TCTM – Khao khát chinh phục những đỉnh cao, khắc phục khó khăn đã trở thành căn tính của con người, giúp thế giới phát triển. Bước vào năm mới với nhiều điều còn trăn trở, mỗi chúng ta đều kỳ vọng sẽ có đủ sức mạnh để vượt qua thách thức và gian nan.
Năm 2000, khi tôi mới chập chững ra Hà Nội, lúc đó Thủ đô chỉ có vài tòa nhà cao khoảng 20 tầng. Tất nhiên, những tòa cao ốc ấy thường là những khách sạn 4 hoặc 5 sao.
Tôi đặt câu hỏi: “Nhà cao thế kia, người ta di chuyển lên các tầng kiểu gì cho đỡ mỏi chân?” Sự tò mò đã khiến tôi phải tìm đến một khách sạn, khi đó có tên Sofitel Plaza ở dốc đường Thanh Niên, để được biết cách đi lên các tầng ra sao. Đó là nhờ thang máy!
Sofitel Plaza Hà Nội đã đổi thành Pan Pacific, từng là một trong những vị trí view cao và đẹp nhất ở
Hà Nội những năm đầu thế XXI.
Đứng từ tầng thượng, nhìn xung quanh thành phố ban đêm thấy thật lung linh và có thể nhìn rõ hồ Trúc Bạch, hồ Tây mênh mông đến nhường nào. Tôi cảm nhận những cơn gió mát lành của thành phố vì hòa bình đang làm tâm hồn mình thảnh thơi và rộng mở.
Nếu không đến đây, không đi thang máy, làm sao tôi có thể được đứng ngắm khung cảnh thú vị ở một trong những vị trí cao nhất của Thủ đô khi đó. Tôi cũng sẽ chẳng hình dung được cuộc sống có nhiều điều thú vị nếu không được phóng tầm mắt và phá bỏ những giới hạn tầm suy nghĩ của mình khi đứng ở vị trí này. Càng không thể học được triết lý rằng: con người cần phải lên những điểm cao, đỉnh cao, để thoát khỏi tư duy “ếch nhìn đáy giếng”, để được thấy bốn phương, tám hướng.
Càng lên cao càng thấy chân trời rộng mở vượt xa tầm hiểu biết của con người, tôi thấy mình cần có trách nhiệm hơn với cuộc sống mến yêu vẫn đang diễn ra ngoài kia.
Trong quá trình học tập, rèn luyện và có kinh nghiệm, trong thâm tâm tôi từng tự hỏi rằng con người có thể xây nhà cao đến đâu? Và phải chăng, khi nhà cao tầng càng phát triển thì thang máy cũng sẽ “cao lên” cùng các tòa nhà.
Trên thế giới, sự phát triển cao ốc trong đô thị nén cũng trở nên mạnh mẽ. Nhiều người ao ước chiêm ngưỡng và được lên thử tòa nhà cao nhất thế giới – Burj Khalifa (cao 810 m với 163 tầng) ở Dubai.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Landmark 81 là tòa nhà cao nhất, có chiều cao hơn 461 m, lấy cảm hứng thuần Việt từ lũy tre Việt Nam, tượng trưng cho tinh thần đoàn kết, sức mạnh phi thường và khả năng vượt lên mọi khó khăn của mỗi con người Việt Nam.
Landmark 81 đã trở thành biểu tượng tại thành phố mang tên Bác
Hay ngoài Hà Nội, Keangnam là tòa nhà cao nhất với 72 tầng. Từ khi đi vào hoạt động, giới trẻ đã chọn nơi đây là một trong những điểm check in và nhìn ngắm Hà Nội từ trên cao hấp dẫn.
Người ta lên tòa tháp cao nhất, ngoài để trải nghiệm, thử cảm giác là một phần, phần lớn là để được đứng ở những tòa nhà cao chọc trời, nhìn ngắm Hà Nội rộng mở sẽ ra sao. Hẳn là, khi đó, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm hay nhiều con đường đẹp của thành phố cũng được “kéo gần lại”. Nhiều tòa nhà cỡ vài chục tầng ở phía xa chỉ còn như hộp diêm. Nếu không có các kỹ sư, nhà thiết kế và hàng nghìn con người đóng góp công sức, làm sao có tòa nhà cao chạm mây trời, thể hiện sự phồn thịnh và phát triển của thành phố, của đất nước như thế?
Rõ ràng, việc chinh phục khó khăn, thử thách và những đỉnh cao mới luôn là khát vọng của tất cả mọi người, kể cả người dân bình thường lẫn các kỹ sư, kiến trúc sư và những người quản trị đô thị.
Năm qua, có thể thấy đời sống xã hội đã trải qua những bước khó khăn rất đáng ngẫm ngợi. Tình trạng thiếu việc làm, phải làm việc luân phiên diễn ra ở nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều khu công nghiệp. Không ít công nhân phải đôn đáo tìm kiếm việc làm mới do bị công ty cho nghỉ vì không có đơn hàng. Sàn giao dịch, giới thiệu việc làm ở các đô thị lớn và các tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp luôn ở mức “nóng”…
Hơn một năm trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người lao động ở những tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp phải trở về quê. Trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách giữ chân, khích lệ người lao động quay trở lại làm việc. Ai cũng nghĩ đơn hàng về tới tấp, việc ổn, lương sẽ khá. Có ai ngờ, cuối năm 2022 lại rơi vào tình trạng khó khăn đến thế.
Trong năm 2022, ai cũng nhìn thấy rõ ngành xây dựng, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hay siêu nhỏ cũng liên tục được “khai sinh” nhưng chúng ta cũng chứng kiến không ít doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, rút khỏi thị trường.
Những giải pháp đã được đưa ra và biến thành hành động, giúp cả người lao động và doanh nghiệp giảm hoang mang, tránh được những “cú sốc”. Ngoài những biện pháp hỗ trợ nhóm lao động bị tác động, còn có cả những biện pháp pháp căn cơ, có chiều sâu. Đó là sự chuẩn bị, đào tạo và tái đào tạo nghề nghiệp cho người lao động; cung cấp đầy đủ thông tin, cơ hội tuyển dụng, sự chuyển dịch lao động.
Rất nhiều chuyên gia cũng đã nói đến chất lượng nguồn nhân lực, cần phải có chính sách bứt tốc, tăng số lao động qua đào tạo. Phải khẳng định, trình độ, kỹ năng cao là “vắc xin” giúp người lao động có đề kháng trước nhiều khó khăn, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.
Con số 25-26% tổng lực lượng lao động được đào tạo hiện nay là quá thấp. Nếu được đào tạo nghề tốt hơn, khi gặp cú sốc, người lao động vẫn có thể chuyển đổi công việc. Điều này cho thấy, đào tạo không chỉ giúp người lao động nâng cao tay nghề mà còn giúp họ được chuẩn bị về kỹ năng cả cứng lẫn mềm, tăng khả năng thích ứng với những biến động của doanh nghiệp, của xã hội.
Bên cạnh đó, phải thay đổi tâm thế, chuẩn bị tư tưởng thay vì học một nghề để làm mãi mãi thì cập nhật xu hướng lẫn kiến thức để thích nghi, chuyển đổi nghề phù hợp với yêu cầu của xã hội. “Người mù chữ của thế kỷ 21 không phải là người không biết đọc, không biết viết mà là người không biết học hỏi, từ chối học hỏi và từ chối học lại.” Nó cũng phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của ngành thang máy chăng?
Nhìn lại một năm và rồi chúng ta bước qua ngưỡng cửa để đến với năm 2023 còn nhiều thách thức, cả về nội tại và khách quan. Việt Nam có thể tập trung giải quyết các vấn đề về chính sách, chuyển tải thành các hành động cụ thể, tháo gỡ khó khăn từ hành lang pháp lý hoặc tạo ra những cơ chế tạo động lực cho sự phát triển cho các doanh nghiệp. Như thế, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng vượt khó, củng cố niềm tin khát vọng Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng.
Khát vọng của con người là luôn vươn tới tầm cao để thoát khỏi tình trạng “ếch nhìn đáy giếng”
Rất nhiều người coi khó khăn, thử thách là một tài sản. Bởi đó không phải là dấu chấm hết. Đó là lúc mỗi người tìm ra cách để làm mới mình và tiếp tục chinh phục những đỉnh cao, tầng cao mới.
Cuộc sống không dừng lại và khả năng của con người cũng vượt qua những gì mà họ từng nghĩ đến. Mỗi khi chinh phục được một đỉnh cao, chúng ta sẽ lại nghĩ về những chân trời rộng mở, để thấy thế giới mênh mông vô cùng./.
Văn Học
Thông tin mới cập nhật