TCTM – Tồn tại gần 160 năm giữa lòng Sài Gòn – TP.HCM với nhiều chuyển động của lịch sử, giai đoạn từ Dinh Norodom tới Dinh Độc Lập 1868-1966 cũng ẩn chứa nhiều câu chuyện mà ít ai biết đến…
Dinh Thống đốc ban đầu được làm bằng gỗ, nằm ở vị trí góc đường Taberd và đường Imperiale trong khuôn viên trường Frères des Écoles Chrétiennes (nay là Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa). Sau khi Thủy sư đô đốc La Grandière nhận chức Thống đốc Nam kỳ vào tháng 10/1863, người ta bắt đầu nghiên cứu và tìm kiếm một khu đất thích hợp để xây dựng một tòa dinh cho thống đốc. Một khu đất rộng 15 ha đã được chọn, nằm trên phần cao nhất của vùng Sài Gòn, trong đó phần mặt tiền tráng lệ nhìn ra phía đại lộ Norodom.
Cuộc thi thiết kế dinh được công bố trên tờ báo Courrier de Saigon (Thư tín Sài Gòn) ngày 5/2/1865, giải thưởng dành cho bản vẽ được chọn là 4.000 franc. Yêu cầu được đặt ra là công trình phải thể hiện được sự uy nghi của nhà cầm quyền. Khoản tiền thưởng rất lớn nhưng chỉ có 2 bản phác họa gửi đến. Cả 2 bản phác họa đều không đạt yêu cầu.
Cùng thời điểm đó, tại Hồng Kông cũng tổ chức một cuộc thi thiết kế Tòa thị chính và Achille-Antoine Hermitte, một kiến trúc sư (KTS) trẻ mang quốc tịch Pháp, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris đã đoạt giải.
Lúc này hai Chuẩn đô đốc Roze và Ohier đang ở Hồng Kông, khi biết tin đã đề xuất với Thống đốc La Grandière mời Hermitte thiết kế dinh mới. Sau khi xem qua bản phác họa của Hermitte, Thống đốc La Grandière rất hài lòng và đồng ý trả lương cho anh lên đến 36.000 franc/năm để chỉ huy công trình.
Dinh Norodom vào năm 1896. Ảnh: Tư liệu
Ngày 23/2/1868, Thống đốc Nam Kỳ La Grandière đã tiến hành buổi lễ động thổ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng dinh Thống đốc Nam Kỳ tại trung tâm Sài Gòn. Viên đá lịch sử do ông Pierre de La Grandière đặt là một khối đá hình vuông, mỗi cạnh rộng 50 cm lấy từ Biên Hòa, bên trong có lỗ giữ những đồng tiền đang dùng lúc bấy giờ bằng vàng, bạc và đồng có chạm hình nhà vua Napoléon Đệ tam.
Có giai thoại cho rằng, theo tín ngưỡng của người Pháp, đáng lẽ Grandière phải dùng cây thánh giá đặt lên viên đá động thổ. Tuy nhiên Grandière đã nghe lời tư vấn của một số thầy phong thủy Việt Nam đặt viên đá động thổ theo phong tục Việt. Tận dụng cơ hội đó, một thầy phong thủy đã trấn yểm viên đá động thổ này. Chính vì lẽ đó mà kể từ ngày động thổ cho đến năm 1975, tòa nhà này liên tiếp thay ngôi đổi chủ.
Chỉ 2 tháng sau khi khởi công, De La Grandière đã bị triệu hồi về Pháp bãi miễn chức Thống soái Nam Kỳ. Công trình xây dựng trải qua 5 nhiệm kỳ Thống soái. Đến năm 1875, khi Nam tước Dupré đang là Thống soái thì công trình mới tạm hoàn tất. Thống soái Dupré đặt tên dinh là Norodom (do mặt tiền của dinh nằm ngang đại lộ Norodom – tên một vị quốc vương Campuchia lúc bấy giờ – nay là đường Lê Duẩn). Chỉ vài tháng sau, Dupré cũng bị triệu hồi về nước.
Đề đốc De La Grandière cũng là người đã ký nghị định cho phép xây dựng Thảo Cầm Viên Sài Gòn với tên gọi đầu tiên là Vườn Bách Thảo
Theo giới trong nghề, Dinh Norodom lúc đó được coi là một công thự đẹp nhất ở Á Ðông. Mặt tiền rộng 80 m, phòng khách có thể chứa đến 800 người. Chung quanh là khu vườn rộng lớn trồng đủ loại cây cỏ của Việt Nam. Trước mặt dinh, dưới chân cột cờ người ta cho đặt một khẩu thần công kiểu cổ càng làm tăng thêm vẻ đẹp oai nghiêm cho công thự. Chi phí xây dựng dinh thời điểm đó lên đến hơn 4 triệu franc, do có nhiều nguyên vật liệu phải nhập từ Pháp.
Từ khi xây xong cho đến 1887, dinh được dành cho Thống đốc Nam kỳ ở (Gouverneur de la Cochinchine) nên còn gọi là Dinh Thống đốc. Đến 17/10/1887, Chính quyền Pháp quyết định lập định chế Toàn quyền Đông Dương (Gouverneur-général de l’Indochine Française). Dinh Thống đốc trở thành nơi ở của Toàn quyền Đông Dương (gọi là dinh Toàn quyền).
Từ năm 1900 Chính quyền Pháp ở Đông Dương đã tiến hành công cuộc xây dựng các cơ quan đầu não ở Hà Nội với mục đích biến Hà Nội thành Thủ đô của Liên bang Đông Dương. Trong nhiệm kỳ của mình (1897-1902), Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã quyết định chuyển Phủ Toàn quyền Đông Dương ra Hà Nội (nay là Phủ Chủ tịch).
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp và lấy Dinh Norodom làm bản doanh quân sự. Không đầy 5 tháng sau (Tháng 8/1945), Nhật đầu hàng quân Đồng Minh. Pháp tái chiếm Nam Bộ. Dinh Norodom trở thành trụ sở tổng hành dinh của viên tướng Pháp Paul Ely.
Sau năm 1954, theo tinh thần Hiệp định Genève 1954, người Pháp rút khỏi Việt Nam. Việt Nam bị chia cắt thành miền. Ngày 7/9/1954, Dinh Norodom được đại diện chính phủ Pháp – Ðại tướng Paul Ely bàn giao cho đại diện chính quyền Sài Gòn là Thủ tướng Ngô Ðình Diệm. Ông Ngô Ðình Diệm đã quyết định đổi tên thành Dinh Ðộc Lập.
Ngày 26/10/1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã truất phế Quốc trưởng Bảo Đại, thành lập chính quyền Việt Nam Cộng hòa và lên làm Tổng thống. Từ đó Dinh Ðộc Lập trở thành nơi ở của gia đình Ngô Ðình Diệm và là nơi chứng kiến nhiều biến cố chính trị. Theo thuật phong thủy, dinh được đặt ở vị trí đầu rồng, nên dinh cũng còn được gọi là Phủ đầu rồng.
Ngô Đình Diệm tiếp Phó Tổng thống Hoa Kỳ L. Johnson (hàng 3, áo vest đen) năm 1961 hội đàm tại Dinh Độc Lập
Ngày 27/02/1962, phe đảo chính đã cử hai viên phi công quân đội Sài Gòn là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc lái 2 máy bay AD6 ném bom làm sập toàn bộ phần chính cánh trái của Dinh Độc Lập. Do không thể khôi phục lại, Tổng thống Ngô Ðình Diệm đã cho san bằng và ngày 01/7/1962 khởi công xây dinh thự mới ngay trên nền đất cũ theo đồ án thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ – người Việt Nam đầu tiên đạt giải Khôi nguyên La Mã. Trong thời gian xây dựng Dinh mới, gia đình Tổng thống Ngô Ðình Diệm tạm thời chuyển sang sống tại Dinh Gia Long (hiện nay là Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh).
Dinh Độc Lập bị ném bom ngày 27/2/1962
Công trình đang xây dựng dở dang thì Ngô Ðình Diệm bị phe đảo chính giết chết ngày 02/11/1963. Sau cái chết của Ngô Đình Diệm, chính quyền Sài Gòn càng trở lên hỗn loạn, trong hai năm mà có tới hơn 10 cuộc đảo chính thanh trừng lẫn nhau.
Nguyễn Văn Thiệu (áo vest đen) và Nguyễn Cao Kỳ (Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương, Việt Nam Cộng hóa) cắt băng khánh thành Dinh Độc Lập ngày 31/10/1966
Ngày khánh thành Dinh 31/10/1966, người chủ tọa buổi lễ là Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Uỷ ban lãnh đạo quốc gia. Ngô Ðình Diệm là người khởi xướng xây dựng Dinh Ðộc Lập nhưng ông ta không được sống ở đây một ngày nào, mà người có thời gian sống ở Dinh thự này lâu nhất là Tổng thống Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu (từ tháng 10/1967 đến 21/4/1975).
Phần đầu của câu chuyện Dinh Độc Lập đã cho thấy phong thủy của tòa nhà có vấn đề, dù các nhà thiết kế, các thầy phong thủy cao tay vấn bấy giờ đã tìm cách trấn, yểm việc chiếc đinh ba (3 đại lộ) đâm thẳng vào Dinh này. Chúng ta sẽ đề cập tới vấn đề này sâu hơn trong kỳ 2…
Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975
An Thanh
Thông tin mới cập nhật