Theo số liệu Tổng cục Thống kê năm 2021 thì chỉ có khoảng trên dưới năm nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tương ứng 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Con số này rõ ràng là như muối bỏ bể, cho thấy sự mất cân đối trong tổng thể ngành công nghiệp. Trong lĩnh vực thang máy, tỷ lệ này cũng chẳng khá khẩm hơn, khiến ngành công nghiệp thang máy phát triển chậm và thiếu tính bền vững.
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT), vốn dĩ vẫn được gọi là “xương sống” của các ngành sản xuất công nghiệp bởi việc cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng, phụ kiện và bán thành phẩm cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm công nghiệp. Chúng ta hoàn toàn thấy được “cửa ra” của các doanh nghiệp CNHT, đó là một thị trường trong nước tiềm năng với dư địa vô cùng lớn. Thế nhưng, mặc dù đã khởi động từ khá lâu nhưng ngành CNHT ở Việt Nam vẫn chỉ được coi là đang ở…vạch xuất phát. Cả nước chỉ có trên dưới năm nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT là minh chứng rõ ràng cho nhận định của nhiều chuyên gia: Mãi không chịu lớn!
Năm 2014, tập đoàn điện tử Samsung đưa ra danh sách 170 linh phụ kiện mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm, để cung ứng cho việc hoàn thiện sản phẩm Samsung Galaxy S4 và máy tính bảng của họ. Tuy nhiên, rốt cuộc các doanh nghiệp trong nước bấy giờ đã không thể đáp ứng, dù chỉ là linh kiện nghe qua rất đơn giản như ốc vít, cáp USB hay sạc pin. Chính từ đây đã lan truyền câu khẩu hiệu làm dậy sóng trong cộng đồng: “Việt Nam đến cái ốc vít còn không làm nổi”. Tất nhiên, sự thực thì không hẳn như vậy bởi tại thời điểm này thì các chính sách vĩ mô chưa có tác động rõ ràng, quan tâm đến lĩnh vực đặc thù CNHT.
Ngay sau thời điểm đó, kể từ 2015, Việt Nam đã phát triển tầm nhìn cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo… Thế nhưng dường như, vẫn chẳng có mấy doanh nghiệp mặn mà gia nhập vào ngành công nghiệp đặc thù này. Tại sao vậy?
Sản xuất phụ kiện, bán thành phẩm cung cấp cho công nghiệp thang máy có ít doanh nghiệp tham gia
Thứ nhất, chính sách đối với CNHT còn một số điểm bất cập. Chúng ta thiếu cơ chế giám sát các chủ thể trong hoạt động CNHT, ở đây là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều này dẫn tới việc chưa thể tận dụng hết các lợi ích của các hiệp định thương mại tự do, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cụ thể như việc, chúng ta cũng đã từng kỳ vọng khi đón làn sóng FDI vào Việt Nam sẽ kích thích sự phát triển CNHT. Mong muốn đó hoàn toàn có cơ sở nhưng thực tế đã cho thấy nó khiến chúng ta hoàn toàn vỡ mộng. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào thị trường này, họ đã có sẵn những nguồn cung cấp linh kiện. Đất nước chúng ta chỉ là nơi đặt công xưởng gia công, lắp ráp để từ đó chiếm lĩnh thị trường hoặc xuất khẩu sang các nước khác. Điều thu hút họ chính là việc được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại. CNHT Việt Nam buộc phải đứng ngoài cuộc chơi, không tham gia vào được chuỗi cung ứng sản phẩm quan trọng này. Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ chúng ta cũng chưa có những điều kiện ràng buộc về trách nhiệm phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam đối với doanh nghiệp FDI. Mối quan hệ ràng buộc giữa các ưu đãi của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh và nghĩa vụ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chưa được thể hiện trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào. Khai thác được yếu tố này, chúng ta sẽ tạo ra dư địa cho thị trường CNHT không hề nhỏ.
Trong khi đó, một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ tuy đã được quy định trong Nghị định của Chính phủ nhưng chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành (như Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đấu thầu…). Do đó, khi thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc như chính sách bảo lãnh tín dụng cho SME qua hệ thống ngân hàng, chính sách hỗ trợ SME trong CNHT. Các cơ chế về ưu đãi tín dụng đầu tư, về thuế, tiền thuê đất, đặc biệt là phân bổ nguồn lực để triển khai các chính sách về CNHT chưa được cụ thể hóa… khiến doanh nghiệp CNHT khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn ưu đãi.
Thứ hai, trình độ sản xuất của doanh nghiệp CNHT trong nước còn ở mức thấp, tụt hậu khá xa so với khu vực và thế giới. Hãy nói về công nghệ cơ khí vì đây là nền tảng của CNHT. Phải đau xót thừa nhận rằng, công nghệ này ở Việt Nam đã lỗi thời hai đến ba thế hệ so với thế giới. Thiết bị phần lớn là vạn năng, qua nhiều năm sử dụng đã lạc hậu về tính năng kỹ thuật, độ chính xác kém dần dẫn tới tăng sai số, thiếu hoặc không có đủ phụ tùng thay thế, vốn để đầu tư thay thế, nâng cấp luôn trong tình trạng khó khăn… Tỷ lệ doanh nghiệp có thiết bị gia công điều khiển số (PLC, CNC…) chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng số doanh nghiệp cơ khí chế tạo, hiện chưa phát huy được hết công dụng do thiếu tính đồng bộ trong dây chuyền sản xuất. Chúng ta vẫn chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh đối với công nghệ cơ khí và cũng chưa sẵn sàng cho việc ứng dụng những thành tựu của Cách mạng 4.0 nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Tất nhiên, những điều này sẽ dẫn tới một kết quả không mong muốn, đó là khoảng cách về chất lượng sản phẩm giữa các nhà cung cấp linh kiện trong và ngoài nước sẽ càng ngày càng rộng ra. Ai sẽ thua trong cuộc chơi này thì hẳn không khó để dự báo.
Một khảo sát của ngành công thương cũng đã chỉ ra rằng không có nhiều doanh nghiệp thực hiện đầu tư chiến lược về công nghệ, quản lý và nhân lực để thực sự dẫn đầu về CNHT. Và một khi vẫn còn e dè, CNHT của chúng ta vẫn sẽ manh mún, khó tạo được lợi thế khác biệt để cạnh tranh. Hiển nhiên, cũng sẽ khó gỡ bỏ được tâm lý “ăn xổi” của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý thấy nhỏ quá không chịu làm, thiếu tầm nhìn dài hạn cũng là căn bệnh trầm kha đã cản bước doanh nghiệp khiến họ không “đủ lớn” để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ ba, chúng ta thiếu những doanh nghiệp “đầu tàu” dẫn dắt và tạo cảm hứng để CNHT trong nước “bùng nổ”. Vai trò của các doanh nghiệp này là rất quan trọng, sẽ tạo ra dư địa cho CNHT trong nước. Trên thực tế, 90% số doanh nghiệp CNHT của Việt Nam hiện nay đều có quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ. Điều này dẫn tới việc chúng ta chỉ có năng lực thực hiện những đơn hàng với số lượng nhỏ, sản xuất linh kiện rời, phụ tùng đơn giản với ít hàm lượng công nghệ. Giữa các doanh nghiệp còn thiếu tính liên kết, hợp tác, mạnh ai nấy làm nên sức mạnh tổng thể của CNHT trở nên phân tán. Và như vậy, khó lòng có thể tạo nên “cú đấm” có đủ lực cần thiết để thúc đẩy công nghiệp nước nhà phát triển mạnh.
Tốc độ toàn cầu hoá đang diễn ra ngày một nhanh khiến thế giới ngày càng “phẳng hơn” bao giờ hết. CNHT sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức với nhiều đối thủ nặng cân. Vì vậy, tạo ra được những “người khổng lồ” sẽ là đối trọng hết sức cần thiết để dẫn dắt cuộc chơi của CNHT. Các doanh nghiệp CNHT khác sẽ hoạt động như những vệ tinh xoay quanh các “hạt nhân” nói trên, tạo ra một hệ sinh thái tương hỗ, cùng phát triển.
Quay trở lại với lĩnh vực thang máy. Thang máy mới được bổ sung vào danh mục các mặt hàng sản xuất trong nước kể từ năm 2014. Vì vậy, có thể nói đây là ngành công nghiệp khá non trẻ. Số doanh nghiệp tham gia cung cấp các sản phẩm CNHT cho công nghiệp thang máy trong nước là không đáng kể. Đó là lý do mà đa phần những sản phẩm thang máy mang nhãn mác nội địa hoặc liên doanh trên thực chất chỉ có tỷ lệ nội địa hóa thấp dưới 20%. Không quá khi nói, công nghiệp sản xuất thang máy trong nước đang mang nhiều yếu tố “vay mượn” là vì như vậy.
Chúng ta sẽ cải thiện CNHT cho ngành sản xuất thang máy như thế nào trong thời gian tới? Câu trả lời xin được bỏ ngỏ để các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp CNHT cùng kiến tạo./
Thái Sơn
Thông tin mới cập nhật