TCTM – Nhiều doanh nghiệp cung cấp nội dung số khi có va chạm bản quyền với các doanh nghiệp nước ngoài thì lúng túng, không có giải pháp toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế, bị thiệt hại nặng về tài chính và uy tín, ảnh hưởng thương hiệu. Câu hỏi được đặt ra là, khi doanh nghiệp gặp khó trên môi trường số thì vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội nghề nghiệp ở đâu?
Mới đây, câu chuyện về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ lại nóng lên xung quanh câu chuyện kiện tụng giữa Sconnect (Việt Nam) và EO (Anh). Đây là vụ tranh chấp bản quyền điển hình, phức tạp và cho tới nay vẫn chưa được giải quyết triệt để với thiệt hại rất lớn thuộc về doanh nghiệp Việt Nam.
Đó là tranh chấp bản quyền series phim hoạt hình về chú sói Wolfoo của Công ty TNHH đầu tư công nghệ và dịch vụ Sconnect Việt Nam (Sconnect ) và series phim hoạt hình nói về chú heo Peppa Pig (tên Việt hóa “Heo Peppa”), của Entertainment One UK Limited (gọi tắt là EO – có trụ sở tại London, Anh).
Series phim hoạt hình về chú sói Wolfoo 5 tuổi được biết đến là một sản phẩm của Sconnect, ra mắt từ tháng 6/2018, được chiếu trên YouTube và nhiều nền tảng mạng xã hội, truyền hình, trực tuyến. Là sản phẩm có tính giải trí và giáo dục dành cho khán giả nhí từ 2 tới 8 tuổi, đến nay đã có 2.700 tập phim Wolfoo được dịch sang hơn 17 thứ tiếng, phát trên nhiều nền tảng như mạng xã hội YouTube, Facebook, TikTok, Netflix, kênh truyền hình, nền tảng online của nhiều quốc gia từ năm 2018 tới nay.
Còn Peppa Pig (tên Việt hóa “Heo Peppa”) là nhân vật trong series bộ phim hoạt hình dành cho lứa tuổi mầm non, được phát sóng lần đầu vào năm 2004 tại Anh. Phim đã nhận được nhiều phản hồi tích cực và được sản xuất 6 mùa tính đến năm 2019.
Tạo hình gia đình nhân vật Peppa Pig (trên) và Wolfoo (dưới)
Từ đầu năm 2022 đến nay, Sconnect và EO liên tục kiện nhau tại Anh, Nga và Việt Nam…về vấn đề vi phạm bản quyền. Mặc dù chưa có bất kỳ phán quyết nào kết luận Sconnect vi phạm bản quyền nhưng YouTube đã gỡ toàn bộ các video do Sconnect xuất bản trên nền tảng của mình.
Điều này đã gây thiệt hại vô cùng lớn cho doanh nghiệp Việt.
Vụ việc nêu trên chỉ là một ví dụ cho thấy, trong quá trình phát triển, các doanh nghiệp tham gia trong nền kinh tế số đang gặp phải những thách thức lớn.
Những vấn đề này được chia sẻ cụ thể trong Tọa đàm “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số” do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ Thông tin Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức vừa mới diễn ra 28/9/2022.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), dường như các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng về mặt pháp lý khi tham gia môi trường toàn cầu. Đây là tranh chấp giữa doanh nghiệp – doanh nghiệp và sẽ đi theo tranh chấp dân sự. Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước không thể tham gia hỗ trợ giải quyết các tranh chấp này. Ông Đồng khuyến nghị doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật đặc biệt là trên môi trường quốc tế, tập trung xây dựng bằng chứng mình là chủ hợp pháp của các sản phẩm nội dung đó.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS)
Luật sư Hà Liên, văn phòng Luật sư Phan Law cho rằng, muốn vươn ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp trước hết phải ý thức tự bảo vệ mình. Vấn đề quan trọng nhất của các doanh nghiệp khi tham gia sân chơi chung là phải xác lập quyền của mình theo quy định của luật. Nếu vươn ra thị trường quốc tế, dự định kinh doanh tại quốc gia nào, đã phải đăng ký xác lập chính nhãn hiệu của mình tại quốc gia đó. Với bản quyền tác giả, Việt Nam là thành viên của công ước Berne, khi được bảo hộ tự động tại Việt Nam sẽ được bảo hộ tự động tại 180 quốc gia khác trên thế giới, tức là không phải đăng ký. Doanh nghiệp phải phân tách để xác định mình có tài sản sở hữu trí tuệ nào và tìm các biện pháp bảo vệ nó. “Tự bảo vệ là quan trọng nhất, tránh việc mất bò mới lo làm chuồng trong cơ chế số hiện đại hóa như hiện nay, diễn biến các tranh chấp dẫn đến thiệt hại rất nhanh chóng và khó lường”, luật sư nói.
Luật sư Hà Liên, Văn phòng Luật sư Phan Law
Nhiều ý kiến cho rằng, hội nhập kinh tế trong đó có kinh tế số mở ra nhiều cơ hội và mang lại nhiều lợi ích rất lớn cho các doanh nghiệp Việt nhưng nó cũng đi kèm thách thức không nhỏ. Trong đó, hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ của Việt Nam đang thiếu các chế tài đủ mạnh, công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp Việt. Trong bối cảnh đó, rất cần có vai trò “bệ đỡ’ của các cơ quan nhà nước, các hiệp hội nghề nghiệp,… cùng tháo gỡ các vướng mắc.
Sự phức tạp của tranh chấp bản quyền quy mô quốc tế, hay sự khó khăn của doanh nghiệp Việt khi có các tranh chấp được nêu trong bài viết này cũng tương tự như các vấn đề của ngành thang máy. Đó là tình trạng vi phạm kiểu dáng công nghiệp, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp phân phối lắp đặt, nhà sản xuất…Chúng tôi cũng quan tâm tới sự vào cuộc của các cơ quan quản lý và vai trò của các hiệp hội, hội nghề nghiệp hỗ trợ các hội viên của mình để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc.
Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) là tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hiệp hội, hội viên, cũng giúp đỡ, hỗ trợ nhau hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Thị trường thang máy trong xu hướng mở cửa, hội nhập cũng có những tranh chấp, vi phạm liên quan tới bản quyền thương hiệu, vi phạm kiểu dáng công nghiệp hay làm giả, làm nhái hàng thương hiệu, xâm hại quyền lợi người dùng và của các nhà sản xuất trong và ngoài nước. Và VNEA khi nhận được phản ánh của người dùng, doanh nghiệp bị xâm phạm quyền lợi đã vào cuộc rất sớm, quyết liệt và hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp, người dùng tới cùng của sự việc.
Điển hình, tháng 1/2022, VNEA và Tạp chí Thang máy nhận được phản ánh từ khách hàng và doanh nghiệp, thông tin về việc một loại máy kéo bị làm giả nhãn hiệu. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân và doanh nghiệp, VNEA đã chỉ đạo Tạp chí Thang máy tìm hiểu về vụ việc. Cùng với đó, Hiệp hội đã tiến hành làm việc trực tiếp với nhà sản xuất nước ngoài, tiến hành xác minh, làm rõ để thông tin kịp thời tới bạn đọc, người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Với sự vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm, hiệu quả của VNEA và Tạp chí Thang máy, cung cấp các dấu hiệu nhận biết sản phẩm chính hãng từ nhà sản xuất, khách hàng đã nhận được chiếc máy kéo chính hãng, nhà cung cấp sản phẩm tại Việt Nam được “minh oan”, nhà sản xuất nước ngoài bảo vệ được thương hiệu của mình.
Sau khi nhận được đề nghị từ phía Hiệp hội, Nhà sản xuất Ziehl-Abegg CHLB Đức đã cung cấp thông tin, dấu hiệu nhận biết máy kéo Ziehl-Abegg chính hãng.
Đó là một vụ làm giả thương hiệu máy kéo nước ngoài được phản ánh tới Hiệp hội và được giả quyết triệt để, hiệu quả. Nhưng còn có những vụ vi phạm khác mà cho tới nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vào năm 2017, một doanh nghiệp tại Bình Dương ký hợp đồng lắp 4 thang máy nhãn hiệu Mitsubishi với tổng giá trị 2,6 tỉ đồng. Khi nghiệm thu, doanh nghiệp nghi ngờ những chiếc thang được lắp không phải Mitsubishi chính hãng nên liên tục yêu cầu bên bán bổ sung làm rõ hóa đơn chứng từ. Tuy nhiên, phía bán không thực hiện yêu cầu này, thậm chí sau đó “mất liên lạc”. Thông tin sau đó từ đại diện của Mitsubishi châu Á đã khẳng định đây là hàng giả. Thiệt hại là rất rõ ràng với số tiền lớn nhưng đến nay sự việc vẫn chưa có hồi kết.
Hay còn nhiều vụ việc khác tương tự. Nói như vậy để thấy, cũng còn không ít đơn vị bán hàng đặt lợi nhuận lên trên hết, thậm chí làm ăn gian dối, sản xuất, cung cấp hàng kém chất lượng, làm hàng giả, hàng nhái, hạ giá tối thiểu để cạnh tranh bằng mọi cách… không những làm thiệt hại cho người dùng mà còn làm xấu đi hình ảnh, tạo định kiến xấu về các doanh nghiệp Việt trong con mắt cộng đồng quốc tế.
Như vụ việc tranh chấp bản quyền nhân vật phim hoạt hình nêu trên, khi chưa có kết luận của các tòa án quốc tế thì Youtube đã nghiễm nhiên gỡ bỏ toàn bộ các video do Sconnect xuất bản trên nền tảng của mình, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp Việt Nam chỉ vì họ có thể định kiến Sconnect nhái nhân vật của EO. Tại sao trong các va chạm thương mại, bản quyền quốc tế, doanh nghiệp Việt nam lại bị “xử ép” như vậy? Luật pháp, các cam kết quốc tế là tối thượng nhưng các doanh nghiệp đã làm gì để có thể nhận được sự tin cậy của cộng đồng, sự tín nhiệm của đối tác quốc tế, xóa bỏ được định kiến xấu?
Để bảo vệ chính mình và xây dựng được sự phát triển bền vững, lâu dài, xóa bỏ được định kiến xấu trong quá trình hội nhập quốc tế, doanh nghiệp việt phải khẳng định được vị thế thương hiệu bằng sự làm ăn chính trực, minh bạch, nâng cao đạo đức kinh doanh, cạnh tranh lành mạng để cùng nhau phát triển.
Đồng hành cùng người tiêu dùng và doanh nghiệp, Hiệp hội Thang máy Việt Nam và Tạp chí Thang máy sẵn sàng tiếp nhận và xác minh mọi sự phản ánh, thông tin, làm cầu nối giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, các nhà sản xuất trong nước và quốc tế để có thể giúp người dân phân biệt hàng chính hãng, hàng giả, hàng nhái, góp phần giúp doanh nghiệp bảo vệ được thương hiệu hàng hóa, uy tín của mình.
Mọi thông tin cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ Đường dây nóng Hiệp hội thang máy Việt Nam và Tạp chí Thang máy – Số điện thoại: 02473099868; Email: contact@vnea.com.vn hoặc contact@tapchithangmay.vn
Lê Hùng
Thông tin mới cập nhật