Một bảo tàng thang máy độc nhất vô nhị ở Long Island – Mỹ mới được mở cửa phục vụ du khách và người quan tâm từ vài năm nay. Thế nhưng để có khoảng 4000 hiện vật liên quan tới thang máy, ông chủ của bảo tàng đã phải sưu tầm, bảo quản, lưu trữ trong hơn 50 năm làm việc trong ngành thang máy.
Patrick Carrajat – một người đàn ông làm trong nghề thang máy trong hơn năm thập kỷ, sau khi nghỉ hưu đã mở một bảo tàng thang máy ở Long Island – Mỹ.
Một góc bảo tàng
Patrick Carrajat đã dành toàn bộ cuộc đời làm việc của mình trong ngành công nghiệp thang máy. Ông bắt đầu với tư cách là người học việc vào năm 1961 khi đang theo học tại Đại học Long Island. Năm 1963, ông gia nhập công ty tư vấn thang máy gia đình khi đang hoàn thiện bằng cử nhân Lịch sử và hai năm học sau đại học về luật.
Ông Patrick Carrajat trong bảo tàng của mình
Carrajat đã trở thành Giám đốc điều hành của một công ty dịch vụ thang máy lớn, thành lập một công ty dịch vụ thang máy lớn khác và là người sáng lập nhà cung cấp phụ tùng thang máy và thang cuốn thuộc sở hữu tư nhân lớn nhất ở Mỹ. Ông đã từng viết bài cho Tạp chí Elevator World và xuất bản một cuốn sách về lịch sử ngành thang máy Mỹ.
Logo các loại thang máy
Sau một quãng thời gian dài tích lũy, sưu tầm, khi nhận ra bộ sưu tập của mình quá lớn để có thể cất giữ trong nhà, Patrick Carrajat quyết định mở một viện bảo tàng. Bảo tàng đặc biệt của Patrick Carrajat nằm ở Long Island – Mỹ. Ông đã chọn địa điểm này vì ở đây có khoảng 20 công ty thang máy hoạt động mà ông gọi nó là “vương quốc của thang máy.”
Bảng gọi tầng nhiều loại thang máy
Hiện tại bảo tàng thang máy của Patrick đang trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến ngành thang máy. Nó đánh dấu từng bước phát triển của ngành công nghiệp thang máy ở Mỹ nói riêng và trên phạm vi toàn thế giới nói chung.
Patrick cho biết, có khoảng 4000 hiện vật được giới thiệu tại đây cho khách tham quan. Đó là những nút bấm, những bảng hiển thị, các đoạn rail dẫn hướng thang máy, các giấy chứng nhận, tài liệu hướng dẫn và sử dụng thang máy, giấy phép kiểm định thang máy từ năm 1950…
Đặc biệt còn có bức ảnh của hai diễn viên Leonardo Di Caprio và Kate Winslet đang ở trong thang máy trong bộ phim kinh điển của đạo diễn James Cameron – Phim Titanic. Điểm đặc biệt ở bức ảnh này là trên đó có chữ ký của hai diễn viên nổi tiếng này!
Bức ảnh Leonardo Di Caprio và Kate Winslet trong thang máy trên tàu Titanic
Ngoài ra, nơi đây còn có các hiện vật lưu niệm như bật lửa hoặc quả bóng golf có in logo hoặc tên các công ty thang máy. Hiện tại, bảo tàng đặc biệt này đang mở cửa miễn phí cho khách tham quan, đón khoảng 500 du khách mỗi năm.
Patrick cho biết mục đích mở bảo tàng của mình là thể hiện niềm đam mê cũng như giới thiệu về lịch sử phát triển của thang máy. Nếu bạn yêu thích tìm hiểu về lịch sử thang máy thì có thể đến tầng 2 tòa nhà Taxi Building ở Long Island, Mỹ để thỏa mãn niềm đam mê.
Chiếc thang máy cổ nhất Việt Nam
Ở Việt Nam, chiếc thang máy đầu tiên được lắp đặt tại Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) vào năm 1929. Ngày nay, căn nhà có chiếc thang máy cổ đã được trùng tu và thiết kế lại thành Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, chiếc thang máy cổ vẫn còn đó và hoạt động tốt. Đã gần một trăm năm đi qua khi chiếc thang máy đầu tiên có mặt tại Việt Nam, nhưng ngoài hiện vật này được bảo quản khá tốt thì có quá ít thông tin về những chiếc thang máy khác đã vào Việt Nam. Nhiều người luyến tiếc cho rằng, những chiếc thang máy gắn liền với các giai đoạn, các công trình, các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử nước nhà xứng đáng được bảo tồn như những hiện vật lịch sử thay vì thay thế chúng.
Trong bối cảnh đó, vì sao Hiệp hội Thang máy Việt Nam không chuẩn bị sưu tầm, lưu trữ các hiện vật liên quan tới thang máy qua nhiều giai đoạn tại Việt Nam và các nước châu Á để trong tương lai gần cũng có một bảo tàng thang máy của riêng Việt Nam hoặc Châu Á?
Lê Hùng
Thông tin mới cập nhật