗ địa phương với hy vọng có thể tìm ra tông tích của người thợ bí ẩn, nhưng không ai cung cấp được thông tin nào khả dĩ. Loại gỗ được sử dụng làm cầu thang cũng không phải xuất xứ bản địa.
Theo một giả thiết khác, nữ sử gia Mary J. Straw Cook đã bỏ 7 năm nghiên cứu về chiếc thang ở Santa Fe. Bà đã thu thập các loại dữ liệu để chứng minh danh tính có thể của người thợ mộc bí ẩn, viết thành cuốn sách tựa đề: “Loretto: The Seven Sisters and Their Santa Fe Chapel” (tạm dịch: “Loretto: Bảy nữ tu và nhà nguyện Santa Fe”), xuất bản năm 1984. Theo nhà sử học, bà đã tìm được một dòng ghi chép trong sổ sách của các nữ tu vào năm 1881, theo đó họ đã trả tiền mua gỗ cho một người tên Rochas. Bà Cook cho rằng, ông Rochas là một thợ mộc người Pháp, đã đến Mỹ chỉ vì muốn đóng chiếc thang cho nhà thờ ở Santa Fe với gỗ nhập từ quê nhà Pháp.
Chiếc thang của nhà thờ Loretto cao khoảng 6 m, chỉ có 33 bậc thang nhưng xoắn đến 2 vòng quay 360 độ hoàn chỉnh. Cầu thang được đóng và đứng sừng sững nơi đó mà không cần bất kỳ cây đinh hoặc keo dán nào, cũng như chẳng cần phải có trục trung tâm hoặc đà ngang làm điểm tựa. Người thợ mộc chỉ dùng các chốt gỗ để đảm bảo các bậc thang gắn lại với nhau. Cho đến nay, vẫn chưa có ai có thể giải thích tại sao cấu trúc này có thể đứng vững hàng trăm năm mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào.
Có thể nói, sự tồn tại của chiếc cầu thang đi ngược lại mọi quy tắc vật lý, và hầu như ai mới nhìn thấy cũng nghĩ rằng chiếc cầu thang sẽ nhanh chóng đổ sụp. Lúc mới xây dựng xong, cầu thang nguyên bản cũng chẳng có tay vịn, và một số nữ tu ban đầu sợ đến nỗi không dám đi thẳng lưng mà bò trên hai chân và hai tay. Phải 10 năm sau, các nữ tu cho gắn thêm phần tay vịn, còn vòng xoắn bên ngoài được tựa vào cây cột gần đó.
Ngay cả vật liệu làm thang cũng là bí ẩn không có lời giải. Dù bậc thang được cho là làm từ gỗ vân sam, nhưng không ai có thể xác định đích xác là loài cây nào thuộc chi vân sam, cũng như bằng cách nào loại gỗ đó xuất hiện bên trong nhà thờ.
Chiếc thang xoắn kỳ diệu này sau 150 năm vẫn bí ẩn
Nhiều năm sau đó, người quản lý của nhà thờ đã lấy một mảnh gỗ từ cầu thang và gửi đi phân tích để tìm ra loại gỗ nào. Kết quả cho thấy đó là gỗ vân sam, nhưng là một phân loài không xác định. Loại gỗ đặc biệt này rất chắc chắn với các phân tử dày đặc và vuông – thuộc loại cây phát triển rất chậm ở những nơi rất lạnh như Alaska.
Có điều, loại gỗ như vậy không hề có trong khu vực và vùng lân cận. Nơi gần nhất mà người ta có thể tìm thấy loại gỗ này là ở Alaska cách khu vực nhà thờ gần 6000 km, nhưng hồi đó giao thông chưa phát triển như bây giờ và chắc chắn gỗ không thể vận chuyển trên một khoảng cách xa như vậy…
Các nữ tu của nhà thờ Loretto đã gán cho cầu thang một phép lạ, một ý niệm thiêng liêng dường như vượt qua luật tự nhiên, và họ tin rằng người đến để tạo ra cầu thang là một người đàn ông được gửi từ thiên đường. Mặc dù phép lạ đó dường như là hoang đường, nhưng cầu thang xoắn ốc với những bí ẩn chưa thể giải thích, vẫn bền vững tồn tại hơn 150 năm nay, mặc cho thiên hạ đồn đoán về nguồn gốc và sự huyền diệu.
Bất chấp những thông tin trái chiều, chiếc thang vẫn trở thành một “báu vật” trên thế giới, nhận được sự quan tâm, yêu thích của hàng triệu người và trở thành đề tài của vô số tiểu thuyết. Thậm chí có cả bộ phim The Staircase chiếu rạp vào năm 1998 dựa trên câu chuyện có thật về chiếc thang.
Lê Hùng (Tổng hợp)
Thông tin mới cập nhật
Jon Hill
Có lẽ chính người đã xây dựng cầu thang xoắn ốc Loretto đã truyền cảm hứng và/hoặc giúp tạo ra hai cầu thang xoắn ốc của Đền Manti? Hai cầu thang ấn tượng ở Manti được coi là một tuyệt tác kỹ thuật cùng thời với Nhà thờ Loretto. Chúng được xây dựng ngay sau Loretto. Cầu thang xoắn ốc song sinh, tự hỗ trợ, có tâm mở, uốn lượn 5 tầng lên mỗi tòa tháp hình bát giác ở phía tây của ngôi đền đó. Một điểm nổi bật thú vị về cầu thang Manti: không thể cảm nhận được khớp nối nào trên tay vịn bằng gỗ óc chó nhờ kỹ năng chuyên môn được sử dụng. Tôi đã đọc một số thông tin thú vị về cầu thang xoắn ốc trong các ngôi đền LDS – hầu hết chúng đều được xây dựng trong cùng thời đại, sau ngày xây dựng Loretto. Vẫn còn một yếu tố bí ẩn xung quanh việc xây dựng những công trình kiến trúc này. Tuy nhiên, không có gì giống với lịch sử và bí ẩn của cầu thang xoắn ốc Nhà thờ Loretto!