TCTM – Đối trọng thang máy có vỏ làm bằng nhựa tái chế, bên trong có chứa bê tông, sau một thời gian sử dụng đã bị nứt vỡ, có khả năng gây mất an toàn cho thang máy. Đó là do chưa có yêu cầu về vật liệu và quy cách chế tạo thiết bị nói trên. Điều này đặt ra vấn đề là chúng ta có nên rà soát lại, xem xét để bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật, nâng cao hệ số an toàn cho thang máy hay không?
Đó là phản ánh của một người dùng thang máy tại Hà Nội. Theo đó, người này mua một chiếc thang máy từ vài năm trước. Khi thấy thợ lắp đối trọng có vỏ bằng nhựa, gia chủ đã yêu cầu thay đối trọng vỏ gang hoặc thép thì được hứa, sẽ bảo hành đối trọng trong 10 năm.
Thế nhưng chỉ vài năm sau, đối trọng bắt đầu bị nứt, vỡ và rơi vào giếng thang. Gọi đơn vị cung cấp thang thì được trả lời là chỉ bảo hành 1-2 năm, giờ hỏng thì phải sửa, hết khoảng trên 20 triệu đồng nếu muốn thay đối trọng bằng gang!”
Cực chẳng đã, gia chủ đành bấm bụng chi ra gần 30 triệu để thay toàn bộ đối trọng.
Những hình ảnh đối trọng bê tông vỏ nhựa bị vỡ nát
Theo điều tra của Tạp chí Thang máy, đã có không ít thang máy sử dụng đối trọng có dấu hiệu bất thường. Những phiến đối trọng có vỏ bằng nhựa đúc mỏng, trong là bê tông không có cốt thép. Qua thời gian sử dụng, lớp vỏ nhựa sẽ bị lão hóa, phiến đối trọng thường xuyên chịu tác động lực khi thang khởi động, dừng… sẽ bị vỡ.
Theo một số chuyên gia kỹ thuật, đối trọng bị vỡ hoàn toàn có thể rơi vào trần cabin gây ra chấn thương cho người đi thang khi thang dừng đột ngột. Bên cạnh đó, nếu số lượng đối trọng bị vỡ lớn, có thể làm mất cân bằng trọng lực giữa cabin và đối trọng, khi đó tốc độ của cabin có thể mất kiểm soát, gây mất an toàn nghiêm trọng.
QCVN 02:2019/BLĐTBXH về An toàn lao động đối với thang máy được ban hành theo Thông tư Số: 42/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2019, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021, trong đó cũng có phần quy định: “Nếu đối trọng hoặc khối lượng cân bằng có cấu tạo gồm nhiều khối nặng thì phải có biện pháp để giữ cho chúng không bị xô lệch, bằng cách lắp các khối nặng này trong một khung và khóa chặt chúng”.
Thường thì đối trọng có thể làm bằng gang hoặc thép nguyên khối. Nhưng do chỉ có tác dụng giữ nặng nên hiện nay để giảm giá thành sản phẩm thì người ta dùng đối trọng bê tông. Bê tông có khối lượng riêng nhỏ hơn 2 lần, vì vậy khung đối trọng dùng chứa các phiến bê tông phải lớn hơn đối trọng bằng gang, thép.
Chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất đối trọng từ nhiều năm nay cho biết, tuy không có quy định cụ thể về vật liệu làm đối trọng nhưng phải căn cứ vào các yêu cầu an toàn của thang. Thông thường, đối trọng làm bằng bê tông vỏ nhựa có giá khoảng 5 triệu đồng/bộ. Còn làm bằng gang thì chi phí khoảng 20 triệu. Nếu làm bằng thép nguyên khối thì giá vào khoảng 30 triệu/bộ. Các đối tác của doanh nghiệp này thường yêu cầu sản xuất đối trọng cho riêng họ, có vỏ bằng thép, hoặc gang trong đổ bê tông. Tuy nhiên họ có các yêu cầu khá khắt khe, cụ thể về mác thép, gang và chất lượng bê tông.
Sơ đồ hoạt động và hình ảnh đối trọng trong giếng thang
Một kiểm định viên có thâm niên chia sẻ, do các tiêu chuẩn, quy chuẩn đều không có quy định về vật liệu làm đối trọng nên khi kiểm định chỉ kiểm tra, đánh giá trạng thái hoạt động của bộ đối trọng theo mục 2.3.16 nói trên là “phù hợp” hay “không phù hợp”. Cán bộ này cũng cho rằng, đối với loại đối trọng có vỏ bằng nhựa, ruột bằng bê tông nếu nhựa có chất lượng tốt như composite, bê tông có độ giãn nở phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật thì sử dụng cũng rất bền, không thể tự nứt vỡ.
“Đối trọng là kết cấu bền vững và không phải là vật liệu hao mòn, thời hạn sử dụng đối trọng được các nhà sản xuất cho phép thiết kế đến khi sản phẩm không còn được sử dụng nữa. Giống như động cơ, có thể mòn puly, bạc đạn,… nhưng vỏ máy xài 7 năm bị mục hay bị bể, nứt, thì không thể chấp nhận…”, trích phản ánh của doanh nghiệp gửi tới Tạp chí Thang máy.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để giảm giá thành thang, không ít nhà sản xuất lắp ráp những thiết bị, linh kiện rẻ tiền, không đảm bảo chất lượng, tuổi thọ, thậm chí là không rõ nguồn gốc xuất xứ… Những chiếc thang như thế, ở thời điểm mới lắp có thể hoạt động bình thường nhưng sẽ có vấn đề sau một thời gian sử dụng. Và khi đó, ngoài nguy cơ rủi ro mất an toàn thì vấn đề “một tiền gà, ba tiền thóc” có thể là điều mà các thượng đế sẽ phải ngán ngẩm.
Trở lại câu chuyện đối trọng, rất có thể các cơ quan chức năng sẽ cần phải tính đến những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về quy cách vật liệu chế tạo hay chăng?
Cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về quy cách vật liệu chế tạo đối trọng
Hay mở rộng hơn, có những quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn thang máy mà qua thời gian đã trở nên không còn phù hợp cần được bổ sung thêm các điều kiện. Chúng ta buộc phải xem xét một cách nghiêm túc về vấn đề này khi mà thời gian qua đã xảy ra không ít vụ tai nạn liên quan đến thang máy.
Trên thực tế, chúng ta không thể chờ đợi việc này từ phía cơ quan quản lý nhà nước mà chính các doanh nghiệp phải tích cực kiến nghị, xây dựng, đóng góp ý kiến thông qua hiệp hội nghề nghiệp. Từ đó, tạo thành tiếng nói có trọng lượng, mạnh mẽ, tham mưu xây dựng chính sách quản lý phù hợp, thúc đẩy ngành thang máy, thang cuốn phát triển bền vững./.
Lê Hùng
Thông tin mới cập nhật
Gal Jerman
Top site,… amazaing post! Just keep the work on !