TCTM – YouTube đã đưa nhóm những người có cùng đam mê về thang máy lại với nhau và kết quả là tạo nên những điều kỳ diệu.
Andrew Reams là một Youtuber nổi tiếng. Kênh của anh ấy có hơn 82 triệu lượt xem, 41 video của anh ấy có hơn hai trăm năm mươi nghìn lượt xem mỗi video. Đối với thế giới của trẻ em và thanh niên mắc chứng tự kỷ, anh ấy là một siêu sao. Bí quyết thành công của anh ấy? Đó chính là thang máy.
Reams, một người đàn ông 37 tuổi có khuôn mặt thân thiện làm việc cho Đường sắt phía Nam Norfolk. Tuy nhiên, đam mê thực sự của anh ấy là đi du lịch khắp đất nước và quay video về thang máy. Một trong những clip của Reams là tự quay cảnh mình đi lên và xuống một thang máy bằng kính ở Virginia trong khi kể chuyện. Đoạn video dài 5 phút rưỡi đã thu hút hơn 600.000 lượt xem. Các clip của Reams đã khiến anh trở nên nổi tiếng và có thêm rất nhiều người bạn mới.
Trong phòng ngủ tại nhà riêng ở Roanoke, Virginia, Reams duy trì một bảo tàng thang máy nhỏ, chật kín với những bảng điều khiển, đèn chiếu sáng, bản ghi âm, ổ khóa và chìa khóa. Bảo tàng nhỏ này được khách tham quan thường xuyên lui tới.
James Brock, 23 tuổi, đã lái xe mười giờ đồng hồ từ Mississippi đến thăm bảo tàng của Reams. Không chỉ là một chuyến thăm vì sự tò mò mà bởi vì Reams đã gián tiếp giúp Brock thay đổi cuộc sống tốt hơn.
“Tôi đã khá lạc lõng,” anh nói. “Tôi không biết mình sẽ như thế nào nếu không có Andrew.”
Đối với Brock, giống như nhiều người khác, các bài đăng trên YouTube của Reams về thang máy đã kết nối anh ấy với một cộng đồng rộng lớn, những người cũng cảm thấy bị cô lập tương tự. “Tôi đã nghĩ tôi là người duy nhất” Brock chia sẻ. “Không có Andrew và không có những người khác có cùng sở thích này, có vẻ như ít nhiều… tôi sẽ có một cuộc sống nhàm chán hơn.”
“Ý tôi là, tôi nghĩ tôi là người duy nhất thích đi thang máy, thành thật mà nói.”
Đỉnh cao
Reams đăng video của mình online dưới tên tài khoản là DieselDucy và với hơn 27.000 người đăng ký. Kênh này chủ yếu có các video: Clip về Reams và những người bạn đi trong thang máy; Họ đi thang máy trong khách sạn; Sử dụng thang máy trong bệnh viện; Họ đi thang máy trong các khối văn phòng và tòa nhà công cộng; Họ quay phim chuyến đi của họ trong thang máy; Họ quay phim nhau quay cảnh họ đi trong thang máy; Thậm chí là cảnh quay nhóm của họ bị cảnh sát gọi đến thẩm vấn vì những hành vi quay phim kỳ quặc trong thang máy.
Tài khoản YouTube DieselDucy thu hút đông đảo thành viên.
Reams chia sẻ: “Tôi yêu thích thang máy kể từ khi còn là một đứa trẻ. Chuyến đi thang máy đầu tiên của tôi diễn ra tại một trung tâm mua sắm ở Des Peres Missouri.” Mười năm và 82 triệu lượt xem, kênh YouTube của Reams là trung tâm của một vũ trụ nhỏ bé, gắn kết chặt chẽ của những thanh thiếu niên yêu thích thang máy.
Reams chia sẻ về chứng Asperger của mình và vì sao anh ta yêu thích thang máy
Thang máy và Tự kỷ
Reams nói: “80 – 90% những người thực hiện những video thang máy này đều mắc chứng tự kỷ và bản thân tôi cũng vậy.”
Thang máy có một loạt các thuộc tính khiến chúng trở nên hấp dẫn với những người mắc chứng Rối loạn phổ Tự kỷ (ASD – Autism Spectrum Disorder).
Tiến sĩ Amanda Bennett, người làm việc với trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia chia sẻ “Đối với những người mắc ASD, triệu chứng cốt lõi là sự khác biệt trong cách họ xử lý cảm giác.”
Cho đến năm 2013, các bác sĩ đã tập trung vào khía cạnh tránh cảm giác của ASD, nhưng một sự thay đổi gần đây trong chẩn đoán có nghĩa là các bác sĩ đã bắt đầu quan tâm hơn. Bennett nói: “Biểu hiện tìm kiếm cảm giác của ASD có nghĩa là tìm kiếm những âm thanh, giác quan hoặc cảm giác nhất định. Trong thang máy, ánh sáng ở đó khác hơn bình thường, có tiếng click do nút bấm tạo ra và âm thanh của thang máy di chuyển lên xuống.” Cô ấy nói tất cả những điều đó có thể góp phần làm cho thang máy trở nên hấp dẫn đối với nhóm người này.
Reams chia sẻ: “Tôi hứng thú với sự kích thích. Đó là một trải nghiệm đa giác quan, cách nhấn nút, tiếng ồn phát ra, ánh sáng, cảm giác chuyển động, các cơ chế liên quan. Đó là lý do tại sao những đứa trẻ này bị thu hút bởi những chiếc thang máy.”
Một phần lớn người hâm mộ của Reams là những cậu bé ở độ tuổi thanh thiếu niên, cũng bị cuốn hút vào thang máy do mắc chứng tự kỷ. Reams nói: “Việc cảm thấy có thể kiểm soát một thứ gì đó khiến thang máy là một điều rất hấp dẫn đối với họ”.
Reams nhận được một loạt các cuộc gọi và email liên tục từ cha mẹ của những đứa trẻ bị ám ảnh bởi thang máy. Đối với những người này, anh ấy vừa là người nổi tiếng và là một hình tượng để học hỏi.
Hòa nhập thế giới
Có những sở thích ám ảnh là một đặc điểm chung của những người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, với những chủ đề chung của họ bao gồm xe lửa, xe buýt và các đồ vật máy móc khác.
Thường xuyên đi thang máy, họ có cơ hội để gặp gỡ những người thợ sửa thang máy. Đối với những người người này, họ có thể đặt những câu hỏi vô cùng hóc búa liên quan tới kỹ thuật. Họ sẽ cố gắng chạm tay vào các bộ phận của thang máy như chìa khóa mở khóa bảng điều khiển cabin thang máy và các thiết bị khác.
Và mặc dù cứu những đứa trẻ này khỏi bị ám ảnh là mối quan tâm hàng đầu, nhưng nỗi ám ảnh này cũng có thể là một điểm mạnh.
Nuôi dưỡng những sở thích ám ảnh của thanh thiếu niên mắc chứng tự kỷ có thể giúp họ chuyển sang giai đoạn trưởng thành hiệu quả.
Tiến sĩ Bennett đồng ý rằng ngay cả khi những sở thích kỳ lạ có thể gây khó khăn trong những mối quan hệ với bạn bè đồng trang lứa. Cô nói: “Nếu trẻ rất quan tâm đến thang máy và tất cả những gì trẻ muốn nói đến là thang máy, trong khi những đứa trẻ khác lại muốn nói về chủ đề khác thì điều này có thể là một trở ngại lớn đối với trẻ để hòa nhập. Nhưng khi trưởng thành, chính những đứa trẻ này là những người có thể thiết kế những thang máy hiện đại nhất.”
Hà My
Theo Vocativ
Thông tin mới cập nhật