TCTM – Đã nhiều lần, ông nội tôi bày tỏ mong muốn căn nhà mới hoàn thành trong năm nay sẽ được lắp thang máy. Để hàng ngày, ông bà có thể đi thang máy lên sân thượng tưới hoa và mùng Một, ngày Rằm đi thang lên thắp hương cúng tổ tiên, thể hiện lòng thành kính và cầu ước những điều tốt lành.
Tết Ất Tỵ năm nay, ông nội tôi thọ 85 tuổi. Các cô, chú tôi đều về Vinh mừng thọ ông, tất nhiên tôi – đứa cháu gái yêu của ông cũng có mặt tại ngày vui. Biết ông thích đi bộ, thích trồng hoa, chú tôi đã đang hoàn thiện căn biệt thự tại khu Vinh Park River để ông bà cùng dưỡng già.
Mùng 3 Tết, khi con cháu đã quây quần đủ bên, ngồi tại phòng khách, ông nội mới thủng thỉnh nói: Cả đời tích cóp, nay ông quyết định chia thành ba phần, một phần để cho bà lo thuốc thang tuổi già, phần ông chia đều cho 7 đứa cháu nội, phần còn lại ông sẽ góp vào lắp chiếc thang máy cho nhà chú Toàn đang xây.
Ông suy nghĩ kỹ rồi, lắp chiếc thang máy, hàng ngày ông sẽ dễ dàng lên gác thắp hương cho tổ tiên, bà đi tưới hoa. Nhìn tôi, đứa cháu gái đầu tiên của đại gia đình, ông cười vui vẻ: Chú Toàn phải lắp sớm đi nhỉ, thang máy phải đủ rộng, chạy êm để khi Lọ Lem đưa chồng về ra mắt ông bà tổ tiên, khỏi phải leo gác nhỉ?
Tôi cười, có lẽ chuyện ông đi mua thang có khi còn dễ hơn chuyện tôi đi lấy chồng. Giờ chưa có người yêu, không biết bao giờ tôi mới đi lấy chồng, nhưng nghe ông nói, tôi cũng thấy vui vui.
Nghe chuyện, cô Giao – con út của ông tôi, làm việc tại NTT Data của Nhật Bản đưa ra lời khuyên cứ chọn thang máy thương hiệu xứ Mặt trời mọc, nhập nguyên chiếc là ổn nhất, bởi thang Nhật an toàn, ổn định cao, tiết kiệm năng lượng và có độ bền. Các cô, chú tôi nói các thương hiệu Mitsubishi, Hitachi, Fuji và Toshiba đã nổi tiếng toàn cầu, thang nhập khẩu cũng chỉ 800-900 triệu đồng. Xem ra, ai trong đại gia đình cũng xung phong góp thêm tiền, làm quà tặng ông, bà tôi.
Buổi gặp mặt đầu năm của đại gia đình tôi đã trở thành buổi sinh hoạt chuyên đề thang máy. Ông nội tôi, một đồ Nghệ chính hiệu, với tiêu chí “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” ông muốn sử dụng thang máy Việt Nam giúp phát triển nền kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nước.
Đến lúc này, chú Toàn tôi làm ngân hàng, vốn không quá xa lạ với các công ty thang máy. Cả nhà giật mình khi được chú tôi chia sẻ thông tin năm 2024 vừa qua, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu thang máy lớn thứ 13 của Trung Quốc, với hơn 2.500 thang máy, giá trị kim ngạch đạt gần 1.500 tỷ đồng. Chú tôi phân tích Trung Quốc đang chiếm 12-15% thị trường thang máy Việt Nam.
Chú tôi nói, đáng buồn là các công ty thang máy Việt Nam, đôi khi mang danh đại diện cho hãng này, hãng nọ nhưng lại lặng lẽ sang Trung Quốc đặt mua các thiết bị chính như máy kéo, tủ điện,… rồi tự gia công các phần cơ khí còn lại trong nước rồi đặt tên là thang liên doanh hãng này hãng khác. Thang máy Trung Quốc chất lượng cao nhưng vấn đề là các công ty thang máy Việt Nam lại nhăm nhe chọn hàng rẻ, kém chất lượng để đưa về nước để kiếm lời nhiều. Chú tôi khẳng định, đó là thực trạng đáng buồn.
Hiện chỉ có rất ít công ty tháng máy nội địa là có định hướng chiến lược rõ ràng, từng bước nghiên cứu, nội địa hóa lắp đặt, sản xuất các linh kiện, thiết bị để tăng dần tỷ lệ nội địa hóa.
Chú Toàn tôi chia sẻ: Thang máy Việt Nam muốn phát triển, phải “làm thật” nghĩa là phải định hướng con đường cho cả ngành còn non trẻ và tiềm năng. Nếu chỉ tính cách nhập thiết bị chính về, gia công cơ khí thêm phần vỏ, lắp đặt xong thu tiền đút túi rồi bỏ mặc nhiệm vụ chăm sóc khách hàng thì rốt cuộc thua ngay trên sân nhà, mất hết thị trường béo bở cho các hãng thang ngoại khác.
Nghe chú tôi nói đến đây, cả nhà mới giật mình. Mua thang nhập nguyên chiếc, đắt hơn 30-50% thang liên doanh, nội địa nhưng các hãng thang có uy tín thương hiệu, chắc chắn họ không dám bỏ bê. Có thể phải mất thời gian để nhập linh kiện thay thế, nhưng các hãng đều có trách nhiệm đến cùng vòng đời chiếc thang. Như ở Vinh, đô thị mới phát triển, các gia đình dùng thang Việt Nam sản xuất do các công ty nhỏ nhập về, lắp đặt nên nhiều sản phẩm fake thì trong quá trình sử dụng bị sự cố, công ty không tồn tại, hoặc đổi tên, chuyển địa chỉ thì đúng là chả biết kêu ai.
Vốn không hay bàn chuyện nhà chồng, nhưng thấy rôm rả, mẹ tôi cũng góp vui, mới đây tại tòa nhà CT8A chung cư Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) 32 tầng đã xảy ra sự cố thang máy. Thang máy lên đến tầng 3 thì bất ngờ dừng lại rồi tụt xuống, mắc kẹt giữa tầng 1 và tầng 2. Khi đó, trong thang máy có khoảng 20 người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, kêu gào thảm thiết. Hóa ra sự cố do puly, dây cáp tải vì các thiết bị này đã hoạt động hơn 10 năm mà không được thay thế. Nếu không thay đổi tư duy của các doanh nghiệp thang máy lẫn người tiêu dùng thì giấc mơ, định hướng “Nhanh hơn, Thông minh hơn, An toàn hơn” của ngành thang máy đã và đang là điều gì đó xa với.
Mẹ tôi dẫn chuyện, vấn đề an toàn thang máy tại Việt Nam không phải chỉ ở Hà Nội, TP.HCM, nhiều sự cố tại các tỉnh thành khác cũng đã được phản ánh nhiều lần trên báo chí. Nổi cộm nhất là việc một số các doanh nghiệp thang máy Việt Nam chạy theo lợi nhuận, chủ yếu cung cấp thang máy, linh kiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, để giảm chí phí họ tuyển chọn các kỹ thuật viên, công nhân lắp đặt không được đào tạo chuyên môn.
Câu chuyện mùng 3 Tết Ất Tỵ năm nay của gia đình ông nội tôi chưa có hồi kết. Tôi, đứa cháu gái của nhà cầm bút ghi lại, một câu chuyện có thật, đem đến cuộc thi, không đơn thuần để nhận giải thưởng mà cốt sao để cho các doanh nhân thang máy Việt đọc và suy ngẫm.
[BÀI DỰ THI] Kỳ 1: Tôi và ông nội với giấc mơ thang máy – Chuyện từ Taipei 101
Thảo Chi
Thông tin mới cập nhật