TCTM – Trong hàng ngàn năm nay, ngôi làng Guanzhai và thôn Nizhu dường như bị “cô lập” với phần còn lại của thế giới. Với những dự án kết nối và phát triển giao thông đầy ý nghĩa, nơi đây lại trở thành địa điểm du lịch vô cùng nổi tiếng và cuộc sống của người dân cũng ngày càng tốt hơn.
“Từ đỉnh núi xuống chân núi chỉ mất vài phút. Đầu tiên, chúng tôi đi cáp treo sau đó đi thang máy. Tốc độ rất nhanh, việc lên xuống núi bằng thang máy và cáp treo là điều tôi chưa bao giờ mơ ước tới” – Dân làng không thể giấu đi sự phấn khích.
Thay vì di chuyển trên vách núi hiểm trở, con đường mòn gồ ghề kéo dài hai giờ đồng hồ, học sinh và cư dân tại các làng trong Thung lũng Nizhu giờ đây có thể đi thang máy rồi di chuyển sang cáp treo, tất cả quãng đường này chỉ trong vòng bảy phút.
Tại khu vực thang máy, các kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn người dân ra vào cabin để đảm bảo an toàn. Quả thực, đây chính là một dự án kỳ diệu với người dân đang sinh sống ở vùng núi hẻo lánh nơi đây, được đi thang máy tốc độ cao và học những quy tắc đi thang máy an toàn như những cư dân thành phố sinh sống trong những tòa nhà cao tầng.
Trong suốt quá trình thực hiện dự án Công viên sinh thái Thung lũng Nizhu, các nhà thiết kế thang máy đã cố gắng để công trình trở nên hài hòa, phù hợp với khung cảnh thiên nhiên xung quanh. Công trình vĩ đại dựa vào những vách đá màu nâu và được cố định bằng hàng nghìn dầm thép có chiều dài khác nhau, tương thích với khoảng cách giữa vách đá và trục thang máy.
Hệ thống thang máy tại Thung lũng Nizhu gồm hai thang máy di chuyển hành trình 268m với tốc độ 4m/s, tải trọng 1.600kg. Khung chính của thang có kết cấu bảng thép và hơn 1700 tấn thép đã được sử dụng cho công trình này.
Tại điểm dừng trên cùng, do khoảng cách giữa trục thang máy và vách đá theo chiều ngang kéo dài 43m nên một cây cầu trên cao có chiều rộng 8m đã được xây dựng. Hai bên lối đi được lắp bằng lan can thép chắc chắn, cao 1,3m để đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
Ngay phía đối diện cửa thang máy là nhà ga cáp treo. Với hệ thống cáp treo dài 200m, hành khách chỉ mất vài phút để đặt chân lên cao nguyên trên núi.
Một trong những thách thức khó khăn nhất trong quá trình lắp đặt hệ thống thang máy tại đây là việc xây dựng hệ đỡ của giếng thang thường xảy ra hiện tượng rung lắc dọc, đòi hỏi phải giải phóng sức căng một cách hiệu quả từ các ray dẫn hướng. Giải pháp được tìm ra chính là nhờ vào công nghệ hấp thụ dự phòng.
Khung chính được xây dựng bằng kết cấu thép và hơn 1700 tấn thép đã được sử dụng.
Nhà ga thang máy tại dự án Thung lũng Nizhu
Để giảm độ rung lắc khi di chuyển, hệ thống thang máy tại đây được bổ sung thêm cụm giảm chấn đa vị trí. Các guốc dẫn hướng chống ồn được sử dụng để giảm tiếng ồn khi thang máy hoạt động, đem lại cảm giác thoải mái cho hành khách.
Công việc khó khăn nhất trong quá trình lắp đặt thang máy tại núi Nizhu là vận chuyển vật liệu từ đáy thung lũng lên trên. Con đường đồi núi nhỏ hẹp, nhiều khúc cua là lựa chọn duy nhất dành cho phương tiện vận chuyển vật liệu.
Các bộ phận lớn như cụm cabin thang máy phải được tháo rời để vận chuyển. Công việc lắp ráp các chi tiết này cũng được thực hiện ngay tại công trường, đòi hỏi độ chính xác và kiên nhẫn cao. Toàn bộ quá trình lắp đặt không cần giàn giáo, mọi công việc đều bắt đầu từ phần dưới cùng với những chi tiết tăng dần từng cm.
Nhân viên kỹ thuật tiến hành bảo trì, kiểm tra hệ thống thang máy dự án Thung lũng Nizhu
Học sinh đi cáp treo tới trường học
Bên cạnh dự án lắp đặt thang máy và hệ thống cáp treo, Trung Quốc cũng tiến hành xây dựng và hoàn thành hai cây cầu Puli và cầu Bắc Bàn Giang giúp hệ thống giao thông kết nối tới Công viên sinh thái Thung lũng Nizhu được thuận tiện hơn.
Cầu Bắc Bàn Giang (Trung Quốc) hiện đang là cây cầu cao nhất thế giới
Dưới tia nắng đầu tiên của buổi sáng, sông Nizhu dâng cao và lấp đầy bầu trời bằng biển mây bồng bềnh, nhẹ nhàng với những làn gió trời tươi mát. Nhờ những dự án kết nối và phát triển đầy ý nghĩa, Thung lũng Nizhu giờ đây không còn là khe núi cách biệt với thế giới, cuộc sống của người dân sông Nizhu cũng dần được thắp sáng.
Phong cảnh đẹp quá! – Đây là cảm nhận của hầu hết các du khách khi lần đầu đến với Khu thắng cảnh Thung lũng sông Nizhu. Trong mùa mưa, những thác nước đổ xuống từ đỉnh núi tạo nên một cảnh tượng ngoạn mục.
Đường từ ngoài núi vào khu thắng cảnh được mở rộng từ 4m lên 8m, không chỉ giúp người dân trong làng di chuyển dễ dàng hơn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong và ngoài tỉnh di chuyển đến khu danh lam thắng cảnh.
Khung cảnh Thung lũng Nizhu nhìn từ trên cao
“Suy nghĩ đầu tiên của tôi là về nhà. Nếu phát triển các dự án du lịch thì quê hương tôi sẽ có rất nhiều việc phải làm”, Chen Ji – một người dân làng Nizhu làm việc tại Côn Minh chia sẻ. Khi nghe tin quê hương được đổi mới phát triển du lịch, ông đã nghĩ đến ngay việc trở về quê hương để lập nghiệp và có thể trực tiếp chăm sóc ba đứa trẻ đang ở quê nhà.
“Nhờ vào khoản trợ cấp của chính phủ cùng số tiền tiết kiệm được trong thời gian đi làm bên ngoài trong vài năm qua, tôi đã về quê và mở một trang trại”, Chen Ji chia sẻ. Trang trại của Chen Ji thu hút đông đảo khách du lịch ghé thăm, đặc biệt là vào những kỳ nghỉ lễ.
Các sản phẩm nông nghiệp địa phương như gà, cây atiso,… trước đây đều không có người mua, nhưng giờ đây đều không đủ bán, thậm chí còn phải lấy nguồn từ các làng xung quanh.
Các sản phẩm thủ công nghiệp của địa phương cũng được nhiều du khách yêu thích
Cũng giống như Chen Ji, gia đình ông Dong Yuan làm việc xa quê hương nhiều năm khi nghe tin về việc phát triển các dự án du lịch ở quê hương, cả hai đình ông đã lập tức trở về và mở một nhà nghỉ, bán đồ ăn sáng.
“Tôi có hơn 20 phòng nghỉ, vào dịp lễ luôn trong tình trạng kín phòng, không đủ phòng để cho thuê”, ông Dong Yuan chia sẻ.
Giờ đây, mọi gia đình trong làng đều xây nhà mới, mọi người đều lên kế hoạch cho tương lai, mở trang trại, nhà nghỉ,… để du khách không chỉ vui chơi, ăn uống mà còn được sống thoải mái. Mọi người đều vui mừng với những thay đổi tích cực nơi quê nhà.
Vào dịp Tết Nguyên Đán 2023, khu danh lam thắng cảnh tại thung lũng Nizhu đã thu hút từ 6.000 – 7.000 lượt khách du lịch đổ về đây, vượt qua sức tiếp đón trung bình của khu danh lam là từ 3.000 – 4.000 người.
Lượng du khách đông khiến toàn bộ nhân viên tại đây đều vô cùng bận rộn. Nhân viên ở đây phần lớn là những người trẻ từ các làng lân cận, trước đây phải đi làm việc ở các tỉnh khác nhưng giờ lại có thể làm việc ngay tại quê hương của mình.
Hai cây cầu Puli và Bắc Bàn Giang đã thay đổi lịch sử cho khu thung lũng Nizhu. Người dân và chính quyền nơi đây cũng đã nắm bắt cơ hội để kịp thời quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, danh lam thắng cảnh sông Nizhu. Ngôi làng nhỏ được lắp đặt thang máy cũng giúp cho vấn đề di chuyển của người dân thung lũng Nizhu rút ngắn từ hai giờ xuống còn bảy phút.
Sau hàng ngàn năm bị “cô lập” với phần còn lại của thế giới, làng Guanzhai và thôn Nizhu đã nhanh chóng bước lên chuyến tàu nông thôn mới với tương lai đầy hứa hẹn. Những giọng nói lo lắng phía trên hẻm núi đã biến mất từ lâu, giờ đây là tiếng nói cười vui vẻ của lũ trẻ vang vọng khắp thung lũng.
Từ “cách biệt thế giới” đến nổi tiếng, để đạt được bước nhảy vọt này, điều quan trọng nhất chính là những dự án tuyệt vời và đầy ý nghĩa. Nếu không có, mọi thứ có lẽ tới giờ vẫn chỉ là một giấc mơ. Và sự thay đổi lớn ở sông Nizhu chính là một sự thay đổi đầy kỳ diệu.
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật