Hàng ngàn hộ dân của các khu nhà tái định cư của quận Hoàng Mai dù muốn hay không vẫn phải sử dụng những chiếc thang không đủ điều kiện vận hành. Điều đó đồng nghĩa với nguy hiểm đang tiềm ẩn trên mỗi chuyến đi. Nhà quản lý, đơn vị nào cũng không vô trách nhiệm nhưng rốt cuộc ai cần phải chịu trách nhiệm?
Đem sự bức xúc của người dân phản ánh tới Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, PV Tạp chí Thang máy đã được giới thiệu tới Phòng Kế hoạch Kỹ thuật của Công ty. Ông Nguyễn Văn Bằng, cán bộ của Phòng cho biết, khu nhà tái định cư Đền Lừ được xây dựng ban đầu đã gần 20 năm rồi nên mọi thiết bị, cơ sở hạ tầng đều đã xuống cấp nhiều, không riêng gì thang máy. Khi hỏi về biên bản kiểm định thang máy Khu tái định cư Đền Lừ của quận Hoàng Mai, ông Bằng nói đã có kết luận của bên kiểm định, theo đó, có 20 thang không đạt kiểm định, 2 thang hỏng hoàn toàn và chỉ có 4 thang đạt kiểm định.
Theo ông Bằng, sau khi có kết quả kiểm định xong thì phải báo cáo Sở, nhưng bây giờ không cho thang chạy thì dân dùng bằng gì? Ngoài đặt ra câu hỏi cảm thán này, ông Bằng cũng chia sẻ rằng từng có thời điểm công ty cho dừng thang máy để đảm bảo an toàn cho người dân nhưng chính người dân lại kéo nhau lên “biểu tình” để yêu cầu mở thang sử dụng. Đó chính là lý do Ban quản lý toà nhà vẫn tiếp tục để thang hoạt động.
Nhưng liệu đây có phải là lựa chọn duy nhất và tối ưu? Người dân có thể chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt nhưng đứng ở góc độ quản lý thì lựa chọn này của Ban quản lý có khác nào bất chấp sự nguy hiểm của dân cư!
Theo khoản 5 Điều 23 Nghị định 28/2020/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có quy định phạt từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với một trong các hành vi tiếp tục sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đã thực hiện kiểm định nhưng kết quả kiểm định không đạt yêu cầu. Ấy thế nhưng Ban quản lý vẫn bất chấp những nguy cơ nguy hiểm tới sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của người dân để tiếp tục vận hành thang máy!
Tại buổi làm việc với Cục An toàn lao động, đại diện đơn vị này cũng khẳng định sai phạm của Ban quản lý toà nhà, và đơn vị này cũng hướng tới truy cứu trách nhiệm theo đúng quy định.
Hiệp hội Thang máy Việt Nam làm việc với Thanh tra Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về vụ việc an toàn thang máy Khu tái định cư Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội)
Để sửa chữa, bảo trì thì phải theo quy trình về đầu tư xây dựng cơ bản, loại phải có danh mục, loại phải có kế hoạch. Sau khi có kế hoạch, danh mục xong thì phải trình dự toán, rồi lại đấu thầu, nếu không đấu thầu thì cũng phải chỉ định thầu, những đầu mục này đơn vị quản lý trực tiếp là Công ty không tự quyết được mà phải là Sở Xây dựng, rồi thì Thành phố có phê duyệt cấp chi phí hay không. Tức là muốn sửa một chiếc thang máy bị hỏng phải qua nhiều công đoạn làm quy trình và qua nhiều cấp phê duyệt.
Khi đại diện phía công ty quản lý nhà trình bày về quy trình đơn vị này trình báo cáo, đề xuất, kế hoạch bảo trì,… chúng tôi rất thông cảm về việc quy trình vốn vẫn phức tạp. Đơn cử như việc để được tham khảo ý kiến với Sở Xây dựng Hà Nội, Tạp chí Thang máy đã liên hệ làm việc nhưng đơn vị này yêu cầu gửi công văn đề nghị làm việc theo đúng quy trình, ngày 24/11 chúng tôi đã gửi công văn nhưng cho đến nay Sở vẫn chưa có phản hồi.
Theo Quyết định 452/QĐ-BTC Quyết định về việc ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính trên hệ thống thông tin chính phủ: Thời hạn xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị tối đa là 15 ngày kể từ ngày nhận được phản ánh, kiến nghị, trường hợp hết thời hạn này mà chưa xử lý xong, định kỳ cứ sau 07 ngày các đơn vị được giao chủ trì xử lý cập nhật tình hình xử lý vào Hệ thống thông tin Chính phủ để thông tin cho người dân, doanh nghiệp. Vậy thì, liệu quy trình có đang đúng quy trình?
Giả thiết rằng chỉ trong trường hợp cá biệt với Tạp chí Thang máy mới xảy ra tình huống này, vậy sự việc thang máy tại nhà G Khu tái định cư Đền Lừ đã hỏng chiếc đầu tiên từ 2019, chiếc thứ hai vào 2020, liệu quy trình có phải đang có vấn đề với quy trình hay không? Ngay cả khi đó là một thiết bị cấp thiết trong nhu cầu sử dụng hàng ngày của người dân, ngay cả khi những chiếc thang máy tại Khu tái định cư Đền Lừ đa số đều đang không đảm bảo và sự an toàn của người dân đều đang treo trên một sợi dây quá mong manh!
Đối với các khu tái định cư thì người dân không thể làm gì khác ngoài chờ đợi, nhưng những chung cư xây để bán lại cũng có đầy rẫy nguy cơ với chiếc thang máy. Theo Luật Nhà ở 2014, thang máy là phần sở hữu chung của nhà chung cư, sử dụng nguồn kinh phí bảo trì phần sở hữu chung. Theo Điều 36 Nghị định 99/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở có yêu cầu: “Người mua, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải đóng 2% kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại Điều 108 của Luật Nhà ở; khoản kinh phí này được tính trước thuế để nộp.” Theo những quy định này, cơ bản việc bảo trì, thay thế thiết bị tại nhà chung cư chủ động theo nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề tồn đọng khiến an toàn thang máy chung cư vẫn chưa được đảm bảm.
Tốc độ gia tăng “chóng mặt” của nhà cao tầng, chung cư tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung tạo nên áp lực đảm bảo an toàn vận hành thang máy
Đã có trường hợp sau khi bán hết các căn hộ trong một tòa chung cư, phần chi phí bảo trì 2% chưa kịp bàn giao thì chủ đầu tư đã giải thể, “bốc hơi” khỏi tầm quản lý. Mỗi căn hộ đều đã cấp sổ đỏ, tài sản riêng thì thuộc riêng, tài sản chung thì “cha chung không ai khóc”. Đến khi sai phạm về bảo trì xảy ra thì không có bất kì đơn vị nào chịu trách nhiệm.
Khoản 1 Điều 105 Luật Nhà ở 2014 quy định việc quản lý vận hành nhà chung cư nêu: Đối với nhà chung cư có thang máy thì Hội nghị nhà chung cư họp quyết định tự quản lý vận hành hoặc thuê đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện. Trong trường hợp thuê đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành thì đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư cũng cần phải đủ điều kiện về chức năng và năng lực theo quy định tại khoản 2, nhưng trong các quy định này lại cũng chưa có những yêu cầu cụ thể về thang máy dù theo Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH Ban hành danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, thang máy được xếp vào nhóm các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Như vậy, chính việc được “tự quyết định” này khiến cho nhân lực vận hành thang máy chung cư chưa có một khung năng lực đảm bảo, thường chỉ thông qua một khóa huấn luyện ban đầu về vận hành còn các kĩ năng, năng lực liên quan đến cứu hộ, kiến thức bảo trì, kiểm định,… lại chưa có bất kì một quy định cụ thể nào liên quan đến thang máy. Vậy phải chăng cũng vẫn còn những bất cập cần bổ sung thêm trong hành lang pháp lý chặt chẽ hơn đối với thang máy chung cư về chủ đầu tư, về năng lực bộ phận vận hành thang máy và cả các vấn đề liên quan đến quy trình bảo trì thang máy tái định cư.
Đã đến lúc các đơn vị đều cần nhìn thẳng vào vấn đề, nhìn thẳng vào hiện thực là nỗi khổ sở của người dân mỗi ngày và những nguy hiểm đang rình rập có thể xảy ra bất cứ lúc nào!
Kỳ kiểm định thang máy tại Khu tái định cư Đền Lừ diễn ra vào ngày 31/3/2021, cho đến nay đã là hơn 8 tháng, thế nhưng 20 chiếc thang máy không đạt kiểm định vẫn đang vận hành. Sự cố có thể chưa xảy ra trong 8 tháng qua, cũng có thể chưa xảy ra trong hôm nay, nhưng liệu rằng ngày mai, một tháng tới, 8 tháng tới cũng sẽ đảm bảo rằng không xảy ra? Và nếu xảy ra, ai cũng sẽ nhận định rằng mình không vô trách nhiệm, hậu quả có lẽ chỉ có người dân – những người đang ngày ngày lo sợ trên mỗi chuyến đi mà không có lựa chọn nào khác.
Theo Mục 3 Điều 6 của Quy định kèm theo Quyết định 18/QĐ-UBND ngày 23/8/2018 của UBNDTP Hà Nội về trình tự, thủ tục bảo trì đối với những thiết bị hư hỏng đột xuất thì Sở Xây dựng có thể duyệt ứng vốn và xử lý kịp thời để đảm bảo nhu cầu của người dân, đặc biệt là với thang máy trong trường hợp hỏng đột xuất. Tuy nhiên, quy định này cũng chưa thực sự thể hiện được sự hiệu quả trong thực tiễn.
“Dù có quy định về 6 hạng mục khẩn cấp nhưng thực tế lại chưa có văn bản chính thức nào cho phép rút ngắn thủ tục. Mà theo quy định về thủ tục thì có những quy trình phải từ danh mục, từ kế hoạch, từ dự toán, xong rồi kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trong luật đấu thầu hay các quy định khác đều không cụ thể việc rút ngắn thủ tục. Dù ông có sửa chữa ngay đi chăng nữa thì ông vẫn phải đảm bảo các quy trình thủ tục quy định của pháp luật.” – Đại diện Công ty chia sẻ.
Vậy thì liệu rằng, Thành phố Hà Nội có nên có một quy trình khác phù hợp hơn cho những tình huống cấp thiết này? Hay những quyết định mang tính cập nhật như trên chỉ mãi “mang tính cập nhật” trên lý thuyết, liệu rằng quy trình đề xuất với Sở Xây dựng và tiếp đó là UBND Thành phố, tiếp đó là Sở Tài chính, hay bất kì một cơ quan chức năng nào khác có liên quan đều nên cải cách về mặt thủ tục hướng đến giải quyết triệt để vấn đề của người dân?
Gặp gỡ và làm việc cùng người dân, phóng viên của Tạp chí Thang máy cũng không tránh khỏi cảm giác “thấp thỏm” cùng mỗi chuyến đi lên xuống của người dân. Và sẽ không chỉ có hơn 500 dân cư tại nhà G Khu tái định cư Đền Lừ mỗi ngày lo sợ trên lối đi về, không chỉ có 20 chiếc thang máy không đạt kiểm định tại đây vẫn đang vận hành mỗi ngày, mà sẽ còn bao nhiêu những lối về thấp thỏm như thế ở những nơi khác nữa?
Nhận thức được sự nguy cấp của vấn đề, Tạp chí Thang máy cùng Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã có những đề xuất phối hợp làm việc cùng các cơ quan chức năng để hướng đến giải quyết triệt để vấn đề.
Với tinh thần thiện chí cùng phối hợp làm việc, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã làm việc cùng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để cung cấp các thông tin, tài liệu thực tế, từ đó phía Cục An toàn lao động sẽ tham mưu các cấp lãnh đạo các hoạt động kiểm tra, thanh tra cần thiết, cùng đó là làm việc cùng các đơn vị liên quan đến sự việc tại Khu tái định cư Đền Lừ để giải quyết triệt để cho người dân.
Ông Nguyễn Huy Tiến, Tổng thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam chia sẻ tại buổi làm việc với Thanh tra Cục An toàn lao động
Ngoài ra, hướng đến mục tiêu giải quyết vấn đề lâu dài vấn đề an toàn thang máy chung cư, Hiệp hội Thang máy cũng mong muốn tiến tới tổ chức hội thảo đề xuất chính sách; định hướng, tham mưu, xây dựng giải pháp lâu dài để đảm bảo an toàn thang máy trong các khu chung cư. Ông Nguyễn Huy Tiến, Tổng thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam chia sẻ: “Dù biết rằng vấn đề an toàn thang máy chung cư không còn mới mẻ, đã có rất nhiều báo chí đưa tin nhưng chưa có giải pháp triệt để. Với tâm huyết với ngành thang máy, chúng tôi mong mỏi ai ai cũng đều được sử dụng chiếc thang máy đảm bảo sự tiện lợi, đảm bảo sự an toàn, bởi chúng tôi có niềm tin rằng gieo những tâm lành ắt sẽ gặt được quả ngọt, không chỉ cho ngành thang máy mà còn cho toàn xã hội.” Theo đó, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã thành lập Viện kĩ thuật ứng dụng Thang máy, hướng đến xây dựng mô hình nghiên cứu, đào tạo, tập huấn về năng lực chuyên môn lĩnh vực thang máy cho các đối tượng liên quan như nhân lực bảo trì, vận hành, quản lý,… thang máy.
Theo dõi toàn bộ chuyên đề tại:
An toàn thang máy chung cư: Người dân không còn đơn độc!
Quốc Hùng - Hiền Minh
Thông tin mới cập nhật