TCTM – Nhiều công nghệ mới được phát minh và công bố mang đến giải pháp hữu hiệu cho việc kiểm soát an toàn thang máy. Nhưng thực tế, việc lạm dụng Bảo trì phòng ngừa bằng hệ thống kiểm soát từ xa có thể gia tăng các sự cố thang máy. Đó là nhận định từ chuyên gia thang máy toàn cầu.
Theo nghiên cứu của chuyên gia thang máy John W. Koshak (*), tại Hoa Kỳ, chỉ có 12% các sự cố gây thương tích liên quan đến các công ty bảo trì độc lập, 10% là các trường hợp thang máy dân dụng, còn lại phần lớn (78%) các trường hợp thương tật có hợp đồng bảo trì với các công ty lớn. Tại sao?
Chuyên gia này đã chỉ ra những nguyên nhân chính sau đây gây ra hiện tượng này:
1. Chất lượng dịch vụ bảo trì thấp
2. Chất lượng kỹ thuật viên (KTV) bảo trì không đủ
3. Các công ty không thực hiện bảo trì hằng tháng
4. Các tòa nhà thấp và trung tầng bị ảnh hưởng chủ yếu
5. Các công ty bảo trì không cung cấp đủ thời gian để KTV thực hiện các nhiệm vụ được yêu cầu
6. KTV không hoàn thành tất cả các nhiệm vụ bảo trì
7. Các công ty bảo trì không đào tạo đầy đủ cho các KTV trẻ tuổi về thiết bị cũ hơn
Ngoài các vấn đề về bảo trì, việc ký hợp đồng thiết bị với doanh nghiệp nước ngoài mà không có KTV có kinh nghiệm, lỗi sản phẩm, KTV tại hiện trường thiếu kiến thức về công nghệ, các quy chuẩn, tiêu chuẩn và không có giám sát hiện trường đều góp phần gây ra vấn đề.
Là thiết bị máy móc kỹ thuật phức tạp, việc bảo trì tác động lớn đến tuổi thọ thang máy
Cụ thể, các yêu cầu bao gồm liệt kê các thành phần được yêu cầu bảo trì, xác định khoảng thời gian giữa việc thực hiện các nhiệm vụ bảo trì, cung cấp quy trình bảo trì cho KTV, sử dụng KTV thang máy được đào tạo và lập hồ sơ khi công việc được thực hiện.
Vào đầu thập niên 90, sự ra đời của giám sát thang máy từ xa đã khẳng định rằng nó có thể truyền thông tin sự cố của thang máy tới trung tâm kỹ thuật để giải quyết. Trong thực tế, các công ty này bắt đầu không cử thợ máy đến thực hiện bảo trì hằng tháng mà có tần suất thưa hơn, có nghĩa là không đủ số lần bảo trì theo quy định hiện hành.
Kết quả là số lần mà người sử dụng phản ánh tăng lên, đây là một chỉ báo hiệu suất trực tiếp về bảo trì phòng ngừa. Việc sử dụng giám sát thang máy từ xa và giảm số lần bảo trì cho phép chỉ định một KTV xử lý hàng trăm chiếc thang máy và thang cuốn, thay vì 70 đến 90 thang máy như thông thường.
Trong thập niên 90, các cơ quan quản lý đã phản ứng với xu hướng tiêu cực này bằng cách điều chỉnh số lượt bảo trì tối thiểu để giảm thiểu tác động tiêu cực. Với độ trễ của việc áp dụng theo khu vực pháp lý, phải mãi đến năm 2018 thì các quy định này mới được áp dụng phổ biến trên khắp Hoa Kỳ.
Dưới đây là đoạn trích từ ASME A17.1-2019 / CSA B44:19:
Phải có chương trình kiểm soát bảo dưỡng bằng văn bản để duy trì thiết bị tuân thủ các yêu cầu:
– Chương trình Kiểm soát Bảo trì phải bao gồm, nhưng không giới hạn ở:
(1) Kiểm tra, bảo dưỡng và thử nghiệm thiết bị theo định kỳ để đảm bảo rằng việc lắp đặt tuân thủ các yêu cầu. Các quy trình và khoảng thời gian bảo dưỡng phải dựa trên:
(a) Tuổi, tình trạng thiết bị và hao mòn tích lũy
(b) Thiết kế và chất lượng vốn có của thiết bị
(c) Cách sử dụng
(d) Điều kiện môi trường
(e) Cải tiến công nghệ
(2) Làm sạch, bôi trơn và điều chỉnh các bộ phận áp dụng theo định kỳ và sửa chữa hoặc thay thế tất cả các bộ phận bị mòn hoặc bị lỗi nếu cần thiết để duy trì việc lắp đặt tuân thủ các yêu cầu.
– Các hướng dẫn để xác định vị trí của Chương trình Kiểm soát Bảo trì phải được cung cấp trong hoặc trên bộ điều khiển cùng với các hướng dẫn về cách báo cáo bất kỳ hành động khắc phục nào có thể cần thiết cho bên chịu trách nhiệm.
– Các hồ sơ bảo trì theo yêu cầu phải được lưu giữ.
– Nhân viên thang máy phải tiếp cận được Chương trình kiểm soát bảo trì và phải lập thành văn bản về quá trình thực hiện tuân thủ đúng theo yêu cầu.
Bảo dưỡng: quy trình kiểm tra định kỳ, bôi trơn, làm sạch và điều chỉnh các bộ phận, thành phần và/hoặc hệ thống phụ nhằm mục đích đảm bảo hoạt động phù hợp với các yêu cầu:
Chương trình kiểm soát bảo trì (MCP): một tập hợp các nhiệm vụ bảo trì, quy trình bảo trì, kiểm tra và thử nghiệm được lập thành văn bản để đảm bảo rằng thiết bị được duy trì tuân thủ các yêu cầu của Mục 8.6.
Thời gian bảo trì: khoảng thời gian xác định giữa các lần xuất hiện của một nhiệm vụ bảo trì cụ thể.
Quy trình bảo trì: một chỉ dẫn hoặc trình tự hướng dẫn để thực hiện (các) nhiệm vụ cụ thể.
Nhiệm vụ bảo trì: một hoạt động bảo trì (công việc) cần được hoàn thành.”
Các chỉ số khi xem xét tần suất của khoảng thời gian giữa các công việc thực hiện là tuổi của thiết bị, tình trạng, hao mòn tích lũy, thiết kế, chất lượng vốn có, cách sử dụng, điều kiện môi trường và công nghệ được cải tiến. Khi thực hiện phân tích này, hãy nghĩ đến các nhu cầu bảo trì khác nhau của thang máy trong một tòa nhà sạch sẽ, có điều hòa không khí so với thang máy nằm trong môi trường không khí ẩm ướt. Hãy nghĩ về cài đặt bộ điều khiển máy tính năm 2020 so với cài đặt thủy lực logic rơle năm 1981. Hãy nghĩ về một thang máy trong tòa nhà dành cho sinh viên đại học 12 tầng với 2.200 lượt sử dụng mỗi ngày hoặc thang máy hai tầng trong nhà thờ với 20 lượt sử dụng mỗi tháng. Quy tắc dự định mức độ bảo trì tối thiểu phải được thực hiện trên tất cả các bộ phận, dựa trên các số liệu phân tích trước đây gây ra các mối nguy hiểm khi hao mòn bình thường làm chúng hư hỏng, đặc biệt là trong môi trường bất lợi.
Vào những năm 80, các công ty thang máy cạnh tranh nhau về dịch vụ, chất lượng và hiệu suất. Các thiết kế bắt đầu kết hợp các bộ phận không cần bảo trì, ví dụ như bộ điều khiển máy tính đã thay thế bộ điều khiển rơ le bảo trì cao, nhưng vẫn có các yêu cầu về quản lý nhà, kiểm soát độ ẩm và nhiệt độ.
“Không cần bảo trì” đã trở thành mục tiêu của các nhà thiết kế và với sự thay đổi này, các doanh nghiệp bắt đầu thay đổi các phương thức bảo trì, giả định rằng tất cả các thành phần “không cần bảo trì” sẽ tồn tại mà không cần bảo trì. Nếu như trước đây các thiết kế thang máy thường có tuổi thọ từ 20 đến 50 năm thì thiết kế ngày nay chỉ từ 10 đến 15 năm trước khi yêu cầu phải thay thế toàn bộ. Rõ ràng là các cải tiến đối với một số bộ phận làm giảm một số yêu cầu bảo trì, còn các bộ phận khác vẫn yêu cầu bảo trì. Thế nhưng số lượt bảo trì bảo dưỡng vẫn giảm.
Không phải tất cả các linh kiện thang máy đều “không cần bảo trì”
Vào đầu những năm 80, mỗi KTV thường đảm nhiệm bảo trì từ 70 đến 90 thang mỗi tháng. Đến cuối thập kỷ này, con số này đã tăng lên 150 đến 300 chiếc, và đó cũng là thực tế hiện nay. Một số KTV còn cho biết họ đảm nhiệm tới 350 chiếc.
Doanh nghiệp lớn dường như tin rằng việc giám sát thang máy từ xa và sử dụng các bộ phận không cần bảo trì sẽ bù đắp cho việc giảm tần suất bảo trì. Tuy nhiên, giám sát thang máy từ xa không thể ngăn ngừa rỉ sét, cặn bẩn và tích tụ bụi bẩn, xem nước xâm nhập do mái nhà bị dột hoặc máy làm đá chảy tràn, thổi bụi carbon ra khỏi tay vịn và bộ điều khiển, thay đổi bộ lọc trong vỏ bộ điều khiển và nhiều nhiệm vụ bảo trì bắt buộc khác theo yêu cầu. Số lượng sự cố đang tăng lên. Rõ ràng, việc giám sát từ xa chỉ mang tính phản ứng chứ không mang tính chủ động.
Thậm chí việc “lười biếng” bảo trì, bảo dưỡng, vệ sinh thiết bị khiến số lượng các linh kiện bị hao mòn, hỏng hóc nhiều hơn, và thiệt hại thuộc về người sử dụng chứ không phải doanh nghiệp bảo trì. Thiết bị hoạt động trong môi trường sạch sẽ chắc chắn sẽ có tuổi thọ cao hơn và chất lượng môi trường chắc chắn không được thể hiện trên hệ thống kiểm soát từ xa.
Bảo trì thang máy không chỉ là vấn đề phòng ngừa từ xa, nó còn liên quan đến các yếu tố bảo dưỡng, vệ sinh
Thang máy có mặt ở khắp nơi. Và theo nhận định của chuyên gia John W. Koshak, nhiều sự cố đáng lẽ đã không xảy ra nếu thực hiện bảo trì kỹ lưỡng. Với hàng tỷ lượt đi thang máy và thang cuốn trong một ngày, những sự cố chết người nói lên sự mất mát của một điều gì đó nếu chúng ta không nhìn thẳng vấn đề và giải quyết nó triệt để.
Đối với chủ sở hữu, việc lựa chọn nhà thầu bảo trì thường bao gồm các yếu tố như quy mô công ty thang máy, chuyên môn sâu về công nghệ, tính sẵn có của các bộ phận, trình độ của cơ khí bảo trì, tuân thủ các tiêu chuẩn ngành và chi phí. John W. Koshak đề nghị bổ sung các yếu tố, bao gồm việc tuân thủ các yêu cầu về bảo trì hằng tháng.
Sự hiện diện của một KTV có thể lắng nghe người dùng, kiểm tra trực quan và xác minh các bộ phận, chức năng để thang máy tiếp tục vận hành đúng cách là phương pháp làm giảm các nguy cơ và sự cố. Giám sát thang máy từ xa không thể thay thế hoàn toàn cho bảo trì phòng ngừa.
Từ quan điểm của chuyên gia John W. Koshak, có thể thấy rằng việc sử dụng hệ thống kiểm soát từ xa nhằm dự đoán tình trạng của thang máy, hỗ trợ các tình huống khẩn cấp là hoàn toàn hữu ích. Tuy nhiên, việc bảo trì dự đoán hoàn toàn dựa trên hệ thống này có thể gây ra hệ lụy lớn. Việc bảo trì định kỳ vẫn bắt buộc phải thực hiện đầy đủ và đảm bảo chất lượng cũng như quy trình./.
(*): John W. Koshak là người sáng lập Elevator Safety Solutions, đồng thời là thành viên Nhóm cố vấn kỹ thuật và giám đốc của Elevator World.
Ông hiện cũng là Chủ tịch Hiệp hội các nhà tư vấn thang máy quốc tế.
Nguyên Minh
Thông tin mới cập nhật