TCTM – Tại các quốc gia thường xuyên xảy ra động đất, hệ thống thang máy sẽ phải được thiết kế, lắp đặt tuân thủ nghiêm ngặt theo Tiêu chuẩn EN 81-77. Tại Nhật Bản, hệ thống thang máy sẽ được tích hợp Chế độ vận hành khi động đất dành cho thang máy (Earthquake emergency return).
Nằm trong khu vực có nguy cơ động đất, Việt Nam mỗi năm ghi nhận hàng trăm trận động đất trên khắp cả nước. Gần đây nhất là vụ việc ngày 28/3/2025 khi nhiều tòa nhà tại Hà Nội, TP HCM xảy ra hiện tượng rung lắc do ảnh hưởng từ trận động đất mạnh hơn 7 độ tại Myanmar.
May mắn thay, phần lớn các trận động đất tại Việt Nam đều có cường độ nhỏ và không gây thiệt hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho con người và tài sản, các công trình hạ tầng, bao gồm cả thang máy, vẫn cần được thiết kế và lắp đặt theo tiêu chuẩn chống động đất, giảm thiểu rủi ro trong trường hợp xảy ra chấn động mạnh.
Tại những khu vực có nguy cơ động đất cao như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ,… chính quyền đều áp dụng các quy chuẩn nghiêm ngặt về xây dựng, đảm bảo công trình có khả năng chịu được chấn động mạnh.
Riêng đối với thang máy, nhiều quốc gia cũng đặt ra các tiêu chuẩn an toàn riêng, yêu cầu hệ thống phải có cơ chế đảm bảo an toàn cho người sử dụng và giảm thiểu rủi ro khi xảy ra động đất.
Video ghi lại cảnh tòa nhà tại Thái Lan đổ sập do trận động đất mạnh hơn 7 độ tại Myanmar
Chẳng hạn như, vào năm 2007, Nhật Bản đã giới thiệu Chế độ vận hành khi động đất dành cho thang máy (Earthquake emergency return) và được tích hợp trong hầu hết các thang máy được lắp đặt tại quốc gia này.
Khi chế độ này được kích hoạt bởi cảm biến địa chấn phát hiện sóng sơ cấp và/hoặc sóng thứ cấp, tất cả các cabin sẽ dừng lại ở tầng gần nhất và mở cửa để tạo điều kiện cho hành khách sơ tán an toàn. Bộ điều khiển thang máy phải được thiết kế theo các yêu cầu của tiêu chuẩn áp dụng cho chế độ này.
Bảng điều khiển thang máy được gắn thêm nút “Earthquake” và “Seismic” (động đất) để kích hoạt chế độ vận hành khi xảy ra động đất
Bên cạnh đó, Tiêu chuẩn EN 81-77 cũng đưa ra những quy định đặc biệt và quy tắc an toàn cho thang máy chở khách và chở hàng trong điều kiện động đất, tương đương với Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6396-77:2015 yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt thang máy tại Việt Nam.
Trong đó, các biện pháp đối phó tiêu biểu để giảm thiểu thiệt hại cho hệ thống thang máy khi xảy ra động đất theo tiêu chuẩn bao gồm:
– Công tắc địa chấn sử dụng năng lượng địa chấn để kích hoạt các chức năng hữu ích
– Các biện pháp đối trọng như giá đỡ hộp, thanh giằng,…
– Thanh ray dẫn hướng có kích thước phù hợp
– Sử dụng thanh dẫn hướng con lăn
– Khung hỗ trợ kết cấu cho các tòa nhà cách ly địa chấn
– Các biện pháp bảo vệ khác như bảo vệ cáp, bảo vệ chống vướng, thiết bị giữ cabin,…
Ngoài các biệp pháp từ thiết kế và lắp đặt thang máy theo TCVN 6396-77:2015, cũng cần lưu ý đến việc bảo trì và thử nghiệm các tình huống nguy cấp để đảm bảo khi các sự cố thiên tai như động đất xảy ra, các tính năng an toàn của thang máy luôn được kích hoạt.
Hà Nội, TP.HCM: Nhiều tòa nhà rung lắc, người dân không dám đi thang máy
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật