TCTM – Sau gần bốn thập kỷ đổi mới, kinh tế tư nhân không chỉ mở rộng quy mô mà đang chuyển mình mạnh mẽ về chất lượng. Trong bối cảnh mới, phân biệt giữa doanh nhân, doanh chủ và “con buôn” không đơn thuần là nhận thức mà là điều kiện cần để định vị vai trò và xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, bền vững.
Sau gần bốn thập kỷ đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Với đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và tạo sinh kế cho khoảng 82% lực lượng lao động, khu vực này đang khẳng định vai trò ngày càng lớn không chỉ về lượng mà cả về chất, thể hiện ở khả năng thích ứng, đổi mới và sức sống bền bỉ trong môi trường cạnh tranh không ngừng biến động.
Tuy nhiên, để thực sự trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia như mục tiêu Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị đã đặt ra, không chỉ cần các cơ chế, chính sách thuận lợi mà còn đòi hỏi một hệ giá trị mới – nơi các hình mẫu doanh nhân, doanh chủ được xác lập rõ ràng, minh bạch, tạo nền tảng cho môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững.
Doanh nhân – Người kiến tạo giá trị
Theo Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, 2003), doanh nhân được định nghĩa là “người làm nghề kinh doanh”. Trong thực tiễn hiện đại, doanh nhân không chỉ là người tham gia hoạt động kinh doanh, mà còn là người kiến tạo giá trị bền vững, là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Họ là những đầu tàu đổi mới sáng tạo, nhạy bén với chuyển động của thị trường, luôn tìm kiếm cơ hội để phát triển sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh. Doanh nhân ngày nay không chỉ hướng đến lợi nhuận mà còn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sống, góp phần phát triển cộng đồng và quốc gia. Họ là hiện thân của tinh thần tiên phong, kết nối hiệu quả giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm xã hội.
Doanh chủ – Người phụng sự xã hội thông qua sở hữu và kiến tạo
Doanh chủ là người sáng lập, sở hữu và trực tiếp điều hành doanh nghiệp, gánh vác trách nhiệm với cộng đồng thông qua việc tạo việc làm, đóng góp ngân sách, phát triển địa phương. Nếu doanh nhân là người vận hành guồng máy doanh nghiệp, thì doanh chủ là người “thổi hồn vào doanh nghiệp”, khởi tạo triết lý kinh doanh và truyền cảm hứng phát triển bền vững.
Doanh chủ không chỉ dừng lại ở khía cạnh quản trị, mà còn là người dấn thân, đặt tâm huyết vào việc tạo ra giá trị vượt ra ngoài phạm vi tài chính, hướng tới sự tiến bộ xã hội và phát triển quốc gia.
Tinh thần doanh chủ – Cốt lõi phát triển bền vững
Tinh thần doanh chủ không nhất thiết gắn với sở hữu doanh nghiệp. Đó là một lối tư duy, một thái độ sống, phản ánh phẩm chất của những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và chấp nhận rủi ro để đổi mới, sáng tạo và tạo ra giá trị mới.
Điểm khác biệt giữa doanh nhân và tinh thần doanh chủ nằm ở chỗ: doanh nhân thể hiện vai trò của người có vị trí trong guồng máy kinh tế; còn tinh thần doanh chủ là tư duy – có thể hiện diện ở mọi tầng lớp, trong mỗi công dân, mỗi người lao động, mỗi nhà quản lý, họ dấn thân tạo giá trị, chủ động thay đổi và kiên trì theo đuổi mục tiêu tích cực.
Tinh thần doanh chủ giúp mỗi cá nhân luôn sáng tạo trong tư duy, linh hoạt trong hành động, kiên trì với mục tiêu và học hỏi từ thất bại; chủ động trước hoàn cảnh và luôn đặt lợi ích cộng đồng song hành với lợi ích cá nhân.
Trong nền kinh tế hiện đại, tinh thần doanh chủ là chất xúc tác không thể thiếu cho đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động và thúc đẩy phát triển bền vững ở quy mô toàn xã hội.
“Con buôn” – Biểu tượng méo mó của kinh doanh
Trái ngược với doanh nhân hay doanh chủ, hình ảnh “con buôn” trong dân gian chỉ những người kinh doanh dựa trên toan tính vụ lợi, bất chấp đạo lý và lợi ích xã hội. Họ có thể giàu có, nhưng thiếu trách nhiệm cộng đồng, dễ dàng thao túng thị trường, phá vỡ chuẩn mực đạo đức và làm tổn hại đến niềm tin của người tiêu dùng.
Trong khi doanh nhân và doanh chủ tạo ra giá trị thì “con buôn” chỉ tận dụng giá trị sẵn có để mưu cầu lợi ích. Kinh tế tư nhân muốn phát triển bền vững thì không thể bị chi phối bởi lối làm ăn cơ hội, trục lợi hay chộp giật kiểu “con buôn”.
Định vị để phát triển
Nghị quyết 68-NQ/TW xác lập hình mẫu doanh nhân thời kỳ mới là những người giỏi chuyên môn, vững quản trị, có đạo đức, giàu tinh thần dân tộc và ý thức phụng sự cộng đồng. Họ là lực lượng tiên phong trên hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi xanh và phát triển tuần hoàn.
Việc phân biệt giữa doanh nhân, doanh chủ và “con buôn” không nhằm mục đích phán xét, mà là để nhận diện đúng bản chất và khích lệ đúng đối tượng. Khi các giá trị tích cực được tôn vinh, khi tinh thần doanh chủ lan tỏa đến từng người lao động, từng hộ kinh doanh và từng doanh nghiệp, đó chính là nền tảng vững chắc để khu vực kinh tế tư nhân bứt phá, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường, thịnh vượng./.
Lâm Anh
Thông tin mới cập nhật