TCTM – Hầu hết các vụ cháy đều bắt nguồn từ nguyên nhân rò rỉ, chập điện từ các thiết bị trong gia đình như điều hòa, quạt, thiết bị sạc xe điện, thang máy,… Nhưng lỗi có phải do những thiết bị này?
Ngày 3/4/2023, một căn biệt thự ven sông Quán Trường thuộc khu đô thị Thái Xuân (xã Vĩnh Thái, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) bốc cháy lớn, may mắn 5 người sống tại đây thoát ra ngoài an toàn. Nguyên nhân ban đầu được cho là do chập điện thang máy.
Khu vực thang máy nơi khởi phát cháy tại căn biệt thự ven sông Quán Trường (tỉnh Khánh Hòa) ngày 3/4/2023
Nửa đêm ngày 12 – 13/9/2023, ngôi nhà 9 tầng tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cháy lớn, một số nhân chứng cho biết vụ cháy xuất phát từ tầng 1, có thể là do chập điện khi sạc xe máy điện.
Cùng đó là vô vàn những vụ cháy, chập điện nguyên nhân từ các thiết bị điện, điện tử như sạc xe máy, sạc điện thoại/iPad thời gian dài, qua đêm hay các thiết bị duy trì nguồn điện thường xuyên như thang máy, tủ lạnh, TV, máy giặt, quạt điều hòa,…
Bộ Công an cho biết trong tổng số hơn 27.500 vụ cháy giai đoạn 2012-2020, có khoảng 14.200 vụ cháy xảy ra có nguyên nhân do sự cố hệ thống điện, chiếm 51,9%. Riêng Hà Nội, từ năm 2018 đến tháng 3/2023, các vụ cháy, nổ có liên quan đến hệ thống điện chiếm hơn 76% tổng số vụ cháy.
Khi xảy ra chập cháy, hậu quả đều vô cùng nghiêm trọng cả về tài sản và sức khỏe, tính mạng con người. Và cũng khi đó, những mối nguy mất an toàn tiềm ẩn mới lộ ra và khiến người ta kinh sợ… vài ngày, rồi đâu đóng đấy.
Nguyên nhân vụ cháy tại phố Khương Hạ chưa được kết luận, nhưng theo các nhân chứng thì nguồn phát cháy có thể do xe đạp điện sạc tại tầng 1. Cũng từ nhận định này, hàng loạt các chung cư mini, nhà trọ cấm sạc pin xe đạp điện tại tầng 1, thậm chí có nơi còn cấm cư dân không sử dụng xe đạp điện.
Nhưng nếu sợ chập điện nên không đi xe đạp điện thì những vụ xe máy, ô tô đột nhiên bốc cháy có phải nguy cơ không? Sợ nổ bình ga nên không dùng bếp ga thì bếp từ có gây chập cháy không?
Ô tô bất ngờ bốc cháy khi đang lưu thông trên Quốc lộ 7 (Nghệ An) ngày 31/10/2022 chỉ là một trong vô số những vụ bốc cháy phương tiện giao thông
Nếu kết luận như vậy e rằng bất kỳ thiết bị nào trong gia đình chúng ta cũng đều có thể trở thành nguyên nhân gây cháy nổ, đều đáng… tẩy chay!
Theo một chủ cơ sở bán và bảo dưỡng, sữa chữa xe điện tại Hà Nội, cách sử dụng xe điện mới tạo ra nguy cơ gây mất an toàn chứ không phải bản thân phương tiện này. Cụ thể, với đặc tính là một thiết bị sử dụng ắc quy sạc trực tiếp, một số lưu ý với xe điện cần được người dùng tuân thủ gồm:
– Sau khi xe vừa di chuyển về cục pin đang nóng, không nên cắm sạc ngay mà nên chờ khoảng 1 tiếng sau mới sạc; không sạc qua đêm; dùng đến khi còn 1 – 2 vạch pin cuối mới nên sạc để đạt được tuổi đời tối đa cho cả xe và cục sạc.
– Kiểm tra xe định kỳ, trong đó thợ bảo dưỡng xe cần kiểm tra kỹ dây nối điện phần pin xe, nếu cũ quá, phần bọc nứt ra cần thay thế tránh rò rỉ điện.
– Ắc quy mua mới giá tương đối cao nhưng thời hạn bảo hành thường là 12 tháng, thời gian sử dụng thực tế từ 2 – 2,5 năm, khi đó pin đã có dấu hiệu phồng.
Cũng tương tự như những sự việc sử dụng điện thoại trong khi đang cắm sạc pin, việc duy trì hành vi này kéo dài đã khiến pin của điện thoại giảm tuổi thọ, có dấu hiệu phồng từ trước, cho đến khi tai nạn nổ pin điện thoại xảy ra thì người dùng nhẹ thì bị bỏng, nặng thì bị thương nghiêm trọng toàn thân.
Những vụ phát nổ pin điện thoại diễn ra nhan nhản, nhưng rồi vẫn tiếp nối, nỗi sợ thì ngắn hạn và những hiểu biết về an toàn đều thừa thãi ư?
Tính riêng với xe điện, hiện tại Việt Nam đã có 5 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) và 52 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) dành cho xe điện và trạm sạc. Bản thân sản phẩm được thiết kế, sản xuất và cung cấp ra thị trường hầu hết đều cần được thử nghiệm, hợp quy, cấp phép từ các cơ quan quản lý chất lượng, do đó, những sự cố thường xảy ra do thói quen sử dụng của người dùng chứ không phải lỗi của thiết bị.
Xe điện không có lỗi, cớ sao lại đồng loạt cấm xe điện?
Ngoài các QCVN, TCVN về điện thì với các thiết bị điện thuộc các nhóm khác nhau đều có quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tuân thủ. Đồng thời, với các thiết bị không thuộc nhóm điện, điện tử nhưng có sử dụng hệ thống điện thì cũng đều có quy định kèm theo.
Tất nhiên, QCVN hay TCVN thì đều có thể còn tồn tại các điểm khuyết thiếu hoặc thiếu tính cập nhật so với tốc độ phát triển của công nghệ, dù vậy, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn cơ bản về an toàn và quá trình thử nghiệm thiết bị cũng đã đáp ứng các yêu cầu an toàn. Các tình huống phát sinh đặc biệt đều khá hi hữu.
Một hệ thống thang máy từ năm 1996 với sản phẩm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, được bảo trì định kỳ đúng quy định, đến nay đã gần 30 năm vẫn hoạt động trơn tru, an toàn. Đây chính là minh chứng cho thấy cách lựa chọn, cách sử dụng của người dùng là yếu tố quan trọng, gắn bó mật thiết đến câu chuyện an toàn
Ở khía cạnh khác, quyết định lựa chọn sản phẩm và quá trình sử dụng của người tiêu dùng có liên quan mật thiết với an toàn lại đang chưa được coi trọng. Việc người tiêu dùng dễ dãi trong việc lựa chọn hàng hóa thiết bị hay vì “giá rẻ” hoặc thiếu hiểu biết về việc kiểm tra giấy tờ hồ sơ về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn, quy chuẩn của thiết bị đang gia tăng tỉ lệ người dân sử dụng thiết bị kém chất lượng, không đảm bảo an toàn.
Cùng đó, một bộ phận không ít người dân còn chủ quan, thiếu ý thức trong việc sử dụng điện: không ngắt các thiết bị điện không cần thiết ra khỏi nguồn điện khi không ở nhà hoặc quên không ngắt thiết bị sử dụng điện đang vận hành công suất cao khi ra khỏi nhà.
Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức “tự phòng vệ” ngay từ khi quyết định mua sản phẩm hàng hóa cho đến các nguyên tắc an toàn trong quá trình sử dụng.
Khi khách hàng khó tính hơn, từ chối những sản phẩm kém chất lượng thì đồng thời nguồn cung sẽ phải tự điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, hoặc bị loại bỏ. Và việc tuân thủ các nguyên tắc, quy định trong quá trình sử dụng chính là cách bảo vệ thiết bị và an toàn cho bản thân.
Lưu Hiền Minh
Thông tin mới cập nhật