Tôi gắn bó với chiếc thang máy bệnh viện khi chăm sóc người thân. Đó thật sự là kỷ niệm khó quên và khó tả.
Chiếc thang máy là nơi đầu tiên tôi bước vào và bước ra. Từ nhà, chạy xe mười cây số đến bệnh viện đã thấy bao nhiêu khuôn mặt bệnh nhân và người nhà đông đúc trước cổng thang máy. Hầu hết là lo âu và vội vã. Bệnh viện mà, chiếc thang máy là một trong những nơi đông đúc nhất. Bố tôi bị tai nạn và phải nằm trong bệnh viện, tôi phải ra ra vào vào nơi đây trong một tháng, cũng là khoảng thời gian làm bạn với cầu thang này, hành lang này.
Bệnh viện, tưởng là nơi bất đắc dĩ phải đến nhưng dần trở thành quen thuộc. Tôi nhớ như in cái mùi của chiếc thang này, sớm ra vẫn được người lao công lau chùi nên vơi bớt đi bụi bặm và cả thứ mùi rất đặc trưng của bệnh viện. Đó là chiếc thang máy rộng, đủ để một chiếc giường chuyển bệnh nhân đi cấp cứu. Chiếc thang tuy có khoảng không lớn nhưng luôn chật chội vì phải chở đông người. có lần, một chị y tá bông đùa: cái thang này có khi phải cho về hưu sớm vì ngày nào cũng gần quá tải thôi. Mấy người nở nụ cười hưởng ứng, cũng là một chút thoải mái hiếm hoi trong không khí nặng nề của bệnh viện.
Chiếc thang máy dù chỉ lên xuống sáu tầng nhưng phải hoạt động hết công suất từ sáng sớm đến tối khuya. Nhất là trong khung giờ thăm bệnh nhân, chiếc thang cứ lên lên xuống xuống liên tục không ngừng nghỉ.
Có lần, một thang máy bị hỏng không hoạt động, buồng thang còn lại gánh phần, đợi một lúc lâu vẫn chưa đến lượt. Được cái là thang cũng đi nhanh nên mọi người không phải chờ quá lâu. Lúc ấy, đội sửa thang máy là người được động viên nhiều nhất. Không chỉ thỉnh thoảng nhận được lời giục giã của nhân viên bệnh viện mà còn có cả những câu động viên của bệnh nhân và người nhà. Tuy vội vã nhưng không ai sốt ruột với anh thợ vì họ cũng hiểu sửa thang máy là công việc khó, đòi hỏi phải làm cẩn thận vì nếu sai sót thì rất nguy hiểm.
Chiếc thang máy bệnh viện có lẽ “hấp thu” nhiều loại mùi nhất trong các thang máy, vì không chỉ mùi thuốc, mùi con người mà còn có cả mùi thức ăn. Không chỉ đội ngũ chuyên mang cơm phục vụ các tầng, các loại thức ăn được mang từ ngoài vào cũng đủ đượm mùi cho buồng thang máy vốn dĩ quá đông đúc này. Công việc của người vệ sinh cũng theo đó mà vất vả hơn. Tuy nhiên người làm việc này cũng được mức tiền công cao hơn so với các tòa nhà thông thường nên họ cũng có làm việc cẩn thận và chỉn chu hơn.
Sáng đến sớm và bước vào thang máy bệnh viện có lẽ chỉ là cảm giác thông thường với mọi người, vậy mà không hiểu sao tôi lại thấy bồi hồi lạ lùng. “Lên đến tầng là vào phòng bệnh rồi”, tôi thường tự nhủ như thế mỗi khi từ nhà đem cơm vào cho bố. Khi ấy, chiếc thang máy lại giúp tôi lên tầng nhanh hơn
Không ai muốn phải vào viện chữa bệnh cả, nhưng nếu đã có bệnh thì buộc phải làm quen với không khí của bệnh viện, một môi trường đầy những lo âu và căng thẳng. Tuy vậy, nếu đã đi lại và sống ở nơi đây trong khoảng thời gian đủ lâu thì chúng ta có thể thấy những khoảnh khắc thư giãn và nụ cười mang tính động viên nhau. Tình cảm những con người xa lạ dành cho nhau lại bắt gặp nhiều nhất ở chiếc thang máy.
Có lần, tôi tay xách nách mang khá nhiều đồ đạc, định đặt xuống đất để bấm nút gọi thang máy thì nghe thấy tiếng một anh phía sau: để anh bấm cho. Chỉ thế thôi mà cũng đỡ đi chút mệt mỏi. Ở chiếc thang máy này, hành động giúp nhau giữ thang cho bệnh nhân cũng rất thường xuyên. Rồi nhường nhịn nhau nữa, không ai bảo ai đều tự giác đi ra mỗi khi có xe hay giường chở bệnh nhân vào hay đi các tầng. Những lúc như vậy, tình cảm giữa con người với nhau là thứ tôi luôn cảm nhận được.
Ở thang máy bệnh viện, chức năng của chiếc thang máy luôn được tận dụng nhiều nhất và chở theo tải trọng lúc nào cũng gần đầy. Vì vậy việc bảo dưỡng, sửa chữa cũng thường xuyên hơn thang máy ở các tòa nhà thông thường. Đội ngũ nhân viên kỹ thuật thang máy cũng xuất hiện ở bệnh viện nhiều hơn. Họ làm việc hăng say, tỉ mỉ và tập trung. Tôi ít thấy những người này làm việc hời hợt, bởi theo họ giải thích thì “có việc là vui rồi”. Đó cũng là thái độ cần thiết của người làm nghề kỹ thuật thang máy.
Đến bây giờ, bố tôi đã ra viện được vài ngày. Tất nhiên, tôi rất mừng vì cuối cùng niềm vui cũng đã đến với gia đình. Lúc chia tay cả phòng bệnh để xuất viện, mấy anh chị cùng phòng mỗi người một tay mang đồ rồi giữ thang máy giúp.
Cửa thang máy đóng lại cũng là lúc chúng tôi tạm biệt không khí dần trở nên quen thuộc của bệnh viện. Và cảm giác khi ở trong thang máy cũng trở thành kỷ niệm khó phai trong tôi.
Thông tin mới cập nhật