TCTM – Vulcan, bức tượng bằng gang lớn nhất thế giới ở Birmingham, Alabama, đã được trùng tu để có thang máy. Đối với nhiều người, thang máy mới là điểm thu hút chính.
Gần như cuối tuần nào, Elijah, tám tuổi và ông nội của mình cũng đến thăm Vulcan. Nhìn ra thành phố Birmingham, Alabama từ trên đỉnh Núi Đỏ, bức tượng đúc bằng gang lớn nhất thế giới đại diện cho Thần Lò rèn của người La Mã trông rất ấn tượng. Bức tượng nặng 51 tấn và được trang bị đài quan sát gần đỉnh.
Tuy nhiên, điểm thu hút chính đối với Elijah lại là thang máy. Thang được đặt trong một tòa tháp nằm riêng biệt ở phía sau bức tượng. Quan sát các đối trọng và puly hoạt động ở phía trên qua các cửa sổ hình chữ nhật, Elijah rất hứng thú về thang máy. Cậu nhảy qua lại trên tấm lưới thép ngăn cách tháp thang máy với Vulcan và đài quan sát. Ông nội của cậu cho biết một cách hóm hỉnh về đứa cháu của mình: “Cậu ấy đam mê thang máy từ khi còn rất nhỏ và niềm đam mê đó ngày càng tăng lên. Tôi nghĩ tương lai chúng ta có thể có một kỹ sư hoặc thợ thang máy lắm đấy”.
Video về thang máy ở công trình
Elijah và ông của mình là một trong số 160.000 du khách đến Công viên & Bảo tàng Vulcan (VPM) mỗi năm. Họ đến từ khắp các bang của Mỹ và hơn 110 quốc gia khác.
Là một biểu tượng của thành phố Birmingham, nơi giàu lên nhờ khai thác thép và quặng sắt. VPM là một điểm tham quan ấn tượng bao gồm các đường mòn đi bộ và dành cho xe đạp. Một bảo tàng ở chân tượng đem đến cái nhìn sâu sắc về lịch sử Birmingham. Ở phía trên cao, tượng Vulcan đứng chỉ huy, tay giơ cao mũi tên hướng lên bầu trời.
Vào năm 1903, Vulcan được chính quyền địa phương ủy quyền cho nhà điêu khắc người Ý Giuseppe Moretti dùng “đại diện” cho Birmingham tham dự Hội chợ Thế giới St. Louis. Sau hội chợ, bức tượng được tháo dỡ và trả lại cho Birmingham. Các phần của nó được đặt cạnh đường ray trong suốt nhiều năm trước khi được lắp ráp lại và dựng lên tại Khu hội chợ bang Alabama. Và lúc đó, ngọn giáo – một phần của bức tượng đã “mất tích” khó hiểu. Và sau đó, khá khôi hài khi Vulcan đã phải giữ các vật phẩm để quảng cáo thay cho ngọn giáo. Đó là một que kem, một chai Coca-Cola hay quả dưa chua Heinz.
Vulcan bắt đầu hành trình trở lại hình tượng trang nghiêm của mình vào năm 1936 nhờ Cơ quan Quản lý Tiến độ Công trình (WPA). Tổ chức này đã tài trợ một phần cho công trình công viên mới trên đỉnh Núi Đỏ với một bệ đá sa thạch cao 126 ft để đặt bức tượng. Ra mắt lần đầu vào năm 1939, công viên có cầu thang bằng đá sa thạch và đài phun nước xếp tầng, nhưng không có thang máy. Cầu thang bộ là cách duy nhất để đến đài quan sát ngoài trời ở độ cao 100 ft.
Dự án WPA do Kiwanis tài trợ đã thêm một mũi tên mới để Vulcan có thể giơ cao tay phải của mình và bức tượng được sơn lại bằng một lớp kim loại. Năm 1946, ngọn giáo của Vulcan được thay thế bằng một ngọn đuốc neon phát sáng màu xanh lục.
Vào cuối những năm 1960, kế hoạch hiện đại hóa trị giá 1 triệu đô la Mỹ bắt đầu, đưa một thang máy vào sử dụng từ năm năm 1971. Công việc này đã làm mất đi vẻ tự nhiên của công trình và quá trình cải tạo đã thất bại.
Tháp thang máy ở sau tượng Vulcan – Nguồn: Alamy
Năm 1999, các nhà lãnh đạo cộng đồng đã thành lập Quỹ phi lợi nhuận Vulcan Park. Quỹ này đã quyên góp được 16 triệu đô la Mỹ cần thiết cho việc trùng tu. Công viên đóng cửa vào năm 1999 trong suốt 5 năm. Trọng tâm của công tác cải tạo là khôi phục lại diện mạo theo chủ nghĩa tự nhiên với cảnh quan mới và cân bằng giữa việc bảo tồn lịch sử với khả năng tiếp cận. Điều phối viên Tiếp thị và PR của VPM, bà LaShana Sorrell nói:
“Từ quan điểm bảo tồn, có thể lập luận rằng việc xây dựng thang máy sẽ có ảnh hưởng xấu đến tính chất lịch sử của cấu trúc vì ban đầu không có thang máy trong đó. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo dự án đồng ý rằng thang máy là cần thiết. Văn phòng Bảo tồn Di tích lịch sử của tiểu bang cũng đồng ý rằng trước đây thang máy đã được lắp đặt và cấu trúc thang máy mới có thể được gỡ bỏ mà không làm tổn hại đến tính toàn vẹn của cấu trúc tổng thể công trình.
Thang máy mới đã được bố trí ở phía sau của bệ đặt bức tượng. Để giảm chiều cao của tháp thang máy, hệ thống cáp đã được thiết kế đặc biệt để nằm dưới mặt đất. Thang máy được bảo trì bởi một công ty địa phương. Hệ thống có các đặc điểm kỹ thuật sau:
– Máy kéo đặt ở tầng hầm
– Hai điểm dừng
– Khoảng cách di chuyển khoảng 105 ft.
– 4 cáp 5/8 inch. Độ dài mỗi cáp khoảng 600 ft.
– Tỉ lệ truyền 2:1
– Cabin rộng 6,1 ft, sâu 4,3 ft và cao 7,4 ft.
Cân bằng giữa bảo tồn lịch sử với hiện đại hóa tạo ra giải pháp sáng tạo. Ở đây, tháp thang máy ban đầu được thiết kế không gian mở để nâng cao tầm nhìn từ cabin. Do thời tiết ở Birmingham có thể có những thời điểm khắc nghiệt, nên cuối cùng giếng thang được xây dựng với các cửa sổ hướng ra phía trước và phía sau.
Các mối nguy hại cho môi trường cũng đã được đưa ra xem xét. Sorrell chia sẻ thêm.
Hệ thống thang máy đặc biệt này được kiểm tra hàng năm bởi một thanh tra nhà nước được cấp phép theo quy định về an toàn.
VPM được khôi phục là minh chứng cho “tình yêu chân thành dành cho Vulcan và tầm quan trọng đối với cộng đồng của Birmingham”.
Chú thích: 1 ft = 0,3048 m
Hà My
Theo Elevator World
Thông tin mới cập nhật