ADA là Đạo luật Người khuyết tật Hoa Kỳ đã được quy định trong 30 năm nay, chính vì vậy có quá ít lý do để biện hộ cho những công trình không tuân thủ các quy định.
Trùng hợp là một trong những dự án nổi tiếng nhất ở Mỹ – Hudson Yards, ở New York – là trung tâm khiếu nại ADA, lại không đáp ứng các yêu cầu trong bộ luật này. Thậm chí, công trình này còn lắp đặt hệ thống thang máy cực kì sáng tạo và phức tạp, là quán quân cuộc thi Dự án Thế giới Thang máy 2020 được tổ chức bởi Tạp chí Thang máy Thế giới, thế nhưng nó vẫn không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của ADA. Hướng giải quyết được đưa ra là lắp đặt thêm một hoặc hai thang máy kết hợp với một số biện pháp khác.
Hudson Yards – một trong những công trình nổi tiếng nhất tại Mỹ, mỗi tầng được thiết kế như một lối đi dẫn tới nhiều không gian quan sát của Vessel, đây được coi là một tác phẩm kiến trúc tương tác.
Trong thực tế, chủ sở hữu và kiến trúc sư không phải lúc nào cũng nghĩ đến các vấn đề về khả năng tiếp cận này bởi lẽ họ chủ yếu tập trung vào các đối tượng chính yếu của công trình. Một số người cho rằng thang máy là tiện ích tăng khả năng tiếp cận của người khuyết tật, một số khác lại cho rằng thang máy có thể là phương tiện giúp tòa nhà thông qua các thủ tục pháp lý kể trên. Tuy nhiên, cả hai cách nghĩ này đều chưa chính xác. Thực tế thì bất kì doanh nghiệp sản xuất, cung cấp thang máy nào cũng sẽ cho bạn biết rằng bản thân thang máy cũng cần đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu để đảm bảo người khuyết tật có thể tiếp cận theo luật định.
Một số quy định của ADA về thang máy để dễ dàng tiếp cận trong không gian công cộng cụ thể như: Các cửa phải mở hoàn toàn trong ít nhất ba giây; Các nút gọi có đường kính tối thiểu là 0,75inch; Chiều cao của nút phải được căn giữa cách sàn 42inch; Cabin phải sâu ít nhất 51inch và rộng ít nhất 68inch; Chiều rộng cửa phải ít nhất 36inch; Chữ nổi phải ở dưới hoặc bên cạnh số sàn trên bảng điều khiển; Phải sử dụng thông báo tự động bằng lời nói về việc dừng hoặc tín hiệu âm thanh không lời của các tầng đã qua và các điểm dừng; Giao tiếp hai chiều phải có sẵn trong cabin thang máy mà người khiếm thính/khiếm thị có thể sử dụng; Các điều khiển khẩn cấp phải được nhóm lại ở cuối bảng điều khiển thang máy và có đường tâm của chúng cao hơn mặt sàn hoàn thiện không ít hơn 35inch,…
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những tiêu chuẩn cơ bản, chi tiết về các thông số kĩ thuật khác cũng được đề cập cụ thể trong đạo luật ADA. Không chỉ Hoa Kỳ, hầu hết các quốc gia đều có quy định trong các đạo luật liên quan đến người khuyết tật. Dù đó là một kiến trúc mang tính nghệ thuật hay bất cứ mục tiêu nào thì vẫn cần đảm bảo quyền lợi của mọi đối tượng trong xã hội, cùng đó là đảm bảo tuân thủ luật pháp.
Hệ thống thang máy tại công trình này là dự án thang máy sáng tạo và ấn tượng, đạt quán quân trong cuộc thi “Dự án Thang máy Thế giới 2020”, dù vậy nó cũng không giúp giải quyết triệt để vấn đề về khả năng tiếp cận sử dụng cho người khuyết tật.
Tại Việt Nam, trong 16 quy chuẩn Bộ Xây dựng đã ban hành thì có quy chuẩn số 10, ban hành năm 2014 chính là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng (QCVN 10:2014/BXD). Đây là hành động của Chính phủ Việt Nam thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của người khuyết tật mà Việt Nam là nước thứ 158 trên thế giới phê chuẩn vào năm 2014.
Dù vậy, cho đến nay, khả năng tiếp cận sử dụng của người khuyết tật tại các công trình công cộng vẫn là cực kì thấp. Rạp chiếu phim chỉ có lối đi bậc thang, xe buýt chưa có giá nâng, hình ảnh lối chỉ dẫn cho người khiếm thị dẫn thẳng vào gốc cây, cột điện cũng không phải hiếm gặp. Để người khuyết tật có thể tiếp cận sử dụng được thì trước hết phải bắt đầu từ các trụ sở hành chính Nhà nước từ cấp xã, phường, trường học, siêu thị, trung tâm thương mại, mở rộng ra đến các công trình giao thông và các công trình văn hóa, giải trí.
Khi người khuyết tật không tiếp cận được các công trình công cộng, chúng ta chìa tay ra giúp đỡ họ lên một bậc cầu thang, bế họ lên xe buýt,… cũng chính là chúng ta truyền cho họ sự tự ti, mặc cảm. Tư duy thiết kế xây dựng đảm bảo khả năng tiếp cận của mọi đối tượng cần được nhận thức đồng bộ ngay từ bây giờ, bởi lẽ đến những công trình mới xây dựng còn không đảm bảo được thì việc cải tạo sẽ càng nan giải. Khi tòa nhà Trung tâm Khiếu nại ADA lại không đáp ứng các tiêu chuẩn của chính đạo luật này thì viễn cảnh người khuyết tật tiếp cận sử dụng tất cả những tiện nghi công cộng còn quá xa vời.
Lưu Hiền Minh
Thông tin mới cập nhật