TCTM – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đối với doanh nghiệp gian dối sẽ bổ sung thêm xử lý hình sự, thu hồi giấy phép kinh doanh và công bố công khai các vi phạm của doanh nghiệp trên nền tảng số quốc gia.
Sáng 17/5, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo luật, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng đã giải trình, tiếp thu và làm rõ ý kiến của đại biểu nêu.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng giải trình ý kiến đại biểu tại Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chuyển từ chia nhóm sản phẩm một cách hành chính, nhóm 1, nhóm 2 như trước đây sang phân loại sản phẩm, hàng hóa theo mức độ rủi ro để quản lý khác nhau theo hướng ít tiền kiểm và tăng cường giám sát, hậu kiểm; thay đổi thứ tự tiền kiểm, hậu kiểm, giám sát chuyển thành giám sát, hậu kiểm và tiền kiểm.
Với các sản phẩm rủi ro cao phải công bố hợp quy với sự đánh giá của bên thứ ba, tức là có tiền kiểm và đa số các quốc gia đều làm như vậy với khoảng từ 5-10% tổng số hàng hóa, còn lại từ 90-95% là hậu kiểm. Sản phẩm rủi ro trung bình thì doanh nghiệp tự công bố hợp quy và tự chịu trách nhiệm. Với sản phẩm rủi ro thấp thì doanh nghiệp công bố tính năng tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng nếu có.
Theo Bộ trưởng, dù có tiền kiểm hay hậu kiểm thì hậu kiểm thường xuyên vẫn là biện pháp căn cơ, lâu dài. Tần suất hậu kiểm phụ thuộc vào mức độ rủi ro của sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có uy tín, ít vi phạm thì tần suất hậu kiểm thấp, chứng nhận sự phù hợp của bên thứ ba phục vụ công bố hợp quy thì làm một lần, dùng chung cho các thủ tục hành chính nếu có, không trùng lặp thủ tục như giữa đăng ký, lưu hành và chứng nhận hợp quy tại các luật khác nhau.
Đối với hàng hóa nhập khẩu thì thừa nhận kết quả quốc tế thay vì phải dán nhãn phụ, dấu công bố hợp quy một cách vật lý trên trực tiếp sản phẩm như trước đây nay sẽ áp dụng nhãn điện tử trên bao bì sản phẩm hoặc tài liệu kèm theo.
Đối với các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu có mức độ rủi ro trung bình mà có cùng loại, cùng tên, cùng nhãn hàng hóa, cơ sở sản xuất và chất liệu bao bì thì dự thảo luật có quy định giảm nhẹ thủ tục đánh giá sự phù hợp và tự công bố hợp quy đối với những lần nhập khẩu tiếp theo.
Theo Bộ trưởng, đây là những thay đổi có tính chiến lược, chuyển từ tiền kiểm là chính sang giám sát hậu kiểm, quản trị rủi ro, giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp nhưng vẫn bảo vệ được người tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Điều này có nghĩa phải cân bằng bộ 3: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. “Thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng phải bảo vệ tốt hơn người tiêu dùng và Nhà nước đảm bảo sự phát triển có trật tự, tăng vai trò của các tổ chức xã hội trong hậu kiểm như đại biểu nêu”.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc tăng chế tài xử lý vi phạm mang tính răn đe. Trước đây chỉ phạt hành chính thì nay bổ sung thêm xử lý hình sự, thu hồi giấy phép kinh doanh và công bố công khai các vi phạm của doanh nghiệp trên nền tảng số quốc gia.
Đối với hoạt động tự công bố hợp quy hoặc tự công bố tiêu chuẩn áp dụng thì khi phát hiện gian dối sẽ áp dụng hình thức xử phạt cao hơn, thậm chí tước quyền tự công bố, có nghĩa là hậu kiểm đi kèm với trách nhiệm của doanh nghiệp phải cao hơn.
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án luật này vào ngày 16/6/2025.
Muốn tăng năng lực sản xuất nội địa phải bắt đầu từ quy chuẩn, tiêu chuẩn
Thông tin mới cập nhật