TCTM – Với sứ mệnh gắn kết doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển ngành thang máy bền vững, văn minh, hội nhập quốc tế, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã có những hoạt động thiết thực, khẳng định là cánh tay nối dài giúp cơ quan nhà nước và cũng là cầu nối gắn kết cộng đồng doanh nghiệp.
Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) Nguyễn Huy Tiến nhấn mạnh: Trong suốt 3 năm phát triển (20/8/2021 – 20/8/2023), VNEA đã có những đóng góp tích cực cho ngành thang máy Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp thang máy Việt Nam.
Để Hiệp hội ngày càng lớn mạnh, VNEA sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động gắn kết doanh nghiệp, hợp tác quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, tạo bệ phóng cho ngành thang máy Việt bứt phá.
PV: Là Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam, ông đánh giá ra sao về quá trình phát triển của Hiệp hội?
Tổng Thư ký VNEA Nguyễn Huy Tiến: Với 3 năm thành lập, có lẽ thời gian chưa đủ dài để đánh giá đầy đủ quá trình phát triển của Hiệp hội. Tuy nhiên, theo góc nhìn của cá nhân tôi bước đầu Hiệp hội đã có những hoạt động tích cực, đóng góp nhất định cho ngành thang máy Việt Nam. Bên cạnh đó, trong 3 năm qua, VNEA luôn giữ vững hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích và đồng hành cùng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp thang máy Việt Nam.
PV: Vậy VNEA đã có những hoạt động thiết thực nào để thúc đẩy sự phát triển của ngành, khẳng định vai trò là cánh tay nối dài giúp cơ quan nhà nước và cũng là cầu nối gắn kết cộng đồng doanh nghiệp của mình?
Tổng Thư ký VNEA Nguyễn Huy Tiến: Có lẽ, thành công lớn nhất đến thời điểm hiện tại của Hiệp hội đó là sự hợp tác chặt chẽ, đồng thời cũng nhận được không ít sự ủng hộ từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ nhất, để thực hiện chiến lược phát triển của mình, Hiệp hội đã thành lập các đơn vị chức năng trực thuộc, trong đó phải kể đến như Tạp chí Thang máy, Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy hay Trung tâm Xúc tiến Thương mại.
Thông qua những hoạt động hiệu quả của các đơn vị này, bước đầu Hiệp hội đã thực hiện được vai trò vừa cầu nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài ngành, vừa “tác động” đến các cơ quan quản lý nhà nước hữu quan. Đặc biệt là có ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng thang máy nói chung, bao gồm cả người sử dụng – chủ sở hữu thang máy cũng như các cá nhân làm chuyên môn trong ngành.
Thứ hai, Hiệp hội cũng đã tổ chức những sự kiện nổi bật có thể kể đến là các cuộc hội thảo định kỳ theo từng chuyên đề như Hội thảo Nâng cao Chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam (Hà Nội, tháng 7/2022), hay Hội thảo Quốc tế Định hướng phát triển ngành thang máy Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa (TP HCM tháng 12/2022) hay gần đây nhất, tháng 5/2023 là Hội thảo Đánh giá thực trạng của ngành thang máy Việt Nam.
Qua các cuộc hội thảo này, nhiều vấn đề được mổ xẻ, nhiều kiến nghị, giải pháp đã được đưa ra từ chính các doanh nghiệp, các chuyên gia trong ngành, sự lắng nghe cho ý kiến từ đại diện các cơ quan của quốc hội, chính phủ, địa phương, cũng như những kinh nghiệm được chia sẻ từ đối tác quốc tế.
Thứ ba, ở hoạt động đối ngoại, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 7 của Nhóm tư vấn trong nước DAG – Domestic Advisory Group nằm trong khuôn khổ phát triển bền vững của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA).
Với vai trò là thành viên, Hiệp hội đã có những đóng góp nhất định cho mối quan hệ thương mại với hai tổ chức – quốc gia này cũng như hợp tác hiệu quả với Liên đoàn Thang máy Vừa và Nhỏ châu Âu (EFESME).
Tại châu Á, Hiệp hội đã có những chương trình làm việc chia sẻ với các đồng nghiệp trong khu vực. Tham gia đại hội và trình bày tham luận tại Đại hội Hiệp hội Thang máy châu Á – Thái Bình Dương PALEA tại Singapore (tháng 10/2022) hay như tổ chức chuyến công tác, tìm hiểu thông tin, học hỏi mô hình quản lý, trao đổi kinh nghiệm an toàn thang máy cùng đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ tại Cơ quan An toàn Thang máy Hàn Quốc (tháng 10/2022).
Thứ tư, song song với việc hợp tác phát triển với các hiệp hội, tổ chức thang máy quốc tế, Hiệp hội cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại như tổ chức và xây dựng thành công Triển lãm Vietnam Elevator Expo – Triển lãm Quốc tế đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam về Thang máy, Thang cuốn – Công nghệ & Phụ kiện.
Về các hoạt động chuyên môn khác Hiệp hội cũng đã xây dựng thành công bộ Tiêu chuẩn cơ sở ngành TCVL 2301-01.2023/VILEA về “Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy” làm căn cứ cho hoạt động trong ngành mà nhiều nội dung Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) chưa thể bao quát hết.
Đặc biệt tôi muốn nhắc đến vai trò của Tạp chí thang máy – cơ quan ngôn luận của Hiệp hội. Theo tôi Tạp chí Thang máy đã là trung tâm để kết nối không chỉ các doanh nghiệp, các chuyên gia trong ngành… khi chúng ta có một diễn đàn để nói lên tiếng nói của mình mà còn là kênh để kết nối khách hàng, người sử dụng thang máy, các nhà quản lý … tạo nên một sân chơi hữu ích cho Cộng đồng ngành thang máy.
Tôi nghĩ, điểm qua một số hoạt động nêu trên để thấy Hiệp hội đang là mảnh ghép quan trọng cùng phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành thang máy Việt.
PV: Sự phát triển của Hiệp hội Thang máy Việt Nam gắn liền với sự phát triển của ngành thang máy Việt, ông đánh giá ra sao về những thành công, hạn chế của ngành này?
Tổng Thư ký VNEA Nguyễn Huy Tiến: Phát triển trong giai đoạn khó khăn của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nên có thể nói ngành thang máy chưa có nhiều sự cải thiện đột phá kể từ khi VNEA ra đời từ góc nhìn kinh tế (cười). Nhưng đây có lẽ là thời điểm phù hợp để tái cấu trúc.
Nhìn ngược lại, chính sự thành lập VNEA đã là một bước tiến trong sự phát triển của ngành thang máy Việt Nam. Một cột mốc mà nhiều thế hệ cha anh chưa kịp làm, mặc dù cách đây hơn 20 năm đã có một cuộc vận động để thành lập Hiệp hội, điều đó cũng thể hiện tầm nhìn về tương lai ngành của các thế hệ đi trước.
Về hạn chế của ngành thang máy, theo cá nhân tôi cảm nhận thông qua các buổi làm việc, chia sẻ của các doanh nghiệp đó là chúng ta chưa có một thị trường thang máy lành mạnh, phát triển quá nóng, sự dễ dãi trong việc sản xuất, kinh doanh thang máy dẫn đến có những nội dung thiếu kiểm soát, vàng thau lẫn lộn.
Khi thị trường phát triển có thể những nhược điểm này chưa dễ nhìn thầy, hoặc dễ bị bỏ qua nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành.
Những tác động khách quan bên ngoài tôi không nói đến, bởi đó là sự tất yếu trong cạnh tranh toàn cầu.
PV: Liệu ông có tin vào một tương lai “vươn ra biển lớn”, “đem chuông đi đánh xứ người” của ngành sản xuất thang máy Việt Nam? Và để làm được điều này, doanh nghiệp Việt cần gì, thưa ông?
Tổng Thư ký VNEA Nguyễn Huy Tiến: Một câu hỏi rất hay, và tôi cũng đã nhiều lần nêu câu hỏi này với các chuyên gia trong ngành, các nhà sản xuất trong nước, các nhà phân phối.
Sự khát khao, có lẽ ở đâu đó trong tâm khảm của mỗi chuyên gia, các nhà sản xuất đều cháy bỏng, tôi đọc được điều đó dù họ có nói thành lời hay không. Nếu không có tham vọng này có lẽ họ đã bỏ nghề, bởi nghề này nó “vất lắm” như những chia sẻ chân tình sau những ly cà phê sáng. Có lẽ đây là mấu chốt của vấn đề, khi khát vọng đủ lớn chúng ta sẽ có cách.
Câu chuyện của ông Phạm Vinh, bác Ba Trọ với thương hiệu FAVI – thương hiệu thang máy Việt đầu tiên mà tạp chí thang máy đã đăng cũng truyền cảm hứng cho các nhà sản xuất của chúng ta.
Nhưng, năng lực của chúng ta đang ở đâu? (trầm ngâm suy nghĩ)
Có thể nói, chúng ta vẫn đang thất thế trên sân nhà bởi sự cạnh tranh “không cân sức” với thang máy nhập khẩu. Nhưng thang máy Việt vẫn có thị phần nhất định, đặc biệt khi chúng ta tập trung vào thế mạnh thực tại là phân khúc nhà trung, thấp tầng và ở phân khúc này.
Như chia sẻ của một số nhà sản xuất trong nước mà tôi có cơ hội trao đổi, chúng ta đã làm chủ được công nghệ, từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa bằng việc ưu tiên sử dụng linh kiện, thiết bị trong nước có thể sản xuất, giảm giá thành sản phẩm bằng tối ưu quy trình sản xuất, đầu tư phát triển công nghệ…
Tôi được biết, thang máy thấp tầng, thang máy tải hàng Made in Vietnam đã được xuất khẩu sang một số nước. Không chỉ là thị trường các nước đang phát triển mà cả các quốc gia có bề dày về thang máy như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp thang máy Việt đi sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu thị lại cần nhiều hơn nữa sự tư duy, nỗ lực tổng thể. Cộng động doanh nghiệp Việt Nam cần phải sánh ngang với giới doanh nhân, doanh nghiệp các quốc gia phát triển về mọi mặt, không chỉ ở nguồn vốn, công nghệ hay sản phẩm mà cả về lối sống, văn hóa, đạo đức kinh doanh và uy tín xã hội.
Đây là một mục tiêu lớn và đầy thách thức mà VNEA đã xác định là sứ mệnh của mình, giúp doanh nghiệp Việt đạt cho được. Muốn khẳng định thương hiệu Việt không chỉ nhờ vào vốn liếng tiền bạc mà phải xây dựng được văn minh thương mại, văn hóa kinh doanh, loại bỏ chuyện làm hàng nhái giả, buôn gian bán lận, trốn thuế, thiếu trách nhiệm phụng sự xã hội,…
Tuy nhiên, để doanh nghiệp thang máy Việt đi sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu thị lại cần nhiều hơn nữa sự tư duy, nỗ lực tổng thể. Cộng động doanh nghiệp Việt Nam cần phải sánh ngang với giới doanh nhân, doanh nghiệp các quốc gia phát triển về mọi mặt, không chỉ ở nguồn vốn, công nghệ hay sản phẩm mà cả về lối sống, văn hóa, đạo đức kinh doanh và uy tín xã hội.
Đây là một mục tiêu lớn và đầy thách thức mà VNEA đã xác định là sứ mệnh của mình, giúp doanh nghiệp Việt đạt cho được. Muốn khẳng định thương hiệu Việt không chỉ nhờ vào vốn liếng tiền bạc mà phải xây dựng được văn minh thương mại, văn hóa kinh doanh, loại bỏ chuyện làm hàng nhái giả, buôn gian bán lận, trốn thiếu, thiếu trách nhiệm phụng sự xã hội,…
Đồng thời, doanh nghiệp cần phải cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái ngành, phát triển đầy đủ mọi mặt của ngành công nghiệp thang máy, bao gồm doanh nghiệp lắp ráp, doanh nghiệp phụ trợ, các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm; các cơ sở đào tạo,… tập trung vào thế mạnh của mình và đầu tư vào công nghệ… Với tôi, đó có lẽ là con đường để doanh nghiệp thang máy Việt phát triển bền vững, đưa thương hiệu thang máy Việt vươn tầm thế giới.
Để làm được việc to, ta phải bắt đầu bằng những việc nhỏ. Doanh nghiệp cần phải đứng vững trên sân nhà, xây dựng thương hiệu thang máy trọn niềm tin tới người tiêu dùng Việt.
PV: Với cộng đồng doanh nghiệp thang máy Việt hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho rằng họ đang rất cần một môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi. Thời gian tới, VNEA sẽ triển khai những hành động cụ thể nào để đồng hành cùng doanh nghiệp, cơ quan nhà nước?
Tổng Thư ký VNEA Nguyễn Huy Tiến: Đây có lẽ cũng là mục tiêu không chỉ cho ngành thang máy Việt Nam mà còn cả nhiều ngành, và trong “chiến dịch” này cần sự tham gia của nhiều bên, từ Chính phủ, doanh nghiệp cho đến người sử dụng cuối cùng. Về nội dung này Tạp chí Thang máy cũng đã có nhiều bài viết của các chuyên gia, các nhà chuyên môn, các gợi ý, đề xuất…tôi xin phép không nhắc lại nữa.
Từ phía VNEA, tôi cho rằng trước mắt chúng ta cần tập trung vào các nội dung sau:
1. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tạp chí Thang máy để tuyên truyền cho định hướng hoạt động của ngành. Ở đây cần sự tham gia không chỉ của riêng tạp chí mà với vai trò của mình Tạp chí Thang máy sẽ là đại diện cho Hiệp hội để tạo sự ảnh hưởng, ủng hộ của cộng đồng báo chí cho ngành – trước mắt, có thể tập trung vào các tờ báo-tạp chí chuyên ngành liên quan, các cơ quan báo chí của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng như một số địa phương.
2. Viện Kỹ thuật ứng dụng thang máy (VILEA) đã được giao nhiệm vụ để triển khai kế hoạch xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở ngành theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tôi cho rằng, với kinh nghiệm thực tiễn và định hướng phát triển ngành, Tiêu chuẩn cơ sở sẽ là một trong những yếu tố để giúp minh bạch thị trường – điều này đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, thống nhất từ các nhà sản xuất thang máy trong nước tại buổi gặp mặt tháng 5/2023 vừa qua.
3. “Vận động chính sách” đang là một trong những vai trò quan trọng của Hiệp hội. Ở đây cũng phải thẳng thắn nhìn nhận chúng ta đã nêu lên rất nhiều vấn đề, rất nhiều đề xuất hữu ích nhưng nếu không có một hành động cụ thể nó sẽ vẫn nằm sau cánh cửa của hội thảo. VNEA cần đẩy mạnh hơn nữa những sáng kiến đóng góp để ngày một hoàn thiện chính sách của ngành, tạo thêm động lực và xung lực mới cho sự phát triển.
Dĩ nhiên, các chương trình hội thảo chuyên môn, xúc tiến thương mại, gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, hợp tác trong và ngoài nước sẽ vẫn được tiến hành như một hoạt động thường xuyên của Hiệp hội. Ở đây vai trò của các chuyên gia, sự tham gia từng doanh nghiệp trong ngành là rất quan trọng.
– Xin cảm ơn Tổng Thư ký VNEA!
Nội dung: Phương Trang
Thiết kế: Kim San