TCTM – Thang máy là phương tiện đi lại để lên xuống tầng, nhưng để vận hành trơn tru một chiếc thang máy thì còn biết bao nhiêu con người đứng đằng sau. Và khi có sự cố xảy ra thì những con người đó mới xuất hiện với trách nhiệm và sự nhiệt tình cao nhất.
Đó là trận lụt lịch sử năm 2008. Ký ức trong tôi bỗng trỗi dậy với những hình ảnh khó quên. Cách đây 14 năm, Hà Nội ngập tràn nước. Đường phố như sông, xe cộ chìm sâu. Các tòa nhà cao tầng thì không thấy cửa vào. Người Hà Nội trong nội thành, những người ít phải đối mặt với sức mạnh của thiên nhiên đã có những ngày khốn khó.
Nhưng có những người vẫn phải đi làm, trong đó có tôi bởi công việc hành chính vẫn phải duy trì. Thời đó vẫn còn ít người làm công việc online nên thiệt hại về kinh tế là rất đáng kế. Tôi có may mắn là nhà ở chỗ cao nên không bị ngập, nhưng khi dắt xe ra đường cũng không biết đi kiểu gì để đến chỗ làm. May mắn thay tôi tìm được một con đường đến công ty để bắt đầu công việc.
Ở công ty chỉ có hai người: bác bảo vệ và anh trực kỹ thuật. Đó có lẽ là hai người duy nhất bám trụ lại trong tòa nhà này. Anh kỹ thuật đón tôi với một nụ cười, thứ khó hình dung được trong hoàn cảnh này. Chiếc thang máy buộc phải dừng hoạt động vì nước đã ngập tầng một. Tất nhiên chiếc thang máy cũng đã “thất thủ” bởi một nguyên tắc cơ bản là các thiết bị điện cần được tắt một khi đã ngập. Thang máy là phương tiện giao thông đặc biệt, chúng chỉ hoạt động trong một không gian hẹp nên đối phó với sự cố rất cần kỹ năng và kinh nghiệm.
Anh Dương kỹ thuật hôm đó đã xử lý rất tốt. Anh đã báo cho đơn vị chuyên về thang máy, nhưng anh biết trong hoàn cảnh này thì họ có thể sẽ không đến được. Anh bình tĩnh gọi điện cho kỹ thuật viên để được hướng dẫn cách xử lý khi hệ thống điện thang máy bị vào nước. Khi nước bắt đầu có dấu hiệu ngập, anh cho thang máy di chuyển lên tầng cao nhất để cách xa mặt đất, giảm thiểu nguy cơ ngập nước vào cabin. Tiếp theo, anh ngắt điện toàn bộ thang máy sau khi kiểm tra không còn người sử dụng.
Anh nói với tôi, anh cũng biết quy trình xử lý đối với người trực kỹ thuật ở tòa nhà, trong đó cách xử lý khi thang máy ngập nước là một trong những điều cơ bản nhất mà người kỹ thuật như anh phải thuộc nằm lòng. Tuy vậy trong trận lụt lịch sử ở Hà Nội năm đó thì việc đội kỹ thuật thang máy có thể đến hiện trường xử lý là gần như bất khả thi, chính vì vậy điều cần thiết nhất là ngắt điện để đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị.
Anh còn chia sẻ với tôi câu chuyện về tai nạn lao động anh từng chứng kiến. Trong một tòa nhà, có một chiếc thang máy đã hoạt động lâu năm. Không ai nghĩ tòa nhà đó có thể bị ngập chỉ sau một trận mưa to. Hồi ấy, hệ thống thang máy vẫn chưa được gọi là “thông minh”, thang máy vẫn theo kiểu cũ. Khi nước ngập, do chủ quan nên không có người trực để xử lý khi thang bị ngập nước. Có người đã cắt điện, tuy nhiên cabin thang máy vẫn ở tầng một nên thang máy đã bị hư hỏng, phải xử lý hút nước, bảo trì toàn bộ hệ thống.
Qua câu chuyện của những người làm công việc liên quan đến thang máy, tôi hiểu được rằng có rất nhiều công việc trên đời và dù là việc nào thì cũng cần kỹ năng chuyên môn và tinh thần trách nhiệm. Bình thường, chúng ta tưởng rằng ai cũng bình thường thôi nhưng khi sự cố xảy ra thì lúc ấy trách nhiệm mới được thể hiện. Khi nước bắt đầu rút thì những người thợ kỹ thuật thang máy xuất hiện. Họ nhanh chóng giải quyết sự cố, bảo trì hệ thống thang máy rồi nhanh chóng đến tòa nhà khác. Bởi khi ấy rất nhiều tòa nhà cần được giúp đỡ để nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường. Có thể coi trận lụt năm 2008 là sự kiện lịch sử. Ký ức về nó vẫn còn đọng lại trong tâm trí người Hà Nội, nhất là những người chịu ảnh hưởng nặng nề từ trận lụt ấy. Sau sự cố đó, công tác chống ngập của thành phố đã được triển khai đồng bộ và khẩn trương. Nhiều tòa nhà đã sử dụng hệ thống thang máy thông minh, cài đặt chế độ tự ngắt điện và đưa cabin lên tầng cao khi có sự cố. Thiên tai cũng là lúc con người cần phải làm việc có trách nhiệm hơn, dù là trong công việc gì. Trong tôi vẫn luôn nhớ về tinh thần làm việc của những người kỹ thuật thang máy ngày ấy.
Tác giả: Đinh Thành Trung
Cuộc thi “Viết về nghề thang máy” do Tạp chí Thang máy phát động nhân dịp Ngày Thang máy Việt Nam 16/7 (Vietnam Lift Day) nhằm tôn vinh các giá trị, nét đẹp của người làm nghề thang máy. Thời gian gửi bài dự thi từ 16/07/2024 đến 16/07/2025 (Bài dự thi được trao giải hàng tháng và giải chung cuộc).
Chi tiết thể lệ cuộc thi đọc tại:
Thông tin mới cập nhật