Bảo trì thang máy định kỳ là việc làm cần thiết để duy trì hoạt động tối ưu của thang máy và mức độ an toàn cho người sử dụng. Đừng chủ quan và coi nhẹ công tác này vì tử thần có thể ghé thăm bất cứ lúc nào.
Tháng 4/2021, bé VHĐ (4 tuổi, trú tại Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) dựa vào cửa tầng thang máy trong lúc nô đùa. Bất ngờ, cửa tầng bật vào phía trong khiến cho VHĐ rơi xuống giếng thang và chỉ có sự may mắn đã cứu sống tính mạng cháu bé.
Sau sự việc này, câu hỏi đặt ra khiến các nhà chuyên môn phải băn khoăn là một lực tác động nhỏ của đứa trẻ 4 tuổi sao có thể khiến cửa tầng bị bật mở? Hay các chi tiết kết cấu đã bị hư hỏng theo thời gian mà không được kiểm tra định kỳ dẫn tới sự việc này?
Tạp chí Thang máy đã tìm hiểu thực tế và được biết thang máy xảy ra sự cố tại chung cư mini nói trên không hề được bảo trì, bảo dưỡng định kỳ. Chỉ khi có hư hỏng thì người dân mới góp tiền gọi thợ. Điều này đã dẫn tới những hậu quả khôn lường và tử thần luôn rình rập chỉ chờ cơ hội.
Bên cạnh sự lơ là, thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của việc bảo trì thì chi phí bảo trì cũng là điều khiến không ít người và đơn vị quản lý nhà “băn khoăn”. Nhưng họ đã không hình dung được một cách tổng thể bởi chi phí đó chỉ là chi phí trực tiếp, nhỏ hơn rất nhiều chi phí gián tiếp như “phần chìm của tảng băng” có thể xuất hiện.
Nghĩa là như thế nào?
Bảo trì trực tiếp hay gián tiếp: đâu là vấn đề?
Chi phí bảo trì trực tiếp là chi phí được chi trả trực tiếp cho các hoạt động liên quan đến bảo trì, bao gồm chi phí cho đào tạo và huấn luyện về bảo trì; tiền lương và tiền thưởng cho người bảo trì; chi phí cho vật tư, phụ tùng thay thế; chi phí cho nhân công làm hợp đồng; chi phí quản lý bảo trì; chi phí cho sửa đổi, cải tiến.
Chi phí bảo trì gián tiếp là các tổn thất, thiệt hại về tài sản hoặc con người do thiết bị máy móc gây ra.
Thực tế đã chứng minh về mối tương quan giữa 2 loại bảo trì trực tiếp và gián tiếp: tỷ lệ nghịch!
Nếu chi phí bảo trì trực tiếp càng lớn, tức là mức độ quan tâm cao cho các công việc từ đào tạo nhân lực để có trình độ, tay nghề cao; chuẩn hóa các quy trình về nghiệp vụ và an toàn lao động; đến thay thế thiết bị và đưa ra các giải pháp dự phòng trong quá trình hoạt động của thang máy thì khi đó những chi phí rủi do (chi phí gián tiếp) hoàn toàn có thể giảm dần tiệm cận về con số 0.
Ngược lại, sự đầu tư cho chi phí trực tiếp là không đủ sẽ dẫn tới những thiệt hại khôn lường, không chỉ là vấn đề kinh tế mà có thể kéo theo cả trách nhiệm hình sự của tổ chức, cá nhân có liên quan khi tai nạn xảy ra.
Hoàn toàn có thể đưa chi phí bảo trì gián tiếp tiệm cận về 0
Đối với máy móc nói chung, bảo trì đã phát triển qua 3 thế hệ.
Thế hệ thứ nhất, công nghiệp chưa được phát triển, máy móc đơn giản, thời gian ngừng máy ít ảnh hưởng đến sản xuất cho nên công việc bảo trì chỉ mang tính sửa chữa khi có hỏng hóc xảy ra.
Thế hệ thứ hai, công nghiệp đã trở nên phụ thuộc hơn vào máy móc, thiết bị. Do đó, thời gian ngưng máy ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Bắt đầu xuất hiện khái niệm bảo trì phòng ngừa mà mục tiêu chủ yếu là giữ cho thiết bị luôn hoạt động ở trạng thái ổn định chứ không phải sửa chữa khi hư hỏng. Khả năng sẵn sàng của máy cao hơn dẫn tới tuổi thọ thiết bị dài hơn và chi phí thấp hơn.
Thế hệ thứ ba (hiện nay), phát sinh những mong đợi về bảo trì như khả năng sẵn sàng và độ tin cậy cao hơn, an toàn cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn, ít tác động xấu tới môi trường hơn, tuổi thọ thiết bị dài hơn và hiệu quả kinh tế hơn.
Xu hướng tất yếu của bảo trì qua từng giai đoạn
Trở lại với sản phẩm thang máy. Hiện nay, việc bảo trì thang máy tại Việt Nam đang nằm ở mức độ thứ hai và dần chuyển sang thế hệ bảo trì thứ ba. Xu hướng này tuân theo quy luật phát triển có sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin với mức độ ngày càng cao.
Bảo trì trực tiếp giải quyết điều gì?
Thứ nhất: Phát hiện sớm các vấn đề về thiết bị thang máy. Trong quá trình hoạt động của thang máy sẽ xảy ra các hỏng hóc, trục trặc, sai lệch các thông số quy chuẩn. Việc bảo trì thang máy theo định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm những lỗi có khả năng xảy ra. Phương pháp bảo trì dự đoán này sẽ là xu hướng khi việc áp dụng Internet of Things (IoT) được đẩy mạnh.
Thứ hai: Duy trì hoạt động ổn định, an toàn của thang máy. Thang máy hoạt động không ổn định, sự an toàn của thang máy sẽ không được đảm bảo và ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của con người. Quá trình bảo trì sẽ giúp các bộ phận trong thang máy duy trì trạng thái hoạt động tốt nhất. Thang máy sẽ hoạt động bền bỉ, tối ưu hiệu suất và không gây ra nguy cơ rủi ro về mất an toàn.
Thứ ba: Có phương án dự phòng hỗ trợ thay thế thiết bị. Mỗi linh kiện cấu tạo nên thang máy đều có một giới hạn an toàn khác nhau. Qua thời gian sử dụng, các linh kiện này sẽ bị hao mòn (phần cơ khí), “chết” (phần điện – điện tử) khiến cho các thông số kỹ thuật thang máy không được chính xác như ban đầu.
Để thang máy hoạt động ổn định, thì các thông số kỹ thuật phải đảm bảo chính xác tuyệt đối, linh kiện thiết bị trong thang máy phải ở trạng thái còn hoạt động tốt. Trong quá trình bảo trì thang máy, các kỹ thuật viên sẽ kiểm tra từng bộ phận, thiết bị, từng thông số kỹ thuật và có phương án thay thế thiết bị khi cần thiết (nhiều thiết bị không có sẵn trong nước). Đây là điều mà người sử dụng cũng hết sức lưu ý.
Thứ tư: Giúp hạn chế việc thay thế các thiết bị. Mỗi linh kiện, thiết bị cấu tạo nên thang máy có giá thành rất đắt đỏ, không được chăm sóc thường xuyên thì chúng sẽ rất dễ bị hư hỏng, chi phí thay thế sẽ rất tốn kém. Thang máy được chăm sóc, bảo trì thường xuyên sẽ sớm phát hiện những lỗi hỏng hóc của thiết bị, tăng tuổi thọ của linh kiện, giúp tối ưu hóa chi phí thay thế.
Thứ năm: Đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Việc bảo trì thường xuyên giúp loại bỏ tình trạng xấu nhất xảy ra trong quá trình hoạt động của thang. Đảm bảo an toàn cho người sử dụng khi gặp sự cố, sẵn sàng có người đến giải quyết.
Thứ sáu: Đáp ứng yêu cầu về chính sách bảo hành của nhà sản xuất. Theo quy định của nhà sản xuất về chính sách bảo hành dành cho thang máy đều xác định trách nhiệm của chủ sở hữu thang máy phải thực hiện việc bảo trì, bảo dưỡng định kỳ theo yêu cầu của nhà sản xuất.
Bảo trì, bảo dưỡng giúp thang hoạt động an toàn, bền bỉ
Những yêu cầu cơ bản đối với kỹ thuật viên khi bảo trì thang máy
– Vào cabin đi thử lên xuống, dừng lại các tầng, dán giấy cảnh báo bảo trì, đánh giá tình trạng thang, khi có dấu hiệu bất thường ưu tiên kiểm tra thực tế ngay.
– Trong quá trình bảo dưỡng có các chi tiết hoặc các thiết bị cần thay thế, ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng kỹ thuật và lập biên bản đề nghị bên sử dụng xác nhận.
– Những thiết bị dự đoán không còn đủ độ tin cậy, kiến nghị thay thế trong kỳ bảo dưỡng sau, phải ghi rõ kế hoạch chuẩn bị.
– Quá trình bảo dưỡng nếu có can thiệp căn chỉnh về tham số trên bo mạch điều khiển, biến tần, vấn đề cơ khí liên quan đến an toàn phải ghi vào nhật ký của thang.
– Những vấn đề trọng yếu về an toàn là tính ổn định, khi không xử lý được cần báo ngay về cho bộ phận có liên quan để có cơ sở xử lý.
Thang máy là thiết bị di chuyển gắn liền với nhu cầu đi lại thiết yếu của con người. Ước tính cứ mỗi 3 ngày, các thang máy trên thế giới vận chuyển gần 7 tỉ người trên trái đất. Điều này khiến cho thang máy trở thành loại hình vận tải được sử dụng thường xuyên nhất trên hành tinh của chúng ta. Do đó, vấn đề an toàn của thang máy luôn được quan tâm đặc biệt và phải đặt lên đầu tiên (Xem thêm bài Những rủi ro khi đi thang máy). Nó liên quan chặt chẽ với công tác bảo trì thang máy.
Khi đó, nếu thang máy được tiến hành kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên sẽ kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý những mối nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình vận hành thang máy, phòng ngừa các sự cố liên quan đến an toàn sử dụng./.
Phạm Hằng
Đồ họa: Trần Trung
Thông tin mới cập nhật
Đức Hải
Thằng tệ nhất kêu to nhất. Không biết xấu hổ