TCTM – Bạn có lo sợ không khi bỗng một ngày thức dậy và phát hiện ra bác sĩ vẫn điều trị cho mình thực chất mới chỉ học hết lớp 9?
Mới đây, truyền thông Thái Lan đưa tin về trường hợp ông Kittikorn – một người mới học hết lớp 9, sống ở tỉnh Samut Sakhon đã cung cấp dịch vụ nam khoa suốt 20 năm qua, thực hiện hàng trăm ca phẫu thuật, dù chưa qua trường lớp đào tạo nào.
Trong quá trình thẩm vấn, Kittikorn thừa nhận không phải là bác sĩ, không có giấy phép hành nghề y. Giường và các thiết bị y tế khác được bố trí trong nhà của anh ta đều không đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh.
Kittikorn Songsri bị buộc tội điều hành phòng khám y tế trái phép và cung cấp dịch vụ y tế không có giấy phép. Ảnh: Bangkok Post.
Câu chuyện nói trên không phải trường hợp đầu tiên. Việc “bác sĩ” chỉ học tới trình độ tiểu học, trung học, lợi dụng lòng tin của người bệnh để kiếm lời trên tính mạng con người đã xảy ra rất nhiều lần và tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Tương tự như việc khám chữa bệnh phải thực hiện bởi bác sĩ có bằng cấp, chuyên môn, các công tác “khám, chữa bệnh” cho thang máy cũng cần phải thực hiện bởi những kỹ thuật viên thang máy được huấn luyện, đào tạo đảm bảo kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm.
Một chiếc thang máy dù xịn đến đâu, nếu lắp đặt không đúng quy định thiết kế, lúc hỏng hóc không “bắt chuẩn bệnh”,… đều không thể vận hành trơn tru, đảm bảo an toàn. Bất kỳ sai sót nào cũng có thể dẫn đến các sự cố, tai nạn thang máy nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và của.
Dù vai trò của kỹ thuật viên lắp đặt và vận hành thang máy quan trọng là thế, nhưng ngành thang máy Việt Nam lại rơi vào cảnh bất cứ ai cũng có thể sửa chữa, bảo trì, chỉ cần được nhà tuyển dụng huấn luyện một số kỹ năng, kinh nghiệm nhất định là đã có thể đảm nhận công việc này.
Nhân viên sửa chữa thang máy thực hiện công việc mà không đảm bảo an toàn lao động
Hay thậm chí còn có tình trạng, một số công ty thang máy thuê nhân viên kỹ thuật bên ngoài để làm khoán, làm theo công trình để lắp đặt thang máy cho khách hàng. Với hình thức này, không ai đảm bảo cho vấn đề nhân viên đó có đủ trình độ, năng lực thực hiện hay không.
Và hậu quả của những “bác sĩ” thang máy tay ngang, thiếu hụt chuyên môn kỹ thuật chính là sự cố, tai nạn thương tâm mà người tiêu dùng phải gánh phải.
Đứng trước những sự vụ nói trên, chúng ta kêu gọi người dân, hãy trở thành khách hàng thông minh, bệnh nhân thông minh,… Đúng là họ có thể trở thành khách hàng hay bệnh nhân thông minh, bằng cách không tin những kẻ tự xưng là bác sĩ hay những kẻ tự nhận là kỹ thuật viên lành nghề lâu năm.
Nhưng, làm thế nào để những khách hàng thông minh phân biệt được ai là bác sĩ, ai là lang băm khi ngay cả ở các bệnh viện lớn, hoặc những nơi mà cơ quan quản lý nhà nước áp dụng việc kiểm tra, kiểm soát gắt gao vẫn xuất hiện tình trạng “bác sĩ dỏm”? Tương tự, làm thế nào để phát hiện được đâu là kỹ thuật viên “xịn” – đâu là kỹ thuật viên “dỏm?
Hay chúng ta cứ phó mặc cho sự may rủi, cho trí thông minh để “khôn thì sống, dại thì chết’?
Hàng loạt doanh nghiệp thang máy tự giới thiệu là “uy tín, tin cậy”, hàng ngàn nhân sự tự giới thiệu “lâu năm, lành nghề” – Tôn Hành Giả, Giả Hành Tôn, Hành Giả Tôn…, người tiêu dùng bỗng trở nên đơn độc giữa biển cả thị trường.
Song song với sự vào cuộc từ cơ quan quản lý, điều quan trọng là cần phải trao quyền giám sát và cung cấp hệ thống tra cứu minh bạch, rõ ràng cho người dân – những người trực tiếp sử dụng sản phẩm, dịch vụ.
Thứ nhất, về sản phẩm, cần phải có quy định về truy xuất dữ liệu đối với mọi sản phẩm để người dân dễ dàng xác minh nguồn gốc, xuất xứ, các thông số kỹ thuật liên quan.
Thứ hai, về dịch vụ – liên quan tới yếu tố con người, cũng cần có hệ thống truy xuất về người thực hiện công việc, các loại chứng chỉ, bằng cấp và phạm vi công việc được phép làm,…
Một khi thông tin được minh bạch, người dân mới có thể trở thành một khách hàng thông minh, tự nhận định được đâu là dịch vụ, sản phẩm tốt – đâu là con người được đào tạo, được chuẩn hóa kiến thức, kỹ năng.
Một hệ thống tra cứu minh bạch không chỉ giúp người dân có thể đưa ra những lựa chọn tiêu dùng thông minh mà còn góp phần loại trừ hàng giả, hàng nhái, dịch vụ kém chất lượng, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp chân chính, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhận thức rõ những tồn tại trong ngành, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã tiên phong trong việc xây dựng một hệ thống quản lý an toàn thang máy toàn diện. Với mục tiêu lấy người sử dụng làm trung tâm và cũng là giám sát chính, Hiệp hội đã triển khai nhiều dự án cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn trong lĩnh vực thang máy, cụ thể:
– Hệ thống Tra cứu Chứng chỉ Trực tuyến: Song song với Chương trình Đào tạo Kỹ thuật viên Thang máy, Hiệp hội cũng triển khai gắn mã QR trên mỗi Chứng chỉ Đào tạo được cấp.
Thông qua việc tra cứu mã số chứng chỉ trên Cổng Thông tin Hiệp hội hoặc quét mã QR chứng chỉ, người sử dụng lao động hoặc nhà tuyển dụng có thể dễ dàng tra cứu thông tin kỹ thuật viên từ quá trình đào tạo tới trình độ, năng lực kỹ thuật. Trong trường hợp chứng chỉ bị làm giả, khi quét sẽ không ra kết quả.
Hệ thống tra cứu chứng chỉ đào tạo kỹ thuật viên cấp bởi VILEA
Đọc chi tiết tại: Chương trình đào tạo nhân viên bảo trì thang máy chứng chỉ quốc tế
– Hệ thống mã định danh thang máy: Đây là hệ thống quản lý, giám sát thang máy/thang cuốn toàn diện thông qua mã số ID và mã QR, mỗi thang sẽ được cấp một mã định danh duy nhất. Hệ thống giúp quản lý tất cả các giai đoạn trong vòng đời của thang, từ khâu sản xuất, lắp đặt, bảo trì, sửa chữa,… đến tháo dỡ/thay thế. Bằng cách tra cứu thông tin trên Cổng Thông tin Hiệp hội hoặc quét mã QR, người sử dụng có thể dễ dàng biết được các dữ liệu liên quan tới thang máy.
Dãy số ID và mã QR thang máy sẽ được gắn tại các vị trí giúp người sử dụng dễ tiếp cận như trước cửa tầng, bên trong cabin thang,…
Đọc chi tiết tại: Tại sao phải gắn mã định danh cho thang máy?
Đây đều là những dự án có ý nghĩa rất lớn, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, dịch vụ thang máy, hướng tới đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Việc xây dựng và triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu thang máy là một quá trình dài hơi và đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên – dù vậy – “Hành trình vạn dặm, bắt đầu từ một bước chân”.
Hoàng Quân
Thông tin mới cập nhật