TCTM – Sự gia tăng các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại và khu chung cư đã kéo theo nhu cầu cấp thiết về nhân sự cho vị trí vận hành tòa nhà. Trong đó, bộ phận kỹ thuật đóng vai trò then chốt, đảm bảo mọi hệ thống vận hành trơn tru và an toàn. Hãy cùng Tạp chí Thang máy khám phá những yêu cầu tuyển dụng và cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn trong lĩnh vực này.
Hoạt động vận hành mỗi tòa nhà đòi hỏi sự phối kết hợp giữa các bộ phận chuyên trách khác nhau. Trong đó, bộ phận kỹ thuật đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng: vận hành hệ thống, bảo trì, giám sát cải tạo, quản lý chất lượng dịch vụ kỹ thuật cũng như quản lý năng lượng.
Đội ngũ kỹ thuật có vai trò quan trọng, ảnh hưởng tới quá trình vận hành Tòa nhà, liên quan trực tiếp tới các giá trị, hình ảnh và lợi nhuận của dự án cũng như trải nghiệm của cư dân hay khách thuê.
Đội ngũ kỹ thuật tòa nhà thường bao gồm Kỹ sư trưởng và các kỹ thuật viên. Kỹ sư trưởng giám sát toàn bộ hoạt động, đảm bảo công việc vận hành, bảo trì diễn ra đúng, an toàn, chịu trách nhiệm quản lý hệ thống, lập kế hoạch chi phí, giải quyết sự cố và báo cáo cho Giám đốc quản lý hoặc Chủ đầu tư.
Các nhân viên kỹ thuật sẽ trực tiếp kiểm tra máy móc và thiết bị, thực hiện bảo trì bảo dưỡng, sửa chữa hay nâng cấp theo sự phân công của Kỹ sư trưởng. Đặc biệt, đối với các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại hay chung cư có lắp đặt thang máy, thang cuốn thì bộ phận kỹ thuật tòa nhà/vận hành tòa nhà cần có tối thiểu 01 người chịu trách nhiệm vận hành thang máy.
Nhân viên quản lý vận hành thang máy là người thực hiện nhiệm vụ quản lý vận hành, kiểm tra, nhận diện, thực hiện cứu hộ khẩn cấp tại những nơi có sử dụng thang máy.
Theo yêu cầu của Mục 3.4.4. của QCVN 02:2019/BLĐTBXH, tổ chức, cá nhân quản lý thang máy được lắp đặt tại các căn hộ chung cư, các tòa nhà văn phòng, tòa nhà trung tâm thương mại, bệnh viện, khách sạn, nhà máy sản xuất, khu vực công cộng (như sân bay, nhà ga…) phải phân công tối thiểu 01 người chịu trách nhiệm vận hành thang máy, người này phải được huấn luyện về an toàn vận hành thang máy và phương án xử lý các tình huống sự cố liên quan đến thang máy.
Một số công việc chính của bộ phận kỹ thuật tòa nhà như sau:
Hệ thống cơ điện Tòa nhà bao gồm hệ thống máy lạnh, thông gió, phòng cháy chữa cháy (PCCC), hệ thống cung cấp nguồn điện dự phòng, hệ thống bơm nước, hệ thống đèn và các thiết bị điện khác.
Kỹ thuật viên chịu trách nhiệm lập danh mục, phân loại và theo dõi tình trạng thiết bị, máy móc trong tòa nhà. Họ cần phải kiểm tra hàng ngày để duy trì hệ thống ở trạng thái an toàn và hoạt động tốt cũng như kịp thời khắc phục các sự cố phát sinh nếu có.
Để đảm bảo hệ thống vận hành bền vững và lâu dài, đội ngũ kỹ thuật sẽ thực hiện khảo sát định kỳ tình trạng hoạt động, chủ động đặt hàng các thiết bị, vật liệu cần sửa chữa, thay thế hoặc báo cáo để thuê các đơn vị sửa chữa chuyên nghiệp đối với các hạng mục phức tạp như thang máy, trạm điện hoặc hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Kế hoạch bảo trì sẽ được xây dựng và thực hiện định kỳ hàng năm dựa trên các tài liệu, hướng dẫn và tình hình hoạt động thực tế của dự án để có những đánh giá và phân bổ thời gian cũng như ngân sách bảo trì phù hợp. Cụ thể, các tiêu chí tham khảo xây dựng kế hoạch bảo trì bao gồm:
– Quy định do cơ quan quản lý đề ra
– Hướng dẫn từ nhà sản xuất hoặc đơn vị lắp đặt
– Đặc thù hệ thống kỹ thuật
– Các tiêu chuẩn định mức tiêu hao vật tư, phụ tùng thay thế cần mua bổ sung
Chẳng hạn như, đối với hệ thống thang máy, Phụ lục B của TCCS 01:2023/VNEA về Yêu cầu An toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy có đưa ra Khuyến cáo tuổi thọ thiết bị hao mòn nhanh của thang máy để làm căn cứ xây dựng kế hoạch sửa chữa phòng ngừa thang máy.
Ngoải ra, Phụ lục C của TCCS 01:2023/VNEA cũng đưa ra Khuyến cáo tuổi thọ các thiết bị chính của thang máy để làm căn cứ xây dựng kế hoạch sửa chữa lớn. hiện đại hóa thang máy.
Chi tiết TCCS 01:2023/VNEA – Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy tại:
Trong quá trình vận hành, các hệ thống kỹ thuật của tòa nhà chắc chắn sẽ gặp phải những hư hỏng, sự cố. Nhân viên kỹ thuật có nhiệm vụ xử lý và giải quyết những vấn đề này để đảm bảo cuộc sống của cư dân trong tòa nhà.
Một vài sự cố kỹ thuật thường xảy ra là: mất điện, mất nước, hệ thống PCCC gặp sự cố… Riêng với các tòa nhà có lắp đặt thang máy, nhân viên kỹ thuật tòa nhà chịu trách nhiệm quản lý vận hành thang máy cần phải xử lý các sự cố đặc biệt khác như kẹt thang máy, cứu hộ thang máy khẩn cấp,…
Nhiều trường hợp cho thấy, đội ngũ kỹm thuật thực hiện cứu hộ thang máy không đúng kỹ thuật đã gây ra những sự cố cực kỳ nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sự an toàn của người sử dụng.
Ngoài ra, đội ngũ kỹ thuật tòa nhà có trách nhiệm giám sát và can thiệp vào công tác thiết kế, thi công của các đơn vị do khách hàng thuê, đảm bảo hoạt động diễn ra dưới sự kiểm soát chuyên môn, tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, cư dân, khách thuê và hệ thống tòa nhà.
Đội ngũ kỹ thuật, đứng đầu là Kỹ sư trưởng, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp dịch vụ bên ngoài như thang máy, điện, PCCC để đảm bảo chất lượng dịch vụ, bao gồm kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành công việc theo kế hoạch, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy định an toàn.
Ví dụ, hệ thống thang máy là một trong những hệ thống thường được các Chủ đầu tư thuê nhà cung cấp ngoài do đây là hệ thống đặc thù, yêu cầu nhân lực có chuyên môn riêng để lắp đặt và sửa chữa. Đội ngũ kỹ thuật tòa nhà sẽ trực tiếp làm việc với đơn vị cung cấp dịch vụ thang máy, giám sát và nghiệm thu chất lượng công việc.
Theo khảo sát trên một số trang tin tuyển dụng, mức lương của kỹ thuật viên tòa nhà thường dao động 7 đến 10 triệu đồng/tháng tùy thuộc vào kinh nghiệm, kỹ năng và hiệu quả công việc. Theo đó, mức lương này được đánh giá là khá ổn định đối với những người làm công việc liên quan đến kỹ thuật.
Để có mức lương tốt và cơ hội phát triển nghề nghiệp lên các vị trí cao hơn, kỹ thuật viên cần liên tục bổ sung kiến thức và kỹ năng; tham gia các khóa đào tạo và cấp chứng chỉ chuyên sâu,… Đối với các vị trí kỹ sư trưởng mức lương trung bình sẽ rơi vào 20 triệu đồng, khoảng lương phổ biến từ 12 – 26 triệu đồng.
Kỹ thuật tòa nhà là công việc đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm và sự cẩn thận. Các kỹ thuật viên cần có kiến thức tổng hợp về điện, điện tử, cấp thoát nước,… Đồng thời, hiểu biết về kết cấu, vật liệu và các hệ thống kỹ thuật trong tòa nhà như hệ thống điện, nước, điều hòa không khí, thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy,… để có thể đánh giá chính xác vấn đề phát sinh và xử lý đúng tiêu chuẩn.
Đối với người chịu trách nhiệm vận hành thang máy tòa nhà, theo khoản 8.1.2 thuộc Điều 8 Yêu cầu về trình độ nhân sự kỹ thuật thang máy của TCCS 01:2023/VNEA – Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy quy định:
“Nhân viên vận hành thang máy hoặc người chịu trách nhiệm về vận hành thang máy của chủ sở hữu thang máy phải được đào tạo nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo theo các chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn nghề nghiệp quốc gia (nếu có) hoặc tiêu chuẩn nghề nghiệp của Hiệp hội Thang máy Việt Nam”.
Ngoài ra, khoản 8.1.3 của TCCS 01:2023/VNEA cũng quy định: “Trình độ chuyên môn mà nhân viên vận hành thang máy đạt được trong quá trình đào tạo được xác nhận bằng một văn bằng thích hợp (chứng chỉ, chứng nhận đủ điều kiện, chứng chỉ năng lực…).”
Để được cấp Chứng chỉ Đào tạo Quản lý Vận hành Thang máy, bạn cần tham gia Khóa Đào tạo Nhân viên Quản lý Vận hành Thang máy tại Trung tâm Đào tạo Thang máy của Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy (trực thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam) phối hợp với Đại học Thang máy Hàn Quốc và Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội phối hợp đào tạo và cấp chứng chỉ.
Thời gian đào tạo kéo dài 75 giờ với các nội dung lý thuyết và thực hành liên quan tới một số nội dung như: Kỹ năng lập kế hoạch, quản trị; Quy chuẩn, tiêu chuẩn về vận hành thang máy; Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của thang máy; Kiểm tra và vận hành thang máy; Cứu hộ khẩn cấp,…
Thông báo tuyển sinh đào tạo Kỹ thuật viên thang máy và Quản lý vận hành thang máy
Đức Minh
Thông tin mới cập nhật