TCTM – “Càng lên cao, chân trời càng xa, tầm mắt càng rộng”, Khổng Tử đã nói như vậy ở thời đại cách chúng ta hơn 20 thế kỷ và chắc chắn khi đó chưa có… thang máy. Giới hạn chiều cao sẽ lần lượt được phá bỏ bởi những kỷ lục mới. Nhưng để làm được như vậy thì việc giáo dục, đào tạo sẽ cần thiết ra sao để con người đáp ứng được những kỳ vọng của chính mình.
Đưa con người lên đỉnh cao
Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu thế giới không có sự xuất hiện của thang máy thì trung bình các tòa nhà sẽ chỉ cao từ 5-7 tầng. Đó là độ cao phù hợp để con người leo thang bộ cho các nhu cầu ở hay làm việc. Và để có thể nghĩ đến việc không ngừng phá vỡ giới hạn về chiều cao trong xây dựng thì giải pháp tiên quyết phải tính đến là chúng ta di chuyển bằng phương tiện gì?
Câu trả lời phù hợp nhất chính là thang máy. Đó là lý do mà các tòa nhà chỉ bắt đầu mọc lên khi có sự ra đời của phương tiện giao thông thẳng đứng đáng tin cậy này.
Năm 1890, thế giới đã ngỡ ngàng với tòa nhà cao nhất với 106 m thì chỉ hơn 20 năm sau tòa tháp chọc trời ở NewYork đã nâng kỷ lục lên gấp hơn hai lần, cao đến 241 m. Đến năm 2010, giới hạn chiều cao của tòa nhà đã đẩy lên tới 810 m. Tất nhiên, chúng cần đến yếu tố bắt buộc là các thang máy hiện đại và có chất lượng cao nhất.
Tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa tại Dubai – Nguồn: Shutterstock
Nói vậy để thấy rằng, thang máy đóng vai trò cốt lõi trong thúc đẩy sự phát triển của các đô thị nén, nơi có mật độ xây dựng ngày càng dày đặc, hệ số sử dụng đất cao, khoảng cách di chuyển ngắn,… theo xu hướng phát triển tất yếu của nhân loại.
Người ta đã thống kê được, trung bình mỗi người sẽ sử dụng thang máy 4 lần/ngày, 325 triệu lượt hành khách đi thang máy mỗi ngày và chỉ mất 3 ngày để các thang máy chở toàn bộ dân số trên trái đất. Thang máy đang là phương tiện vận chuyển con người lớn nhất trên hành tinh này.
Nhưng để tiếp tục lên những đỉnh cao hơn bằng thang máy, chúng ta cần điều gì?
Giáo dục, đào tạo đưa con người “đi xa hơn”
Nadeem Shahriyar là kỹ sư tập sự ở công ty thang máy Precision Lifts. Sau 2 năm tập sự ở đây, anh chia sẻ: “Thách thức lớn nhất thực sự là học việc đúng cách để trở thành một kỹ sư giỏi. Nói đơn giản như làm sao để tìm ra nguyên nhân gây lỗi nhanh hơn, sửa dứt điểm trong một lần, tránh phải lặp lại chẳng hạn. Hay làm sao để đảm bảo thang máy luôn được an toàn trong suốt thời gian sử dụng cần đảm bảo những quy trình và quy tắc bắt buộc nào”.
Nadeem Shahriyar đang cảm hạnh phúc trong công việc bởi anh học hỏi được nhiều điều thực sự hữu ích cho sự nghiệp của mình
Điểm nổi bật trong sự nghiệp của Nadeem Shahriyar là đã trưởng thành và được giao nhiều trọng trách trong công việc. Mục tiêu tiếp theo của anh là chăm chỉ làm việc và học hỏi, dựa trên những nền tảng đã được đào tạo để phát triển sự nghiệp.
Bắt đầu chương trình đào tạo kỹ năng bổ sung cho ngành thang máy, đạt được chứng chỉ và giờ đã trở thành một kỹ sư có đủ tiêu chuẩn. Shahrivar muốn sớm được bắt đầu sự nghiệp cho riêng mình bằng cách dồn tất cả kinh nghiệm vào công việc và có thể tự kiểm tra bản thân để xem mình có thể đi được bao xa.
“Đối với một người đang cân nhắc về việc học nghề, lời khuyên của tôi là hãy bắt đầu. Các kỹ sư, đặc biệt là trong ngành thang máy sẽ luôn được trọng dụng, bởi vì luôn có những tòa nhà cần thang máy. Khi bạn đã đạt được chứng chỉ, bạn sẽ có được sự bảo đảm về năng lực, bạn sẽ được mời chào và có giá trị đối với bất kỳ nhà tuyển dụng nào trong ngành” – Nadeem Shahriyar chia sẻ thêm.
Học hỏi gì từ kinh nghiệm của quốc gia G7
Đức đã bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) từ đầu năm nay. Mặc dù đứng đầu châu Âu và thứ hai thế giới về sản lượng công nghiệp nhưng quốc gia Tây Âu này luôn trong tình trạng thiếu hụt nguồn lao động lành nghề các ngành kỹ thuật, trong đó có thang máy.
Tình hình có vẻ như trở nên tồi tệ hơn khi một khảo sát đánh giá của Prognos – Công ty tư vấn uy tín hàng đầu tại châu Âu đã cho thấy Đức được dự báo là sẽ thiếu hụt khoảng 3 triệu lao động tay nghề cao đến năm 2030. Kỹ sư cơ khí, điện, xây dựng,… nằm trng top 10 những ngành nghề thiếu lao động nói trên.
Một yếu tố gây ra tình trạng thiếu kỹ năng phổ biến trong tương lai là tình trạng già hóa trong nguồn lao động ở Đức. Theo dự báo hiện tại, dân số trong độ tuổi lao động, tức là những người từ 20 đến 64 tuổi, sẽ giảm từ 49,8 xuống còn 45,9 triệu người vào năm 2030.
Để giải quyết vấn đề này, một trong những hoạt động mà chính phủ Đức đang đẩy mạnh là chương trình đào tạo nghề kép. Cụ thể như liên quan đến ngành thang máy, VFA-Interlift e.V (Verband Fur Aufzug Teknik – Hiệp hội Công nghệ Thang máy e.V ) là tổ chức đại diện cho lợi ích của các công ty thang máy được nằm trong cộng đồng các quốc gia nói tiếng Đức đã xây dựng chương trình đào tạo nói trên.
Trong các chương trình đào tạo kép của VFA, học viên sẽ vừa học lý thuyết ở trường nghề vừa học việc tại một doanh nghiệp có liên kết với trường. Kết thúc khóa học, học viên sẽ được cấp chứng chỉ ở trường và chứng chỉ tại doanh nghiệp. Chương trình sẽ chuẩn bị một nền tảng vững chắc cho học viên không chỉ về mặt học thuật mà còn những kiến thức thực tế, ví dụ như cách vận hành thang máy hay xử lí vấn đề nảy sinh tại công trình.
Một điểm mạnh của hệ thống đào tạo nghề kép là thực tế là học viên có cơ hội để phát triển các năng lực xã hội. Điều này có tầm quan trọng thiết yếu đối với sự thành công trong nghề nghiệp. Để học cách làm việc trong các nhóm có thành phần khác nhau, để giải quyết xung đột với cấp trên hoặc đồng nghiệp, giao tiếp với khách hàng hoặc nắm bắt thông tin và giải quyết vấn đề nhanh chóng,… Các năng lực này khó có thể được đào tạo nếu chỉ ở trong trường học.
Một ưu điểm nữa là chương trình này được thừa nhận trên toàn quốc và về cơ bản là tương đồng, phù hợp với tất cả các doanh nghiệp, vì vậy người học có thể linh hoạt trong việc tìm kiếm doanh nghiệp để thực tập. Tuy nhiên, mỗi công ty cũng sẽ có những chương trình đào tạo riêng biệt, là “bí kíp” của riêng mình.
Đào tạo cũng góp phần vào việc nâng cao trình độ tại chính doanh nghiệp liên kết bởi doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo luôn cập nhật công nghệ của mình.
Tuy nhiên chương trình này cũng có nhược điểm là chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa người sử dụng lao động và đơn vị đào tạo. Thực tế là sự hợp tác đang còn quá thấp và chỉ mới dừng lại ở việc trao đổi thông tin. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc nhà tuyển dụng tham gia vào chương trình đào tạo để đảm bảo chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu về kỹ năng trong thực tế.
Đây cũng là một trong những khuyến cáo được đưa ra bởi Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO Việt Nam) trong Hội thảo Nâng cao chất lượng nhân lực ngành thang máy do Hiệp hội Thang máy Việt Nam mới tổ chức giữa tháng 7 năm 2022 tại Hà Nội, Việt Nam.
Bà Ingrid Christensen – Giám đốc của ILO Việt Nam trao đổi với phóng viên Tạp chí Thang máy
Hiệp hội Thang máy Việt Nam đang tiên phong trong việc phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội, các cơ quan chức năng để xây dựng, chuẩn hóa chương trình đào tạo nghề kỹ thuật thang máy. Giải pháp đào tạo kép đã được tính tới, tham khảo từ các quốc gia phát triển và ứng dụng phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Chúng ta sẽ cần chuẩn bị để tạo nên lực lượng nhân sự lành nghề, chất lượng cao, làm nền tảng cốt lõi để ngành thang máy nước nhà có thể cất cánh./.
Hà My
Thông tin mới cập nhật