TCTM – Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết việc tiếp cận nguồn lực của các doanh nghiệp tư nhân còn nhiều khó khăn về tài chính, tín dụng và đất đai, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ cao… đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị sáng nay (18/5), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau gần 40 năm đất nước mở cửa, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, KTTN ngày càng có vai trò quan trọng, thể hiện rõ qua Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng.
Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) khẳng định sự tồn tại của KTTN gắn với nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó nêu rõ “sử dụng kinh tế tư bản tư nhân trong một số ngành, nghề”.
Đại hội Đảng lần thứ VII (năm 1991) cho phép KTTN “phát triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những ngành, nghề mà luật pháp không cấm”.
Đại hội Đảng lần thứ VIII (năm 1996) thừa nhận vai trò KTTN “kinh tế tư bản tư nhân có khả năng góp phần xây dựng đất nước”.
Đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001) nhìn nhận cởi mở hơn về KTTN: “khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân rộng rãi trong những ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm”.
Đại hội Đảng lần thứ X (năm 2006) xác định KTTN có vai trò quan trọng và yêu cầu: xoá bỏ mọi rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp tư nhân phát triển không hạn chế quy mô trong mọi ngành nghề, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
Đại hội Đảng lần thứ XI (năm 2011) xác định rõ vai trò, vị trí của KTTN và yêu cầu “hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh KTTN trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”.
Đại hội Đảng lần thứ XII (năm 2016) và Đại hội Đảng lần thứ XIII (năm 2021) khẳng định và nhấn mạnh “hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh KTTN ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Thủ tướng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển về KTTN, nổi bật là Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị Trung ương 5 khoá IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển KTTN”; Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 khoá XII về “Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện trên cơ sở cụ thể hoá các chủ trương, đường lối, quan điểm, định hướng của Đảng, tạo khung pháp lý thống nhất, thuận lợi cho KTTN phát triển, bảo đảm quyền tự do kinh doanh bình đẳng.
Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành gần 60 luật, hơn 40 nghị quyết, pháp lệnh, 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Chính phủ ban hành khoảng 1.000 nghị định có liên quan đến KTTN.
Giai đoạn 2021 đến nay, khu vực KTTN gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người lao động . Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp rất kịp thời và tương đối toàn diện với các chính sách về giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, khoanh nợ, hoãn nợ…
Đồng thời, Chính phủ đã ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch liên quan đến phát triển KTTN trên các lĩnh vực (tiêu biểu như Đề án phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững; Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ…).
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội dự hội nghị.
Về kết quả đạt được,Thủ tướng đánh giá quá trình phát triển của khu vực KTTN trong gần 40 năm qua có thể được khái quát thành 5 giai đoạn:
(1) Giai đoạn 1986 – 1999: hình thành và được thừa nhận;
(2) Giai đoạn 2000 – 2005: Khởi sắc với Luật Doanh nghiệp;
(3) Giai đoạn 2006 – 2015: Hội nhập và mở rộng;
(4) Giai đoạn 2016 – 2024: Khởi nghiệp bùng nổ và là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế;
(5) Giai đoạn từ năm 2025 trở đi: Định hướng phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Đánh giá khái quát về kết quả và đóng góp của KTTN trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển, Thủ tướng nêu rõ: KTTN liên tục phát triển, khẳng định vị thế là một động lực quan trọng của nền kinh tế; là kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách Nhà nước; tạo việc làm, sinh kế, thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế; đóng góp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.
Một số kết quả nổi bật của KTTN cụ thể, Thủ tướng cho biết số lượng doanh nghiệp thành lập tăng mạnh, từ khoảng 5.000 doanh nghiệp năm 1990 lên 50.000 doanh nghiệp năm 2000, và 200.000 năm 2005 (gấp 40 lần sau 15 năm); đến nay có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế.
KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTN đạt khoảng 6-8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế.
Khu vực KTTN đóng góp rất quan trọng tạo việc làm, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt ở vùng nông thôn, địa bàn khó khăn. Giai đoạn 2017-2024, khu vực KTTN sử dụng bình quân hơn 43,5 triệu lao động, chiếm hơn 82% tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế.
Tỷ trọng vốn đầu tư của KTTN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, từ 44% năm 2010 lên 56% năm 2024; đóng góp hơn 30% tổng thu NSNN, khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
KTTN là khu vực năng động trong đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ. Các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tăng nhanh, từ 1.500 startup năm 2015 lên khoảng 4.000 startup vào năm 2024. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang hình thành, phát triển, vươn tầm khu vực, quốc tế.
Đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên ngày càng mạnh mẽ; đặc biệt, ngay cả trong những thời kỳ khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, các doanh nghiệp, doanh nhân vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng.
Bên cạnh những ưu điểm cơ bản kể trên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cấp còn tồn tại trong khu vực kinh tế tư nhân.
Trong đó, mục tiêu về phát triển kinh tế tư nhân tại Nghị quyết 10 năm 2017 là đến năm 2025, cả nước có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, đóng góp 55% GDP, đến nay vẫn chưa đạt được. Tuy nhiên, Thủ tướng kỳ vọng từ nay đến cuối năm, khi Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống sẽ có chuyển biến mạnh hơn và có thể đạt mục tiêu đóng góp vào tỷ trọng GDP, trong khi mục tiêu về tổng số doanh nghiệp cần phấn đấu thêm.
Thủ tướng cũng cho biết hiện có tới 98% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, gần 70% doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế, năng suất thấp hơn khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước. Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI toàn quốc còn thấp, chỉ khoảng 21%. Chưa có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm 2024, tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động của Việt Nam cũng chỉ khoảng 10 doanh nghiệp/1.000 dân, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Hàn Quốc là 140 doanh nghiệp; Singapore là 110 doanh nghiệp; Thái Lan là 42 doanh nghiệp; Nhật Bản có 32 doanh nghiệp và Malaysia có 28 doanh nghiệp/1.000 dân.
Bên cạnh đó, tốc độ doanh nghiệp rút khỏi thị trường cũng có xu hướng tăng, phản ánh khó khăn, biến động bất lợi của thị trường quốc tế, trong nước.
Đáng chú ý, Thủ tướng cho biết việc tiếp cận nguồn lực của các doanh nghiệp tư nhân còn nhiều khó khăn về tài chính, tín dụng và đất đai, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ cao… đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong đó, dù chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ mới chỉ tiếp cận được chưa tới 20% tổng dư nợ tín dụng. Các doanh nghiệp này cũng chiếm chưa tới 10% tổng vốn hóa thị trường chứng khoán.
Thủ tướng cũng chỉ ra việc kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với nhau, doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI còn hạn chế; hiện chỉ có 18% doanh nghiệp trong nước có kết nối chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó nhóm doanh nghiệp lớn chiếm 62%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Một bộ phận doanh nghiệp, doanh nhân cũng chưa nghiêm túc tuân thủ pháp luật, thông tin chưa minh bạch, thiếu tầm nhìn chiến lược, đạo đức kinh doanh còn hạn chế, cạnh tranh thiếu lành mạnh, sản xuất hàng giả, hàng nhái, vi phạm hợp đồng vẫn xảy ra.
“Khu vực doanh nghiệp tư nhân có lúc, có nơi vẫn găm hàng, đội giá, thao túng thị trường; có trường hợp câu kết với cá nhân, tập thể của Nhà nước để tiêu cực, tham ô, tham nhũng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra nguyên nhân lớn nhất của những hạn chế này là việc chúng ta là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu chưa cao từ các cú sốc bên ngoài, tình hình thiên tai, hạn hán, lũ lụt diễn biến phức tạp… Các điều kiện này tạo ra hệ sinh thái chưa tốt cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng có vấn đề về nhận thức, chưa thực sự cởi mở với kinh tế tư nhân.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh thể chế vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” cản trở phát triển của kinh tế tư nhân, cũng là điểm nghẽn chung của đất nước, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, rườm rà, cơ chế giải quyết thủ tục hành chính cho khu vực tư nhân còn chưa thuận lợi…
Ngoài ra, năng lực nội tại của kinh tế tư nhân còn hạn chế, nhất là về vốn, quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng mô hình kinh doanh mới, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn còn gặp khó khăn; tư duy nhận thức của một bộ phận cán bộ công chức còn mang nặng tính xin cho, thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp…
“Tóm lại, phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều khó khăn, vì cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là chính, từ vấn đề nhận thức đến định hướng, tổ chức thực hiện, quản lý Nhà nước… Do đó, dù chúng ta có nhiều cố gắng nhưng kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với mong muốn phát triển kinh tế tư nhân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Muốn tăng năng lực sản xuất nội địa phải bắt đầu từ quy chuẩn, tiêu chuẩn
Doanh nhân, tinh thần doanh chủ và sứ mệnh định hình nền kinh tế tư nhân thời kỳ mới
Thông tin mới cập nhật