Công tác tại báo Kinh tế và Đô thị, nhiều năm tìm hiểu mảng đô thị, trong đó có lĩnh vực thang máy đã giúp tôi có cơ hội để tiếp xúc với nhiều chuyên gia, các nhà quản lý ngành nghề này. Với tư duy cần đánh giá khách quan các vấn đề nổi bật, trong loạt bài này, góc nhìn của tôi – một nhà báo, có thể sẽ khác với một số người liên quan đến lĩnh vực này.
Dinh toàn quyền Đông Dương tại Hà Nội chính là tòa nhà Việt Nam đầu tiên lắp đặt thang máy (1902), đó là chiếc thang Otis sản xuất tại Pháp. Nhưng trước năm 1975, thang máy chỉ xuất hiện ở phía Nam, không nhiều, chủ yếu nhập nguyên chiếc từ châu Âu, vận hành khá đơn giản. Sau năm 1975, phần thì do điều kiện kinh tế, phần thì do Việt Nam bị cấm vận nên thang máy cũng chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM chủ yếu tại các công sở, khách sạn, bệnh viện, sân bay, đa số nhập từ các nước XHCN.
Tháng 2/1994, hết cấm vận, kinh tế Việt Nam khởi sắc, tốc độ đô thị hóa nhanh, các hãng Mitsubishi, Otis, Kone… bắt đầu ồ ạt thâm nhập thị trường Việt Nam, bắt đầu từ Hà Nội, TP.HCM và lan dần ra các thành phố khác. Nhiều tòa văn phòng, khách sạn, siêu thị… tại các đô thị đã xuất hiện thang máy, thang cuốn và đây cũng là lúc những chiếc thang máy đầu tiên do Việt Nam sản xuất sau thời kỳ đổi mới (1986) được lắp ráp, tất nhiên các cụm linh kiện chính vẫn phải nhập khẩu.
Nhưng 15 năm sau (đến năm 2010) thì nghề kinh doanh, lắp đặt thang máy Việt Nam mới có cơ hội phát triển. Đây là thời điểm kinh tế Việt Nam khởi sắc (GDP đạt 104,6 tỷ USD) manh nha hình thành thị trường thang máy gia đình thì ngành thang máy Việt mới có những bước phát triển vượt bậc, hàng chục doanh nghiệp thang máy được thành lập, bắt đầu cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế.
Công bằng mà nói, ngoài vài thương hiệu có tên tuổi, phần lớn các doanh nghiệp thang máy khác chủ yếu tập trung vào việc nhập khẩu, nội địa hóa không đáng kể để cạnh tranh nhau thị phần thang máy gia đình. Đa số doanh nghiệp Việt chúng ta mới chỉ dừng ở việc chế tạo phần cơ khí: cụm cabin, cụm đối trọng, cánh cửa tầng và bo cửa, dầm đỡ máy dẫn động, các loại bản mã. Còn các bộ phận khác như máy dẫn động (bộ tời kéo), bộ khống chế vượt tốc, ray dẫn hướng, cáp tải, các loại nút ấn và các loại phụ kiện khác đều nhập ngoại.
Các doanh nghiệp thang máy Việt khó lòng cạnh tranh mảng thang máy các tòa nhà cao tầng, các công trình công cộng do không thể cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài về độ an toàn, chất lượng kỹ thuật và công nghệ mới. Các doanh nghiệp thang máy Việt chủ yếu hướng tới thị trường các loại thang có tốc độ từ 1.5 m/s trở xuống với tải trọng trung bình và bé, vận hành đơn hoặc vận hành nhóm dùng cho những tòa nhà thấp tầng. Họ ngậm ngùi “nhường sân” nhà cho “đội khách” chấp nhận làm “B phẩy” cho các đối tác.
Không đảm bảo được quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đơn giá lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng đã khiến cho các doanh nghiệp thang máy Việt không thể “mon men” tiếp cận các gói thầu lớn trên “sân nhà”.
Tiến sĩ, Giảng viên cao cấp Nguyễn Thị Thanh Tâm (Viện Lãnh đạo học và Hành chính công) cho rằng tình trạng “trăm hoa đua nở” theo kiểu “mạnh ai, nấy chạy” của các doanh nghiệp thang máy Việt giai đoạn này là ví dụ điển hình minh họa cho câu nói của tỷ phú người Mỹ Warren Buffett (sinh năm 1930) “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Thực tế cho thấy giai đoạn này, không xuất hiện nhiều doanh nghiệp thang máy Việt có dấu ấn trong cộng đồng.
Trao đổi với người viết bài, chuyên gia thang máy Hoa Văn Ngũ – Nguyên cán bộ giảng dạy khoa Cơ khí, trường Đại học Xây dựng Hà Nội – Nguyên trưởng ban kỹ thuật thang máy, thang cuốn Việt Nam cho biết, ngay từ 1996, ông đã phát hiện ra tình trạng các doanh nghiệp thang máy Việt cạnh tranh nội bộ, vấp chân nhau, cản trở sự phát triển của ngành thang máy.
Ông đã ấp ủ quy tụ những doanh nghiệp thang máy Việt để thống nhất, xây dựng chiến lược phát triển thang máy Việt nhưng vì nhiều lý do, khách quan có, chủ quan có, việc không thành.
Cuối năm 2020, nghĩa là phải mất 25 năm, sau ngày doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được chiếc thang máy đầu tiên thì những người kinh doanh, chế tạo, lắp đặt thang máy mới có cơ hội ngồi lại được với nhau trong “ngôi nhà VNEA”. Điều đáng mừng khi đây là cơ hội tốt để mọi người thống nhất “xúc tiến thương mại, đào tạo và thúc đẩy phát triển thang máy, thang cuốn”.
Tại thời điểm này Việt Nam có khoảng 300 doanh nghiệp trong lĩnh vực thang máy, 1.500 cá nhân, tổ chức có liên quan đến thang máy, tuy nhiên chủ yếu là các đơn vị hoạt động thương mại, trong khi doanh nghiệp sản xuất chỉ chiếm phần rất nhỏ.
Việc thống nhất được tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thang máy, thang cuốn đã trở thành vấn đề sống-còn của các doanh nghiệp thang máy Việt, bởi hơn ai hết “những người trong nhà” hiểu được, ngành thang máy khó lòng phát triển theo kiểu “mạnh ai, nấy chạy”. Điều quan trọng nhất là các thành viên của Hiệp hội sẽ chung tay xây dựng và ban hành quy tắc đạo đức trong hoạt động, một trong những tiêu chí quan trọng để phát triển ngành thang máy Việt Nam.
Thực tế cho thấy khi gia nhập VNEA, các thành viên đã tích cực đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về thang máy. Hiệp hội VNEA đã tiến hành nhiều hội nghị, tọa đàm nâng cao chất lượng an toàn thang máy và xây dựng cơ sở dữ liệu thang máy tại Việt Nam để tiến tới triển khai Chuyển đổi số trong thời gian tới.
Đứng trong “ngôi nhà VNEA” các thành viên của hiệp hội có điều kiện tập trung trí tuệ, tham mưu cơ quan chức năng hướng tới hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sử dụng thang máy.
Về đối ngoại, việc thành lập được hiệp hội thang máy giúp Việt Nam có đại diện tại Hiệp hội Thang máy, Thang cuốn Châu Á – Thái Bình Dương (PALEA), điều kiện để hội nhập quốc tế và mở rộng quan hệ với các đối tác nước ngoài. Thời điểm đó, Việt Nam đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn về thiết kế, lắp đặt thang máy, nhưng vẫn cần phải có thêm tiêu chuẩn, quy chuẩn trong quá trình sử dụng như quy định người nào được bảo trì thang máy, khi nào thay thế linh kiện định kỳ, định mức nhân sự.
Hơn ai hết, các chuyên gia, giám đốc các doanh nghiệp thang máy Việt hiểu được việc hài hòa các quy chuẩn, tiêu chuẩn thang máy trong khu vực sẽ góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực do sự khác biệt về yêu cầu kỹ thuật trong an toàn, thiết kế, sản xuất và lắp đặt các sản phẩm thang máy và thang cuốn giữa các quốc gia. Hoạt động này cũng sẽ góp phần gia tăng tính di động cho nhân lực lắp đặt và bảo trì thang máy giữa các nước trong khu vực, quốc tế.
Không phải đa phần các doanh nghiệp liên quan đến thang máy đều đã gia nhập VNEA nhưng việc các công ty lớn, những người có sự ảnh hưởng quan trọng đến ngành nghề này đã chủ động bắt tay cùng nhau hướng tới mục tiêu chung, chính là “nhân hòa”. Đây là điều mà nhiều người tâm huyết với ngành thang máy mong chờ, bởi lịch sử phát triển các ngành kinh tế cho thấy, nếu không cùng nhau xây dựng được chiến lược phát triển thì khó lòng có tiếng nói, có chỗ đứng trong quá trình đi lên của đất nước.
Tác giả: An Thanh
Thiết kế: Kim San