TCTM – Tôi viết bài này, sau khi rời tòa tháp Taipei 101, tòa nhà cao nhất thế giới khi được hoàn thành vào năm 2004 – cao 508m, 101 tầng. Tháp Taipei 101 đã đứng vững trong cơn động đất 7,4 độ hôm 3/4/2024. 61 chiếc thang máy Toshiba của tòa tháp, trong số đó có 2 tháng hoạt động với tốc độ rất cao (1.010 m/phút) vẫn hoạt động.
Sau chuyến đi xuất ngoại đầu tiên đến Malaysia (2023), cuối tháng 3 năm 2025, tôi và bạn bè lại hẹn nhau đi du lịch Đài Loan, theo lời mời của cô bạn gái láng giềng đang làm nghiên cứu sinh bên đó. Cô bạn đang làm NCS tại đây cho biết, quốc gia này có nhiều điểm đến tuyệt vời với nhiều địa danh hấp dẫn nhưng Tháp Taipei 101, Vườn Quốc gia Taroko, Chợ đêm Shilin, Cố cung Quốc gia, Đảo Orchid (Đảo Lan Ngọc) là những địa điểm tham quan hàng đầu mà bạn không nên bỏ lỡ khi đến Đài Loan.
Tòa nhà Taipei 101
Tháp Taipei 101 là biểu tượng nổi bật của thành phố Đài Bắc, là một trong những tòa nhà cao nhất thế giới, trong đó 61 chiếc thang máy lại được coi là điểm nhấn của tòa nhà. Hơn 1 thập kỷ trở lại đây, thang máy đã thành một phần không thể thiếu của đô thị. Bạn tôi giới thiệu, hình dáng của tòa Taipei 101 được lấy cảm hứng từ hình ảnh cây tre, biểu tượng cho sự phát triển và thịnh vượng. Kiến trúc của tòa nhà chia thành nhiều tầng, mỗi tầng tượng trưng cho những đốt cây tre, thang máy có nhiệm vụ nối các “đốt tre” lại với nhau.
Hiện thang máy Taipei 101 thuộc nhóm nhanh nhất thế giới, tốc độ của nó lên đến 1.010m/phút (khoảng 60 km/h), cho phép du khách di chuyển từ tầng trệt lên Tầng quan sát (tầng 89) chỉ vẹn vẻn 37 giây. Hướng dẫn viên du lịch Đài Loan cho tôi biết, thang máy này được thiết kế với công nghệ tiên tiến và hệ thống an toàn cao. Đi trong thang máy, tôi thấy màn hình hiển thị thông tin về độ cao và cảnh quan xung quanh trong suốt hành trình.
Nhóm du lịch chúng tôi là nữ, lại học chuyên ngành kinh tế nên không mấy am hiểu về kỹ thuật. Nhưng rất may, chúng tôi tình cờ gặp được một khách du lịch người Nhật Bản -tên Yasushi Ogura, anh ta là một chuyên gia tự động hóa. Anh bạn này cho biết, tòa Taipei 101 được xây dựng bắt đầu vào năm 1999 và hoàn thành vào năm 2004 với chức năng vừa là trung tâm thương mại, văn phòng, vừa có đài quan sát và tất nhiên luôn mở cửa cho khách du lịch.
Yasushi Ogura tự hào giới thiệu, thang máy tại Tháp Taipei 101 được sản xuất và lắp đặt, bảo trì bởi Toshiba, một công ty Nhật Bản nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ và sản xuất thang máy, thang cuốn. Anh cho biết, đội ngũ kỹ thuật của Toshiba đã đảm nhận lắp đặt thang máy, bao gồm cả việc thiết kế và triển khai các giải pháp công nghệ cần thiết để đảm bảo thang máy hoạt động hiệu quả, an toàn và nhanh chóng.
Thảo Chi, tác giả bài viết và tháp Taipei 101 là biểu tượng nổi bật của thành phố Đài Bắc
Yasushi Ogura tự hào công nghệ mà Toshiba áp dụng trong thang máy Taipei 101 bao gồm hệ thống động cơ hiện đại, công nghệ giảm rung và các hệ thống kiểm soát thông minh, giúp tối ưu hóa hiệu suất và trải nghiệm của người sử dụng. Thực tế đi tham quan, chúng tôi mới cảm nhận được 61 tháng máy được ứng dụng hệ thống điều khiển thông minh để tối ưu hóa lịch trình di chuyển, giảm thiểu thời gian chờ đợi cho người dùng, ngay cả giờ cao điểm cũng không mất quá 90s chờ đợi. Hệ thống này cho phép điều phối nhiều thang máy cùng một lúc, giúp tăng hiệu suất hoạt động, tuyệt vời.
Anh ta cho biết, thang máy nơi đây sử dụng động cơ đẳng áp và hai bộ truyền động. Điều này giúp tiết kiệm năng lượng và duy trì độ êm ái trong quá trình vận hành. Cabin thang máy được thiết kế hiện đại, có cửa kính bao quanh cho phép du khách quan sát cảnh quan bên ngoài trong suốt chuyến đi lên hoặc xuống. Hãng thang máy Toshiba trang bị công nghệ chống rung tiên tiến, giúp tối ưu hóa sự thoải mái cho hành khách, ngay cả khi thang máy đạt tốc độ tối đa.
Trong suốt chuyến đi, tôi được tận mắt thấy màn hình hiển thị thông tin về độ cao, cùng với các thông điệp thú vị về lịch sử và văn hóa Đài Loan. Thang máy này cũng có hệ thống âm thanh và ánh sáng tạo cảm giác thân thiện và thoải mái cho người sử dụng. Anh bạn người Nhật mới quen đang rất muốn khoe về hệ thống kiểm soát an toàn, thế mạnh nhất của Toshiba thì mấy “người đẹp Việt Nam” chúng tôi lại “làm bộ” lơ đễnh.
Sảnh thang máy tại Tòa nhà Taipei 101
Trên đường về, Kim Yến, cô bạn đồng trường Đại học KTQD đang làm kế toán cho công ty của Nhật mới bật mí cho biết thang máy Tháp Taipei 101 được trang bị các cảm biến và hệ thống an toàn tự động. Điều này đảm bảo rằng thang máy chỉ hoạt động khi tất cả các cửa đều được đóng chặt. Say chuyện, Kim Yến trổ tài tiếng Anh và khả năng hiểu biết của mình về Yasushi Ogura (1955), “cha đẻ” của nhiều phát minh cho hãng Toshiba. Hãng này nổi bật với các giải pháp về tốc độ, thang máy tại Tokyo Skytree (cao 634m) và Taipei 101 đều được thiết kế để đạt tốc độ cao nhất thế giới trong một thời gian dài.
Bạn tôi kể, chuyên gia Yasushi Ogura đứng đầu nhóm nghiên cứu và phát triển các hệ thống giảm chấn và chống rung, giúp thang máy hoạt động êm ái hơn, đặc biệt trong các tòa nhà cao tầng nơi chịu tác động của gió và động đất. Ông đã tối ưu hóa không gian cabin và khoang thang, mang lại cảm giác thoải mái cho hành khách, đồng thời tối đa hóa hiệu suất sử dụng. Các thang máy Nhật Bản thường được thiết kế với tiêu chí tiết kiệm năng lượng, sử dụng động cơ hiệu suất cao và các công nghệ tái sử dụng năng lượng.
Tôi là cô gái xứ Nghệ nhưng lớn lên tại Hà Nội, một đô thị lớn của Việt Nam có hơn 1.000 tòa nhà cao tầng, trong đó có khoảng 10% tòa nhà trên 20 tầng. Nói đến độ cao của các tòa nhà tại Thủ đô Hà Nội thì phải nói đến tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark 72, có chiều cao 345 m (1,136 feet) và có 72 tầng tại quận Nam Từ Liêm. Keangnam Hanoi Landmark 72 sử dụng thang của Thyssenkrupp (Đức), khối đế thấp tầng dùng thang Hyundai (Hàn Quốc). Tất nhiên thang máy tại Keangnam Hanoi Landmark 72 chỉ có tốc độ lên tới 6 m/s (mét/giây), tương đương khoảng 21,6 km/h, kém xa tốc độ 60 km/h của thang máy Tháp Taipei 101.
Tôi không có ý định so sánh về 2 tòa nhà và càng không có ý so sánh về quy mô đô thị hóa của Đài Bắc và Hà Nội. Bởi Đài Loan đứng thứ 12 trong danh sách quốc gia giàu nhất thế giới tính theo GDP bình quân đầu người (73.344 USD/người), trong khi Việt Nam chỉ 4.700 USD/người. Điều tôi muốn nói, khi nhắc đến các đô thị hiện đại, người ta thường nói đến những tòa nhà cao tầng nhất của thành phố mà thang máy là điểm nhấn không thể thiếu được. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, thang máy ngày nay không chỉ đóng vai trò là phương tiện di chuyển mà còn là một phần quan trọng trong thiết kế tổng thể của các tòa nhà hiện đại.
Các nhà thiết kế và kiến trúc sư thường nhấn mạnh tính thẩm mỹ và sự sáng tạo trong việc thiết kế thang máy, coi chúng như một yếu tố đóng góp vào phong cách và hình ảnh tổng thể của tòa nhà. Điều này đặc biệt quan trọng trong các tòa nhà cao tầng hoặc những công trình thương mại, nơi mà trải nghiệm người dùng và ấn tượng ban đầu có ý nghĩa rất lớn.Thang máy ngày nay thường được thiết kế hiện đại và sang trọng, góp phần nâng cao giá trị thẩm mỹ của tòa nhà. Một điều không thể phủ nhận sự có mặt của thang máy đã giúp con người chúng ta tiết kiệm thời gian, cụ thể là giúp giảm thiểu thời gian di chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho công việc và sinh hoạt hàng ngày.
Tác giả: Thảo Chi
Cuộc thi “Viết về nghề thang máy” do Tạp chí Thang máy phát động nhân dịp Ngày Thang máy Việt Nam 16/7 (Ngày nâng Việt Nam) phóng tôn vinh các giá trị, sự sắc bén của người làm nghề thang máy. Thời gian gửi bài dự thi từ 16/07/2024 đến 16/07/2025 (Bài dự thi được trao giải hàng tháng và giải chung cuộc).
Chi tiết có thể đọc thông tin này:
Thảo Chi
Thông tin mới cập nhật