TCTM – Trong thời gian trước đây, thang máy dù được xem là hạng mục cơ điện quan trọng, nhưng do chi phí giá thành lặp đặt và bảo trì còn cao nên chỉ xuất hiện ở các công trình “cao cấp & sang chảnh”. Ngày nay, khi cuộc sống đã có những bước phát triển vượt bậc, trong xu thế tối ưu hoá khai thác chiều cao và nâng cao hiệu quả giá trị sử dụng đất vàng đô thị, thang máy đã trở thành một hạng mục cơ điện công trình quan trọng và không thể thay thế, đặc biệt là với những công trình cao tầng quốc kế dân sinh và điểm nhấn khu vực nội đô. Sự phát triển là rất lớn để rồi, đến nay nghề thang máy đã trở thành nhân tố hữu hiệu không chỉ là đảm bảo tiện nghi và an toàn mà còn hỗ trợ nâng tầm vẻ đẹp thẩm mỹ và cho công trình kiến trúc Việt.
Tác giả: Thạc sỹ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương hiện là chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình về kiến trúc, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, với gần 25 năm kinh nghiệm; nguyên phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam. Ông hiện công tác tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng).
Trong thời gian trước đây, khi điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, khoa học công nghệ ngành xây dựng trong nươc còn hạn chế, thang máy nói chung chỉ được xem là một hạng mục giao cơ điện phục vụ kết nối giao thông theo chiều đứng và chỉ dành cho công trình cao tầng “sang chảnh, cao cấp”. Số lượng các công trình có thang máy lúc bấy giờ thực sự rất hạn chế. Được biết đến đầu tiên và nhiều nhất chính là toà nhà Khách sạn Giảng Võ cao 13 tầng tại phường Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội).
Hình 1: Khách sạn Giảng Võ cao 13 tầng với hệ thống thang máy đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội trước kia và hiện nay. (Nguồn ảnh: sưu tầm tư liệu và tác giả)
Ngày nay, khi điều kinh tế đất nước đã có nhiều bước phát triển hội nhập CNH – HĐH trong kỷ nguyên vươn mình, khi vốn đầu tư xây dựng dành cho các công trình kiến trúc tại Việt Nam cũng có thể dồi dào hơn, nhu cầu sử dụng các tiện ích giao thông theo chiều đứng một cách tiện nghi và an toàn của người sử dụng đã tăng lên nhiều, nguồn cung thiết bị từ cả các đơn vị cung cấp trong nước và quốc tế đều đã có mặt tại Việt Nam đã cho phép có thể áp dụng tương đối đa dạng và đại trà các hệ thống thang máy trong nhiều loại công trình kiến trúc dân dụng và công cộng.
Với nhóm công trình cao tầng, nhiều công trình mang tính chất “đại chúng” trước đây ít được lắp thang máy nay cũng đã được thiết kế và lắp đặt thang máy tương đối đại trà như: nhà ở xã hội, toà nhà văn phòng hạng trung, bệnh viện, nhà khách dịch vụ lưu trú, tổ hợp chợ và trung tâm thương mại cao tầng…
Hình 2: Hệ thống thang máy thường và chữa cháy chất lượng tiện nghi và an toàn tại toà chung cư cao tầng thuộc khu nhà ở xã hội Ecohome 3 (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội). (Nguồn ảnh: tác giả)
Còn với nhóm công trình thấp tầng như: toà nhà hành chính cấp quận huyện, phường xã; trường học phổ thông công lập các cấp… cũng không là ngoại lệ. Dù một số được lắp đặt theo phương thức cải tạo, bổ sung nhưng, đã nâng cao đáng kể chất lượng tiện nghi sử dụng, đặc biệt với nhóm người già và khuyết tật và yếu thế mà trong nhiều văn bản pháp luật đã quy định cần được đảm bảo tối đa quyền tiếp cận. Xa hơn, nhiều công trình nhà ở hiện nay của người dân giờ cũng đã lắp thang máy, cho phép người già và trẻ em trong gia đình có thể tiếp cận tới mọi không gian trên tầng cao trong công trình vốn trước kia người dân chỉ có thể tới bằng thang bộ.
Hình 3: Trụ sở UBND phường Thành Công ( Ba Đình, Hà Nội) với hệ thống thang máy sau khi cải tạo được lắp đặt bổ sung làm gia tăng vẻ đẹp thẩm mỹ và nhất là khả năng tiếp cận cho người già, người khuyết tật. (Nguồn ảnh: tác giả)
Trong bối cảnh các đô thị Việt Nam phát triển đô thị hoá nóng, diện tích đất khu vực nội đô hạn hẹp, đẩy mạnh ứng dụng các hạng mục thang máy có thể được xem là giải pháp hữu hiệu để gia tăng nhanh chóng hệ thống các công trình cao tầng : toà nhà văn phòng, khách sạn, chung cư cao tầng… , khai thác có hiệu quả quỹ đất vàng nội đô, có thêm nhiều diện tích sử dụng cho người dân mà vẫn đảm bảo khả năng kết nối giao thông, thoát hiểm tiện nghi theo chiều đứng.
Đặc biệt, trong bối cảnh các vụ cháy nhà cao tầng tại nhiều đô thị Việt Nam thời gian đang có nhiều diễn biến phức tạp cả về tần suất và mức độ thiệt hại, thang máy hiện nay còn đóng vai trò quan trọng để đảm bảo tối ưu khả năng thoát hiểm cho người dân và tiếp cận kịp thời đến hiện trường xảy ra của lực lượng cứu hộ, cứu nạn.
Dưới góc độ thẩm mỹ kiến trúc, trong thời gian trước đây, vì chủ yếu mới chỉ được thiết kế lặp đặt ở cấu trúc không gian lõi bên trong công trình, nên những đóng góp của thang máy về thẩm mỹ cũng mới chỉ dừng lại với các không gian nội thất công trình. Tuy nhiên, trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay, khi khoa học công nghệ được đẩy mạnh, với nhiều công nghệ và vật liệu mới với (cho cả cấu trúc buồng thang và hệ thống cơ khí chuyển động nâng hạ), cấu trúc đơn giản gọn nhẹ và chủng loại mẫu mã rất đa dạng và phong phú, dẫn đến nhiều công trình kiến trúc có hệ thống thang máy được lắp đặt trên cả phần không gian kiến trúc mặt tiền công trình.
Sự chuyển động lên xuống của buồng thang máy (thường là các buồng kính hiện đại và trong suốt) bổ sung tính động vốn còn rất thiếu và cần thiết cho kiến trúc công trình. Hệ kết cấu khoẻ khoắn và vật liệu hiện đại mới cũng mang đến thêm nhiều sức sống thời đại, chất cảm và vẻ đẹp công nghệ cho mặt đứng công trình. Và từ đây, thang máy đã thực sự trực tiếp tham gia tạo lập giá trị thẩm mỹ kiến trúc với cả nội và ngoại thất công trình.
Hình 4: Toà nhà RuBy Plaza (Lê Ngọc Hân, Hà Nội) với hệ thống thang máy thiết kế lắp đặt trên mặt tiền công trình, có vật liệu chất cảm (PV – sự truyền tải cảm xúc của vật liệu ) hiện đại đã góp phần gia tăng tính động trong kiến trúc và vẻ đẹp thẩm mỹ High Tech cho công trình. (Nguồn ảnh: tác giả)
Hình 5: Hệ thống thang máy lồng kính đã góp phần tạo dựng không chỉ tính tiện nghi và an toàn mà còn cả vẻ đẹp thẩm mỹ kiến trúc hiện đại và sang trọng trong không gian nội thất Trung tâm thuong mại Lotte Mall ( Tây Hồ, Hà Nội). (Nguồn ảnh: tác giả)
Dù đã được lắp đạt một hệ thống thang máy tốt và hiện đại, nhưng không thể không nhắc đến tầm quan trọng của công tác bảo trì, bảo dưỡng, vệ sinh để các hệ thống thang máy luôn được vận hành thông suốt, an toàn, ổn định, đẹp, tiện nghi với công sức của những người kỹ sư và thợ bảo trì thang máy.
Vì đã thấu hiểu rõ được các ý nghĩa và ích lợi này, nhiều cư dân trong các khu nhà cao tầng, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi đã luôn dành tặng danh xưng trìu mến “Chú Thang Máy” cho những kỹ sư và thợ bảo trì. Cư dân cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ, ủng hộ, không chút phàn nàn dù thang máy được đóng lại để bảo trì và vệ sinh trong các giờ cao điểm.
Hình 6: Triển khai công tác bảo trì và vệ sinh thang máy đảm bảo tiện nghi, vệ sinh và an toàn tại không gian thang máy chung cư cao tầng chung cư cao tầng thuộc khu nhà ở xã hội Ecohome 3 (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội). (Nguồn ảnh: tác giả)
Việc thang máy được sử dụng khá phổ biến và đại trà như hiện nay chỉ có thể có được từ chính những hiệu quả thực tiện về hiệu quả đóng góp nhiều mặt về tiện nghi “không thể thay thế được” của thang máy trong quá trình sử dụng đã được thực tế đánh giá và kiểm nghiệm cụ thể.
Vai trò sứ mệnh của thang máy giờ đã có không chỉ đóng vai trò đảm bảo tính tiện nghi về giao thông kết nối theo chiều đứng cho công trình nữa mà còn trở thành một phần quan trọng tham gia tích cực vào vẻ đẹp thẩm mỹ kiến trúc của công trình, tạo lập vẻ đẹp thẩm mỹ kiến trúc cho những công trình quốc kế dân sinh của tương lai.
Ngoài ra, khi tầng cao công trình dân dụng và cộng cộng ngày càng được đẩy mạnh thì thang máy còn gánh vác sứ mệnh đảm bảo khả năng tiếp cận cho người già, người khuyết tật và các nhóm yếu thế, đặc biệt là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của đông đảo người dân sinh hoạt trong các toà nhà cao tầng.
Trong tương lai kỷ nguyên vươn mình của đất nước và các đô thị Việt Nam, luôn có niềm tin vững chắc và gửi gắm từ người dân và xã hội dành tới những hệ thống thang máy và những kỹ sư, người thợ thang máy – nhân tố quan trọng không thể thay thế trong hỗ trợ nâng tầm về tiện nghi những công trình kiến trúc Việt!
Cuộc thi “Viết về nghề thang máy” do Tạp chí Thang máy phát động nhân dịp Ngày Thang máy Việt Nam 16/7 (Vietnam Lift Day) nhằm tôn vinh các giá trị, nét đẹp của người làm nghề thang máy. Thời gian gửi bài dự thi từ 16/07/2024 đến 16/07/2025 (Bài dự thi được trao giải hàng tháng và giải chung cuộc).
Chi tiết thể lệ cuộc thi đọc tại:
Phát động cuộc thi “Viết về nghề thang máy”
Thông tin mới cập nhật