TCTM – Chất lượng công trình còn nhiều khiếm khuyết, công tác bảo trì sửa chữa gặp nhiều bất cập,… những khu tái định cư dần trở thành nỗi ám ảnh của hàng nghìn hộ dân đang sinh sống và cũng là nỗi e dè của những người thuộc được bố trí tái định cư.
Phí bảo trì chung cư và những điều cần lưu ý
Những bất cập trong quỹ bảo trì chung cư và kinh nghiệm từ thế giới
Chỉ một thời gian ngắn sau bàn giao, nhiều tòa nhà tái định cư trên cả nước đã rơi vào cảnh xuống cấp nhanh chóng, gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống cư dân. Các vật liệu hoàn thiện như thiết bị vệ sinh, gạch ốp lát, sơn tường,… đều xuống cấp nhanh chóng, thấm dột khu vệ sinh hoặc tường nhà.
Đáng lo ngại hơn là hệ thống nước, thoát nước; hệ thống phòng cháy chữa cháy và cả hệ thống thang máy đều trong tình trạng không hoạt động hoặc hư hỏng nặng nề.
Theo quy định, nhà ở tái định cư phải có điều kiện tốt hơn nhà ở cũ, thế nhưng thực tế cho thấy các dự án nhà tái định cư từ trước tới nay hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Hàng trăm hộ dân ở các khu tái định cư đều cảm thấy lo sợ mỗi khi đọc tin tức cháy nổ vì hệ thống phòng cháy chữa cháy gần như không hoạt động. Hằng ngày, mỗi khi bước vào thang máy, mọi người đều chung nỗi sợ hãi bởi những mối nguy hiểm đang rình rập đằng sau những chiếc thang thường xuyên gặp sự cố, không được bảo trì và đã hết hạn kiểm định.
Đơn cử như trường hợp 68 hộ gia đình với gần 300 nhân khẩu cư trú tại Tòa nhà tái định cư B12, ngõ 28 Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) phải đối diện với cảnh hệ thống thang máy thường xuyên hư hỏng, song không được sửa chữa dứt điểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người dân.
Tòa nhà B12 có 2 thang máy hoạt động từ năm 2006 – 2007 đến nay đã 15 năm, xuống cấp trầm trọng, thường xuyên hỏng hóc. Để chủ động cho sinh hoạt của mình, các hộ gia đình tại đây đã tự động đóng góp tiền để sửa chữa hai thang máy trên.
Tuy nhiên, do thang đã hoạt động lâu nên linh kiện, thiết bị cũng khó tìm, không đồng bộ, thường xuyên bị sự cố như treo thang, rung giật hoặc trôi tầng.
Hình ảnh 1 thang máy đã hư hỏng hoàn toàn và 1 thang máy thường xuyên gặp sự cố tại Tòa nhà tái định cư B12, ngõ 28 Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội. (Ảnh: Realtimes)
Kết quả là từ năm 2021 tới nay, 1 thang máy đã hư hỏng hoàn toàn, 1 thang máy với nguồn kinh phí do người dân tự đóng góp được sửa chữa để sử dụng tạm thời nhưng cũng thường xuyên hư hỏng… tiềm ẩn các mối nguy hiểm, nguy cơ gây tai nạn chết người.
Không chỉ Khu tái định cư Xuân La, tòa chung cư tái định cư tại Khu đô thị Đồng Tầu, phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), với 10 tòa nhà được đưa vào sử dụng từ năm 2006 cũng đang trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều tòa nhà thường xuyên chỉ sử dụng được duy nhất 1 thang máy.
Trong số 10 tòa nhà thuộc khu này, chỉ có tòa N1 thành lập được ban quản trị. Điều đáng nói, các tòa nhà đều trong tình trạng đã hết quỹ bảo trì, không có nguồn thu, trong khi các hạng mục đều xuống cấp.
Nhà N10 khu tái định cư Đồng Tầu (quận Hoàng Mai) đang xuống cấp nghiêm trọng.
Những chiếc thang máy hỏng vẫn “đắp đống” chờ đợi, những chiếc thang không đạt kiểm định, thường xuyên gặp sự cố thì tiếp tục vận hành như “quả bom nổ chậm”. Và người dân dù biết nhưng vẫn phải bước vào những chiếc thang ọp ẹp với tâm thế đầy lo sợ nhưng cũng không thể làm gì khác ngoài chấp nhận và chờ đợi.
Từ hệ thống phòng cháy chữa cháy có công năng như “lá chắn” để đảm bảo an toàn cho người dân, từ một phương tiện di chuyển cơ bản của đô thị ngày nay là thang máy, tất cả dường như lại trở thành một nỗi bất an thường trực của những cư dân sinh sống tại các tòa nhà tái định cư. Và câu chuyện kinh phí bảo trì nhằm tu sửa, bảo trì nhà ở tái định cư luôn là vấn đề đau đầu của cả người dân tới cơ quan quản lý và cả xã hội.
Theo thống kê tới cuối năm 2022, trên địa bàn Hà Nội có 199 tòa chung cư tái định cư đã hoàn thành đưa vào sử dụng. So với nhà ở thương mại, một trong những nguyên nhân lớn khiến nhà tái định cư bị xuống cấp mà không được sửa chữa kịp thời là do không có hoặc có nhưng rất ít kinh phí bảo trì 2%.
Kinh phí bảo trì được quy định kể từ khi Luật Nhà ở 2005 có hiệu lực và được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số: 90/2006/NĐ-CP của Chính phủ và tiếp tục được sửa đổi, thay thế tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Và theo quy định hiện hành, kinh phí bảo trì 2% đã được đưa vào Luật Nhà ở 2014.
Theo quy định, kinh phí bảo trì chung cư chính là phần kinh phí do các chủ sở hữu nhà chung cư đóng góp để thực hiện các công việc bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Với các loại hình chung cư có nhiều chủ sở hữu từ chung cư thương mại, nhà ở xã hội hay tái định cư,… thì đều phải có kinh phí bảo trì. Hệ số tính phí bảo trì chung cư sẽ bằng 2% giá trị căn hộ hoặc diện tích khác.
Đọc thêm: Phí bảo trì chung cư và những điều cần lưu ý
Trên thực tế, nhiều chung cư tái định cư lại được xây dựng và bàn giao trước thời điểm Luật Nhà ở 2005 có hiệu lực, do vậy có nhiều tòa nhà không có hoặc có rất ít kinh phí bảo trì. Còn đối với các tòa nhà có quỹ bảo trì, bởi nhà tái định cư được bán với giá rẻ nên quỹ bảo trì 2% cũng không đáng kể.
Hệ thống phòng cháy chữa cháy tại một số nhà tái định cư gần như ‘tê liệt’.
‘Cạn kiện’ quỹ bảo trì nhà tái định cư
Từ vấn đề không có hoặc có nhưng rất ít quỹ bảo trì 2% và công tác thành lập ban quản trị chậm trễ, theo Kế hoạch số 309/KH-UBND năm 2022 của UBND TP Hà Nội về khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội cũng cho biết “không có hoặc có rất ít kinh phí bảo trì 2%, trong thời gian chưa có Ban quản trị, các đơn vị quản lý vận hành đã sử dụng hết…”.
Tính đến tháng 12/2022, UBND TP Hà Nội cho biết việc thành lập Ban quản trị mới đạt được 113 trên tổng số 199 tòa nhà tái định cư. Nguyên nhân khách quan đến từ việc chưa đủ số dân đến ở (trên 50%) do vậy chưa đủ điều kiện để tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị tòa nhà.
Phần khác, hầu hết các chung cư này đều đã xuống cấp do đó người dân không muốn thành lập Ban quản trị, vì phải quản lý, vận hành và đóng kinh vận hành hàng tháng nhiều hơn. Một số trường hợp đã có Ban quản trị, nhưng cũng không nhận bàn giao công tác quản lý vận hành.
Về phía các đơn vị được giao quản lý vận hành còn chậm trong việc tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị, khi tổ chức hội nghị 2 lần không thành công, UBND các phường cũng chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư theo quy định.
Về vấn đề ‘cạn kiệt’ quỹ bảo trì nhà tái định cư, Báo Pháp luật cũng từng đưa tin năm 2018 cho biết, vào thời điểm năm 2014, Hà Nội đã có quyết định về việc chuyển trả 2% kinh phí bảo trì nhà chung cư tái định cư từ ngân sách thành phố là 45 tỷ đồng, cho Ban Quản trị tòa nhà chung cư hoặc các đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư.
Tuy nhiên, nhìn vào số liệu kinh phí bảo trì ngân sách thành phố hoàn trả theo số liệu quyết toán kinh phí cải tạo, sửa chữa nhà chung cư tái định cư ở Hà Nội, cho thấy, nguồn kinh phí quan trọng để vận hành, quản lý của gần 200 tòa nhà tái định cư – nơi sinh sống của hàng vạn hộ dân thủ đô hầu như đã cạn kiệt.
Có không ít tòa nhà mang tiếng là còn quỹ bảo trì nhưng thực tế chỉ còn vài chục triệu trong tài khoản và số tiền ít ỏi đó không đủ để sửa mỗi chuyện thang máy khi gặp sự cố chứ chưa nói đến việc vận hành cả một tòa nhà.
Thậm chí, trong 168 tòa nhà chung cư tái định cư đã đưa vào sử dụng trên địa bàn thủ đô, có 42 tòa nhà không còn một đồng nào quỹ bảo trì. Trong đó, có 19 tòa nhà không có quỹ bảo trì và 23 tòa nhà có quỹ bảo trì nhưng cũng đã sử dụng hết sạch.
Đọc tiếp:
Bài 2: Quỹ bảo trì nhà tái định cư và những khoản thu ‘eo hẹp’
Bài 3: Quỹ bảo trì nhà tái định cư, trách nhiệm thuộc về ai?
Thông tin mới cập nhật