TCTM – Hà Nội hiện có hàng trăm tòa nhà tái định cư đã hoặc chưa được đưa vào sử dụng, song hầu hết đều trong tình trạng xuống cấp, nhiều hạng mục hư hỏng nặng nề – đặc biệt là thang máy, PCCC,… Và kéo theo đó là những hộ dân đang phải từng ngày “sống trong sợ hãi”.
Đọc thêm:
Bài 1: “Đau đầu” quỹ bảo trì nhà tái định cư
Bài 2: Quỹ bảo trì nhà tái định cư và những khoản thu ‘eo hẹp’
Đã hơn một tháng kể từ khi xảy ra vụ cháy thương tâm ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân). Vụ cháy xảy ra đêm ngày 12, rạng sáng 13/9 đã để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng: 56 người tử vong, 37 người bị thương, gây bất an với nhiều người dân đang sinh sống tại các chung cư mini – nơi mà đa phần không đảm bảo điều kiện về PCCC, không có lối thoát hiểm,…
Nhưng nếu nhìn từ một góc độ rộng hơn, không chỉ chung cư mini, còn rất nhiều loại hình nhà ở kém chất lượng khác cũng đang là những “quả bom nổ chậm”, đe dọa tới an toàn của người dân bất cứ lúc nào – điển hình trong đó là những tòa nhà tái định cư đang xuống cấp mỗi ngày.
Thang máy không được bảo trì định kỳ, hết hạn kiểm định và thường xuyên xảy ra tai nạn, sự cố; hệ thống phòng cháy chữa cháy “tê liệt”, rỉ sét; hệ thống nước thường xuyên rò rỉ, bể phốt chảy tràn gây mùi hôi thối,… Đó là những câu chuyện của các khu nhà tái định cư đang xuống cấp nhanh chóng, trở thành vấn đề nhức nhối suốt nhiều năm nay.
Thang máy tại nhiều khu nhà tái định cư rơi vào tình trạng hỏng hóc nặng nề, thường xuyên gặp sự cố
Như Tạp chí Thang máy đề cập tại “Bài 1: “Đau đầu” quỹ bảo trì nhà tái định cư” và “Bài 2: Quỹ bảo trì nhà tái định cư và những khoản thu ‘eo hẹp’”, việc không được bảo trì, sửa chữa thường xuyên là nguyên nhân chính dẫn tới nhà ở tái định cư ngày càng xuống cấp nhanh chóng.
Thế nhưng, nguyên nhân có lẽ không chỉ đến từ kinh phí bảo trì 2% hay các nguồn thu vận hành hạn hẹp. Những vấn đề liên quan tới cơ chế chính sách, quy trình,… để thực hiện công tác bảo trì sửa chữa cũng còn nhiều bất cập.
Thực tế tại các khu nhà tái định cư cho thấy việc thực hiện nhiệm vụ sửa chữa, bảo trì – đặc biệt là hệ thống thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong tòa nhà của các đơn vị quản lý vận hành còn chưa kịp thời dẫn đến bức xúc trong dân sinh.
Tình trạng thang máy xuống cấp, hệ thống Intercom và chuông cứu hộ không hoạt động tại một khu tái định cư trên địa bàn Hà Nội
Công tác lập phương án quản lý vận hành, kế hoạch bảo trì, dự toán thu chi của các đơn vị được giao quản lý vận hành các quỹ nhà tái định cư luôn được phản ánh còn chậm và chưa đầy đủ. Đây cũng là ý kiến đánh giá của UBND TP Hà Nội nhắc tới trong văn bản Kế hoạch số 309/KH-UBND năm 2022.
Một cán bộ Phòng Kế hoạch Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội – một trong những đơn vị được giao quản lý nhà tái định cư trên địa bàn Hà Nội, từng chia sẻ với Tạp chí Thang máy, để sửa chữa, bảo trì thì phải theo quy trình về đầu tư xây dựng cơ bản, loại phải có danh mục, loại phải có kế hoạch.
Sau khi có kế hoạch, danh mục xong thì phải trình dự toán, rồi lại đấu thầu, nếu không đấu thầu thì cũng phải chỉ định thầu, những đầu mục này đơn vị quản lý trực tiếp là Công ty không tự quyết được mà phải là Sở Xây dựng, rồi thì Thành phố có phê duyệt cấp chi phí hay không. Tức là muốn sửa một chiếc thang máy bị hỏng phải qua nhiều công đoạn làm quy trình và qua nhiều cấp phê duyệt.
Qua những chia sẻ từ đại điện đơn vị quản lý nhà tái định cư Hà Nội, có thể thấy rõ những quy trình, thủ tục mang lại sự chặt chẽ về mặt văn bản, pháp lý thế nhưng hiệu quả thực thì lại bộc lộ rõ ràng thông qua hiện trạng các khu tái định cư đang ngày một xuống cấp.
Chỉ đơn cử hệ thống thang máy, trong khi cư dân cứ mãi chờ đợi kế hoạch bảo trì, dự toán được duyệt để các thiết bị hỏng hóc được nhanh chóng sửa chữa thì các thiết bị khác lại tiếp tục rơi vảo cảnh “hết đát”, và chuyện thang máy xuống cấp, gặp sự cố vẫn mãi là một vòng tuần hoàn.
Liên quan tới những vấn đề chậm trễ trong công tác sửa chữa, bảo trì tại các khu nhà tái định cư, trong văn bản Kế hoạch số 309/KH-UBND, UBND TP Hà Nội cũng cho biết, dự toán thu chi được phê duyệt chưa kịp thời, có khi đến cuối tháng 12 hàng năm dự toán mới được phê duyệt dẫn đến các đơn vị quản lý vận hành không có kinh phí để kịp thời sửa chữa, bảo trì quỹ nhà tái định cư.
Giá cả hợp lý, diện tích vừa đủ cho cả gia đình sinh sống, nhà tái định cư dường như phần nào đáp ứng được ước mơ về chốn an cư của những người dân thu nhập thấp. Được kỳ vọng là thế, nhưng chất lượng công trình yếu kém đang là mặt trái khiến nhiều người dân sau khi chuyển đến đây cảm thấy thất vọng, còn những người khác thì lại sợ hãi và chẳng còn mặn mà.
Đi không được, ở cũng không xong là tình cảnh chung của nhiều cư dân tại các khu chung cư tái định cư
Hàng trăm hộ dân tại các khu nhà chung cư cũ, nhà tái định cư đang phải “sống trong sợ hãi”, còn “quả bóng” trách nhiệm vẫn bị đã vòng quanh và những quy trình, thủ tục vẫn tiếp tục kéo dài phức tạp, trình – phê duyệt – chỉ đạo. Kết quả là những văn bản thì đảm bảo chặt chẽ trên giấy tờ, còn hiệu quả thực thì lại như “khoảng tối dưới chân đèn”.
Chủ trương xây dựng nhà tái định cư là hoàn toàn đúng, song việc thực hiện lại bộc lộ ra nhiều vấn đề. Không ít sự chủ quan, né tránh, thờ ơ… từ phía công tác quản lý, vận hành đã được người dân phản ánh, gây bức xúc dư luận trong thời gian dài vừa qua.
Thế nhưng rõ ràng, để giải bài toán nhà tái định cư, đầu tiên là phải làm tốt công tác quy hoạch, đầy đủ hạ tầng điện – đường – trường – trạm. Thực hiện đấu thầu công khai các dự án, đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư uy tín, giá thành phù hợp, đáp ứng yêu cầu tái định cư của người dân. Chất lượng quản lý, dịch vụ cũng phải được cải thiện một cách toàn diện hơn.
Các cơ quan chức năng cần sớm rà soát, đưa ra biện pháp tổng thể từ khâu thẩm tra, phê duyệt thiết kế, quản lý chất lượng tới giai đoạn nghiệm thu, bàn giao và thực hiện bảo trì trong quá trình sử dụng nhà tái định cư nhằm nâng cao chất lượng loại hình nhà ở này.
Trong đó cần tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính để nhanh chóng “khơi thông” nguồn kinh phí bảo trì, để người dân không còn mệt mỏi chờ đợi trong bất an.
Về phía ngược lại, người dân cũng cần thay đổi tư duy, cùng nhà nước đóng góp một phần kinh phí để tạo ra một quỹ bảo trì ổn định để duy trì và vận hành tòa nhà nơi mình ở một các tốt nhất với chi phí thật hợp lý. Nếu không sớm giải quyết được “nút thắt” này, việc bảo trì vẫn mãi loay hoay và nhà tái định cư thì cứ tiếp tục xuống cấp.
Đọc thêm: Những bất cập trong quỹ bảo trì chung cư và kinh nghiệm từ thế giới
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật