TCTM – Tập huấn kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đã được tổ chức thực hiện rộng rãi trong các nhà trường, công xưởng và dân cư như một yêu cầu bắt buộc. Liệu chăng việc tập huấn kỹ năng sử dụng thang máy cũng cần khuyến khích và dần hướng tới bắt buộc, đặc biệt là tại nhà trường?
Đô thị hóa, hiện đại hóa ngày càng phát triển, những tòa nhà cao tầng mọc lên khắp các thành thị và cả nông thôn, có không ít trong số đó là các trường học. Những tòa nhà 5-7 tầng cho đến vài chục tầng trong khuôn viên các trường phổ thông, trường đại học cùng dần trở nên phổ biến cùng với sự xuất hiện của thang máy.
Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến sử dụng thang máy tại trường học, cơ sở đào tạo lại không hề hiếm, cả ở Việt Nam và trên thế giới.
Tối 25/5, nhóm 4 em học sinh bị kẹt thang máy trong lúc sử dụng thang máy di chuyển từ tầng 4 xuống tại một cơ sở đào tạo. Khi người dân phát hiện tiếng kêu cứu hoảng loạn của các học sinh này đã ngay lập tức báo tin đến Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa. Tiếp cận hiện trường, lực lượng Cảnh sát PCCC đã giải cứu các nạn nhân ra ngoài an toàn, sức khỏe ổn định.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh Thanh Hóa giải cứu nhóm 4 học sinh kẹt thang máy
Trở lại năm 2015, tại trường Đại học Hàng Hải (Hải Phòng), trong lúc chờ thang máy tại tầng 5 thì sinh viên Đ.Y.T đã ngã vào cửa thang máy. Cửa bung ra, nam thanh niên xấu số rơi xuống giếng thang và tử vong.
Ngày 19/9/2014, một nam sinh trường Đại học Kiến trúc Huaqiao (Trung Quốc) đã bị nghiền nát cho đến chết do thang máy của trường gặp sự cố đột xuất. Khi bước vào thang máy cùng một người nữa, chàng trai trẻ xấu số đã bị cánh cửa của thang máy đột ngột đổ sập vào người, nó xảy ra quá nhanh đến mức cậu thanh niên không kịp phản ứng, và đã bị mắc kẹt giữa thang máy. Một vài giây sau thang máy giật lên nhưng rồi lại sập xuống với một lực mạnh hơn rất nhiều khiến nam sinh này đã bị nghiền nát đến chết.
Năm 2011, nhóm 3 nữ sinh tại New York đã gặp tai nạn khi bước vào thang máy tại tầng 1 nhưng không có cabin mà chỉ có trục thang máy, nhưng khi phát hiện ra thì cửa thang đã đóng lại. Ngay sau đó, chiếc cabin thang máy nặng 500 pound (hơn 200kg) từ tầng 3 lao xuống và ép họ vào phòng trục không đến 1 foot (~0,3m). Rất may là một trong số họ đã có thể dùng điện thoại di động để gọi trợ giúp, nhưng ám ảnh với những học sinh này là mãi mãi, họ đã chọn dùng thang bộ thay vì thang máy sau tai nạn.
Và còn vô số những sự cố khác.
Truyền thông, hướng dẫn về văn hóa sử dụng thang máy tại các trường học đã được thực hiện trong nhiều năm gần đây khi số lượng các trường học có thang máy ngày càng nhiều.
Chiến dịch Văn minh thang máy tại trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) từ năm 2014 đã tạo hiệu ứng tốt về văn hóa sử dụng thang máy của sinh viên. Tại trường này, hệ thống 2 thang máy được lắp đặt tại tòa nhà hành chính cao 11 tầng, nơi có nhiều sinh viên và cán bộ nhân viên nhà trường sử dụng.
Văn hóa sử dụng thang máy tại trường Đại học Văn Lang (TP. HCM) cho thấy sự văn minh, trật tự
Văn hóa sử dụng thang máy là thiết yếu, tránh chen lấn xô đẩy cũng góp phần hạn chế tình trạng tắc nghẽn thang máy hay một số sự cố thang máy khác.
Tuy nhiên, có văn hóa sử dụng thang máy không phải bước đầu tiên, khởi đầu phải là kỹ năng sử dụng an toàn.
Tạo ra môi trường học tập tốt đẹp và tiện nghi cho học sinh, sinh viên là điều tốt đẹp, nhưng song hành với nó là cần đảm bảo an toàn cho các em. Từ các trường mầm non cho đến cấp 3, không ít trường đã lắp đặt thang máy chở người hoặc thang tải thực phẩm (cho các trường ăn nội trú, bán trú), đặc biệt là tại các thành phố lớn. Với các trường đại học, điều này còn phổ biến hơn.
Không chỉ sử dụng thang máy tại nhà trường, các môi trường công cộng, tư nhân đều đang ngày càng có nhiều thang máy, số lượng lượt tham gia sử dụng thang máy của các em chắc chắn không hề nhỏ.
Đối với các trường phổ thông, học sinh còn nhỏ tuổi và kém hiểu biết. Đại học lại là môi trường quy tụ sinh viên đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, có những em chưa từng tiếp xúc với thang máy. Vậy làm sao để các em đều biết cách sử dụng thang máy và được an toàn?
Muốn làm gì đều phải học, việc tổ chức tập huấn về kỹ năng sử dụng thang máy an toàn là điều thiết yếu. Không chỉ hướng dẫn cách thức sử dụng, tuyên truyền về văn hóa sử dụng thang máy hay khuyến nghị những hành động có thể gây hỏng hóc thang máy, nguy hiểm cho bản thân, các hướng dẫn xử lý tình huống trong trường hợp nguy cấp xảy ra sự cố cũng vô cùng quan trọng.
Liệu chăng chúng ta cũng cần thiết kế chương trình tập huấn kỹ năng sử dụng thang máy an toàn cho học sinh, sinh viên tương tự như những chương trình tập huấn PCCC&CNCH, như những chương trình tập huấn sơ cứu vết thương,…
Không chỉ đảm bảo an toàn cho các em, đó cũng là cách thức truyền thông xã hội tối ưu về kỹ năng sử dụng thang máy an toàn. Các em chính là hạt nhân đông đảo trong xã hội, tuyên truyền với phụ huynh, bè bạn, người thân và xây dựng hiểu biết an toàn lao động cho thế hệ tương lai./.
Tham khảo thêm các mô tả rủi ro và biện pháp phòng ngừa liên quan đến thang máy tại:
Vũ Dương
Thông tin mới cập nhật