TCTM – Không ít người tiêu dùng Việt Nam như lạc vào mê hồn trận khi đi mua thang máy cho ngôi nhà của mình. Khách hàng muốn thang máy, thang nào cũng có, giá nào doanh nghiệp cũng chiều. Khi làm hợp đồng, các doanh nghiệp đều cam đoan “hàng đúng nguồn gốc xuất xứ, chất lượng bảo đảm”… thế nhưng không ít trường hợp đến khi sử dụng sự cố, khách hàng tự chịu.
Chuyên mục mới của Tạp chí, không “đao to, búa lớn” mà các nhà báo có vốn sống phong phú đã đưa ra những lát cắt, xoáy sâu vào cuộc sống đô thị.
Đối trọng: Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam thì Tấm, Cám có lẽ là một câu chuyện khiến chúng ta ngẫm nghĩ về luật nhân – quả nhất ông nhỉ?
Cabin: Thế hệ chúng ta, ai đi học ít nhất cũng một lần đọc chuyện này, qua truyện cổ tích Tấm Cám, cha ông ta đã dụng ý để lại nhiều thông điệp cho con cháu mai sau. Bài học đầu tiên dễ dàng rút ra đó là: sự thật cuối cùng sẽ chiến thắng, mụ Dì ghẻ có khéo léo tìm cách đánh tráo Cám vào cung thì cuối cùng sẽ bị nhà vua phát hiện. Dù không phải ai cũng hài lòng với cái kết của câu chuyện nhưng đó cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai cố tình gian dối trong cuộc sống.
Đối trọng: Đúng rồi, sau khi chết, nếu Tấm không biến thành con chim Vàng Anh, tố cáo hành động của mẹ con nhà Cám thì sẽ có con chim khác báo tin cho Vua thôi, bởi bao đời, sự thật bao giờ cũng chiến thắng, cái đẹp sẽ lấn cái xấu.
Đối trọng: Nghe bảo thị trường thang máy đang sôi động, đi đâu cũng gặp quảng cáo “ngon, bổ, rẻ” theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, kiểu thương hiệu Nhật Bản, bo mạch Trung Quốc, cabin Việt Nam. Đi sâu vào thị trường thang máy Việt, nghe bảo đây là “mảnh đất lắm người nhiều ma”?
Cabin: (Cười) Nghe cụ nói gai người, nhưng đúng là hiện người tiêu dùng đang gặp 101 chiêu trò lừa đảo. Nhẹ thì họ đánh tráo thiết bị, nặng thì tráo cả thương hiệu, hệt như mụ dì ghẻ, tráo Cám, thay Tấm vào cung.
Ông thử tìm kiếm “thang máy liên doanh” mà xem, ra nhan nhản các “thương hiệu liên doanh tự phong”. Nào là liên doanh Mitsubishi, liên doanh Fuji, liên doanh Schneider,… Thậm chí, người ta còn lấy tên theo các hãng sản xuất động cơ hoặc thiết bị chính cho thang máy như thang máy liên doanh Montanari, thang máy liên doanh Ziehl-Abegg,…
Mà thực tế, hiện nay Việt Nam mình đã có thang máy liên doanh đâu. Liên doanh phải là sự hợp tác kinh tế giữa hai hoặc nhiều bên cùng góp vốn, cùng tham gia quản lý và cùng chia lợi nhuận.
Mấy ông cứ đánh tráo khái niệm, đặt nhiều linh kiện từ các đơn vị gia công khác nhau về lắp ráp, cắt gọt linh kiện, thiết bị, lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia” để tạo ra sản phẩm rồi gọi đó là “thang máy liên doanh”.
Báo giá thang máy của một doanh nghiệp chào bán “Thang máy liên doanh Fuji Nhật Bản” với mức giá chỉ 350 triệu đồng cho thang máy 450kg – 9 điểm dừng.
Thực ra đối với các linh kiện thang máy, một lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn khá cao, người tiêu dùng hiện này thường không hiểu biết quá nhiều, cộng với tâm lý sính hàng ngoại, ham hàng rẻ vì thế mà các đối tượng xấu có cơ hội lợi dụng để “tuồn” hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào thị trường.
Đối trọng: Không lẽ đó lại là sự thật? Thời nào nữa là còn tráo Cám thay Tấm?
Cabin: (đưa tập tài liệu) Thế thì cụ xem hộ tôi, cái báo giá Thang máy chở khách FUJI EEC, tải trọng 450kg, 6 điểm dừng, tốc độ 60m/phút, với các giá hơn 400 triệu đồng này xem có gì bất thường không rồi ta bàn tiếp?
Đối trọng: (ngắm nghía hồi lâu) Đúng là ngoài cái giá rẻ thì mọi thứ đều hợp lý quá ông ạ?
Cabin: Đấy nhé, ngay cả cụ là dân cơ khí còn thế, huống hồ người tiêu dùng. Đây nhé, bộ phận quan trọng của thang máy chính là cái tủ điện công suất 5,5kw. Cụ tinh mắt nhìn vào bản báo giá này nhé, chào hàng là FUJI NICE 3000 – JAPAN, nhập khẩu đồng bộ xuất xứ Malaysia. Trên thực tế, tủ điện NICE 3000 là của hãng Monarch và được sản xuất tại Trung Quốc. Đúng là, “tiên sư anh Tào Tháo” tinh vi thế là cùng.
Đối trọng: Vì thế, nên ông bảo, giá nào thì mấy doanh nghiệp thang máy làm ăn láo nháo cũng thò bút ký?
Cabin: Đúng thế, đó chỉ là một trong 101 chiêu “lùa gà” mà mấy doanh nghiệp thang máy “vừa làm, vừa lừa” đang thực hiện. Các sản phẩm linh kiện thang máy giờ được làm giả, nhái một cách rất công phu, khiến người tiêu dùng khó có thể nhận biết, phân biệt nếu không phải là một chuyên gia trong ngành.
Đối trọng: Này ông, không ít người tiêu dùng “sính ngoại” nên vô tình chọn mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vô tình tiếp tay cho hàng giả tồn tại. Tôi nhớ từng có trường hợp báo đài đưa tin, quả quyết là thang nhập khẩu nhưng doanh nghiệp thang máy loay hoay cả mấy tháng trời mà vẫn không cung cấp được giấy chứng nhận do Mitsubishi sản xuất.
Hiện hoạt động quản lý thị trường còn lỏng lẻo. Phải chăng chế tài xử lý đối với việc sản xuất, lưu hành hàng giả, hàng kém chất lượng còn “giơ cao đánh khẽ”, nhiều khi chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính.
Cabin: Rất buồn, bởi những điều như thế. Câu chuyện hàng nhái, hàng giả thì đời nào cũng có, quốc gia nào cũng có. Nhưng giờ là lúc chúng ta cần phải nói thẳng với nhau, thời “làm giả, ăn thật” đã qua, không phải chỉ riêng lĩnh vực thang máy, mà các các ngành dịch vụ, bao vụ việc vừa bị phanh phui.
Chúng ta phải tăng chế tài xử phạt, không nói đâu xa, nhìn sang Nhật, dù với mục đích sử dụng cá nhân hay kinh doanh, dính đến hàng giả, nhái hình phạt tù cho hành vi trên đến 10 năm và/hoặc phạt tiền lên đến 10 triệu yên (khoảng 1,7 tỷ VND). Mỹ và các nước châu Âu hình phạt cũng nặng không kém.
Đối trọng: Ôi, đúng là giờ đi mua cái gì cũng như đang ở giữa “thiên la địa võng”!
An Thanh
Thông tin mới cập nhật