TCTM – Các đại biểu đại diện các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, nhà trường,… đã có những chia sẻ tâm huyết về vấn đề phát triển nguồn nhân lực ngành thang máy. Cùng Tạp chí Thang máy điểm lại những nội dung ấn tượng.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh: Nếu đội ngũ người lao động làm công việc lắp đặt, bảo trì, sửa chữa thang máy, thang cuốn là những người có trình độ kỹ năng nghề được thể hiện ở việc có trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp, tác phong công nghiệp và đạo đức nghề nghiệp được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề Quốc gia không những giúp nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh mà còn đồng thời giúp giảm thiểu và tránh được những tai nạn thương tâm gây thiệt hại về người và tài sản không đáng có.
Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) Nguyễn Hải Đức: Quy chuẩn về nhân lực của ngành thang máy cần phải được triển khai một cách khẩn trương và toàn diện. Mục tiêu để chúng ta có được lực lượng lao động chất lượng, an toàn, vừa đảm bảo nâng cao năng suất đồng thời có khả năng tiếp nhận công nghệ mới, tham gia vào chuỗi sản xuất kinh doanh toàn cầu, không bị lệ thuộc.
Bà Vũ Thị Bình Minh – Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội: Đề nghị Hiệp hội Thang máy Việt Nam có cơ chế phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ để đánh giá nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực thang máy, có giải pháp thích hợp về đào tạo đáp ứng nhu cầu của sự phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời tham gia góp ý kiến vào các quy định pháp luật có liên quan đến thang máy với tư cách là đối tượng chịu tác động để quy định có tính khả thi trong thực tiễn.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO): Cần nhận biết kỹ năng nào cần cho hiện tại và quan trọng hơn là kỹ năng nào cần cho tương lai. Các chương trình đào tạo cần được cập nhật, nâng cấp trình độ giảng viên và hệ thống cơ sở vật chất. Việc học viên học nghề không chỉ đến trường học lý thuyết mà cần nhiều thực hành. Đây là một trong những phương pháp chính để cải thiện kĩ năng nhân lực Việt Nam nói chung, ngành thang máy nói riêng.
TS. Trần Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Chỉ có 29% doanh nghiệp FDI và 27% doanh nghiệp Việt Nam đánh giá người lao động đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Điều đó cho thấy những thách thức không nhỏ với nhân lực nói chung, ngành thang máy nói riêng. Ngành thang máy cần đánh giá đúng nhu cầu nhân lực, từ đó gắn kết đào tạo với thực tiễn để đạt hiệu quả. Khung chương trình đào tạo cần phải được chuẩn hóa, tiệm cận với các chương trình đào tạo quốc tế. Xây dựng hệ thống giáo dục 4.0, đào tạo đi tắt đón đầu để nắm bắt các cơ hội tạo ra nhân lực chất lượng, phục vụ không chỉ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu chuyên gia, kỹ thuật viên cao cấp cho thị trường lao động quốc tế.
PGS. TS. Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ là chúng ta phải có mã ngành, tiêu chuẩn. Còn quy trình thủ tục, các hồ sơ, lộ trình, các bước minh chứng điều kiện thực hiện, chúng tôi đã giao cho các đơn vị chuyên môn của Tổng cục. Ở đây thể hiện trách nhiệm của Bộ rất cao ở việc có hai vụ chuyên môn trực tiếp giải quyết vấn đề này là Vụ Đào tạo chính quy và Vụ Kỹ năng nghề.
TS. Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội: Luật Việc làm và Nghị định 31/2015/NĐ-CP có quy định rõ về những công việc có khả năng gây nguy hiểm cho người lao động hoặc cộng đồng, nặng nhọc, độc hại,… yêu cầu cần có Chứng chỉ kỹ năng nghề Quốc gia. Tại sao đặc thù của công việc ngành thang máy có những tính chất tương đồng nhưng lại chưa áp dụng?
TS. Phạm Xuân Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (HHT): Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đưa nghề kỹ thuật thang máy vào danh mục nghề đào tạo, cho xây dựng Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Quốc gia và có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động đã qua đào tạo nhằm giúp ngành thang máy và thang cuốn Việt Nam phát triển bền vững, cung cấp những dịch vụ, kỹ thuật tốt nhất cho ngành, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
TS. Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng: Trong những năm qua, thực trạng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học nhưng thiếu kỹ năng cơ bản, phù hợp để tìm kiếm việc làm hoặc tự khởi nghiệp. Điều này tạo ra khoảng cách giữa kỹ năng cần thiết cho việc làm và kỹ năng mà người tìm việc được sở hữu. Chính vì vậy, việc xác lập cầu nối nhằm thu hẹp khoảng cách trên bằng mối quan hệ hợp tác, đối tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên đáp ứng sự đổi mới nhanh chóng của công nghệ hiện đại và ngành nghề liên quan sau tốt nghiệp là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Cổ phần Thang máy Thiên Nam: Rất nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực thang máy nhưng không hiểu rõ về thang máy. Hay việc tìm hiểu về Tiêu chuẩn, Quy chuẩn thang máy dường như không được nhiều doanh nghiệp thực sự quan tâm. Trước mắt, chúng tôi thấy cần có các khóa đào tạo cơ bản để bổ sung kiến thức, hoặc các khóa chuyên sâu về kỹ thuật thang máy. Với kinh nghiệm gần 30 năm trong sản xuất và thực hiện các dịch vụ lắp đặt, bảo trì, sửa chữa thang máy trong nước, chúng tôi có một số kinh nghiệm và vẫn đang phải học tập để nâng cao kiến thức và tạo ra các sản phẩm tốt hơn, an toàn hơn, không chỉ cung cấp những sản phẩm thang máy chất lượng cho thị trường trong nước mà còn mục tiêu xuất khẩu.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC): Nhà thầu Việt Nam đã có những doanh nghiệp xây dựng cạnh tranh sòng phẳng ở tầm khu vực, thế nhưng mà thang máy của chúng ta thì rất tiếc là là chưa có được điều đó và có thể nói rằng đây chính là điều mà tôi cho là Hiệp hội Thang máy Việt Nam ngoài việc tham mưu xây dựng tiêu chuẩn về kỹ năng nghề nghiệp thì cần quan tâm xây dựng lực lượng, xây dựng nguồn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ các doanh nghiệp thang máy. Chúng ta cần sớm định hình như vậy thì doanh nghiệp thang máy mới cạnh tranh được.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Ngành thang máy gắn bó chặt chẽ với ngành xây dựng. Chúng ta dần không chỉ chinh phục thị trường 100 triệu dân trong nước mà phải hướng đến thị trường 8 tỷ dân của thế giới. Vấn đề đặt ra là cần chuẩn hóa đào tạo nhân lực cho ngành thang máy, đặc biệt là quan tâm đến thiết kế, chế tạo.
Ông Đỗ Tiến Long, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia OD Click: Các lãnh đạo doanh nghiệp phải chuyển từ tư duy sử dụng và khai thác lao động sang đầu tư cho nguồn nhân lực như là một tài sản, quyết định doanh nghiệp có tồn tại và phát triển được hay không. Đào tạo cho người lao động tại doanh nghiệp vừa là động lực phát triển doanh nghiệp, vừa mang tính trách nhiệm xã hội. Nếu chúng ta vẫn sử dụng lao động theo kiểu vắt kiệt thì tôi cho rằng lực lượng 9x trở về sau sẽ không theo doanh nghiệp.
Hà My
Thông tin mới cập nhật