TCTM – Khá nhiều người bất ngờ khi không phải các hãng thang Mỹ, hay châu Âu mà thang máy Sabeam (xuất xứ Ý) lại xuất hiện tại Dinh Độc Lập, một trong những tòa nhà hiện đại nhất Sài Gòn hồi bấy giờ.
“Cha đẻ” của kiến trúc Dinh Độc Lập là KTS Ngô Viết Thụ (1926-2000). Năm 18 tuổi, ông thi đỗ vào Trường Kiến trúc Đà Lạt trực thuộc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Học chưa được một năm thì đã xảy ra chiến tranh, Nhà trường giải thể. Năm giữa thế kỷ XX, ông sang Pháp tiếp tục học kiến trúc sư tại Trường Mỹ thuật Quốc gia Paris, 5 năm sau ông bảo vệ đồ án tốt nghiệp kiến trúc sư xuất sắc.
Năm 1955, ông tham gia cuộc thi thiết kế dự án Ngôi thánh đường trên Địa Trung Hải có sức chứa 40.000 tín đồ. Đồ án được lọt vào vòng trong, bao gồm 10 tác phẩm xuất sắc nhất. Vòng cuối, tác phẩm của KTS Ngô Viết Thụ đạt Giải thưởng Khôi nguyên La Mã (Premier Grand Prix de Roma) với số phiếu gần như tuyệt đối của Ban giám khảo áp đảo 28/29, khi ấy ông mới 29 tuổi.
Sau ngày đất nước thống nhất, KTS Ngô Viết Thụ đã tham gia cuộc thi thiết kế tìm ý phương án Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội và nhiều công trình khác như bệnh viện Sông Bé (1985), khách sạn Century – Huế (1990), Thiền viện Trúc Lâm trong khu vực thắng cảnh hồ Tuyền Lâm- Đà Lạt (1993)
Muốn tham dự cuộc thi này, thí sinh phải có quốc tịch Pháp; tuổi dưới 25, độc thân và phải có đạo Thiên Chúa. Trong khi đó, Ngô Viết Thụ không có quốc tịch Pháp; tuổi đã 28, đã có vợ con và lại là Phật tử. Có lẽ tài năng đã cứu giúp ông và Viện Hàn lâm Pháp không muốn bỏ sót một tài năng xuất chúng đã giúp KTS Ngô Viết Thụ đặc cách dự thi và vượt qua 4 vòng thi một cách hoàn hảo.
Với việc đoạt giải Khôi nguyên La Mã của Viện Hàn lâm Pháp, ông được cấp học bổng 3 năm nghiên cứu và sáng tác tại các khu biệt thự Medicis thuộc tài sản Pháp ở La Mã. Một vinh dự lớn nữa, một triển lãm trình bày các sơ đồ kiến trúc mang tên Ngô Viết Thụ được Tổng thống hai nước Pháp và Ý đến cắt băng khánh thành.
Sau khi phe đảo chính thả bom phá sập Dinh Độc Lập vào năm 1962, chính quyền Ngô Đình Diệm chủ trương xây lại dinh và tổ chức ngay một cuộc thi thiết kế mới với tinh thần tiết kiệm, tận dụng kết cấu cũ. Phương án của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã được chọn từ 6 phương án dự thi, đồng thời khẩn trương thiết kế thi công để khởi công xây dựng vào ngày 1/7/1962.
Tuy là công trình đầu tay của một kiến trúc sư vừa tốt nghiệp ở phương Tây trở về, song ông không cứng nhắc theo phong cách kiến trúc hiện đại phương Tây mà có sự kết hợp nhuần nhuyễn với kiến trúc Á Đông, đặc biệt là kiến trúc truyền thống Việt Nam.
Từ mặt bằng tổng thể đến mặt bằng ngôi nhà đều bố cục theo triết học phương Đông một cách thâm thuý, thể hiện qua chiết tự những chữ Hán có ý nghĩa đem lại điều tốt lành, hưng thịnh.
Bảng đồng ở Dinh Độc Lập, một trong những công trình kiến trúc quy mô nhất của Ngô Viết Thụ
Toàn thể bình diện của Dinh Độc Lập làm thành hình chữ CÁT ( 吉 ) có nghĩa là tốt lành, may mắn; Tâm của Dinh là vị trí phòng Trình quốc thư; Lầu thượng là Tứ phương vô sự lầu hình chữ KHẨU ( 口 ) để đề cao giáo dục và tự do ngôn luận. Hình chữ KHẨU ( 口 ) có cột cờ chính giữa sổ dọc tạo thành hình chữ TRUNG ( 中 ) như nhắc nhở muốn có dân chủ thì phải trung kiên.
Nét gạch ngang được tạo bởi mái hiên lầu tứ phương, bao lơn danh dự và mái hiên lối vào tiền sảnh tạo thành hình chữ TAM ( 三 ), theo quan niệm dân chủ hữu tam viết nhân, viết minh, viết võ, ý mong muốn một đất nước hưng thịnh thì phải có những con người hội đủ 3 yếu tố Nhân, Minh, Võ.
Ba nét gạch ngang này được nối liền nét sổ dọc tạo thành hình chữ VƯƠNG ( 王 ), trên có kỳ đài làm thành nét chấm tạo thành hình chữ CHỦ ( 主 ) tượng trưng cho chủ quyền đất nước. Mặt trước của dinh thự, toàn bộ bao lơn lầu 2 và lầu 3 kết hợp với mái hiên lối vào chính cùng 2 cột bọc gỗ phía dưới mái hiên tạo thành hình chữ HƯNG ( 興 ) ý cầu chúc cho nước nhà được hưng thịnh mãi.
Vẻ đẹp kiến trúc của Dinh còn được thể hiện bởi bức rèm hoa đá mang hình dáng những đốt trúc thanh tao bao xung quanh tầng 2. Rèm hoa đá được biến cách từ bức cửa bàn khoa của các cung điện Cố đô Huế, không chỉ làm tăng vẻ đẹp của Dinh mà còn có tác dụng lấy ánh sáng mặt trời.
Đi vào bên trong Dinh, tất cả các đường nét kiến trúc đều dùng đường ngay sổ thẳng, các hành lang, đại sảnh, các phòng đều lấy câu chính đại quang minh làm gốc. Kiến trúc Dinh Độc lập đã hội tụ đủ yếu tố mỹ thuật và kỹ thuật vừa sáng tạo, lại dung chứa một bản sắc độc đáo và triết lý sâu sắc.
Thang máy Sabeam tại Dinh Độc Lập xưa
Vào giữa những năm 1960, Dinh Độc Lập là một công trình xây dựng có quy mô lớn nhất ở miền Nam, hiện đại vào bậc nhất châu Á và kinh phí xây dựng khá tốn kém (tương đương trên 150.000 lượng vàng) cũng như mang tính công nghệ cao.
Hình ảnh Dinh Độc Lập vào những năm 1970
Dinh Độc Lập tọa lạc giữa bốn con đường, vị thế này là thuận lợi hiếm có về khung cảnh và tầm nhìn. Công trình được xây dựng trên trên diện tích 12ha, diện tích sàn 4.500m², diện tích sử dụng là 20.000m², chiều cao 26m. Dinh gồm 3 tầng chính, 2 tầng lửng, tầng nền, 2 tầng hầm và sân thượng có thể đón máy bay trực thăng. Hơn 100 phòng được thiết kế với công năng khác nhau: phòng khánh tiết, phòng họp nội các, phòng làm việc Tổng thống, Phó Tổng thống, phòng tiếp khách, phòng đại yến…
Phòng đại yến, nơi tổ chức các cuộc chiêu đãi với chứa hơn 100 khách. Ngày 31/10/1967 diễn ra bữa tiệc nhân lễ nhậm chức của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu và Phó Tổng thống Nguyễn Cao kỳ. Ảnh: Tư liệu
Ảnh phòng đại yến hiện nay.
Phòng khách của Tổng thống (nơi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu tiếp khách), ghế của Tổng thống được đặt cao hơn các ghế khác. Phía sau là tấm gỗ lớn tượng trưng cho quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa.
Phòng khách của Tổng thống hiện nay gần như vẫn giữ nguyên được hiện trạng.
Trang thiết bị trong dinh có thể nói là hiện đại nhất lúc bấy giờ, đủ để phục vụ thường xuyên hàng trăm người làm việc cũng như tổ chức lễ lạt quy tụ cả nghìn người. Các hệ thống điều hòa nhiệt độ, thang máy, thông tin liên lạc, nhà bếp và kho bãi có công suất phục vụ tương đương một khách sạn 5 sao loại lớn.
Theo các chuyên gia thang máy, thời điểm Dinh Độc Lập được xây dựng, công trình này đã được nhập khẩu 3 thang máy thương hiệu Sabeam của Ý để lắp đặt. Đây là hiệu thang máy nổi tiếng của quốc gia này, lúc đó vẫn còn điều khiển kiểu 2 tốc độ.
Sau này, Sabeam bán lại cho Tập đoàn Kone vào năm 1985, Kone tiếp tục sử dụng tên Sabeam cho đến những năm 1990. Còn với các thang máy của Sabeam tại Dinh Độc Lập giờ đây cũng đã được thay bằng thang mới, cửa tự động.
Hình ảnh một chiếc thang máy thủy lực hiệu Sabeam được lắp đặt tại thành phố Cagliari, Ý
Nhiều người cho rằng, khi đó thang máy Sabeam là nhờ mối quan hệ của hãng thang này với gia đình ông Ngô Đình Diệm, thông qua Tòa thánh Vatican – Trung tâm của Giáo hội Công giáo Rôma, nằm trong lòng thành phố Rome (Ý). Nhưng nhiều KTS cùng thời cho rằng, thông tin này hoàn toàn không có sức thuyết phục, khi đó KTS Ngô Viết Thụ được trao 150 ngàn lượng vàng và được toàn quyền.
Dinh Độc Lập chỉ 3 tầng, cao 26m nhưng ngay từ thời đấy, cách đây hơn 6 thập kỷ, thiết kế đã có thang máy đã chứng tỏ các KTS đã đánh giá cao vai trò của thang máy đối với các công trình hiện đại.
Ngày nay, khi công trình Dinh Độc Lập trở thành một di tích quốc gia đặc biệt, được đông đảo du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, và là nơi hội họp và tổ chức các sự kiện tầm quốc gia, các sự kiện vinh danh đóng góp cho đất nước của tập thể và cá nhân, tiếp khách các cấp lãnh đạo quốc gia và quốc tế,…
Hình ảnh Dinh Độc Lập hiện nay – 50 năm sau ngày toàn thắng
Kỳ 1: Chuyện ‘thâm cung bí sử’ về Dinh Norodom – Tiền thân của Dinh Độc lập
An Thanh
Thông tin mới cập nhật