TCTM – Sáng 3/12 tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn quốc gia Văn hóa với doanh nghiệp năm 2022 với chủ đề “Chấn hưng văn hóa-nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững” và Lễ tôn vinh, trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam”. Tới dự có ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trường Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đại diện các bộ ngành và gần 500 đại biểu gồm đại diện các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các diễn giả, đại diện các doanh nghiệp. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư chúc mừng.
Việc tổ chức Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” lần thứ hai năm 2022 là một hoạt động quan trọng, thiết thực triển khai chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc xây dựng văn hóa kinh doanh thành hệ điều tiết phát triển kinh tế – xã hội…”.
Mục đích của Diễn đàn nhằm góp phần hiện thực hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa như là đòn bẩy và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế.
Diễn đàn cũng là dịp để lãnh đạo Đảng và Nhà nước gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh; tôn vinh các doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam; lan tỏa sâu rộng Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam – Bộ chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh đã được các Ban, Bộ, ngành tham gia xây dựng và ban hành. Bộ tiêu chí có hai phần, với 19 tiêu chí cụ thể và 51 chỉ số đánh giá, so sánh, làm căn cứ để xem xét, đánh giá và trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp, doanh nhân văn hóa tiêu biểu”, định hướng để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tại Diễn đàn năm nay, có 24 doanh nghiệp đã đáp ứng xuất sắc các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hội đồng quốc gia xét duyệt “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” lựa chọn. Đó là Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel, Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP, Công ty TNHH Thương mại và nhập khẩu Hòa Bình Group, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP…
Ông Nguyễn Huy Tiến, Tổng Giám đốc Gama Việt Nam nhận danh hiệu “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam” năm 2022
Công ty cổ phần Gama Việt Nam là doanh nghiệp duy nhất của ngành thang máy vinh dự được nhận danh hiệu“Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam” năm 2022. Tại Gama Việt Nam, triết lý phát triển là Tầm nhìn – Sứ mệnh – Giá trị cốt lõi. Trong đó, Tầm nhìn của Gama Việt Nam là “Nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người trên mỗi hành trình Gama Việt Nam ghi dấu”; Sứ mệnh là “Kiến tạo những điều vĩ đại, khắc dấu Gama Việt Nam vào tương lai bởi những thành viên luôn nghĩ cao, cùng nhau đi nhanh và đi xa” và Giá trị cốt lõi của Gama Việt Nam là “ tập thể những con người gắn kết với nhau bằng 5 giá trị: Chính trực, Năng động, Sáng tạo, Khát vọng, Có ích cho cộng đồng”.
Trong khuôn khổ của Diễn đàn đã diễn ra Hội thảo với chủ đề “Chấn hưng Văn hóa – nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững”. Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận về vai trò, tác động của chấn hưng văn hóa đến phục hồi và phát triển kinh tế bền vững; những nội dung cơ bản của chấn hưng văn hóa – nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững; những bài học thực tiễn của các doanh nghiệp Việt Nam về phát huy vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, nhất là trong và sau đại dịch Covid-19; giải pháp nâng cao vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh hậu Covid-19, các xung đột địa-chính trị, địa-kinh tế trên thế giới, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay.
Đánh giá vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế bền vững, các chuyên gia cho rằng, trước đây, bí quyết công nghệ, năng lực sản xuất, thế mạnh vốn …là các yếu tố cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp. Nhưng ngày nay văn hoá kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp trở nên khác biệt, phát triển bền vững, trở thành yếu tố “cạnh tranh mềm” tích cực và nhân văn. Văn hoá kinh doanh sẽ khiến các doanh nghiệp sẽ biến đối đầu sang cùng thắng. Khi đó, các doanh nghiệp ngành sẽ tạo hệ sinh thái đa dạng, cùng nhau phát triển bền vững.
“Muốn doanh nghiệp phát triển bền vững, cùng với việc xác định rõ chiến lược, mục tiêu kinh doanh, xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại, hiệu quả, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và không ngừng đổi mới, sáng tạo thì doanh nghiệp cần phải xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp. Đây là vấn đề cốt lõi, là nền tảng cho doanh nghiệp phát triển”. Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam nhấn mạnh./.
Lê Hùng
Ảnh TH
Thông tin mới cập nhật