TCTM- Nhiều Đại biểu Quốc hội đề xuất xem xét bỏ quy định công bố hợp quy nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 10/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Toàn cảnh phiên họp
Tại phiên thảo luận, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đó là quy định về công bố hợp quy, nhiều đại biểu cho rằng, đây thật sự là một khó khăn cho doanh nghiệp, gây tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và tạo gánh nặng cho người tiêu dùng trong nước.
Giải trình về việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng khẳng định, bắt buộc phải có công bố hợp quy để quản lý chất lượng sản phẩm, không để ra thị trường những sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đóng góp ý kiến quy định về công bố hợp quy tại Điều 48, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, việc duy trì quy định công bố hợp quy khiến Việt Nam trở thành một trong số ít, nếu không muốn nói là quốc gia duy nhất, còn áp dụng quy định này trong khi Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT – Agreement on Technical Barriers to Trade) của WTO và pháp luật của các nước đối tác thương mại lớn không có quy định tương tự.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang
Điều này không chỉ đi ngược lại chuẩn mực quốc tế mà còn có nguy cơ bị các đối tác thương mại nhìn nhận là một hàng rào phi thuế quan không cần thiết, không có cơ sở khoa học, gây khó khăn cho Việt Nam trong các cuộc đàm phán mở cửa thị trường.
Thực tế cho thấy, để thực hiện công bố hợp quy, doanh nghiệp phải tốn kém chi phí không nhỏ cho việc kiểm nghiệm mẫu, chưa kể thời gian chờ đợi để được đăng ký hoặc tiếp nhận bản công bố. Những gánh nặng này trực tiếp gây lãng phí thời gian và tiền bạc, làm tăng chi phí sản xuất, giảm lợi thế cạnh tranh của hàng hóa “Made in Vietnam” và làm lỡ mất nhiều cơ hội kinh doanh quý báu của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với những lý lẽ nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé khẳng định, việc bãi bỏ quy định công bố hợp quy không chỉ giúp chúng ta hài hòa với thông lệ quốc tế, mà quan trọng hơn, sẽ tạo điều kiện thuận lợi, thực chất cho doanh nghiệp phát triển, giảm chi phí tuân thủ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cũng đồng tình quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) nêu rõ, hiện nay có khoảng 20 hiệp hội đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp thành viên và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học để phân tích, đánh giá, làm rõ tác động của quy định này đến việc quản lý và họ đều có chung kiến nghị bãi bỏ quy định về công bố hợp quy. Cùng với đó, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đại biểu Trần Thị Vân cho biết, không có quốc gia nào trên thế giới áp dụng quy định công bố hợp quy.
Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh
“Quy định về công bố hợp quy hiện nay chỉ mang tính hình thức, chồng chéo và không cần thiết, gây tốn kém” – Đại biểu dẫn chứng việc công bố hợp quy thì làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, gia tăng chi phí, thời gian chờ đợi và làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa doanh nghiệp trong nước.
“Chỉ để hoàn tất một thủ tục công bố hợp quy cho một sản phẩm, doanh nghiệp phải chi trả trung bình từ 3 đến 5 triệu đồng, thậm chí có trường hợp lên tới 15 đến 30 triệu đồng, đáng nói là thủ tục này phải tái thực hiện 3 năm một lần, tạo ra một chu kỳ lãng phí liên tục” – đại biểu nêu và đề nghị xem xét bãi bỏ quy định công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa tại Điều 48 dự thảo Luật, đặc biệt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp và có tính cạnh tranh cao.
Trước những ý kiến, đề xuất của các ĐBQH, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng khẳng định, quy chuẩn hợp quy là một công cụ để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Nếu chúng ta không có tiêu chuẩn để quản lý, giám sát thì sẽ ảnh hưởng ngay đến an toàn sức khỏe của người dân, cộng đồng và môi trường.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, vấn đề ở đây là chúng ta phải quản lý sản phẩm, hàng hóa đến đâu và quản lý bằng cách nào để vẫn đảm bảo được công tác quản lý Nhà nước đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường mà không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, không ảnh hưởng đến môi trường, không ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội nhưng vẫn phải đảm bảo sự minh bạch và thuận lợi cho các hoạt động của doanh nghiệp. Việc quản lý cũng phải giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, cho hàng hóa Việt Nam.
Thông tin mới cập nhật